87% nạn nhân bạo lực gia đình không nhờ chính quyền giúp
2/3 phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Tuy nhiên hầu hết đều không tìm đến sự trợ giúp của các dịch vụ công, trừ những vụ nghiêm trọng, xử lý hình sự.
Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về khoảng trống trong việc thực thi chính sách với người bị bạo lực giới diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (3-4/12). Những số liệu quốc gia công bố gần đây cho thấy gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em nữ.
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, 87% nạn nhân bạo lực gia đình không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền, dịch vụ chính thống. Điều đó cho thấy mức độ tin tưởng vào hệ thống tư pháp không cung cấp cho họ sự đảm bảo, giải pháp giúp đỡ. Trong số người tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát thì chỉ 12% có được các hình thức xử tại tòa hình sự, 60% về hòa giải.
"Việt Nam có Luật phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007, tuy nhiên khuôn khổ pháp chế hiện nay chưa cấm toàn diện, hình sự hóa các hình thức bạo lực với phụ nữ. Nhiều chính sách phát luật tốt nhưng triển khai chưa đáp ứng thực tiễn", bà Shoko nói.
Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam được công bố gần đây với sự tham gia của 900 phụ nữ bị ảnh hưởng cho thấy thực trạng tương tự. Theo đó, 43% các vụ bạo lực gia đình được báo cáo cho công an. Có đến 54% người bị bạo lực gia đình nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an là chưa nghiêm minh. Chỉ có 8% nạn nhân được cán bộ tư pháp, pháp lý trợ giúp.
Thậm chí, chỉ có 37% người được phỏng vấn cho rằng bạo lực gia đình là một dạng tội phạm, đa phần cho đây là hành vi sai nhưng không phải là tội phạm. 77% vụ việc được hòa giải không đạt kết quả mong đợi và bạo lực vẫn tiếp diễn. 66% không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng. 90% phụ nữ bị bạo lực cho biết họ bị trầm cảm, sợ hãi, hoảng loạng và mất ngủ do bạo lực gia đình.
Ông Đinh Minh Thông, Phó trưởng công an thị trấn Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình) thừa nhận việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình hiện còn gặp nhiều khó khăn. Người bị bạo lực che giấu, đôi khi không cung cấp thông tin đầy đủ. Bên cạnh đó, hầu hết gia đình có bạo lực ở nông thôn, người chồng thường không kiếm ra tiền, rượu chè tối ngày. Vì thế, khi bị phạt tiền, người vợ phải mang tiền đi nộp. Nhiều người bị bạo lực tiếc tiền nên không báo cáo vụ việc. Ông Thông kiến nghị nên áp dụng biện pháp khác như lao động công ích, thay cho xử phạt hành chính trong một số trường hợp.
Bà Lê Hoa, Phó trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, thông tin về hiện trạng bạo lực giới ở Việt Nam thực sự gây sốc. Hậu quả để lại với phụ nữ về kinh tế, tinh thần, ghê gớm hơn rất nhiều những con số được công bố. Công cuộc phòng chống bạo lực giới vô cùng thách thức.
"Thế hệ chúng tôi được nuôi dạy và lớn lên với niềm tin rằng nam giới là phái mạnh, có quyền làm những hành vi bạo lực với nữ giới. Ngược lại phụ nữ chúng tôi tin rằng những việc như thế là bình thương, là một phần của cuộc sống. Nguy hiểm hơn khi xã hội không cho rằng đấy là hành vi tội phạm", bà Hoa nhấn mạnh.
-------------------------
Hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải
Sáng 4.12, lãnh đạo TAND tỉnh Long An đã đồng ý hoãn thi hành án tử hình đối với bị án Hồ Duy Hải (dự kiến diễn ra vào 5.12). Quyết định này đưa ra trên cơ sở ý kiến đề nghị của gia đình bị án Hồ Duy Hải.
Trước đó, cũng trong sáng 4.12, em ruột và dì ruột của Hồ Duy Hải là chị Hồ Thị Thu Thủy và bà Nguyễn Thị Rưởi đã có đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Đơn nêu rõ: Đề nghị ông Lê Quang Hùng (Phó Chánh án TAND tỉnh Long An-PV) hoãn thi hành án đối với bản án Hồ Duy Hải vào ngày 5.12.2014 để gia đình có thời gian kêu oan cho Hồ Duy Hải.
