Nguyên giám đốc Halico Hồ Văn Hải đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, tiếp tay cho nhóm doanh nghiệp đem rượu xuất khẩu bán trong nước, trốn thuế hàng chục tỉ đồng.
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án Trốn thuế; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) và công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Lân (công ty Hoàng Lân) cùng một số đơn vị khác.
Tổng cộng có 6 bị can bị VKS truy tố trong vụ án này.
Cụ thể: Bị can Hồ Văn Hải (59 tuổi, nguyên Giám đốc Halico) và Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - gia công Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hai vợ chồng giám đốc công ty Hoàng Lân là Hoàng Văn Xưởng, Đinh Thị Minh Hoa; Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nguyên chuyên viên Phòng phát triển thị trường Halico); Nguyễn Thị Thuỷ (nguyên nhân viên trung tâm phòng ngừa và xử lý rủi ro - Agribank) bị truy tố về tội Trốn thuế.
Theo cáo trạng, từ năm 2006, hai vợ chồng Hoàng Văn Xưởng, Đinh Thị Minh Hoa làm đại lý bán lẻ rượu trong nước cho Halico. Đến năm 2008, hai vợ chồng Hoàng Văn Xưởng thành lập công ty Hoàng Lân.
Biết được chính sách rượu bia xuất khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, có giá thấp hơn so với giá bán trong nước nên Xưởng, Hoa đã có ý định mua rượu, bia xuất khẩu rồi bán trong nước nhằm trốn thuế kiếm lời.
Hoàng Văn Xưởng đã liên hệ xin Hồ Văn Hải Hải cho công ty Hoàng Lân làm trung gian xuất khẩu rượu sang Lào và được Hải đồng ý.
Sau đó, Hải giao cho Trang là nhân viên Phòng phát triển thị trường của Halico phối hợp với công ty Hoàng Lân làm thủ tục ký hợp đồng và tổ chức thực hiện các đơn hàng mua bán rượu xuất khẩu.
Theo đó, từ tháng 11/2008 đến tháng 2/2012, Halico đã ký 4 hợp đồng xuất 45 hoá đơn GTGT bán cho công ty Hoàng Lân 100.902 thùng rượu Vodka Hà Nội các loại, trị giá hơn 46,7 tỉ đồng, chưa tính thuế GTGT.
Trong đó, công ty Hoàng Lân đã tiêu thụ trong nước hơn 46 nghìn thùng rượu Vodka các loại.
Tương tự, tại Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), do có quen biết với Tổng Giám đốc nên Hoàng Văn Xưởng đã đề nghị Habeco bán bia cho công ty Hoàng Lân để xuất khẩu sang Lào và được đồng ý.
Năm 2010, Habeco ký hợp đồng bán cho công ty Hoàng Lân 4.000 thùng bia lon Hà Nội để xuất khẩu sang Lào. Sau khi lấy hàng, Đinh Thị Minh Hoa đã bán một phần số bia xuất khẩu cho khách hàng tại Hà Nội rồi nhờ Hạnh là giả các tờ khai xuất khẩu, nâng khống số lượng rượu xuất khẩu.
Hoa cũng tự làm giả các giấy tờ để chứng minh việc chuyển tiền từ Lào về Việt Nam. Bằng thủ đoạn này, từ năm 2011 đến năm 2012, Đinh Thị Minh Hoa đã thực hiện tiếp 5 hợp đồng mua bia xuất khẩu với Habeco, tiêu thụ trong nước hơn 22 nghìn thùng.
Tổng cộng, các bị can đã tiêu thụ trong nước hơn 48.000 thùng rượu Vodka các loại và trên 22 nghìn thùng bia lon Hà Nội, chiếm đoạt tổng cộng hơn 13 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
------------------------
Bắt ôtô chở 2,5 tạ thuốc nổ và hàng nghìn kíp nổ
Khi bị bắt, Hường và Linh khai nhận mua số thuốc nổ trên từ Ninh Bình rồi vận chuyển về Thanh Hóa bán cho các chủ khai thác mỏ đá để kiếm lời.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, khoảng 20h30 ngày 10/2, tổ công tác của công an huyện Hậu Lộc và công an xã Đại Lộc (Thanh Hóa) đã bắt quả tang 2 người đang buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trên ôtô mang BKS 36N - 4485.
Hai người bị bắt quả tang là Lê Thị Hường (40 tuổi, ở Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa) và Nguyễn Ngọc Linh (27 tuổi, xã Hà Yên, Hà Trung). Lực lượng chức năng thu giữ khoảng 250 kg thuốc nổ công nghiệp và 4.000 kíp nổ không có giấy tờ hợp lệ.
Hường khai nhận đã mua số thuốc nổ và kíp nổ nói trên tại Ninh Bình rồi thuê ôtô của Linh vận chuyển về Thanh Hóa bán cho các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa để kiếm lời.
Được biết, Lê Thị Hường đã có 2 tiền án về tội buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
---------------------
Bộ Tư pháp “tuýt còi” thông tư do Bộ Xây dựng ban hành
Thông tư do Bộ Xây dựng ban hành có quy định mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định của Chính phủ, gây nhầm lẫn giữa quy định về “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để thông báo chính thức về việc “tuýt còi” quy định không phù hợp trong Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhà và công sở.
Theo Cục Kiểm tra văn bản, việc xem xét tính pháp lý của Thông tư 02 được cơ quan này thực hiện sau khi nhận được phản ánh của ông Nguyễn Tri Hùng, cư trú tại số 10/10A Khu phố 3, ấp Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM.
Để có cơ sở, Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức họp với đại diện các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng (Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ) và đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp).
Tại đó, khoản 1 Điều 7 Thông tư 02 quy định: “Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013 mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó về hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP”.
Trong khi đó Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013 quy định “Đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có)”.
“Như vậy, chỉ đối với các tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013”- Cục Kiểm tra văn bản nhận định.
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý (khoản 6 Điều 2).
Như vậy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như được quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02 có thể được hiểu là một trong các trường hợp: Tổ chức cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần; Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi tái phạm vi phạm hành chính đã thực hiện; tất cả các hành vi “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm” đều có thể bị coi là “tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” và bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng với trường hợp thực hiện hành vi “tái phạm” (?!).
Từ phân tích đó, Cục Kiểm tra văn bản khẳng định quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02 là mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 121/2013, gây nhầm lẫn giữa quy định về “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”, dẫn đến cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng điều này để xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần (không phải là hành vi tái phạm), gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
“Để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trân trọng đề nghị quý Bộ tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của Thông tư số 02 theo thẩm quyền và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật (30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này)”- văn bản của Cục Kiểm tra văn bản nêu rõ.
-----------------------