Giá vàng thế giới sáng nay (1/12) có lúc “bốc hơi” gần 50 USD/oz. Đó là do trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa rồi, cử tri Thụy Sỹ quyết định không cho phép Ngân hàng Trung ương nước này (SNB) tăng nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối.
Với quyết định nói trên của cử tri Thụy Sỹ, SNB không được tăng gấp đôi dự trữ vàng như đề xuất trước đó. Nếu nhận được sự đồng thuận của cử tri, SNB sẽ mua khoảng 1.500 tấn vàng trong mấy năm tới đây, tạo ra một lực hỗ trợ cho giá vàng trong bối cảnh kim loại quý này đối mặt sức ép giảm từ nhiều phía.
Lúc 9h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á trên bảng giá điện tử Kitco đứng ở 1.151,7 USD/oz, giảm 39,1 USD/oz, tương đương giảm gần 3,3% so với đóng cửa phiên Mỹ vào cuối tuần trước.
Trước đó, giá vàng có lúc rớt xuống mức 1.142,9 USD/oz, thấp nhất trong hơn 3 tuần, giảm gần 50 USD/oz so với chốt phiên ngày thứ Sáu.
Giá bạc cũng lao dốc chóng mặt trước thông tin từ Thụy Sỹ. Giá bạc có lúc giảm hơn 6% trong phiên sáng nay, xuống 14,42 USD/oz, thấp nhất trong 5 năm.
Tuần trước, giá vàng quốc tế giảm 2,8%, đảo ngược xu thế phục hồi của 2 tuần trước đó, do chịu sức ép giảm từ đồng USD mạnh và giá dầu thô liên tục lao dốc.
Sáng nay, giá dầu thô thế giới tiếp tục lập mức đáy mới của 4 năm. Có thời điểm, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch điện tử tại thị trường New York giảm hơn 2% xuống mức 64,62 USD/thùng.
Trong tuần trước, giá dầu thô tại New York giảm 13,5%, mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Giá dầu thô đã giảm mạnh và liên tục trong mấy tháng gần đây do tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới giảm tốc. Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác, khiến tốc độ giảm của giá dầu càng được đẩy nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, giá dầu lao dốc đang làm dấy lên nỗi lo về giảm phát ở khu vực Eurozone và Nhật Bản. Trong bối cảnh này, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ có thêm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Khả năng ECB và BoJ bơm thêm tiền vào nền kinh tế đang làm lợi cho tỷ giá đồng USD so với đồng Euro và đồng Yên. USD tiếp tục mạnh lên càng gây áp lực giảm giá lớn hơn cho vàng.
Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay là hơn 1,24 USD/Euro, giảm nhẹ so với thứ Sáu tuần trước. Đồng USD cũng tăng giá 0,2% so với đồng Yên vào đầu phiên giao dịch, lên mức 118,81 Yên/USD.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD, hiện đang ở mức gần 88,32, gần mức cao nhất trong 4 năm là 88,4 thiết lập hôm thứ Hai tuần trước.
-----------------------------
Trung Quốc ung dung hưởng lợi từ “cuộc chiến giá dầu”
Trung Quốc đang trở thành quốc gia được lợi hàng đầu trong cuộc chiến giá dầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối thủ. Nhân cơ hội giá dầu giảm chóng mặt, Trung Quốc ung dung gom dầu cho dự trữ chiến lược của mình.
Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects có trụ sở ở London nhận định, việc Trung Quốc xây dựng kho dầu dự trữ chiến lược có thể đẩy mức nhập khẩu dầu của nước này tăng thêm 700.000 thùng/ngày vào năm 2015.
Mức nhập dầu tăng thêm này của Trung Quốc sẽ tương đương hơn một nửa mức sản lượng dầu dôi dư trên toàn cầu theo dự báo mà ngân hàng Citigroup đưa ra mới đây. Trong một báo cáo ra ngày 27/11, sau khi OPEC tuyên bố giữ nguyên sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày, Citigroup nhận định, lượng dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay lên mức 1,3 triệu thùng/ngày vào nửa đầu năm 2015.
Trong vòng 5 tháng trở lại đây, giá dầu thô Brent tại thị trường London đã giảm 41% do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ kéo theo sự dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu. Theo hãng tin Bloomberg, năm nay là năm mà giá dầu giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Một số chuyên gia nhận định, OPEC không muốn hạ sản lượng là do khối này muốn duy trì thị phần và không để mất khách hàng. Cùng với đó, có thể OPEC muốn giá dầu rẻ để khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ điêu đứng giữa lúc Mỹ dần vươn lên vị trí nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Cho dù sự thật có là gì, thì Trung Quốc có vẻ đang là nước hưởng lợi nhiều nhất.
