"Nếu dựa trên quan hệ “có đi - có lại” phía Mỹ cũng sẽ cấp visa cho công dân Việt Nam 3 tháng thay vì 1 năm như hiện nay, điều này sẽ tác động tiêu cực lên đầu tư của Mỹ vào Việt Nam”, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AMCHAM nói.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhân dịp đầu xuân Ất Mùi - 2015, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu rõ những bất cập đang gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam. Nếu những "nút thắt" này không được tháo gỡ sẽ là rào cản rất lớn trong việc thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM) cho rằng, năm 2015, để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á thì Việt Nam cần phải sớm gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP. Cần xây dựng các mục tiêu tích cực để các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Herb Cochran cho rằng, ông rất quan ngại về Luật Di trú của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thay đổi quy định cho phép công dân Mỹ đến Việt Nam (dù công việc hay công tác) chỉ được xin visa trong ngắn hạn tối đa 3 tháng, có giá trị 1 lần đang gây những khó khăn nhất định.
“Nếu dựa trên quan hệ “có đi – có lại” phía Mỹ cũng sẽ cấp visa cho công dân Việt Nam 3 tháng thay vì 1 năm như hiện nay, điều này sẽ tác động tiêu cực lên đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Như Trung Quốc, việc cấp visa có thời hạn tới 10 năm, giá trị nhiều lần cho cả công dân hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc, tạo sự thuận lợi cho công dân hai bên. Tôi mong Chính phủ Việt Nam xem xét lại để tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi cho việc đi lại”, ông Herb Cochran nói.
Ông Yasuzumi Hirotaka – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) cho rằng, trong năm qua, Việt Nam đã tích cực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa về thuế, hải quan… Tuy nhiên, qua khảo sát của JBAH, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn cho rằng, hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa minh bạch, rõ ràng, còn quá rườm rà. Hệ thống quy trình về thuế, hải quan còn gây trở ngại, khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Đức Chí – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Global Cybersoft Việt Nam thì cho rằng, khó khăn lớn cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù đã thử nghiệp nhiều giải pháp để tìm kiếm 1-2 nhân sự chất lượng cao nhưng “đỏ mắt” không tìm thấy. Chính vì thế, công ty của ông Chí đã phải từ chối nhiều hợp đồng giá trị lớn.
Ông Phạm Thái Lai – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Siemens, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức kiến nghị TPHCM tăng tốc, đẩy nhanh các tuyến dự án giao thông, tàu điện ngầm.
Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng TPHCM xây dựng chương trình đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển hạ tầng… để TPHCM “đáng sống hơn, cạnh tranh hơn”.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (Hepza) cho biết, Hepza đã chuẩn bị quỹ đất 260 ha, nhà xưởng cao tầng với 50.000 m2 sàn xây dựng tại KCX Tân Thuận và Linh Trung để thu hút các ngành công nghiệp mũi nhọn: Cơ khí, điện tử - tin học, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… TPHCM cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực 14.000 lao động cho các dự án đầu tư vào KCN-KCX để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất.
Trong lĩnh vực đầu tư, đối với các dự án không cần thẩm tra, xin ý kiến bộ, ngành trung ương, Hepza sẽ giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ, từ 15 ngày còn 7 ngày làm việc. Trong lĩnh vực xây dựng, thủ tục cấp giấy phép xây dựng sẽ giảm 40% thời gian giải quyết, từ 20 ngày làm việc xuống còn 12 ngày. Đối với thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giảm 30% thời gian, từ 30 ngày còn 20 ngày.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Cục Thuế thành phố có cách giải quyết ngay trong tuần này cho các doanh nghiệp nước ngoài đang gặp phải những khó khăn về thuế. Còn về việc cấp visa cho công dân nước ngoài, ông Quân cho biết sẽ có báo cáo trình lên Quốc hội xem xét.
Đối với cải cách thủ tục hành chính, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ”, phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong năm 2015.
“Lãnh đạo TPHCM sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế phát triển theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế”, ông Lê Hoàng Quân nói.
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định: “TPHCM xem khó khăn của Doanh nghiệp là khó khăn của chính cơ quan lãnh đạo, quản lý; các cơ quan lãnh đạo, quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của Nhà đầu tư, của doanh nghiệp”.
