Luật sư “chạy án” lừa tiền tỉ vẫn kêu oan
Nguyên luật sư Lương Anh Tiến (47 tuổi) bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,8 tỉ đồng tiếp tục kêu oan tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay (6.11). Nguyên luật sư này còn cho rằng mình bị dụ cung tại cơ quan điều tra, chứ không thừa nhận phạm tội. Số tiền hơn 1,8 tỉ đồng là do gia đình thân chủ vay mượn trả cho bị cáo, chứ không phải lừa chạy án.
Trước đó, khoảng tháng 10.2010, ông Nguyễn Minh Tuấn bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Lương Anh Tiến được gia đình ông Tuấn thuê bào chữa với mức phí 100 triệu đồng nhưng không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Theo tài liệu điều tra, trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, Tiến biết rõ thân chủ của mình phạm vào các tội đã bị cơ quan tố tụng truy tố, nhưng vẫn gợi ý với gia đình ông Tuấn sẽ “chạy án” cho ông Tuấn được tòa tuyên vô tội hay hưởng mức án bằng thời gian tạm giam, sẽ được thả tại tòa. Gia đình ông Tuấn đã nhiều lần đưa tiền cho Tiến “chạy án”, tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng.
Đến tháng 9.2012, TAND TPHCM xét xử tuyên phạt ông Tuấn 11 năm tù cho cả hai tội danh “lừa đảo" và "làm giả giấy tờ”. Gia đình ông Tuấn biết bị luật sư Tiến lừa nên làm đơn tố cáo.
Ngày 21.5.2014, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Tiến về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phiên tòa sơ thẩm cho rằng, tuy bị cáo Tiến không nhận tội, nhưng căn cứ lời khai của các bị hại và bị cáo tại cơ quan điều tra, cùng các chứng cứ khác, có đủ cơ sở kết luận Tiến đã chiếm đoạt hơn 1,8 tỉ đồng.
Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Tiến 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc Tiến trả lại số tiền hơn 1,8 tỉ đồng đã chiếm đoạt để xung công quỹ vì đây là tiền từ giao dịch bất hợp pháp.
Sau khi bị TAND TPHCM tuyên bản án sơ thẩm, Tiến kháng cáo kêu oan. Đến ngày hôm nay (6.11), TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án này.
Cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tiến không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng số tiền nhận của gia đình ông Tuấn là do đã cho gia đình này mượn trước đó (do có mối quan hệ quen biết từ lâu), nay mang trả chứ không phải lừa đảo “chạy án”. Tiến cũng cho rằng tại cơ quan điều tra, Tiến bị ép và dụ cung, chứ không thừa nhận hành vi phạm tội…
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu.
-------------------------
Xe ô tô biển xanh được rao bán... ngoài vỉa hè
Mấy ngày nay, trên đường Hải Phòng (TP Đà Nẵng) xuất hiện một chiếc xe mang biển số xanh của Đà Nẵng được rao bán. Nhiều người rất ngạc nhiên thắc mắc tại sao một chiếc xe biển xanh lại được rao bán ngoài vỉa hè?
Chiếc xe ô tô 7 chỗ biển số 43E-0794, hiệu Yaz- DAMEFA. Trên xe có đề chữ “xe bán” và có cả số điện thoại người bán.
Gọi theo số điện thoại trên, người đầu dây bên kia cho biết anh tên là Cường, là chủ nhân của chiếc xe trên. Anh Cường cho biết chiếc xe trên của UBND TP Đà Nẵng vừa bán thanh lý, giờ anh bán lại. Xe đời 2007, được anh rao bán với giá 70 triệu đồng.
Hỏi về việc làm biển số thế nào, anh Cường cho biết: “Ưng thì để biển số xanh, không ưng thì ra biển số trắng. Xe này hợp pháp mà, lo gì”.
Tuy nhiên, theo kết quả xác minh đăng ký biển số tại Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng thì chiếc xe trên thuộc sở hữu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng.
Chiều 6/11, trao đổi phóng viên, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận, chiếc xe đó trước đây thuộc sở hữu của Sở nhưng nay đã bán thanh lý.