Tranh thủ thời điểm giá dầu thô thế giới xuống mức đáy của hơn 4 năm và chưa có dấu hiệu sẽ sớm hồi phục, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng một kho dự trữ dầu lửa chiến lược. “Đây là thời điểm vàng để Trung Quốc mua dầu dự trữ chiến lược ở mức giá thấp”, ông Gordon Kwan, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí của ngân hàng Nomura tại Hong Kong, đánh giá.
Theo số liệu hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tăng lượng dầu nhập khẩu thêm 460.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương mức tăng 8,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay nhiều hơn lượng tiêu thụ khoảng 440.000 thùng/ngày.
Mức dự trữ dầu của Trung Quốc hiện nay tương đương khoảng 30 ngày nhập khẩu. Tuy vậy, theo hãng lọc hóa dầu quốc doanh China Petrochemical của Trung Quốc, nước này sẽ tăng mức dự trữ dầu lên 100 ngày nhập khẩu trong thời gian từ nay tới năm 2020. Mức dự trữ như vậy tương đương khoảng 570 triệu thùng dầu nếu dựa trên mức nhập khẩu thời gian gần đây của Trung Quốc.
“Chúng tôi biết là Trung Quốc đang tận dụng cơ hội giá dầu giảm để làm đầy dự trữ dầu lửa chiến lược. Họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi”, ông Simon Powell, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí khu vực châu Á của hãng tư vấn CLSA, phát biểu.
Vào năm 2009, Trung Quốc đã xây dựng xong 4 khu vực dự trữ dầu chiến lược chứa được tổng cộng khoảng 103 triệu thùng dầu. Đến thời điểm hiện tại, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, Chính phủ nước này đã dự trữ được 91 triệu thùng dầu trong 4 khu này.
Trong giai đoạn thứ hai của kế hoạch dự trữ dầu chiến lược, Trung Quốc sẽ xây 7 khu vực dự trữ để chứa tổng cộng 191 triệu thùng dầu. Giai đoạn này được triển khai từ năm ngoái và đến nay đã có 2 khu vực được xây dựng xong. Giai đoạn thứ ba gồm có 3 khu vực dự trữ cũng đã được bắt đầu xây dựng.
------------------------------
Chuyện gì đằng sau 60 tấn "cyanua giả" Besra nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam
Tập đoàn Besra, chủ khai thác 2 mỏ vàng lớn nhất Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) không trả lời được những uẩn khúc đằng sau việc nhập lô hàng 60 tấn ‘cyanua giả’ từ Trung Quốc về phục vụ khai thác vàng tại Quảng Nam.
Một Thế Giới đã liên lạc và đặt các câu hỏi liên quan đến việc nhập 60 tấn ‘cyanua giả’ với đại diện Besra, tuy nhiên, đơn vị này cho biết là ‘lãnh đạo nói không thể trả lời’.
Nghi vấn đặt ra là, Besra đặt hàng nhập khẩu cyanua từ Trung Quốc nhưng lại dễ dàng ‘bị lừa’ trong khi đây là một công ty chuyên hoạt động khai thác vàng.
Phía Besra nói đã liên lạc bằng điện thoại, email… nhưng phía công ty Trung Quốc không trả lời và đến nay mất hẳn liên lạc.
Tập đoàn này cũng không trả lời được việc trước khi làm việc khởi thảo hợp đồng mua cyanua, có hoạt động kiểm tra nào không đối với lô hàng. Trong khi lô hàng nhập về từ năm 2011 nhưng đến năm 2014 mới phát hiện là ‘hàng giả’.
Đến thời điểm hiện tại, Besra vẫn chưa trả lời được công tác trả nợ thuế cho tỉnh Quảng Nam như thế nào.
Hiện tại, lô hàng ‘cyanua giả’ vẫn đang được cất giữ tại kho hàng của hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.
Để đảm bảo an toàn và tránh rò rỉ số hóa chất trên, cơ quan chức năng Quảng Nam đã yêu cầu hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu cắt cử người bảo vệ các container chứa hóa chất.
Tỉnh này cũng giao sở Công thương theo dõi, kiểm tra, giám sát phương án tiêu hủy của hai công ty này, báo cáo trước ngày 30.12.2014.
