Nhiều chiêu trò “móc túi” của chủ nhà trọ
Các khu trọ tại Hà Nội hiện nay chủ yếu thu hút đông lượng sinh viên, người lao động và phần lớn đều chung hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, chi tiêu cho cuộc sống vốn đắt đỏ, cộng với các chi phí điện, nước, tiền nhà trọ bị chủ trọ hét giá khiến nhiều người vốn đã khó khăn, nay càng trở nên chật vật.
Thu tiền điện... không giống ai
Tình trạng các khu nhà trọ ở Hà Nội thu tiền điện cao hơn giá quy định tới 3-4 lần đang là thực trạng tồn tại nhiều năm nay, thậm chí dù quy định về bảng giá điện đã được ban hành, nhưng nhiều chủ nhà trọ vẫn tảng lờ và vô tư tăng giá tùy ý. Tại một số khu trọ tập trung đông sinh viên, công nhân đến trọ như: Phùng Khoang, Hạ Đình, Triều Khúc... giá tiền điện tại đây chủ yếu dao động ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kWh (số).
Theo chị Nguyễn Thị Vy - công nhân đang làm việc tại Cty dây và cáp điện Thượng Đình trên phố Hạ Đình - từ năm 2011, giá điện tăng 15,28% so với năm 2010, tức là chưa đến 200 đồng mỗi số. Tuy nhiên, “té nước theo mưa”, các chủ nhà trọ ấn định mức tiền điện cho người đi thuê nhà trọ tăng từ 500 - 1.500 đồng/số.
Với mức giá này, giá điện tại các khu nhà trọ tăng gấp 3-5 lần so với quy định. Hiện, khu nhà trọ nằm sâu trong đường Khương Đình, nơi nữ công nhân này đang ở, phải chịu mức giá 3.500 đồng/số. “Lấy cớ lạm phát, các mặt hàng ngày càng đắt đỏ nên mức giá cao ngất ngưởng được chủ trọ giữ từ đó đến nay” - Vy cho biết.
Với lương tháng chưa đầy 5 triệu đồng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, Vy cũng giống như nhiều công nhân tỉnh lẻ khác không dám tiêu xài phung phí. Bởi, chỉ riêng tiền nhà trọ, tiền điện, nước, mỗi tháng cô cũng phải chi trả một triệu đồng, nếu không tằn tiện, khoản thu nhập trên cũng chỉ vừa đủ cho tiêu dùng cá nhân và hoàn toàn không có để ra.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Tuân - chủ nhà trọ số 5, ngõ 376 Khương Đình - cho biết, giá điện ở đây còn là thấp, nhiều nơi gần đây, giá điện đang được áp tới 4.000 đồng/số. Ông cho rằng chưa biết đến quy định nhà cho thuê phải đi đăng ký định mức với điện lực và cũng không có ý định đi đăng ký. Dù biết việc tăng giá điện trái quy định sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, tuy nhiên, theo ông Tuân, chưa bao giờ ông thấy có lực lượng chức năng đến khu nhà trọ để kiểm tra về vấn đề này.
Nhiều chiêu trò “móc túi” kẻ trọ
Không dừng lại ở việc “móc túi” kẻ trọ thông qua tăng giá tiền điện, nước cao ngất ngưởng, nhiều chủ trọ còn vô tư áp đặt những điều khoản bất lợi cho người trọ, hòng thu lợi về phía chủ nhà. Trên thực tế, hầu hết những hợp đồng cho thuê trọ đều được thỏa thuận bằng miệng. Khi bất trắc gì xảy ra, người trọ phải chịu đầu tiên.