“Xe không còn chạy được, phải đẩy nên đã bán thanh lý cách đây hai tháng rồi. Sở Tài chính đã lập biên bản thanh lý, giao cho Công ty Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Đà Nẵng thẩm định giá và bán luôn tại đó. Sở Tài chính cũng đã xuất hóa đơn rồi”, ông An cho biết.
Trả lời câu hỏi tại sao xe bán rồi nhưng vẫn còn mang biển số của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, ông An cho biết đó là do Sở Tài chính chưa báo cho Phòng Cảnh sát giao thông được biết.
-----------------------------
Trại giam đã chuyển đơn kêu oan của Lê Bá Mai
Ngày 6-11, trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM việc Lê Bá Mai có viết đơn kêu oan gửi cơ quan tố tụng tối cao, trại giam đã chuyển đơn chưa, ông Nguyễn Tư Thế -giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Phước, nơi Mai đang bị giam khẳng định: “Chúng tôi đã chuyển đơn rồi”.
Như vậy bị án Lê Bá Mai có viết đơn kêu oan sau phiên tòa phúc thẩm lần ba (năm 2013) chứ không như thông tin phủ nhận tại nghị trường Quốc hội vừa qua.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng sau phiên tòa phúc thẩm, Lê Bá Mai không có đơn kêu oan. Trong văn bản trả lời các ĐBQH ký ngày 1-11, VKSND Tối cao cũng tái khẳng định điều này, đồng thời viện cho rằng không có căn cứ xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án “vườn mít”.
Theo luật, đơn kêu oan của bị án không phải là cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm vụ án. Nhưng từ những thông tin trong đơn kêu oan, cơ quan tố tụng có thể xem xét, đối chiếu với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền (trong trường hợp vụ án “vườn mít” là viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao) sẽ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Được biết vụ án này từng gây nhiều tranh cãi về đánh giá chứng cứ, bởi chứng cứ kết tội cũng có mà chứng cứ gỡ tội cũng nhiều. Ngay trong bản án phúc thẩm lần ba buộc tội Lê Bá Mai, tòa cũng cho rằng vụ án này “vừa có chứng cứ buộc tội vừa có chứng cứ gỡ tội”. Trong khi chứng cứ là những gì có thật, mà sự thật thì chỉ có một.
Và dù kết luận bị cáo phạm hai tội đặc biệt nghiêm trọng (tội đặc biệt nghiêm trọng này liền sau tội đặc biệt nghiêm trọng kia) và không có tình tiết giảm nhẹ nào nhưng tòa chỉ tuyên phạt Lê Bá Mai chung thân thay vì phải tuyên tử hình. “Có lẽ tòa đã chọn biện pháp “trung dung” khi đưa ra mức án như vậy cho “an toàn”. Bởi nếu tuyên tử hình Lê Bá Mai và bản án đã được thi hành, nhỡ sau này có tình tiết mới xác định Mai vô tội thì hậu quả sẽ khôn lường, sai lầm sẽ không còn sửa lại được nữa” - ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, từng bình luận về vụ án này như thế trên Pháp Luật TP.HCM.
-------------------------
Trao trả đối tượng truy nã cho Công an Trung Quốc
Ngày 6/11, Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành bàn giao đối tượng Trần Minh Tân (SN 1977, trú tại huyện Hoành Đông, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) cho nước sở tại để điều tra, xử lý.
Đối tượng Trần Minh Tân đang bị lực lượng chức năng Trung Quốc truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 30/10, Công an tỉnh Lạng Sơn nhận được Công hàm của Công an Bằng Tường - Quảng Tây - Trung Quốc về việc phối hợp truy bắt đối tượng Trần Minh Tân bị truy nã, bỏ trốn sang Việt Nam.
Có được thông tin về đối tượng, lực lượng chức năng Công an huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác minh, truy bắt đối tượng.
Đến 22h ngày 5/11, đối tượng Trần Minh Tâm đã bị lực lượng chức năng bắt giữ tại thôn Đồng Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Vào lúc 14h ngày 6/11, Công an huyện Cao Lộc và Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) đã tổ chức bàn giao đối tượng Trần Minh Tân cho lực lượng chức năng Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Nam - Văn Lãng - Lạng Sơn theo hiệp ước phối hợp Quốc tế hai bên đã ký kết.
