Bảo vệ tạo 'kịch bản' để đồng bọn trộm của công ty
Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết đã xác định được thủ phạm vụ trộm cắp tài sản tại Công ty KANESHIRO (KCN Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ)
Trước đó, lúc 20h ngày 8/11, trong lúc nhậu nhẹt, Trần Văn Lượng (28 tuổi, ngụ phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), Nguyễn Văn Giáp (24 tuổi) và Nguyễn Văn Cường (29 tuổi) cùng ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, bàn bạc lấy trộm tài của Công ty KANESHIRO - nơi Lượng làm bảo vệ.
Các đối tượng đã tạo một “kịch bản” giả bằng cách Lượng bị Cường đánh ngất xỉu trước camera quan sát của công ty. Sau đó Cường và Giáp vào kho sản xuất, kho cơ khí của Công ty ANESHIRO lấy trộm 1 máy khoan cầm tay, 2 máy cắt, 2 mô tơ, 2 cây Inox, 2 cục nam châm, 1 ống sắt và một số chìa khóa vặn ốc…
Nhận được tin báo, Công an quận Ô Môn nhanh chóng xác minh vụ việc và mời các đối tượng đến làm việc. Bước đầu các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội. Cơ quan CSĐT Công an quận Ô Môn cho gia đình bảo lãnh các đối tượng để tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật
-------------------------
Hà Tĩnh: Khởi tố đối tượng lừa đảo hàng tỷ đồng
Ngày 14/11, Phó trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - Thượng tá Nguyễn Quang Thành cho biết, cơ quan này tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, trú tại thị trấn Nghi Xuân, Nghi Xuân - là giáo viên Trường THPT Nguyễn Du) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo.
Trước đó, Công an huyện Nghi Xuân nhận được đơn thư tố cáo của nhiều người dân về việc cô giáo Nguyễn Thị Mai lợi dụng quen biết đã vay tiền của nhiều người trong đó có phụ huynh, đồng nghiệp, bạn bè… với lý do là để làm nhà ở, để em trai đi xuất khẩu lao động, cho anh trai làm công trình… với số tiền lớn nhưng không trả. Công an huyện Nghi Xuân cho biết, theo đơn thư trình báo các bị hại thì Mai chiếm đoạt số tiền của nhiều người lên đến hơn 2 tỷ đồng, các nạn nhân như: Phạm Thị Anh Đ 1,05 tỷ đồng, chị Phạm Thị M (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) 460 triệu đồng, bà Nguyễn Thị T (xã Cương Gián, Nghi Xuân) 165 triệu đồng, chị Hoàng Thị H 220 triệu đồng…
-------------------------
Nạn trộm cắp, nghiện ma túy lộng hành trên xe buýt và nhà chờ
Hiện TP HCM có khoảng 3.400 tài xế xe buýt đảm trách hoạt động của gần 3.000 đầu xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại khoảng 6-7% người dân. Theo quy hoạch, đến năm 2017, TP sẽ đầu tư mới 1.680 xe buýt và đang nghiên cứu đầu tư 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) với tổng vốn hơn 3.200 tỷ đồng.
Các băng nhóm trộm cắp thường trà trộn trên các tuyến xe buýt đông khách như bến xe Miền Đông - bến xe Miền Tây, tuyến xe buýt đến các bệnh viện như Từ Dũ, Ung Bướu, Chợ Rẫy và du lịch Suối Tiên, Đầm Sen, Đại Nam, Đại học quốc gia TP HCM, An Sương, Chợ Lớn… Lợi dụng những chuyến xe buýt chật chội, đông người và hành khách từ các tỉnh đến thăm thân, khám bệnh… luôn lỉnh kỉnh “tay xách, nách mang” các đối tượng “hai ngón” rạch túi, móc bóp chôm tiền và điện thoại rất dễ dàng.
Anh Thái Văn Cảnh - công nhân KCN Sóng Thần kể lại: "Trên chuyến xe buýt về theo QL13, gần Bình Triệu chỉ một cú dằn xốc mạnh do xe thắng gấp, chiếc điện thoại trên 5 triệu của tôi biến mất khỏi túi quần. Quay lại nhìn, một thanh niên bặm trợn đứng bên cạnh nhìn tôi trừng trừng như thách thức. Tài xế và phụ xe không lạ gì bọn đạo chích này, nhưng không ai dám can thiệp, kể cả hành khách đi cùng phát hiện. Bọn liều lĩnh này sẵn sàng giơ kim tiêm bơm máu đe dọa, hoặc gọi băng nhóm bảo kê “xã hội đen” đến dằn mặt. Ai cũng sợ nên đạo tặc càng lộng hành hơn".
Sinh viên Nguyễn Thụy Anh Thư – ĐHQG đi xe buýt lên trường mỗi ngày cho biết thêm, có lần 2 phụ nữ bịt khẩu trang đứng cạnh hai bên, móc ví em lấy tiền ngay trước mắt, em la lên và túm lấy thì chúng chống trả quyết liệt. Một người gọi bọn mặt rô đến… may có CSGT nên cả bọn liền bỏ chạy
-------------------------
Người dân lại chặn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Ngày 14/11, người dân xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã mang cây tre ra chặn ngang một làn đường trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến việc lưu thông qua đây bị ngưng trệ.
Mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã có mặt và giải thích cho người dân hiểu để tháo dỡ nhưng nhiều lái xe cho biết chỉ chưa đầy 1 giờ sau, sự việc lại tái diễn.