Trên cơ sở đơn đề nghị này, lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Long An - cụ thể là ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã ghi vào đơn và có đóng dấu xác nhận của Tòa án nhân dân tỉnh Long An khẳng định: "Lãnh đạo TAND tỉnh Long An đồng ý theo yêu cầu của gia đình bị án Hồ Duy Hải, hoãn thi hành án tử hình ngày 5.12.2014". Như vậy, với việc xác nhận này, bị án Hồ Duy Hải đã được hoãn phải thi hành án tử hình.
Trước đó, báo Lao Động có loạt bài viết phân tích và nêu rõ những điểm còn nghi ngờ, những mâu thuẫn, khuất tất của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đánh giá chứng cứ, buộc tội bị án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi. Trong ngày 3.12, báo tiếp tục có bài phản ánh về những bất cập trong đánh giá chứng cứ của vụ án này.
Ngay trong ngày báo phát hành, trong cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, cử tri Nguyễn Hữu Vạn (phường Bến Thành, TP. Hồ Chí Minh) đã đem bài báo ra kiến nghị với Chủ tịch Nước. "Báo Lao Động có loạt bài viết về những điểm còn nghi ngờ, khuất tất trong vụ án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi, luật sư Trần Văn Tạo - nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM đã viết thư gửi Chủ tịch Nước đề nghị Chủ tịch Nước chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ vụ việc. Nay tôi trình bày lại vụ việc này, với lòng thương xót cho một người thanh niên trẻ, có thể đã chịu nỗi oan khuất. Tôi kính mong Chủ tịch Nước xem xét lại vụ việc để tránh oan sai”, ông Vạn nói.
Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cam kết: Khi phát hiện án oan sai sẽ đeo đuổi đến cùng và xử đến nơi đến chốn.
-------------------------
Biệt thự 400 m2 giá thuê 500.000 đồng/tháng
Biệt thự 12 Nguyễn Chánh Nghĩa của cựu Chủ tịch TP.Hà Nội rộng 400 m2 với giá thuê chỉ gần 500.000 đồng/tháng dù đã hết hạn từ năm 2007 nhưng không hề gia hạn, ký lại hợp đồng.
Hợp đồng thuê nhà ở số 12631 ký ngày 20/7/2001 của công ty Kinh doanh nhà số 2 (nay là công ty QL&PT nhà Hà Nội) với ông Hoàng Văn Nghiên, chủ hợp đồng thuê nhà, cho thấy hợp đồng gốc đã hết hạn từ 20/7/2007.
Qua hồ sơ thể hiện: Ban đầu, ông Nghiên được thành phố cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trong thời hạn 3 năm (20/7/2001-20/7/2004). Diện tích nhà được thuê là 185,6 m2 nhà / 410,9m2 đất. Hợp đồng này ghi rõ, ông Nghiên chỉ phải trả tiền thuê nhà, không phải trả tiền thuê đất, với giá thuê ưu đãi là: 2.476 đồng/m2/tháng. Tổng số tiền ông Nghiên phải trả để thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ có 459.688 đồng/tháng.
Trước đó, năm 2013 Sở Xây dựng đã bút phê đề nghị trong thời gian tiếp tục tìm nhà cho ông Nghiên thì ký lại hợp đồng, để cựu Chủ tịch thành phố thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Một Phó giám đốc Cty QL&PT Nhà Hà Nội cho biết: Hợp đồng của ông Nghiên đã hết hạn từ ngày 20/7/2007. Từ đó đến nay, tuy là Phó giám đốc công ty phụ trách lĩnh vực này, ông cũng không hề biết gì về việc tiếp tục có gia hạn, ký lại hợp đồng cho ông Nghiên hay không.