---------------------
CPI khó có thể tăng cao trong năm nay
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, mặc dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 tiếp tục giảm 0,05% so với tháng trước.
Với mức giảm này, đây là tháng thứ 2 liên tiếp tính từ đầu năm 2015 chỉ số CPI liên tục giảm sau khi tháng 1 đã giảm 0,2%.Nhận định về xu thế CPI trong các tháng tới và năm 2015 nói chung, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, năm nay lạm phát sẽ tăng rất thấp.
Ông Tuyến cho hay, dự báo đưa ra từ cuối tháng 12/2014 của Viện này là chỉ số lạm phát năm 2015 dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 2-3%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 5% của Chính phủ và mức 4% của 4 bộ đưa ra tại cuộc họp Tổ điều hành 4 bộ hồi cuối tháng 12 vừa qua. Lý do đưa ra mức dự báo này, theo ông Tuyến, là do các căn cứ để đẩy giá năm 2015 là gần như chưa có.
“Riêng tháng 1 là tháng gần Tết đáng lẽ giá cao, năm nay Tết rơi vào tháng 2, nhưng tháng 1 âm, tháng 2 cũng lại âm, cả 2 tháng quan trọng trong năm thì đều giảm, còn từ tháng 3 đến tháng 9 chủ yếu chỉ số CPI sẽ đi ngang nhau, và dù nếu có thêm yếu tố tăng giá điện trong các tháng tới, thì cũng có thể có tác động song không quá nhiều nên tôi cho rằng CPI khó có thể vượt quá 2-3%”, ông Tuyến phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo nhận định của ông Tuyến, năm 2015, kinh tế thế giới tuy có tín hiệu hồi phục, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Xu hướng giá dầu giảm được dự báo vẫn có thể kéo dài. Trong khi đó, đối với kinh tế trong nước, tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong khi Chính phủ dự kiến sẽ vẫn duy trì chính sách tài khóa thắt chặt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để nhận định CPI khó có thể tăng cao trong năm nay.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây là hiện tượng khá bất thường bởi là lần đầu tiên CPI giảm liên tiếp trong vòng 4 tháng, trong đó toàn là những tháng cao điểm như 2 tháng cuối năm là tháng 11 và tháng 12 năm 2014 và 2 tháng đầu năm là tháng 1 và tháng 2 năm 2015 vốn đều rơi vào thời điểm lễ tết là những dịp tiêu dùng tăng mạnh, giá cả thường tăng cao.
Theo phân tích của ông Long, nguyên nhân cơ bản của xu hướng giảm CPI các tháng gần đây, cũng như của tháng 2 năm nay vẫn là do giá dầu giảm, nên tác động đến chi phí vận tải giảm mạnh, từ đó kéo theo giá dầu vào các loại hàng hóa giảm khiến giá hàng hóa giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ 2 đáng quan ngại hơn là do kinh tế vẫn khó khăn, phần lớn người lao động có thu nhập thấp vẫn phải tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng. Bên cạnh đó còn do nguyên nhân đầu năm tăng trưởng tín dụng thấp, cũng kéo theo lạm phát không những không tăng mà lại còn giảm.
Cũng cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định việc chỉ số CPI trong tháng Tết giảm là điều không bình thường, làm cho nhiều nhà quan sát thấy quan ngại, tuy nhiên chưa đến mức lo lắng.
“Đây là điều cần hết sức quan tâm bởi không chỉ liên tục trong 4 tháng mà đặc biệt là CPI trong tháng Tết vẫn giảm. Chúng ta cần theo dõi hết sức chặt chẽ nhưng theo tôi chưa đến mức quá phải lo ngại về xu hướng này bởi cũng như hầu hết các tháng trước, CPI giảm chủ yếu vẫn là do đóng góp của giảm giá xăng dầu dẫn đến giảm chi phí vận tải, giảm các chi phí đầu vào khác nên giá hàng hóa giảm đi. Mặt khác, việc chỉ số CPI giảm 0,05% là một mức khá nhỏ mà theo các nhà thống kê chuyên môn thì nằm trong sai số cho phép. Thực tế nói giảm 0,05% hay tăng 0,05% thì cũng là một khoảng cách rất nhỏ nằm trong mức sai số cho phép tùy theo lượng mẫu lựa chọn và sự tính toán của cơ quan thống kê, do đó chưa cần quá lo ngại”, ông Doanh phân tích.