Chiều tối cùng ngày, một lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết do người dân bức xúc việc đền bù giải phóng mặt bằng bổ sung ở đoạn đường qua đây không thỏa đáng. Trong ngày 14-11, một hộ gia đình đã mang gậy gộc ra chặn đường để đòi tiền bổ sung việc lấy đất làm kênh thoát nước. Sau khi ban giải phóng mặt bằng địa phương tới giải thích và ứng tiền đền bù, hộ dân này đã cam kết không tái phạm. Việc đi lại trên tuyến đường đã trở lại bình thường.
Trước đây cũng đã xảy ra chuyện người dân chặn đường trên tuyến cao tốc này để phản đối việc bồi thường, giải phóng mặt bằng không hợp lý. Sau đó, chính quyền địa phương và VEC phải vào cuộc xử lý thì tuyến đường mới được lưu thông trở lại.
------------------------
Hà Nội: Người đi bộ ngỡ ngàng khi bị phạt tiền ở đường trên cao
Đội CSGT, Trật tự và Phản ứng nhanh - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chỉ trong 7 ngày đã xử lý 33 trường hợp người đi bộ đi vào đường cấm tại tuyến đường vành đai III trên cao, xử phạt 100.000 đồng/người.
Mặc dù đã có biển báo cấm người đi bộ, xe đạp và xe máy không được đi vào đường vành đai III trên cao, tuy nhiên thời gian qua rất nhiều người đã “phớt lờ” biển cấm, cố tình đi lên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, bởi tuyến đường này chỉ dành riêng cho ô tô đi với tốc độ khá lớn.
Chiều 14/11, theo ghi nhận tại tất cả các vị trí đường dẫn lên xuống ở đường vành đai III trên cao thuộc địa bàn quân Thanh Xuân (Hà Nội) đều có lực lượng chức năng cắm chốt, nhằm ngăn chặn người đi bộ, xe máy và xe đạp đi vào tuyến đường này. Nhiều trường hợp cố tình đã bị lực lượng chức năng tiến hành xử lý.
Theo quan sát, rất nhiều người đi bộ và người đi xe máy vẫn “vô tư” đi vào đường chỉ dành riêng cho ô tô này. Khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, nhiều người đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên cũng có trường hợp thấy bóng dáng lực lượng chức năng là vội vã bỏ chạy.
Đại úy Hoàng Điệp - Công an phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân - Hà Nội) - cho biết: “Biển cấm đã có nhưng nhiều người đi bộ tỏ ra vẫn chưa biết qui định này, chúng tôi vừa xử lý, nhưng chủ yếu là nhắc nhở. Người đi bộ vi phạm chủ yếu là người dân ngoại tỉnh như lao động tự do, học sinh, sinh viên… Họ lên đó là để đón xe về quê. Nhưng cũng có người sống ở địa bàn này, nhà họ gần đây nên họ nghĩ lên đó đón xe cho tiện...”.
Em Đinh Văn Quyết (SN 1996), quê Hà Nam, khi bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vì lỗi cố tình đi vào đường cấm, bị tạm giữ chứng minh thư nhân dân, mức phạt 100.000 đồng, vẫn còn tỏ ra rất ngỡ ngàng: “Em thấy rất bất ngờ, em chưa biết tới qui định này, tại nhiều lần đi em không quan sát biển cấm. Qua lần này em sẽ rất nhớ và không bao giờ tái phạm nữa”.
Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Nguyễn Thắng Toàn - Đội phó Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân) cho biết: Thực hiện kế hoạch 471/KH-CAHN-PV11-PC67 ngày 28/10/2014 của Công an TP Hà Nội về việc “Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tuyến đường vành đai III trên cao”. Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với đội CSGT số 7, các phường sở tại nơi có các đường dẫn lên xuống để tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông tại tuyến đường này.
Thiếu tá Nguyễn Thắng Toàn cho biết: “Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 6 điểm lên xuống tuyến đường vành đai III trên cao. Bắt đầu từ 1/11/2014, chúng tôi tăng cường kiểm soát, phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tuyên truyền nhắc nhở và đã xử lý nhiều trường hợp là người đi xe máy, xe đạp và người đi bộ đi vào tuyến đường cấm này. Từ ngày 5/11 - 12/11/2014, chúng tôi đã xử phạt hành chính 33 trường hợp người đi bộ, mỗi trường hợp là 100.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe máy chúng tôi cũng xử lý tương đối nhiều”.
Thiếu tá Toàn thông tin thêm, người đi bộ khi vi phạm nếu bị xử lý sẽ tiến hành lập biên bản và tạm giữ chứng minh thư nhân dân. Sau đó hướng dẫn họ về kho bạc nộp phạt, mới được nhận lại chứng minh thư. Mức phạt áp dụng cho người đi bộ là 100.000 đồng/ người, xe máy là 300.000 đồng/xe và tước giấy phép lái xe 1 tháng.
“Chúng tôi tăng cường đến hết 31/12/2014, sau đó vẫn tiếp tục duy trì. Lực lượng chức năng của chúng tôi sẽ cắm chốt tại các vị trí đó từ 6h – 24h hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức viết bài tuyên truyền qui định này gửi tới các phường sở tại để đọc lên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, chúng tôi còn gửi về các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân để các học sinh, sinh viên nắm được. Đối với sinh viên bị xử lý, chúng tôi cũng sẽ gửi giấy tới tận trường sinh viên đó theo học” - Thiếu tá Toàn nói.
--------------------------