Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn Báo Hải quan xung quanh câu chuyện nhập siêu của Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam nhập siêu kinh niên, tăng mạnh từ 1,2 tỷ USD vào năm 2000 lên 18 tỷ USD vào năm 2008. Đặc biệt, nhập siêu của Việt Nam tăng mạnh từ khi gia nhập WTO (năm 2007).
Hầu hết các nước trong quá trình công nghiệp hóa thì sẽ phải NK lớn. Việt Nam là nước đang phát triển và đang trong quá trình công nghiệp hóa nên cũng không ngoại lệ. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến cho Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu XK nguyên liệu thô (nông, lâm, thủy sản, dầu thô…) và các sản phẩm công nghiệp nhưng dưới dạng gia công trong khi NK máy móc thiết bị công nghệ giá cao. Thêm nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên phải NK nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất như dệt may, da giày, điện thoại di động…
Tuy nhiên, từ 2012 đến 2014 là 3 năm kinh tế khó khăn nhưng chúng ta lại xuất siêu. Vì sao lại như vậy? Trên thực tế, từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu chính sách kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô khi lạm phát tăng cao, các chỉ số kinh tế (nhập siêu, tỷ giá, lãi suất…) bất ổn. Chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả tốt nhưng đổi lại nền kinh tế phải trả giá, tức tổng cầu đầu tư, tổng cầu tiêu dùng giảm dẫn tới NK giảm. Trong khi đó, mấy năm qua, XK của Việt Nam lại tăng nên Việt Nam đã xuất siêu trong 3 năm qua.
Tôi khẳng định, xuất siêu của Việt Nam trong 3 năm qua chưa bền vững bởi nếu xuất siêu bền vững thì phải do sản xuất trong nước phát triển mạnh, XK luôn nhiều hơn NK trong lúc nền kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nền kinh tế chuyển sang xuất siêu chủ yếu do tác động phụ của chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. XK tăng nhưng do thêm mặt hàng chứ không phải do đẩy mạnh sản xuất. Hơn nữa, xuất siêu trong 3 năm qua chủ yếu là công của DN FDI, khối DN trong nước vẫn nhập siêu. Ví dụ như 2014, DN FDI xuất siêu 17 tỷ USD thì DN trong nước nhập siêu đến 15 tỷ USD. Đây cũng là yếu tố thiếu bền vững bởi nếu DN FDI chuyển sang nhập siêu hoặc giảm xuất siêu thì Việt Nam lại rơi vào tình trạng nhập siêu. Có thể thấy, chúng ta đang quá phụ thuộc vào DN FDI.
Năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan và khả năng sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa cao với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Do vậy, không chỉ năm 2014 mà năm 2015, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đón đầu các FTA. Sự đầu tư của DN FDI vào lĩnh vực dệt may là dẫn chứng khá điển hình. Khi họ đầu tư vào thì NK máy móc thiết bị sẽ tăng lên khá lớn. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sau 4 năm khó khăn đến cuối 2014 có dấu hiệu khởi sắc nên niềm tin kinh doanh tăng lên. Khi đó, xu hướng mở rộng đầu tư của DN trong nước cho sản xuất, kinh doanh cũng tăng lên. Như vậy, nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị sẽ là mặt hàng đầu tiên làm cho nhập siêu quay trở lại.
Mặt khác, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nên tổng cầu tiêu dùng tăng dẫn tới việc NK hàng tiêu dùng cũng tăng lên. Năm 2014 dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng lượng hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng vẫn đang được NK nhiều về Việt Nam, nhất là sự NK ồ ạt trở lại của các dòng xe sang cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hao hụt ngoại tệ của nền kinh tế. Theo đó, lượng ô tô NK trong năm 2014 đạt 1,59 tỷ USD. Ngoài việc hàng rào thuế quan giảm khiến lượng ô tô NK về tăng còn có lý do nhu cầu tiêu dùng tăng. Cùng với ô tô, mặt hàng điện thoại di động, các loại máy tính, linh kiện điện tử nhập về cũng tăng đáng kể. Khi niềm tin tiêu dùng tăng lên, xu hướng sử dụng hàng xa xỉ còn tiếp tục tăng trong năm 2015. Đây là nhóm mặt hàng thứ 2 tạo ra nhập siêu.