---------------------
8,8 triệu euro để bảo vệ rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2”.
Dự án trên được thực hiện tối đa trong 3 năm (2015 - 2018) với tổng kinh phí là 8,8 triệu euro. Trong đó, vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức là 4,4 triệu euro; vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia là 3,6 triệu euro; vốn đối ứng của phía Việt Nam 0,8 triệu euro.
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực thể chế và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng vào việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.
------------------
Nga giảm mạnh lương, cắt giảm công chức
Trang Business Insider cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký ba sắc lệnh mới quyết định cắt giảm lương của công chức nước này. Theo đó, lương của công chức Nga, bao gồm cả ông Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev, sẽ giảm 10% kể từ ngày 1/5 tới.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng tuyên bố kế hoạch cắt giảm số công chức trong khoảng từ 5-20%.
Những biện pháp này là một phần trong kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ Nga nhằm đối phó với nguồn thu ngân sách giảm mạnh do giá dầu thế giới lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Giá dầu thô thế giới đang ở mức khoảng 60 USD/thùng trong khi kế hoạch ngân sách liên bang Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu 100 USD/thùng, dẫn tới một lỗ hổng ngân sách lớn.
Có vẻ như ông Putin sẽ không lo ngại việc ông bị giảm lương. Hồi tháng 12 năm ngoái, người đứng đầu điện Kremlin nói với các phóng viên trong cuộc họp báo thường niên của ông rằng: “Thực lòng mà nói, tôi thậm chí còn không biết lương của mình là bao nhiêu. Họ trả cho tôi, và tôi đưa luôn vào tài khoản”.
Tuy nhiên, giới công chức Nga có lẽ sẽ không thấy thoải mái với việc cắt giảm lương này, nhất là khi họ còn đối mặt nguy cơ mất việc trong chương trình sa thải nhân sự của chính quyền các cấp.
Thông tin về việc Nga giảm lương và sa thải công chức được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đề nghị Quốc hội nước này phê chuẩn khoản chi 3,2 nghìn tỷ Rúp, tương đương khoảng 51 tỷ USD từ quỹ Reserve Fund, một trong hai quỹ lợi ích quốc gia của Nga.
Khoản chi này là một phần trong kế hoạch chống khủng hoảng của Bộ Tài chính Nga, tương đương hơn một nửa giá trị quỹ Reserve Fund và vượt xa mức 500 tỷ Rúp mà Chính phủ Nga ban đầu dự định sẽ chi.
Động thái trên cho thấy, Moscow đang trầy trật dưới sức nặng của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm. Tháng 2 vừa qua, lạm phát của Nga lên mức 16,7%, mức cao nhất trong 1 thập niên. Đồng Rúp mất giá và việc Nga trả đũa bằng cách cấm nhập nhiều mặt hàng của phương Tây tiếp tục đẩy giá tiêu dùng ở nước này tăng cao.
Theo một số dự báo, người Nga sẽ phải chi một nửa thu nhập để mua thực phẩm trong năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 3% trong năm nay và 1% trong năm 2016. Tuy nhiên, nhiều dự báo về kinh tế Nga đều được dựa trên kịch bản là lệnh trừng phạt của phương Tây tung lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ được nới lỏng trong vòng vài tháng tới - một điều mà không ai dám chắc sẽ trở thành hiện thực.
Trong lúc lệnh ngừng bắn mới nhất cho miền Đông Ukraine tiếp tục được duy trì, nền kinh tế Nga vẫn đang phải “chịu trận”.
Tuần trước, Gazprom Neft, công ty dầu thuộc tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga, đề nghị Chính phủ hỗ trợ 198 tỷ Rúp. Trước đó, hãng dầu lửa lớn nhất của Nga là Rosneft cũng phải xin Chính phủ hỗ trợ tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Siluanov cảnh báo rằng, thách thức đối với các công ty này có thể sẽ còn gia tăng trước khi tình hình được cải thiện. Ông Siluanov nói với Chính phủ Nga rằng, giá dầu còn có thể giảm tiếp. “Cần lưu ý rằng vẫn còn nhiều rủi ro trên thị trường dầu. Nguồn cung vẫn đang vượt nhu cầu và dự trữ dầu lửa của nhiều nước đang tăng nhanh”, ông Siluanov nói.
-------------------------