Ôtô chở khách sẽ được xếp hạng từ 1-5 sao
Bộ GTVT lấy ý kiến về Dự thảo Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ôtô được, trong đó sẽ phân hạng chất lượng dịch vụ đối với phương tiện và hạng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô từ 1-5 sao.
Theo dự thảo, sẽ có 3 loại hình kinh doanh là vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, du lịch và hợp đồng sẽ được xếp hạng sao.
Đồng thời vận chuyển hàng khách bằng xe buýt và vận chuyển hành khách bằng taxi sẽ được đánh giá trên 5 tiêu chí để tính điểm. Cụ thể, chất lượng phương tiện (tối đa 40 điểm); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (tối đa 20 điểm); hành trình (tối đa 10 điểm, riêng taxi không tính điểm tiêu chí này); tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải (tối đa 20 điểm); quyền lợi của hành khách (tối đa 10 điểm). Căn cứ vào tổng điểm của 5 tiêu chí trên, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của phương tiện được phân thành các hạng chất lượng.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông” trong đó, phân ra 5 hạng xe vận tải, từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Tuy nhiên, theo Dự thảo Tổng cục Đường bộ để cập đến việc giao quyền quản lý, giám sát cũng như tự đăng ký chất lượng dịch vụ để xếp xe “sao” cho DN vận tải mà chưa có cơ quan độc lập kiểm tra, quản lý, theo dõi hậu kiểm chất lượng dịch vụ, tiến hành xử phạt vi phạm, thậm chí là hạ “sao”… cho xe ở các doanh nghiệp vận tải.
-------------------------
Kinh tế Nga chìm sâu vào khủng hoảng
Ngân hàng trung ương Nga vừa nâng lãi suất cơ bản lần thứ 5 trong năm nay, lên gấp đôi so với hồi tháng một, nhằm đối phó lạm phát.
Như vậy, lãi suất tại Nga đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Lần gần đây nhất là 6 tuần trước, cơ quan này nâng lãi từ 8% lên 9,5%. Website của Ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ còn tiếp tục động thái này "nếu nhận thấy rủi ro lạm phát tăng cao".
CNN nhận định cơ quan này vốn có rất ít lựa chọn trong bối cảnh lạm phát tăng cao và đồng rouble lao dốc. Động thái mới nhất này sẽ càng chồng thêm thách thức cho nền kinh tế đang trên đà suy giảm. Ngân hàng trung ương Nga cũng cho biết không kỳ vọng nước này sẽ tăng trưởng trở lại cho đến năm 2017.
Đến nay, đồng rouble Nga đã mất giá 40% so với USD, do căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine. Việc này đã khiến các gia đình và công ty Nga phải chi nhiều tiền hơn để mua hàng nhập khẩu từ các nước khác, và đẩy chi phí đi vay của các doanh nghiệp lên cao.
Trên Bloomberg, Vadim Bit-Avragim tại hãng quản lý tài sản Kapital nhận xét: "Đây là một quyết định quá rụt rè. Nếu mục tiêu của họ là bảo vệ đồng rouble, lãi suất cần phải nâng thêm 2-3% nữa".
Nội tệ suy yếu cũng khiến giá cả tăng vọt. Trong báo cáo cập nhật kinh tế hàng tháng của ngân hàng trung ương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga được dự báo tăng 9,4% cuối năm nay, khiến hàng hóa thường ngày càng trở nên đắt đỏ hơn với các gia đình. Mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nga là giữ lạm phát quanh 4%. Nhưng việc đó giờ đã trở nên hoàn toàn phi thực tế.
Giá dầu toàn cầu lao dốc cũng là đòn giáng mạnh lên Nga, do kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực năng lượng. Xuất khẩu dầu khí còn đóng góp gần một nửa ngân sách Nga. Giá dầu hiện vào khoảng 61 USD một thùng, giảm gần 40% so với 100 USD hồi tháng 6.