----------------------------
Ngành ngân hàng: Đã qua thời chạy đua lãi suất và kiếm lãi dễ dàng
Hiện tại các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thường đánh giá cao về tính minh bạch và chủ động công bố thông tin của tổ chức tín dụng. Với những TCTD đã niêm yết hoặc là doanh nghiệp đại chúng đều phải công bố thông tin định kỳ theo yêu cầu của Thông tư 52.
Tuy nhiên, không ít thông tin vẫn được các ngân hàng giữ kín cho đến khi phát sinh vấn đề tiêu cực. Lúc này uy tín ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Một số chuyên gia cho rằng, chế tài là một chuyện nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần xem việc minh bạch thông tin là cách để bảo vệ mình và khách hàng.
Ngoài ra, mặc dù việc theo đuổi lợi nhuận là mục tiêu chính đáng của ngân hàng cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, song đạt lợi nhuận bằng mọi cách lại là điều không nên có, nhất là trong một ngành có tác động lan tỏa lớn như ngành ngân hàng. Trước đây, thị trường vẫn chứng kiến những đợt huy động với lãi suất cao và hoạt động cho vay dưới chuẩn diễn ra không được kiểm soát chặt chẽ, trong khi hạ tầng, công nghệ lại thường lại không được nhiều ngân hàng chú trọng. Tuy nhiên, thực trạng đó hiện nay đã được hạn chế và cục diện đã thay đổi.
Khi nhận thức của khách hàng về tính an toàn và bền vững được nâng lên thì cuộc cạnh tranh của ngành ngân hàng cũng đã thay đổi về chất và thị trường đang tồn tại một cuộc cạnh tranh về “niềm tin” của khách hàng. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước dần ban hành Thông tư 02, Thông tư 09 yêu cầu chặt chẽ hơn về trích lập dự phòng cho các ngân hàng và bắt đầu triển khai việc tuân thủ Basel II thì những tiêu chí minh bạch và an toàn trong ngành đã được chú trọng hơn.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) nói: “Tôi tin nếu vẫn tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, trích lập dự phòng không đầy đủ và chặt chẽ, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao, nhưng điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng theo hướng này. Đối với VIB, quan điểm trích lập dự phòng đầy đủ, chia sẻ và đồng thuận, không những ở cấp HĐQT mà còn ở cổ đông để xây dựng ngân hàng an toàn, tăng trưởng bền vững, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tiến nhanh theo chuẩn quốc tế”.
Theo ông Vũ, khi tháo gỡ được “nút thắt” nợ xấu, tự khắc tín dụng ngân hàng được lưu thông, chất lượng cho vay đảm bảo và lợi nhuận sẽ đến với các ngân hàng một cách bền vững và ổn định. Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước dự phòng của VIB đạt 798 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 234 tỷ đồng đạt 72% kế hoạch cả năm 2014. Đây vẫn là ngân hàng được đánh giá là “mạnh tay” nhất trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu được kiềm ở mức 2,19%; quỹ dự phòng rủi ro lũy kế sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro vẫn duy trì ở mức gần 1.600 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục duy trì ở mức cao 17%.
Cũng trong quý 3, VIB là ngân hàng duy nhất được hãng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng hạng, trở thành 1 trong 2 ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BFSR) cao nhất trong số 9 ngân hàng lớn tại Việt Nam. Trong bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng hiện nay, việc kiên định với chính sách phát triển thận trọng và bền vững như VIB có thể không phải là duy nhất, nhưng đi đôi giữa tuyên bố với thực tiễn thì không nhiều.
Chị Vũ Lan Anh (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, thông thường, chị không để ý quá nhiều vào báo cáo tài chính hay những chỉ tiêu mang tính chuyên môn của các ngân hàng, song vẫn quan tâm đến việc “liệu tiền gửi của gia đình ở ngân hàng được sử dụng có hiệu quả và an toàn không”. Do đó, nếu ngân hàng công bố nợ xấu thấp và được quốc tế tín nhiệm thì tâm lý lo lắng của người gửi tiền cũng được giải tỏa hơn rất nhiều.
Mới đây, những thông tin dồn dập về việc Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank, VPBank lên “tích cực”; giữ xếp hạng của BIDV, VietinBank và SHB với triển vọng “ổn định”, sau đó là Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm VietinBank và Agribank…đã thổi luồng gió mới đầy tin tưởng cho người dân vào hệ thống ngân hàng hiện nay. Và dường như, người ta đã dần quên quãng thời gian khoảng 3 năm về trước, từng có những tin đồn cho rằng, hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ hoặc đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng… Thay vào đó, niềm tin được củng cố, và dòng tiền vẫn chảy về các ngân hàng cho dù lãi suất huy động không còn mức “huy hoàng” như trước.
--------------------------