Gia tăng giá trị XK bằng cách dịch chuyển hàng nguyên liệu thô và sản phẩm gia công XK sang chế biến sâu và hàm lượng công nghệ cao hơn. Để làm được việc này phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm NK nguyên phụ liệu và linh kiện. Thêm nữa, cần đề ra biện pháp kiểm soát NK một cách hợp lý và không vi phạm quy định của WTO. Trong bối cảnh mở cửa thị trường, giảm thuế quan, chúng ta phải áp dụng biện pháp phi thuế quan như thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay những khâu này của Việt Nam rất yếu. Nguyên nhân là do chúng ta đề ra những tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng với hàng hóa NK cũng như hàng trong nước nhưng chính DN trong nước lại không đáp ứng được.
Hiện nay, hàng hóa NK chia làm 3 nhóm: Hàng cần NK, hàng cần kiểm soát NK, hàng cần hạn chế NK. Nhóm hàng cần NK chiếm tới 87% tổng kim ngạch NK, trong khi đó, 2 nhóm hàng còn lại chỉ chiếm khoảng 13%. Xét về tỷ trọng, 2 nhóm này không lớn nhưng nếu tính ra con số tuyệt đối thì không nhỏ. Ví dụ năm 2014, tổng kim ngạch NK là 150 tỷ USD thì nhóm cũng lên tới 15-18 tỷ USD. Riêng ô tô, Việt Nam đã NK tới 1,5 tỷ USD. Do vậy, nhóm hàng này vẫn phải kiểm soát NK.
Cuộc sống ngày càng no đủ khiến nhiều gia đình có những nhu cầu “lạ” về vật chất lẫn tinh thần trong ngày Tết, điều này cũng khiến nhiều dịch vụ được dịp đắt hàng, hoặc phát sinh những dịch vụ “độc” mà chỉ vài năm gần đây mới có. Những dịch vụ này có thể đem lại cho người làm tiền triệu, thậm chí chục triệu đồng chỉ trong vài ngày Tết.
Dọn nhà cuối năm đắt khách
Dịch vụ dọn nhà theo giờ vốn đã quen thuộc với nhiều người thành thị, nhưng vào ngày giáp Tết thì đắt khách hơn cả vì tâm lý cuối năm thì ai ai cũng cần dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa. Vì vậy, lẽ ra phải về quê đón Tết thì nhiều người lao động ngoại tỉnh lại chấp nhận ở lại Hà Nội đến tận ngày cuối cùng của năm để kiếm thêm thu nhập, vì thời điểm này, giá thuê sẽ cao hơn. Chị Phí Thị Loan (Thái Bình) cho biết mình lên Hà Nội làm thuê cho một cửa hàng bán đồ ăn sáng, đồng thời nhận dọn dẹp nhà cửa theo giờ. Năm ngoái chị làm đến tận tối muộn 29 Tết, sáng sớm 30 chồng phải đi xe máy từ quê ra đón sớm. Năm nay, chị cũng dự định sẽ ở lại đến khoảng đó, vì đến thời điểm này các gia đình xung quanh khu vực chị làm cũng đã “đặt lịch” khá nhiều. Mỗi ngày dọn dẹp như vậy, chị kiếm được khoảng 500-700 nghìn đồng. “Dọn dẹp ngày Tết không chỉ quét tước, lau dọn nhà cửa như ngày thường, mà còn phải giặt thảm, rèm, thậm chí là nhổ cỏ, cắt tỉa cây… Nói chung là vất vả hơn nhiều, nhưng thù lao cũng xứng đáng” - chị Loan chia sẻ.
Tại nhiều “chợ người”, những người lao động tự do cũng nhận được nhiều đơn hàng dọn dẹp nhà cửa cuối năm hơn. Đặc biệt tại các công ty, trung tâm cung cấp dịch vụ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì đây là thời điểm hoạt động “hết công suất”. Theo khảo sát thì năm nay, giá dịch vụ dọn nhà dịp Tết tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc điều hành công ty Vệ sinh công nghiệp Hoàn Mỹ, cho biết, giá trọn gói dọn dẹp một căn hộ chung cư diện tích 120m2 năm ngoái là 1,6 triệu đồng, nhưng năm nay tăng lên 1,8 triệu đồng. Giá dịch vụ dọn nhà theo giờ là 50.000 đồng/giờ ngày thường, nhưng từ ngày 20 âm lịch sẽ tăng lên 65.000-70.000 đồng/giờ. Giá dịch vụ dọn nhà theo diện tích vào ngày thường 12.000-15.000 đồng/m2, nhưng vào dịp giáp Tết tăng lên 20.000 đồng/m2. Đặc biệt, khách hàng có nhu cầu dọn nhà vào 29, 30 Tết thì phải đăng ký trước vài tuần thì công ty mới xếp lịch được.
Cũng theo các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này thì thời điểm cuối năm thường gặp khó khăn trong vấn đề nhân sự, do đa phần nhân viên là thời vụ, không có hợp đồng lao động, nên sẽ dễ dàng “nhảy” việc, vì vậy để giữ chân người làm các doanh nghiệp phải trả giá cao.
