Thực nghiệm hiện trường vụ CSGT trạm Suối Tre bắn chết lãnh đạo
Ngày 20-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã đưa nghi can Ngô Văn Vinh, cựu đại úy cảnh sát giao thông quay lại trạm kiểm soát giao thông Suối Tre (thị xã Long Khánh) để thực nghiệm lại hiện trường nhằm mục đích làm sáng tỏ các tình tiết và phục vụ công tác điều tra.
Tại trạm kiểm soát Suối Tre, lực lượng chức năng đã yêu cầu các nhân chứng mô tả lại chi tiết diễn biến từ hành động đến, lời nói vào thời điểm xảy ra xô xát giữa ông Sơn và Vinh trước trong và sau khi súng nổ. Thời gian thực nghiệm diễn ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ và tất cả đều được cơ quan chuyên môn quay phim, chụp ảnh lại.
Như đã đưa tin khoảng 13 giờ ngày 22-9-2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn, trạm Phó trạm cảnh sát giao thông Suối tre rủ một số người đến quán H.L ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) nhậu. Lúc này, đại úy Ngô Văn Vinh nghe có “sếp” Sơn đang nhậu cùng quán nên qua chào xã giao thì xảy ra mâu thuẫn.
Đến 17 giờ cùng ngày, khi ông Sơn cùng nhóm bạn về đến cơ quan thì lên phòng nghỉ để gặp Vinh và xảy ra xô xát. Vinh đã lấy súng bắn trúng ông Sơn và thượng úy Đoàn Thanh Phú. Hậu quả khiến thiếu tá Sơn tử vong, thượng úy Phú bị thương tích 15% (tạm thời), còn bản thân Ngô Văn Vinh bị đánh gây thương tích tỉ lệ 40% (tạm thời).
Ngày 26-8-2014, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Ngô Văn Vinh về tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. Tuy nhiên sau đó, tòa đã quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND điều tra lại theo hướng Ngô Văn Vinh phạm tội giết người.
-------------------------
Lãnh án vì giúp bạn đi bán mai giữa đêm khuya
Ngày 20-11, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Đức Cang cùng 6 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Cho rằng mình không biết được số cây mai vận chuyển đi bán là do người khác trộm cắp mà có, hơn nữa bản thân chỉ vận chuyển chứ chưa được hưởng lợi lộc gì nên Toàn, Cang kháng cáo kêu oan.
Trước đó, cấp sơ thẩm cũng đã tuyên các bị cáo Trần Quang Diệu 1 năm 6 tháng tù và Nguyễn Mạnh Quang 1 năm tù cùng về tội trộm cắp tài sản.
Theo hồ sơ, biết được vườn kiểng của ông TMT có nhiều cây mai quý nên ngày 4-1 Diệu bàn với Quang đến trộm mai bán tiêu xài. Quang đồng ý. Sau đó, cả hai đến đào trộm được hai cây mai có giá bán 63 triệu đồng.
Sau khi tìm được người mua mai với giá 18 triệu đồng, Diệu gọi cho Toàn và Cang đến cùng mình chở đi tiêu thụ. Dù biết được hai cây mai là do Diệu trộm mới có được nhưng Toàn và Cang vẫn đồng ý.
Đến 22 giờ ngày 12-1, khi cả nhóm đang bê hai cây mai lên xe ô tô để chở đi bán thì bị công an bắt giữ.
Tại tòa, Toàn và Cang một mực kêu mình bị oan nhưng khi được tòa giải thích rằng, dù chưa được hưởng lợi gì từ việc bán mai nhưng các bị cáo đã biết được hai cây mai là do Diệu và Quang trộm được mà vẫn đồng ý đi bán cùng thì đã cấu thành hành vi phạm tội.
Một điều nữa, hiện nay các bị cáo đang tại ngoại thì những lời khai tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa không bị tác động hay ép cung. Tòa cũng cho rằng, nếu các bị cáo cho rằng mình bị oan thì tại sao lại đi bán hai cây mai vào lúc 22 giờ đêm mà không phải là ban ngày.
Sau đó, cả hai cùng chuyển sang xin giảm nhẹ hình phạt nhưng theo tòa, mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên là đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ.