Nhiều nơi cho thuê trọ, người trọ còn bị chủ nhà truy thu những khoản tiền vô lý: Tiền hao mòn máy móc đối với những trang thiết bị cung cấp điện, nước trong khu nhà trọ mà bản thân chủ nhà cũng sử dụng. Cụ thể, theo anh Nguyễn Văn Tam, tại khu nhà trọ số 27, ngõ 236 Khương Đình do ông Lê Văn Phúc làm chủ, ngoài những khoản phí cho tiền nhà, điện, nước, vệ sinh… mỗi người trọ phải đóng thêm số tiền 30.000 đồng/tháng cho chủ trọ để “bảo dưỡng máy móc sử dụng”. “Mình phải đóng thêm khoản phí đó gần một năm nay, nhưng vì làm việc tại một Cty gần đó nên mình ngại chuyển đi xa” - anh Tam nói thêm.
Đáng nói, nhiều chủ trọ còn tìm cách khai tiền cho thuê thấp hơn giá thực, để phải đóng phí ít hơn; không thực hiện trách nhiệm nhắc nhở người trọ làm tạm trú… Ông Phạm Văn Giang - cán bộ công an khu vực (CA phường Hạ Đình) - cho biết, công an phường chỉ có chức năng quản lý trật tự và đề nghị chủ trọ nhắc nhở người trọ phải đăng ký tạm trú, tạm vắng. “Khi khách trọ phản ánh, chúng tôi cũng chỉ ghi nhận và báo cáo lại với lãnh đạo phường”.
-----------------------------
Ùn ùn đổ về cửa khẩu sang Trung Quốc xách hàng thuê
Khoảng 10 ngày trở lại đây, tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, TP Móng Cái (Quảng Ninh) hàng vạn lượt người làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc để xách hàng thuê.
Tại vùng biên có cơ chế, cư dân biên giới được sang bên kia biên giới mua hàng với trị giá không quá 2 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế. Tuy nhiên, điều bất thường là trong một khoảng thời gian rất ngắn, hàng vạn lượt người rồng rắn sang bên kia Trung Quốc để xách hàng khiến Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái chịu rất nhiều sức ép.
Theo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 vạn lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Kỷ lục vào ngày 29/11, có hơn 2 vạn người xuất nhập cảnh. Mặc dù được phân luồng khẩn cấp để đối phó với việc có quá nhiều người làm thủ tục xuất nhập cảnh nhưng có lúc người dân xếp hàng dài gần 1 km để chờ làm thủ tục.
-----------------------------
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại quán bar "chui" gây ồn giữa Hà Nội
Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra quán bar IBIZA và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Mới đây, sau khi Báo điện tử Dân trí có bài phản ánh về quán bar IBIZA có địa chỉ tại tầng 6 của tòa nhà 11 tầng ở 141 Bà Triệu (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kinh doanh trái phép, hệ thống cách âm không đạt chuẩn hằng đêm đều mở nhạc to gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.
Theo đó, tối ngày 27/11, Đoàn kiểm tra 178 bao gồm Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, quản lý thị trường, sở văn hóa, sở lao động và xã hội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và phòng PC64 (công an thành phố Hà Nội).
Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại quán bar IBIZA như: Không có giấy phép kinh doanh bar, vũ trường, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, không có giấy phép bán rượu, thuốc lá, không có bản quyền âm nhạc và hợp đồng sai quy định.
Theo tìm hiểu, ngôi nhà tại số 141 Bà Triệu ban đầu được một công ty thuê lại để tiến hành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, khoảng 9 tháng trở lại đây, tầng 6 của ngôi nhà này bất ngờ được “hô biến” thành quán bar có tên IBIZA, khách khứa mỗi đêm tấp nập ra vào, nhiều phương tiện còn dựng chiếm hết vỉa hè và tràn xuống lòng đường.
Theo phản ánh của các hộ dân ở tố dân phố 8A phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sinh sống quanh khu vực quán Bar IBIZA cứ khoảng 21h30 đêm, quán bar này bắt đầu dựng biển, mở nhạc mạnh gây tiếng ồn lớn đến nhà của các hộ dân xung quanh.
