Hà “cọ” - kẻ sát hại vợ ngày 30 Tết
Ngày 4/2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa bị cáo Trương Văn Hà (tức Hà "cọ") - kẻ đã dùng súng bắn chết vợ ngày 30 Tết Giáp Ngọ (2014), gây xôn xao dư luận ra xét xử. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, phiên tòa đã tạm hoãn.
Trương Văn Hà là một đối tượng giang hồ cộm cán và vô cùng manh động. Trong thời gian bị tạm giam về tội giết người, Hà "cọ" tiếp tục giở thói côn đồ hung hãn…
Có tới 3 tiền án, 7 tiền sự, Hà "cọ", tức Trương Văn Hà trú tại số nhà 15 ngõ 214 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội là một cái tên khiến giới cho vay nặng lãi phải ngại ngần khi nhắc đến, đặc biệt là các con nợ.
Đám ong ve đồn nhau, kẻ nào đã nợ của Hà "cọ" thì chỉ có cách chui vào quan tài may ra mới thoát. Kiểu cho vay của Hà là phương thức tín chấp. Nghĩa là con nợ không cần tài sản cầm cố, không cần sổ đỏ sổ xanh, mà chỉ cần một tấm giấy chứng minh nhân dân hoặc qua lời "giới thiệu" của một ai đó là cũng có thể được Hà cho vay tiền.
Đơn giản thế thôi nhưng chưa một con nợ nào dám quỵt tiền Hà "cọ". Thậm chí ngay cả khi anh ta giết vợ và trốn chui trốn lủi ở nơi nào không ai biết thì các con nợ vẫn ngày ngày đều đặn mang tiền lãi đến nộp cho đàn em của anh ta.
Năm 2009, Hà "cọ" được ra tù. Tay trắng, sống vất vưởng, anh ta chỉ thực sự phất lên khi gặp và lấy chị Trương Thị Lan Phương. Nghe nói nhờ gia đình nhà vợ có điều kiện nên đã cho hai vợ chồng Hà "cọ" một số vốn làm ăn. Nhờ số má giang hồ sẵn có, Hà "cọ" nghĩ ngay đến nghề cho vay nặng lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con nên Hà "cọ" giàu lên nhanh chóng. Hà chỉ có một phương châm duy nhất "muốn vay bao nhiêu cũng được, nhưng chỉ cần bùng nợ một nghìn là không được".
Không ăn nói bặm trợn, không xăm trổ đầy mình, thậm chí lời lẽ luôn nhã nhặn lịch sự, nhưng chính điều đó lại khiến đám đàn em sợ khiếp vía. Có lẽ đấy cũng là vỏ bọc mà Hà "cọ" đã biết cách tự tạo cho mình để ngụy trang trước mắt những người dân lương thiện. Là con thứ 7 trong gia đình có tới 9 anh chị em, với bản tính lạnh lùng, lì lợm, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng đao búa nên người lương thiện không ai muốn dây với Hà "cọ". Năm 17 tuổi, Hà lãnh án vì tội cố ý gây thương tích. 3 năm sau khi thụ án, được ra trại, Hà "cọ" lại tiếp tục đánh người gây thương tích lần hai và lại nhập trại. Va chạm thường xuyên với pháp luật chỉ vì cái tội duy nhất là đánh người, đủ cho thấy sự côn đồ hung hãn của kẻ giang hồ này.
Vụ án mà Hà "cọ" đã gây ra ngày 30 Tết năm 2014 thực ra xuất phát từ lý do rất đơn giản. Cho rằng vợ dám hỗn với vong linh bố mẹ của anh ta nên Hà "cọ" mới điên máu dạy dỗ. Hà khai: "Trưa 30 Tết, tôi sai cô ấy đi mua đồ thắp hương cho bố mẹ tôi ở làng Vạn Phúc và cả cho nhà tôi nữa. Cô ta đi một lúc rồi mang về 3 quả xoài. Tôi bực tôi nói thì cô ấy chửi lại. Lúc đó sẵn vì có men trong người nên tôi đã đánh vợ tôi…".
Đấy là lời khai của Hà "cọ", còn giang hồ thì lại kháo nhau rằng, cái cớ ấy cũng chỉ như giọt nước tràn ly mà thôi. Thời gian này, Hà "cọ" rất ấm ức vì nghe phong thanh vợ mình có bồ, mà bồ lại chính là đàn em của Hà "cọ". Thời gian Hà "cọ" giết vợ rồi lẩn trốn thì đàn em ấy cũng mất tích luôn. Giang hồ đồn anh ta cũng phải lẩn trốn để tránh sự truy lùng của đại ca Hà "cọ".