-------------------------
Đằng sau việc nữ “đại gia” đột nhiên… biến mất
Thấy bà "đại gia" chạy xe tay ga, tay đeo trang sức vàng óng lủng lẳng, nhiều người dân lao động tin tưởng cho bà này tạm cầm cố hàng trăm triệu đồng để huy động vốn làm ăn.
Trong vài ba tháng đầu, mọi người vẫn nhận được tiền lãi hàng tháng đều đều. Thế nhưng, hai tháng gần đây, nữ đại gia bỗng "im thin thít lặn mất tăm". Mọi người cuống cuồng đi tìm người đàn bà này thì mới phát hiện không chỉ riêng mình bị dính "quả đắng", hơn 20 khổ chủ khác với tổng số tiền hàng mấy tỉ đồng cũng đang lao đao vì cùng một kịch bản quen thuộc.
Cuộc gặp gỡ tình cờ của hơn 20 khổ chủ
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (46 tuổi, ngụ đường Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6) bức xúc cho biết, ngoài chị ra thì còn hàng chục người dân khác sống cùng khu vực bị một người phụ nữ tên Trần Thị Lệ H. (43 tuổi, thường trú tỉnh lộ 10, khu phố 2 phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) vay hàng tỉ đồng. Điều đáng nói ở đây là hàng chục nạn nhân ấy đều là những người dân lao động nghèo, vất vả kiếm tiền bằng các nghề như chạy xe ôm, bán cà phê dạo, bán hủ tiếu gõ…
Tiếp chúng tôi trong căn phòng chừng chục mét vuông, chị Thanh buồn bã kể lại: "Cách đây gần nửa năm, qua một người quen cùng xóm tên L., tôi biết bà H. đang cần tiền gấp nên muốn cầm cố ba căn phòng trọ. Bà H. hẹn tôi đến địa chỉ 621/11/3, Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân để trao đổi cụ thể hơn về thỏa thuận việc cầm cố.
Lúc tôi đến, bà H. bước ra từ một căn nhà khang trang và chỉ cho tôi thấy 7 căn phòng trọ nằm ngay bên cạnh rồi nói rằng tất cả đều là tài sản của bà. Thấy vậy, tôi đã đồng ý ký hợp đồng cho bà H. cầm cố ba căn phòng trọ (mỗi tháng chị Thanh sẽ được trả 5 triệu đồng tương đương số tiền cho thuê ba phòng trọ trong 2 năm. Hết thời hạn trên, chủ nợ sẽ được hoàn lại số tiền gốc với giá 120 triệu đồng.
Như thỏa thuận, tôi đưa cho bà H. số tiền trên và lấy tiền lãi từ tiền thuê phòng trọ của khách. Khoảng 2 tháng đầu, tôi vẫn lấy được tiền nhà trọ, nhưng đến tháng thứ 3 thì tôi không nhận được tiền như hợp đồng, gọi điện thoại đến số bà H. luôn báo khóa máy, ngưng hoạt động. Nghĩ có điều bất ổn, tôi vội chạy tới khu nhà trọ hỏi thăm thì được biết rất nhiều người khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự".
Theo chị Thanh, sau khi đã đồng ý, đôi bên đã đi công chứng hợp đồng vay tiền, nhưng do không hiểu hết các chi tiết trong hợp đồng và việc giấy tờ nên khi đi công chứng, chị để bà H. và người tên L. lo mọi việc, chị Thanh chỉ cầm hợp đồng đã được công chứng.
Cùng hoàn cảnh "nếm trái đắng" như chị Thanh là chị Lê Thị Thu Thủy ở cùng khu phố với chị Thanh. Chị Thủy kể lại: "Cũng qua người tên L. trong khu phố, tôi đồng ý cho bà ấy cho vay 80 triệu đồng tương đương với việc cầm cố hai phòng trọ. Sau khi nhận được tiền cầm cố trong chín tháng (hợp đồng trong vòng 1 năm) số tiền 3 triệu đồng, tuy nhiên trong 3 tháng cuối của hợp đồng thì bà ta "lặn" luôn".