Gia đình bà B. sinh sống sát vách với quán bar IBIZA là một ví dụ, cả gia đình thường xuyên bị mất ngủ gần 1 năm nay kể từ khi quán Bar đi vào hoạt động. “Cứ phải sau 2h sáng, mọi người mới được ngon giấc vì khi ấy quán bar đóng cửa, khách khứa ra về, nhạc mới tắt”, bà B. cho biết. Phía tổ dân phố cũng đã góp ý kiến nhiều lần nhưng quán bar này vẫn ngang nhiên hoạt động và dội những quả “bom âm thanh” lên các nhà dân vào mỗi buổi tối.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo phường Lê Đại Hành cho biết đã tiến hành báo cáo lên cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng để có biện pháp xử lý đối với hoạt động của quán bar IBIZA. Phía UBND phường Lê Đại Hành đã nhiều gửi giấy mời đại diện công ty lên làm việc, nhưng đều không đến. Quán bar này cũng nhiều lần bị cơ quan công an tiến hành xử phạt hành chính.
---------------------------
Bắt quả tang một cán bộ thuế nhận hối lộ
Khi đang nhận hối lộ 30 triệu đồng tại quán cà phê, vị Phó trưởng phòng kiểm tra thuế bị cảnh sát kinh tế ập vào bắt quả tang.
Ngày 30/11, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết vừa bắt tạm giam một cán bộ thuế về hành vi nhận hối lộ doanh nghiệp.
Trước đó, chiều 28/11, tại một quán karaoke trên đường Nguyễn Văn Rốp (phường 4, TP Tây Ninh), Hồ Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 1, thuộc Cục Thuế tỉnh Tây Ninh đã nhận hối lộ 30 triệu đồng do Tạ Thị Bảo Ngân là nhân viên một công ty hoạt động tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) đưa.
Trong lúc hai bên đang giao tiền thì cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh ập vào bắt quả tang.
Hồ Văn Hòa là tổ trưởng tổ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của Công ty VenKys. Sau khi kiểm tra xong, hai bên thỏa thuận được số tiền truy thu thuế. Hòa hẹn Ngân đến nhà riêng để nhận quyết định truy thu số tiền thuế của Công ty VenKys, sau đó hẹn đến quán karaoke để nhận tiền “bồi dưỡng” thì bị bắt.
------------------------
Người có nhiều tiền án giả làm đại gia để đi lừa
Sau khi đến các cửa hàng cho thuê áo cưới hay các căn biệt thự ở hồ Tây, người đàn ông ăn mặc đẹp, tự nhận mình là đại gia đã mượn điện thoại của lái xe rồi chuồn mất.
Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa làm rõ kẻ gây ra hàng loạt vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn từ tháng 6 đến nay. Hắn là Mai Thanh Dũng (29 tuổi, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).
Hồ sơ cảnh sát lưu giữ về Dũng cho thấy, tên này đã có 3 tiền án, 1 tiền sự. Mới ra tù nhưng Dũng liên tục hóa trang trong các bộ đồ đẹp, nhận mình là đại gia để đi lừa đảo.
Theo nhà chức trách, Dũng thường đến khu vực ngoại thành tìm thuê tài xế taxi có điện thoại di động đắt tiền rồi lừa. Gặp những người này, người đàn ông nhiều tiền án bắt chuyện, khoe gia đình có cửa hàng bán quần áo trên phố lớn, ở biệt thự Hà Nội.
Để tạo lòng tin, có khi Dũng điều lái xe qua một cửa hàng cho thuê áo cưới ở quận Hoàn Kiếm, hay tới một biệt thự gần hồ Tây rồi vờ hỏi mượn họ điện thoại di động nói là vào chụp ảnh mẫu quần áo, hay gọi điện thoại cho người thân rồi chuồn mất.
Công an quận Hoàn Kiếm xác định với thủ đoạn trên Dũng gây ra 6 vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
----------------------