Thực tế, chuyện vợ có bồ, Hà "cọ" nghe đồn đã lâu. Nhưng vì bản tính sĩ diện của một đại ca giang hồ không muốn bị mất mặt nên anh ta đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng ngọn lửa ghen tuông thì cứ âm ỉ cháy. Chỉ cần một cái cớ nhỏ là ngọn lửa ấy sẽ bùng lên. Và nó đã bùng đúng vào ngày tận cùng của năm, ngày 30 Tết.
Khoảng 16h ngày 30/1/2014 (tức ngày 30 Tết Giáp Ngọ), do cay cú việc vợ chỉ mua ba quả xoài thắp hương và có lời lẽ xấc xược với mình, Hà "cọ" đã đánh vợ là chị Trương Thị Lan Phương (36 tuổi). Bị đánh, chị Phương nhắn tin cho em trai (cùng mẹ khác cha) là Phạm Trung Hiếu (24 tuổi) cầu cứu. Nhận được tin nhắn, anh Hiếu đến nhà chị Phương nhưng không vào được vì cổng nhà bị khóa. Lúc này Trương Thanh Hùng (32 tuổi, em trai của chị Phương) đến nhà thấy hàng xóm nói Hà "cọ" đánh chị Phương nên đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thanh Hải, tức Hải chéc, 35 tuổi, nhờ đến căn ngăn.
Khi anh Hải đến, Hà "cọ" mở cửa. Thấy thế, chị Phương trèo qua ban công tầng 2 nhảy xuống ngõ bỏ chạy ra cửa hàng sửa xe máy ở đầu ngõ 214 phố Đội Cấn trốn. Hà "cọ" cầm tuýp sắt nhảy xuống ngõ đuổi theo tìm được chị Phương đã dùng tuýp sắt đánh chị Phương và lôi về nhà. Thấy thế, anh Hiếu can ngăn và dìu chị Phương vào nhà, Hà "cọ" đi theo sau.
Khi mọi người vào trong nhà, anh Hải quỳ xuống xin Hà "cọ" tha cho chị Phương và đưa chị đi cấp cứu nhưng Hà "cọ" không đồng ý nên anh Hải bỏ về, còn Hiếu ở lại. Khoảng nửa tiếng sau, bà Trương Thị Hoa, mẹ của Phương gọi điện cho Phạm Nguyên Thịnh đến nhờ can thiệp. Anh Thịnh đi cùng vợ đến. Hà "cọ" mở cổng cho hai người vào rồi khóa cổng lại.
Chị Hoa ngồi cùng anh Hiếu lau vết thương cho chị Phương, còn anh Thịnh ngồi nói chuyện, khuyên Hà "cọ" cho chị Phương đi cấp cứu nhưng Hà "cọ" kiên quyết không cho đi. Lúc này, Công an phường Đội Cấn, quận Ba Đình nhận được tin báo của trung tâm Cảnh sát 113 đã cử 3 đồng chí đến giải quyết. Khi lực lượng Công an gõ cửa yêu cầu Hà "cọ" mở cổng, Hà "cọ" đã chửi, đuổi mọi người đi, sau đó chạy ra sân rút khẩu súng K59 giắt sau lưng ra bắn thẳng về phía đồng chí Đông Hoài Nam đang đứng ở phía bên ngoài cổng sắt.
Đạn xuyên qua cánh cổng nhưng không trúng ai. Hà "cọ" quay vào nhà bắn tiếp 4 phát trúng ngực, chân làm chị Phương gục ngã dưới chân cầu thang. Hà "cọ" bắn tiếp lên tầng 2, một phát vào tivi. Ngay sau đó chị Phương được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Lợi dụng lúc hỗn loạn, Hà "cọ" bỏ trốn đến nhà bạn ở huyện Từ Liêm, để lại khẩu súng K59 và 10 viên đạn. Sau đó hắn trốn sang Trung Quốc.
Sau khi bỏ trốn, Hà "cọ" tung ra những thông tin hỏa mù để đánh lạc hướng lực lượng truy bắt. Đúng ngày mùng 3 Tết, Hà "cọ" thông báo với gia đình bên vợ sẽ về dự đám tang vợ và sẽ lần lượt giải quyết một số mâu thuẫn cá nhân. Biết quá rõ những chiêu trò lưu manh kiểu này nhưng Ban chuyên án vẫn hết sức đề cao cảnh giác. Một tổ công tác được phân công nhiệm vụ bí mật bao vây quanh khu vực gia đình bố mẹ vợ của Hà "cọ" sinh sống.