“Từ đó đến nay cũng lâu rồi. Không ai nói lại chuyện này với tôi nữa. Cũng không ai nhắc hay giao việc gì liên quan đến nhà ông Nghiên cho tôi”, vị Phó giám đốc cho hay. Có thể ông Nghiên là một trường hợp đặc biệt. Với trường hợp như vậy thì có thể có một thủ tục đặc biệt, giao cho một ai đó thụ lý hồ sơ của ông ấy chăng?
Dẫu biết rằng, trong cái lý cũng có một tý cái tình. Và có thể có tình hơn vì ông Nghiên một thời là Chủ tịch thành phố, chắc sẽ để lại những ân tình, ân nghĩa và có cả sự nể nang còn lại. Câu hỏi đặt ra là: “Vì sao năm 2013 sở Xây dựng lại đề xuất cho ông Nghiên tiếp tục thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa? Và đề xuất cho thuê lại đó có dẫn đến sai phạm...”.
Vấn đề này, bên hành lang kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đang diễn ra, trong hai ngày 2 và 3/12, các phóng viên đã hỏi ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, một số vị lãnh đạo thành phố, nhưng đều nhận được cái lắc đầu ái ngại...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Thành phố không bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Thành phố đang thực hiện nghiêm túc các kết luận liên quan đến căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Thứ nhất là không được phép bán căn biệt thự này. Thứ hai là phải lo chế độ nhà ở cho ông Nghiên. Tuy nhiên việc này làm sao phải đảm bảo phù hợp với luật pháp, với chế độ chính sách cán bộ…
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Pháp luật quy định rõ, vấn đề là thực thi
Liên quan đến việc thu hồi căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa đã kéo dài 8 năm, ông Nam nói: Giải quyết sự việc này phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Tôi khẳng định các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, quy định về đối tượng chính sách cũng đã khá đầy đủ.
Vấn đề nằm ở các cơ quan thực thi pháp luật mà cụ thể là thành phố Hà Nội sẽ áp dụng pháp luật ra sao thôi. Tôi nghĩ rằng việc này không quá khó vì pháp luật đã quy định rất rõ rồi.
Nghị định 34/2013 đã quy định khá cụ thể các trường hợp. Tuy nhiên, ở đây khi xét trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên thì phải tính đến những đóng góp tích cực của bản thân ông Nghiên trong thời kỳ làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để ứng xử cho phù hợp.
Theo ông Nam, sau khi nghỉ hưu, ông Nghiên không thuộc đối tượng được ở nhà công vụ nhưng nếu có khó khăn về nhà ở thì vẫn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện trong khả năng cho phép.
Cụ thể quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý mà còn thì ông Nghiên vẫn được quyền thuê nhà như những công dân bình thường khác. Như tôi biết hiện nay rất nhiều người dân vẫn đang đi thuê nhà thuộc sở hữu của nhà nước. Quỹ nhà bán theo Nghị định 61 trước đây vẫn chưa bán hết, nhiều người vẫn đang thuê.
----------------------------
120 máy đo nồng độ cồn xử lý tài xế say xỉn
Ủy ban ATGT vừa công bố kế hoạch tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên toàn quốc bằng máy đo nồng độ cồn mới nhân dịp cuối năm.
Trả lời báo chí chiều 3/12, ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) cho hay, việc tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sẽ bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 15/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015.
Ông Hùng cũng cho biết, 5 tỉnh đã được cấp 120 máy đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế (với giá 1.055 USD).
“Thiết bị này có khả năng phát hiện và đo chính xác nồng độ cồn chỉ trong một hơi thở sâu. Điều này rút ngắn thời gian kiểm tra so với các thiết bị trước đó”, ông Hùng nói.
Để đảm bảo kế hoạch được triển khai trên diện rộng khắp cả nước Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt sẽ phối hợp với Ủy ban ATGT, Học viện Cảnh sát tổ chức tập huấn công an, cảnh sát giao thông địa phương về phương án tuần tra, kiểm soát sử dụng thiết bị mới.