Người cho bà H. vay nhiều nhất là chị Lê Thị Chua (ngụ Bà Hom, phường 13, quận 6) vay số tiền 520 triệu đồng (số tiền này chị Chua huy động từ một số người thân thiết để đưa cho bà H. thành nhiều đợt) trong vòng 1 năm để cầm cố 4 phòng trọ, tương đương số tiền được nhận mỗi tháng là 6 triệu đồng (hết hạn hợp đồng bà H. sẽ phải hoàn trả lại số tiền gốc).
"Nhiều người cho bà H. vay tiền bằng hình thức cầm cố phòng trọ, nhưng điều đáng nói là bà ấy rất tinh quái khi sắp xếp thời gian để không người nào bà ấy muốn vay tiền đụng mặt nhau cả. Ngoài ra, bà ấy gần như không cho ai vào nhà của mình đang ở, rồi khi gặp ai bà ấy cũng tỏ ra là người giàu có nhưng đang gặp khó khăn tạm thời do đó nhiều người đã lầm tưởng nên mới cho vay tiền", chị Chua nói rõ thủ đoạn của "con nợ"…
Sau một thời gian bà H. biệt tăm biệt tích, nhiều người dân trong vùng đã rủ nhau cùng để ý theo dõi hành tung của "nữ đại gia" bí ẩn này. Đến trưa ngày 8/7, khi bà H. vừa xuất hiện tại khu vực phường Bình Trị Đông B thì các chủ nợ nhanh chóng kéo đến để chất vấn về sự mất tích của bà ta trong thời gian đó. Khi các "khổ chủ" cùng có mặt đông đủ, mọi người ngỡ ngàng vì có đến hơn 20 người cùng ký hợp đồng cầm cố giấy tờ nhà với bà H. (ngoài những người này theo tìm hiểu của chúng tôi ở một số nơi khác bà H. cũng vay mượn tiền của một số người và vẫn chưa trả).
Theo ước tính, với 7 căn phòng trọ và một căn nhà tại phường Bình Trị Đông B, bà H. đã cầm cho hơn 20 người với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng. Nhiều người đã đến ngày được trả tiền vay gốc nhưng không thể liên lạc với bà H..
Đang bán nhà trả nợ!
Khi nhiều người dân bức xúc đến UBND phường Bình Trị Đông B để yêu cầu can thiệp làm rõ về việc nợ nần của bà H., chính quyền đã triệu tập bà H. đến làm việc nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa đôi bên. Tại buổi làm việc này, chính quyền địa phương đã lập biên bản vụ việc trước sự có mặt của nhiều người dân cho bà H. vay nợ.
Điều đáng nói, bà H. hứa rằng trong thời gian hai tháng sẽ bán nhà đất, tài sản để lấy tiền trả nợ cho các chủ nợ. Tuy nhiên, sau hai tháng như đã hẹn, bà H. vẫn chưa có động thái nào để thanh toán tiền cho các chủ nợ.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi tìm đến căn nhà số 621/11/3 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, nơi bà H. đăng ký thường trú trên giấy tờ. Tiếp chuyện chúng tôi là vợ chồng anh Trần Văn H., em trai bà H.
Anh H. cho hay: "Sau khi qua đời, mẹ tôi có để di chúc lại chia đều tài sản cho 3 anh em. Tôi và anh trai mỗi người được một căn nhà, riêng chị H. thì được một nền nhà và 7 căn phòng trọ. Tuy nhiên, chúng tôi đang trong quá trình sang tên, chuyển nhượng giấy tờ nhà cửa, đất đai theo di chúc. Ấy vậy mà chị H. đã lén cầm sổ đỏ của căn nhà anh tôi đang ở cho mấy người chuyên cho vay nặng lãi lấy 1,6 tỉ đồng. Do đó, họ liên tục đến nhà chúng tôi quấy rầy, gây rối. Thậm chí còn tạt sơn lên tường khi mọi người trong nhà đang ngủ. Chính vì thế mà tôi mới phải xây tường rào kiên cố như vậy".
Do bà H. chưa xây nhà trên miếng đất được chia nên anh H. và người anh trai cho bà Hằng ở tạm trong căn nhà nhỏ bên hông nhà anh H., nhưng cũng vì điều này mà nhiều người lầm tưởng đó là căn nhà của bà H.
-------------------------