Tất nhiên là Hà "cọ" không về dự đám tang. Trong khi đó, Ban chuyên án lại nhận được thông tin Hà đã di chuyển xuống khu vực Văn Điển rồi bỏ trốn ra Móng Cái. Khi xác định Hà "cọ" xuất hiện ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) thì đã là ngày 7 Tết. Trong hơn 1 tuần phục kích, Công an quận Ba Đình được sự hỗ trợ của Công an nước bạn đã bắt giữ được đối tượng đặc biệt nguy hiểm này.
Trong thời gian bị tạm giam, Hà "cọ" tiếp tục phạm tội Cố ý gây thương tích. Khoảng 9h50 ngày 2/6/2014, thực hiện kế hoạch kiểm tra buồng giam của Đội quản giáo số 1 được Ban giám thị Trại phê duyệt, Tổ công tác gồm 5 đồng chí trong đó có đồng chí Hà Tiến Chung, Đội phó làm Tổ trưởng. Khi tiến hành kiểm tra buồng giam số 2K9-11, nơi đang tạm giam 2 can phạm là Hà "cọ" và Nguyễn Huy Hoàng, đồng chí Chung yêu cầu 2 can phạm đi ra ngoài để tổ công tác làm nhiệm vụ. Can phạm tên là Hoàng chấp hành đi ra ngoài, sau đó được tạm giam tại buồng bên cạnh, còn Hà "cọ" không chấp hành, hắn vẫn ngồi trong buồng giam với thái độ rất xấc xược, thách thức.
Đồng chí Chung tiếp tục yêu cầu Hà "cọ" đi ra ngoài nhưng hắn không chấp hành, còn có lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Đồng chí Chung kiên quyết yêu cầu Hà ra bên ngoài thì bất ngờ Hà đứng chồm dậy, cầm con dao tự tạo đâm đồng chí Chung. Đồng chí Chung tránh được. Hắn tiếp tục đâm nhát thứ 2 vào vai đồng chí Chung. Các đồng chí trong tổ công tác đã phải dùng bình xịt hơi cay mới có thể khống chế đưa Hà "cọ" ra ngoài.
Đang là can phạm vì tội giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng thì nay, khi ra tòa xét xử, Hà "cọ" lại khoác thêm lên người một tội danh rất cũ đối với hắn là "cố ý gây thương tích" sau khi tấn công Cảnh sát.
----------------------
Bắn người bị thương vì tưởng nhầm gà rừng
Nghe tiếng sột soạt phát ra trong vườn cao su của nhà mình, kèm theo tiếng gà gáy, Hạng A Dia tưởng gà rừng nên dùng súng tự chế bắn, không ngờ lại bắn nhầm trúng anh Thái cũng đang đi bẫy gà.
Ngày 11/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, đang điều tra, làm rõ về vụ việc Hạng A Dia (25 tuổi, ngụ bản Tân Lập, xã Đắk Ngo) dùng súng tự chế vô ý bắn gây thương tích cho người khác.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 05h30, ngày 7/2, Cháng A Thái (19 tuổi, ngụ bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo) đi bẫy gà rừng tại tiểu khu 1536 (xã Đắk Ngo), khu vực này gần với vườn cao su của gia đình Hạng A Dia.
Cùng lúc này, A Dia đang dọn cỏ trong vườn cao su, nghe tiếng động cùng với tiếng gà gáy phát ra ở bụi cây gần vườn nên đã vào nhà lấy súng tự chế bắn vào phía bụi cây, nơi này A Thái đang bẫy gà hậu quả làm A Thái bị trúng đạn và bị thương.
Sau sự việc, Công an xã Đắk Ngo nhanh chóng có mặt, phối hợp cùng công an huyện Tuy Đức tịch thu khẩu súng tự chế là tang vật và tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
--------------------
Sơ thẩm vụ án "cướp gỗ huê": Đề nghị phạt 8 - 13 năm tù với các bị cáo
Ngày 11/2, TAND tỉnh Quảng Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án” cướp gỗ huê” tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Bước sang ngày làm việc thứ 2, đại diện VKSND tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án cụ thể với 14 bị cáo trong vụ án “cướp gỗ huê” tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. VKS đề nghị toà phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiệu mức án 13 năm tù, Hồ Văn Phương 12 năm tù; Nguyễn Văn Quân 11 năm tù; Hồ Xuân Thiện 10 năm tù, bị cáo Phan Văn Cảm, Lê Anh Vũ, Nguyễn Văn Cương, Mai Hữu Sỹ, Lê Ngọc Lâm, Lê Bá Quyết, Nguyễn Ngọc Hoàn cùng mức án 9 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Thành, Nguyễn Xuân Qúy và Nguyễn Văn Tiến mức án 8 năm tù.
