Nga tố nước ngoài thao túng đồng rúp
Các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài đã thao túng thị trường tiền tệ Nga khiến đồng rúp sụt giá hơn 50% so với USD từ đầu năm đến nay. Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga, cựu Thủ tướng Mikhail Fradkov, tuyên bố như trên khi trả lời hãng tin Bloomberg hôm 4-12. Ông trùm tình báo Nga nhấn mạnh các cơ quan tài chính nêu trên phối hợp tấn công Nga, đồng thời cáo buộc Mỹ là nước cuối cùng tham gia cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông Fradkov không trưng ra bất kỳ bằng chứng nào.
Trong thông điệp liên bang hằng năm trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nga và chính phủ nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống lại những kẻ đầu cơ tích trữ trên thị trường tiền tệ. Về thông điệp liên bang của ông chủ Điện Kremlin, báo Anh The Guardian viết: “Ông Putin sử dụng bài phát biểu để chỉ trích phương Tây trong khi đồng rúp trượt dài dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt kinh tế”. Theo tác giả, Tổng thống Putin đã công kích dữ dội khi cáo buộc phương Tây âm mưu kìm hãm và làm suy yếu nước Nga suốt nhiều thập niên.
-------------------------
Tiền vẫn đổ vào ngân hàng
Tính đến cuối tháng 11- 2014 huy động vốn (VNĐ và ngoại tệ) trên toàn hệ thống ngân hàng (NH) tăng 13,33%, trong khi đó dư nợ tín dụng tăng 10,22%
Theo NH Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2014, tuy lãi suất tiết kiệm liên tục giảm nhưng huy động vốn bằng VNĐ vẫn tăng hơn 14% tập trung chủ yếu khu vực dân cư. Điều này cho thấy gửi tiền vào NH được người dân ưu tiên chọn lựa. Nhờ đó thanh khoản của các NH được bảo đảm.
Gửi tiền vẫn có lợi
Tại Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 11 tháng, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo lạm phát dự báo cho cả năm 2014 vào khoảng 3% do giá xăng dầu xuống còn dưới 70 USD/thùng. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài áp lực thừa vốn, xu hướng của lãi suất sẽ biến động theo lạm phát.
Thực tế cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng hiện xuống còn 4-5%/năm, còn kỳ hạn từ 6-12 tháng phổ biến ở mức 6-7%/năm. Một số chuyên gia tài chính cho rằng nếu năm 2014 lạm phát lùi về 3% sẽ có lợi cho người gửi tiền và huy động vốn của hệ thống NH tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng chậm nên nhiều khả năng giảm thêm lãi suất đầu vào nhằm hạ thêm lãi suất đầu ra để khơi thông tín dụng.
Hiện nay, phần lớn các NH đang cho vay với lãi suất 7-9%/năm. Khoảng cách giữa lãi suất đầu vào với đầu ra chỉ còn 2-3%, bảo đảm cho NH kinh doanh không thua lỗ. Tuy nhiên, do người dân tập trung gửi tiền ngắn hạn nên một số NH cho biết sẽ ban hành các chính sách kích thích người dân gửi tiền kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, điều mà người gửi tiền kỳ hạn dài luôn băn khoăn là khi rút tiền trước hạn họ chỉ được hưởng lãi suất 0,4-0,5%/năm. Để giải quyết vấn đề này, nhiều NH đã áp dụng cho vay cầm cố số tiết kiệm theo hướng hài hòa lợi ích cho khách hàng lẫn NH. Theo đó, khách hàng có thể vay lại 90% số tiền đã gửi với lãi suất lãi suất được ghi trong sổ tiết kiệm cộng với 1-2%. Đơn cử, NH Ngoại thương cho vay cầm cố số tiết kiệm với lãi suất phổ biến 8%/năm.
Trong khi đó, tín dụng toàn hệ thống NH đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng tín dụng có cơ hội tăng mạnh hơn vào cuối năm theo tính mùa vụ và sự tác động của các chính sách hỗ trợ của NH Nhà nước. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm nay là có thể đạt được.
Không quá lo về tỉ giá
Tổng giám đốc một NH lớn ở TP HCM cho hay sắp tới NH có thể giảm thêm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn dài nhằm tăng nhanh tỉ trọng huy động vốn dài hạn để cho cá nhân, doanh nghiệp vay tiền mua nhà, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất.
Về mặt lý thuyết, khi lãi suất VNĐ giảm xuống quá sâu sẽ tạo áp lực lên tỉ giá, bởi khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng với lãi suất ngoại tệ ngày càng thu hẹp, kích thích người dân nắm giữ USD. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng trần lãi suất tiền gửi USD đã giảm từ 1%/năm xuống còn 0,75%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi VNĐ bình quân trên 5%/năm, chênh lệch lãi suất USD với VNĐ trên 4% chưa đủ lực làm cho tỉ giá đi lên.
Sau khi NH Nhà nước khẳng định không điều chỉnh tỉ giá, thực hiện bán can thiệp ngoại tệ bình ổn thị trường vào giữ tháng 11-2014, tỉ giá đã có xu hướng giảm. Một số NH có nhu cầu mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái vào dịp cuối năm nhưng không lớn. Về tổng thể, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực, thị trường chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ
Ngày 5-12, giá USD trong các NH thương mại tiếp tục hạ nhiệt khi giảm xuống 21.310 đồng/USD mua vào, 21.360 đồng/USD bán ra, giảm thêm 20 đồng/USD so với phiên trước và giảm khoảng 80 đồng/USD so với thời điểm tăng mạnh hồi đầu tuần.
---------------------
Tiền lương ở Việt Nam thua kém nhiều nước trong khu vực
Lương tháng trung bình của người lao động Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và bằng một nửa so Thái Lan, bằng 1/12 của Singapore.
Ngày 5/12, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố báo cáo tiền lương toàn cầu 2014-2015.
Báo cáo cho thấy, tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2% và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn tiền khủng hoảng. Tiền lương ở các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì mức trung bình cao gấp 3 lần nhóm các nước đang phát triển và mới nổi.
“Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong 2 năm qua, một số quốc gia thậm chí còn có tình trạng giảm lương”, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết.
Tại Việt Nam, mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt gần 14% trong giai đoạn 2011-2013. Mức tăng này có một phần là do lương tối thiểu tăng đáng kể. Dù vậy tiền lương ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam là 3,8 triệu đồng tương tứng ứng 181 đôla Mỹ. Con số này chỉ cao hơn so với Lào (119), Campuchia (121) và Indonesia (174). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan, chưa bằng một phần ba của Malaysia và chỉ bằng khoảng một phần hai mươi của Singapore (hơn 3.500 đôla).
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng: “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động”.
Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, ngành đạt mức lương cao nhất là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng. Các ngành dẫn đầu khác bao gồm hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ 6,53 triệu và hoạt động kinh doanh bất động sản 6,4 triệu đồng.
Trong khi đó, hoạt động làm thuê những công việc trong hộ gia đình có mức lương tháng thấp nhất - 2,35 triệu đồng, sau đó là nhóm ngành nông, lâm, thủy sản - 2,63 triệu đồng.
Lao động làm công ăn lương hiện chỉ chiếm gần 35% trên tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 50% của thế giới. Tuy nhiên, dự kiến tỷ lệ này gia tăng nhanh trong các thập kỷ tới. Trong đó, tiền lương chiếm 30% thu nhập.
Theo ILO, trong 2 năm trở lại đây Việt Nam đã đạt được mức tăng lương đáng kể, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa phải vượt qua để bắt kịp với thế giới.
-------------------------