Trông nhà ngày Tết lương cao
Thay vì về quê dịp Tết, nhiều lao động hoặc sinh viên chấp nhận ở lại Hà Nội làm giúp việc, trông nhà trong những ngày Tết vì mức lương những ngày này cao gấp nhiều lần ngày thường, công việc lại nhàn hạ hơn hẳn. Thời gian làm việc trong khoảng các ngày từ 25 tháng chạp đến mùng 6 tháng Giêng.
Công việc thì chủ yếu là dọn dẹp, trông nhà cho chủ đi chúc Tết, về quê hay du lịch, đôi khi là trông trẻ cho chủ đi chúc Tết, hay tham gia những buổi tiệc tùng sang trọng… Người giúp việc trong những ngày này chủ yếu là sinh viên, bộ đội xuất ngũ, nhân viên bảo vệ, những lao động giúp việc mà gia chủ không có nhu cầu ngày Tết. Tuy lương cao nhưng ít người sẵn sàng đánh đổi thời gian Tết quý giá để đi làm thêm, vì vậy giá thành tương đối cao, khoảng 400-800 nghìn đồng/ngày. Đối với những trường hợp này, gia chủ có yêu cầu khắt khe về lý lịch, sức khỏe, khả năng tự bảo vệ mình cũng như gia tài của chủ nhà…
Nấu cỗ Tết
Tâm lý Tết nghỉ ngơi, xả hơi nên nhiều phụ nữ đã quyết định nhờ đến dịch vụ nấu cỗ ngày Tết để mời khách khứa, họ hàng. Chị Hường, một người chuyên nấu cỗ thuê cho biết, mấy năm nay năm nào chị cũng nghỉ đúng ngày 1 Tết, còn lại là đi nấu cỗ phục vụ các gia đình. Giá công ngày Tết cũng cao hơn ngày thường khoảng 100-150 nghìn đồng/mâm tùy ngày. Gia chủ sẽ lên danh sách các món ăn, còn chị sẽ tự đi chợ sắm sửa và chế biến toàn bộ. Trên các diễn đàn mạng, dịch vụ này cũng được quảng cáo, và được khá nhiều người ủng hộ.
Chủ đi chơi, chó mèo ra… khách sạn ở
Ngày Tết ai sẽ chăm sóc những chú chó, mèo cưng là vấn đề đau đầu của không ít người. Những năm gần đây, dịch vụ trông giữ chó mèo ngày Tết cũng đắt hàng hẳn. Ông Nguyễn Bảo Sinh, Giám đốc khách sạn chó mèo Bảo Sinh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá dịch vụ năm nay có tăng nhẹ so với năm ngoái vì năm nay khách sạn của ông giảm số lượng và tăng chất lượng dịch vụ chăm sóc hơn. Giá tùy gói dịch vụ sẽ dao động từ 200 đến 1 triệu đồng/ngày/con. Chó mèo khi gửi tại phòng VIP giá 1 triệu đồng mỗi ngày sẽ được chăm sóc một cách đặc biệt với đầy đủ tiện nghi hiện đại như tivi, điều hòa, máy sưởi, camera... giống như khách sạn cao cấp dành cho người ở. Ngoài ra chúng được dắt đi chơi, được làm đẹp, tắm gội, khám bệnh và có chế độ ăn uống theo yêu cầu. Ông Sinh cho biết, ngày Tết chăm sóc chó mèo rất vất vả vì số nhân viên ở lại chỉ còn một nửa trong khi số lượng chó mèo lại đông, mỗi con một tính. Hơn nữa, nhiều gia chủ lại rất kỹ tính, họ đặt hàng ăn cho thú cưng theo chế độ riêng vì nếu thay đổi bữa ăn thì dễ bị ốm, hay thậm chí cân thú cưng trước và sau khi gửi… Bên cạnh những dịch vụ VIP thì nhiều cơ sở cũng nhận trông coi chó mèo ngày Tết với giá bình dân từ 50 đến 150.000 đồng/ngày/con.