Tuy nhiên, sau khi bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư cho rằng lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra có nhiều nghi vấn, có dấu hiệu chỉnh sửa, đồng thời các luật sư đều yêu cầu HĐXX xem xét lại, có luật sư còn cho rằng nên trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Tất cả các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa hôm nay đều không đồng tình với cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình và cho rằng, hành động của các bị cáo là “mua” chứ không phải “cướp”. Cũng tại đây, các luật sư yêu cầu đại diện VKSND tỉnh này làm rõ hành vi cấu thành tội “cướp tài sản” mà cơ quan này đã cáo buộc với các bị cáo. Theo quan điểm của các luật sư, hồ sơ vụ án hiện không đủ căn cứ để chứng minh các bị cáo đã “cướp tài sản”.
Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Xuân Thiện, Luật sư Ngô Văn Xảo cho rằng: “Kết luận của cơ quan điều tra là không đúng, bởi hành động “cướp” theo quy định của luật là phải làm tê liệt đối phương, để đối phương không thể chống cự được và bị lấy tài sản. Thực tế, nhóm của anh Toàn (bị hại - PV) có số lượng người đông hơn (22 người) trong khi nhóm bị cáo chỉ có 14 người, sao các bị cáo có thể khống chế làm tê liệt các bị hại để thực hiện hành vi cướp được?”.
Luật sư Xảo cũng cho rằng, những tang vật như dao, gậy thu được thì đó là những vật dụng đi rừng của các bị cáo để tránh thú dữ, sử dụng trong việc chặt gỗ, phát đường đi… chứ không thể kết luận đó là tang vật dùng để uy hiếp bị hại.
Nhiều luật sư cũng cho rằng lời khai của anh Phạm Văn Toàn như hồ sơ thể hiện là vô lí. Luật sư nêu ra tình tiết, sự việc xảy ra ban ngày với một người bình thường mà toàn bộ 14 bị cáo "đi cướp" mà bị hại Toàn lại không nhận ra được người đã trói mình.
Đồng thời, các luật sư bào chữa cũng đã phân tích mối quan hệ giữa các bị hại với các bị cáo, lập luận, nếu là hành vi “cướp”, tại sao nhóm của anh Toàn lại cùng uống rượu, ăn mì tôm với nhóm của Hiệu, và sau khi bị cướp lại không viết đơn tố cáo lên cơ quan điều tra. Ngoài ra, tại phiên tòa, các luật sư đều đặt câu hỏi, nếu là cướp, tại sao các bị cáo lại cho bị hại Toàn số tiền 390 triệu đồng, chỉ có bán mới trả tiền chứ ai lại đi cho số tiền lớn như vậy?
Riêng đối với luật sư Nguyễn Cường, người bào chữa cho bị cáo Phan Văn Cảm lại cho rằng, VKSND tỉnh Quảng Bình không đủ căn cứ để chứng minh các hành vi của bị cáo và cho rằng chứng cơ duy nhất tại phiên tòa hôm nay chỉ dựa vào bản cung của các bị cáo là thiếu chứng cớ, vật chứng, nhân chứng… để cấu thành tội phạm đối với các bị cáo.
Cũng theo luật sư Cường, dây dù để trói bị cáo và cây dao là được lấy tại nhà của một bị cáo, nhưng trong bản cáo trạng lại ghi là lấy ở hiện trường. Cùng với đó, luật sư Cường còn nghi ngờ, biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thiếu sự minh bạch, bản hỏi cung thì có dấu hiệu sửa chữa, chênh lệch ngày tháng?
Cũng tại phiên tòa hôm nay, nhiều luật sư còn cho rằng, biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thiếu tính pháp lí và biện luận, rất lâu sau đó mới đi khám nghiệm trường, nhưng khi đi lại không có nhân chứng chỉ có cơ quan công an, kiểm lâm và công an xã.
Kết thúc ngày làm việc thứ 3, sau khi nghe lời bào chữa cho các bị cáo của các luật sư, HĐXX đã kết thúc phần tranh luận. Sáng ngày mai, (12/2), phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin phiên xử.
-----------------------