-------------------------
Nhóm hút cát kiếm tiền tỷ mỗi ngày bị khởi tố
Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và tạm giam 6 bị can trong vụ án khai thác cát trái phép tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, gồm: Vũ Anh Toàn (tức Toàn "Cụt", 41 tuổi); Nguyễn Ngọc Lâm (27 tuổi); Đặng Văn Thành (22 tuổi); Đoàn Hồng Sơn (22 tuổi); Trần Việt Anh (26 tuổi) và Nguyễn Văn Hiểu (27 tuổi).
Do Toàn và Hiểu đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra tiếp tục truy bắt, và hoàn tất thủ tục truy nã.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 9/2014 đến khi vụ án được triệt phá, Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu khai thác và bán được khoảng 243.380 m3 cát, thu về số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Trước đó vào rạng sáng 8/11, khoảng 200 cảnh sát và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bao vây toàn bộ khúc sông Hồng chảy qua huyện Phúc Thọ, bắt giữ 51 tàu gồm 21 tàu cuốc (chuyên dùng để hút cát) và 30 tàu chuyên chở, cùng nhiều kẻ bảo kê khai thác cát tại đây. Ước tính nhóm này kiếm mỗi ngày một tỷ đồng nhờ hoạt động khai thác cát trái phép.
Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vừa qua, Chủ tịch UBND và Trưởng công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đều thừa nhận có hiện tượng bảo kê, thu tiền các tàu đi qua địa bàn huyện Phúc Thọ của một nhóm người. Tuy nhiên theo các vị này, địa phương đã làm hết trách nhiệm và không có chuyện chống lưng hay bảo kê cho việc khai thác cát trái phép trên địa bàn.
-------------------------
Bị kháng nghị vì xử án treo sai luật
VKSND tỉnh Phú Yên vừa có kháng nghị phúc thẩm đối với bản án của TAND tỉnh này trong việc xét xử Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân và các đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Theo hồ sơ, từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2013, các bị cáo đã nhiều lần mua gom gỗ của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên khai thác trái phép rồi bán lại cho Lương Anh Việt đem về Phú Yên tiêu thụ, trong đó Cần và Xuân mua bán hơn 138 m3 gỗ trái phép. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Cần và Xuân mỗi bị cáo hai năm ba tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bốn đồng phạm khác bị phạt từ hai năm ba tháng tù đến bốn năm ba tháng tù.
Theo VKSND tỉnh Phú Yên, án sơ thẩm đã cho hai bị cáo Cần và Xuân được hưởng án treo là không đúng pháp luật. Bởi các bị cáo đã phạm tội nhiều lần, có sự câu kết chặt chẽ trong việc mua bán trái phép số lượng lâm sản lớn, thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần đối với các bị cáo, bỏ sót tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức, lại cho các bị cáo hưởng án treo là trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao...
-------------------------
Án kéo dài vì… từ ngữ trong kết luận giám định
Ông Huỳnh Văn Ri, Phó Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, cho biết như trên tại cuộc họp giữa Bộ Tư pháp và UBND TP Cần Thơ về tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp vào ngày 19-11.
Sở dĩ có chuyện này vì theo ông Ri, thuật ngữ dùng trong kết luận giám định còn có nhiều chuyện đáng bàn. Ông Ri kể có vụ án kéo dài từ năm 2012 đến 2014 chỉ vì chưa thống nhất cách hiểu từ ngữ trong kết luận giám định tâm thần. Giám định lần đầu nói đương sự phạm tội trong trường hợp có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Cũng hội đồng giám định này nhưng khi giám định lần hai thì lại kết luận đương sự phạm tội trong trường hợp có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Đến khi cho đi giám định lại ở cơ quan giám định trung ương thì kết luận không đủ năng lực nhận thức và hành vi.
“Luật chỉ nói có hoặc không có năng lực nhận thức, điều khiển hành vi trong khi kết luận giám định nói “hạn chế do bị bệnh” mà không rõ là “có” hay “không”. Từ ngữ phải chuẩn như thế nào chứ không cơ quan tố tụng rất khó xử lý. Nhiều vụ án kéo dài chỉ vì không thống nhất cách hiểu từ ngữ trong kết luận là như vậy” - ông Ri nói.
-------------------------