Ủy ban ATGT nhấn mạnh, các trung tâm ăn uống, giải trí ở các thành phố, đô thị cần bố trí địa điểm trong giữ xe qua đêm cho khách, đồng thời kết nối với các phương tiện giao thông dịch vụ như taxi, xe ôm để đưa người sử dụng rượu bia về nhà để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, việc xử lý nồng độ cồn luôn nằm trong kế hoạch của Bộ Công an, bởi lẽ người uống rượu bia là hiểm họa không chỉ trực tiếp gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến người khác do không làm chủ được hành vi và chống đối lực lượng thực thi công vụ.
Trước đó, Bộ Công an cùng với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tiến hành tổ chức thí điểm kiểm tra xử lý nồng độ cồn tại 8 địa phương và đến nay đã có kết quả tích cực.
Sắp tới, Bộ Công an sẽ huy động tất cả các lực lượng để đảm bảo công tác an toàn giao thông, trong đó có cả lực lượng công an xã cũng tham gia vào kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm uống rượu, bia.
----------------------------
Nhức nhối nạn tảo hôn ở đồng bằng sông Cửu Long
Phát hiện con nhỡ "ăn trái cấm" nhiều bậc cha mẹ "chữa cháy" bằng cách vun vén cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng dù con chưa đủ tuổi.
Thời gian gần đây, tại các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hầu hết các vụ án, phần lớn do cha mẹ lo mưu sinh, ít dành thời gian quan tâm con gái.
Khi phát hiện con trẻ lỡ “ăn trái cấm”, nhiều gia đình “chữa cháy” bằng cách vun vén cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng, dù biết việc làm này là trái pháp luật. Chuyện “tảo hôn” đã và đang xảy ra tại nhiều vùng nông thôn ở ĐBSCL, gây ra nhiều hệ lụy…
Trong năm 2014, trên địa bàn huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) xảy ra nhiều trường hợp kết hôn chưa đủ tuổi. Vợ chồng ông Nguyễn Văn M. (ngụ ấp 7A, xã An Trường, huyện Càng Long), có cô con gái tên K. (14 tuổi, đang học lớp 8).
Do hoàn cảnh khó khăn, vợ ông M. phải lên TP. HCM làm thuê nên K. sống ở nhà với cha. Bị bạn bè rủ rê, K. thường xuyên trốn học đi chơi, tụ tập bạn bè chơi bời.
Đầu năm 2014, K. nghỉ học, được mẹ đưa lên TP. HCM cùng mưu sinh. Được vài tháng, K. có tình cảm với một thanh niên 24 tuổi, quê ở huyện Trà Cú, cũng đang làm thuê tại đây. Biết khó ngăn cản chuyện tình cảm, vợ chồng ông M. đồng ý cho T. cưới thanh niên này, mặc dù vẫn biết làm như vậy là vi phạm pháp luật.
Trường hợp khác là Lê Trung H. (21 tuổi, ngụ xã Hoà Tịnh, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cũng đang bị cơ quan điều tra Công an huyện xử lý về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Trong thời gian cha mẹ đi làm ăn xa, H. rủ người yêu 14 tuổi (đang học lớp 8) về nhà tâm sự. Cả đêm không thấy con gái về nhà, gia đình đi tìm kiếm thì ngỡ ngàng khi con gái thú thật đã làm “chuyện người lớn” với H. suốt đêm. Sau đó, gia đình dẫn cả con gái và người yêu đến Công an xã trình báo lại sự việc.
Cha mẹ H. sau đó cũng tìm đến nhà cô gái xin lỗi, về việc làm của con trai. Còn H., trong thời gian được tại ngoại lại… tranh thủ sang nhà nữ sinh phụ giúp công việc đồng áng. Hai gia đình cũng thống nhất, chờ ngày con gái đủ tuổi sẽ tổ chức kết hôn vì chuyện đã lỡ…
Ông Phạm Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) bộc bạch, những trường hợp kết hôn trước độ tuổi thường xảy ra là do trình độ người dân còn hạn chế, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa.
"Nguyên nhân là do con em trong gia đình tự quen biết với nhau, dẫn về báo gia đình biết và tổ chức tiệc cưới. Ủy ban xã đã kết hợp với ban ngành, đoàn thể đến tận gia đình tuyên truyền, giáo dục, cũng như vận động hoặc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho gia đình và các em", ông nói.
--------------------------