Tiền triệu cho vài phút… xông đất
“Xông đất” vẫn là một nét văn hóa đặc biệt của người Việt trong ngày đầu tiên của năm mới. Theo đó, người đầu tiên bước vào nhà bạn sau khoảnh khắc giao thừa sẽ được gọi là người “xông đất”. Tục xông đất thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, an khang và người xông đất như một dấu hiệu để người ta giải đoán trước hậu vận của năm đó. Nếu như trước đây, người được chọn đi “xông đất” phải là người thân quen trong gia đình, hợp tuổi gia chủ làm ăn thì bây giờ, nhiều gia đình làm kinh doanh kỹ càng hơn trong việc chọn người xông đất. Ăn theo quan niệm này, nhiều người đã lên ý tưởng kinh doanh, mở dịch vụ xông đất và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện xã hội để tìm kiếm khách hàng. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần đưa thông tin về ngày tháng năm sinh, phía cung cấp dịch vụ sẽ chọn người “hợp tuổi”. Và để có người xông đất mặc quần áo thần tài, có thêm cả phong bao đỏ lì xì cho nhà chủ, khách hàng có thể phải chi hàng triệu đồng cho khoảng 5-10 phút. Với các công ty, đơn vị thuê cả nhóm múa lân rồng, 3 ông Phúc - Lộc -Thọ, mức giá có thể lên tới 10 triệu đồng. Những người được chọn xông đất thuê ngoài hợp tuổi cũng cần có trình độ nhất định, ngoại hình ưa nhìn, có kinh nghiệm xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp tốt.
Không chỉ các công ty mở dịch vụ xông đất thuê, nhiều sinh viên, học sinh cũng tự đăng quảng cáo nhận xông đất thuê trên các trạng mạng xã hội, bao gồm đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày giờ sinh, quê quán, chiều cao, ngoại hình... Giá một lần xông đất của mỗi học sinh, sinh viên thường thấp hơn dịch vụ, dao động trong khoảng từ 500.000 đồng trở lên.
Buôn muối đêm giao thừa
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt. Gần đây ở nhiều thành phố, nhất là Hà Nội xuất hiện các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên bán muối ngay trong đêm giao thừa tại các điểm vui chơi, giải trí. Những túi muối mua chưa đến 10 nghìn đồng/kg có thể chia ra thành hàng chục túi nhỏ, để vào các túi màu đỏ kèm nơ buộc sẽ bán được giá khoảng 15-20 nghìn đồng/túi. Ngoài bán muối thì các bạn trẻ này còn bán kèm diêm, vì diêm cũng là mặt hàng được mua rất nhiều với hy vọng tìm thấy hơi ấm và giữ được lửa trong năm mới.
Đắt hàng dịch vụ cho thuê người yêu
Dịp Tết thường là nỗi ám ảnh với nhiều người độc thân khi tuổi đã nhiều, bởi về quê hay đi bất cứ đâu đều nhận được câu hỏi: “Bao giờ lấy vợ/chồng?”. Đối với những người trẻ tuổi thì có một cô bạn gái xinh đẹp đi cùng trong các buổi cà phê, liền hoan, tiệc tùng ngày Tết không chỉ cảm thấy ấm áp hơn mà còn được dịp “vênh mặt” với bạn bè. Vì thế, dịch vụ cho thuê người yêu được dịp đắt hàng trong những ngày Tết. Không chỉ các trung tâm, công ty cho thuê người yêu mà nhiều bạn gái có vẻ ngoài ưa nhìn cũng sẵn sàng lên các trang mạng để giới thiệu mình, mời chào cho thuê người yêu. Mức giá thường được tính theo ca (một ca dưới 3 giờ đồng hồ), mỗi ca khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian và địa điểm. Với những người thuê hẳn người yêu trong 3 ngày Tết để về quê, ra mắt họ hàng thì giá thành cao hơn nhiều. Không chỉ các cô gái mà dịch vụ thuê người yêu nam thời gian gần đây cũng bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng đang có xu hướng biến tướng, do chưa được quản lý chặt chẽ, hầu hết không có hợp đồng ràng buộc giữa đôi bên.
--------------------------
Bốn nữ đại gia 9x nắm giữ khối tài sản khổng lồ năm 2015
Năm 2013 báo giới bắt đầu rầm rộ đăng tải thông tin về bốn vị ái nữ xinh đẹp, giỏi giang của bốn tập đoàn lớn trong nước với lượng tài sản sở hữu kếch sù lên tới chàng chục tỷ đồng. Họ trở thành nhứng nữ đại gia 9x nổi đình nổi đám từ đó đến nay.
Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh con gái Tổng giám đốc REE
Ái nữ xinh đẹp, tài năng Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh của chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Mai Thanh được coi là nữ đại gia 9xnổi bật nhất năm 2013 khi công bố mua thêm một triệu cổ phiếu REE, qua đó sở hữu 3.160.000 cổ phiếu REE, gần 1,3% vốn điều lệ doanh nghiệp này hồi đầu tháng 1/2013.
Với trị giá cổ phiếu như hiện tại (hơn 92,5 tỷ đồng), Nhất Hạnh được xem là một trong số ít những nhân vật thuộc thế hệ 9x có số tài sản khổng lồ.Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh sinh năm 1991, là con gái ruột của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh.
Không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh, trong học tập, Nhất Hạnh còn thể hiện tài năng nổi trội khi trở thành một trong những thí sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS cao nhất Việt Nam.Tổng điểm trung bình của Nhất Hạnh đạt 8,5, trong đó có kỹ năng đọc và viết lên tới 9,0, lúc đó cô mới 18 tuổi. Ngoài tiếng Anh, Nhất Hạnh còn học thêm tiếng Tây Ban Nha khi còn ở bậc phổ thông.
Đặng Nguyễn Quỳnh Anh – ái nữ của đại gia Đặng Thành Tâm
Là người đang nắm giữ danh hiệu “nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, ái nữ của đại gia Đặng Thành Tâm có một năm đáng nhớ với cổ phiếu KBC. Hồi tháng 2- 2014, thời điểm KBC chưa có nhiều bứt phá, Quỳnh Anh khiến giới đầu tư phải chú ý tới KBC khi công bố mua vào 10 triệu đơn vị KBC.
Không thông báo giá mua nhưng các diễn biến giao dịch cho thấy, trong khoảng thời gian Quỳnh Anh gom hàng thành công, giá KBC dao động từ 11.000 đồng/CP tới 13.000 đồng/CP. Ngày 29/12, sau nhiều phiên giảm rất sâu cùng VN-Index, KBC dừng ở mức 15.000 đồng/CP.
Như vậy, so với giá mua vào, con gái của đại gia Đặng Thành Tâm lãi ít nhất 10 tỷ đồng.Còn so với giá cổ phiếu cuối năm 2013, 10 triệu cổ phiếu KBC mà Quỳnh Anh nắm giữ đã tăng 52 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của “nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam” đạt tới 150 tỷ đồng.
Nguyễn Trần Thảo Nguyên – con gái Phó chủ tịch HĐQT Công ty CPTM XNK Thiên Nam
Nguyễn Trần Thảo Nguyên, con gái ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA). Vào giữ tháng 5/2014 Nguyễn Trần Thảo Nguyên nổi lên trên sàn chứng khoán trước sự ngỡ ngàng của nhiều người khi cô chào mua công khai thành công 1,26 triệu cổ phiếu TNA, tương ứng 15,7% vốn TNA.
Qua đó Nguyễn Trần Thảo Nguyên trở thành cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 2,04 triệu cổ phiếu, tương đương 25,5% cổ phần của TNA. Theo đăng ký chào mua, với mức giá dự kiến thực hiện vào thời điểm đó là 24.900 đồng/CP thì số tiền mà tiểu thư 9X Thảo Nguyên phải bỏ ra là khoảng 31 tỷ đồng.
Tính tới ngày 29/12/2014, cổ phiếu TNA tăng 6.700 đồng/CP. Đà tăng mạnh giúp giá trị hơn 2 triệu cổ phiếu TNA của Thảo Nguyên tăng thêm 1,4 tỷ đồng. Ái nữ 9X của ông Quang Hòa hiện đang sở hữu khối tài sản lên tới gần 60 tỷ đồng.
Nguyễn Ngọc Mỹ – ái nữ Chủ tịch Alphanam
Năm 2014 Nguyễn Ngọc Mỹ là một trong những cái tên đình đám nhất trong làng 9X. Bên cạnh sở hữu ngoại hình đẹp như hoa hậu, ái nữ của ông Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải được nhắc đến nhiều khi có bữa tối đáng nhớ với chàng tiền vệ điển trai David Beckham.
Gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải là một thế lực lớn tại CTCP Đầu tư Alphanam (APL), với việc ông Hải là Chủ tịch HĐQT và bà Đỗ Thị Minh Anh, vợ ông Hải là Phó tổng giám đốc. Nguyễn Ngọc Mỹ đang sở hữu 9,6 triệu cổ phần APL, tương ứng trị giá 32,6 tỷ đồng.
Cả gia đình Ngọc Mỹ đang nắm tới 89,5% vốn của APL với 172,31 triệu cổ phần tương ứng 586 tỷ đồng.Hiện tại, cổ phiếu APL đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 3/4/2013, do lợi nhuận sau thuế kiểm toán hợp nhất 2012 âm 145 tỷ đồng, và cũng nằm trong danh sách cổ phiếu chưa được giao dịch ký quỹ theo thông báo của Sở GDCK TP.HCM ngày 3/7/2013. Giá APL trên thị trường đang rất rẻ với 3.400 đồng/cp.
------------------------