Hàng loạt quan chức và công ty Nga hiện còn phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây từ sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị cáo buộc ủng hộ quân ly khai tại miền Đông Ukraine. Nga cũng đáp trả bằng các đòn tương tự, khi cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm phương Tây. Những lệnh trừng phạt này không chỉ làm suy giảm đáng kể niềm tin doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Nga, mà còn khiến Đức - đối tác thương mại lớn nhất của Nga chịu thiệt hại.
Về đầu tư, mối quan hệ đóng băng với phương Tây đã châm ngòi cho làn sóng tháo chạy vốn khỏi Nga. Giới phân tích dự đoán nhà đầu tư sẽ rút 120 tỷ USD khỏi Nga trong năm nay. Còn năm tới, con số này sẽ là 80 tỷ USD.
Dù vậy, Thủ tướng Nga - Dmitry hôm qua vẫn tỏ ra không quá sốt sắng. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm qua, ông cho biết dù nội tệ giảm giá là đòn giáng mạnh vào tiêu dùng - động lực chính giúp Nga hồi phục qua khủng hoảng 2008, chẳng có lý do gì để phải "kích động đặc biệt" cả. "Tất cả chúng ta cần phải kiên nhẫn vượt qua thời kỳ khó khăn này và nhìn về tương lai", ông nói.
-------------------------
Moody's nâng triển vọng ngân hàng Việt Nam
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's vừa nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, do môi trường kinh doanh ổn định, tình hình vĩ mô và sức ép thanh khoản được cải thiện.
"Ổn định vĩ mô đã củng cố thanh khoản trên toàn hệ thống. Tăng trưởng tiền gửi gần đây cũng được cải thiện, nhờ các chính sách của Chính phủ nhắm vào giảm tiết kiệm vàng và ngoại tệ", Gene Fang - Phó chủ tịch Moody’s cho biết khi công bố báo cáo "Triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam" hôm nay.
Fang nhận xét các nhà băng cũng đang giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay liên ngân hàng, do việc này làm tăng rủi ro thanh khoản hệ thống. Vì tỷ lệ vay liên ngân hàng cao cũng có nghĩa tình trạng kẹt vốn tại một nhà băng sẽ nhanh chóng lan sang nhiều nhà băng khác.
Báo cáo của Moody’s phản ánh dự đoán của hãng về độ tin cậy của các ngân hàng trong 12-18 tháng tới. Hãng dựa trên 5 yếu tố: môi trường hoạt động (được đánh giá ổn định), tình trạng cấp vốn và thanh khoản (đang cải thiện), chất lượng tài sản và nguồn vốn (đang suy giảm), lợi nhuận và hiệu suất (đang suy giảm) và sự hỗ trợ hệ thống (ổn định).
Báo cáo chỉ ra môi trường hoạt động tại Việt nam đang bắt đầu ổn định, sau đợt suy yếu năm 2012 vì nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh. Lạm phát và lãi suất trong nước cũng đã giảm dần trong 2 năm qua từ mức 2 chữ số. Sức ép tỷ giá cũng đã hạ nhiệt
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ) tăng cao, cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, và chính sách ưu tiên ổn định tăng trưởng cũng góp phần cải thiện tình hình.
Moody’s cho rằng tăng trưởng tín dụng cũng đã chậm lại, bất chấp lãi suất thấp, do hoạt động xuất khẩu tăng không đủ bù sức giảm nhu cầu nội địa. Kết quả là thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã cải thiện, do tăng trưởng tiền gửi vượt tăng trưởng tín dụng.
Báo cáo cũng chỉ ra dù các cải thiện gần đây về chuẩn mực quản lý đã củng cố triển vọng phục hồi cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các vấn đề tín dụng còn tồn tại cho thấy sự phục hồi này sẽ còn chậm chạp.
Thêm vào đó, dự phòng rủi ro tín dụng và vốn vẫn chưa đủ. Các lựa chọn huy động vốn còn hạn chế do khả năng tự tạo vốn của nhà băng yếu, ngân sách Chính phủ không nhiều và giới hạn về đầu tư nước ngoài.
Về khả năng sinh lời, Moody’s đánh giá các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu sức ép, do nhu cầu vay vốn mới giảm sút và chênh lệch lãi suất huy động - cho vay có khả năng giảm. Lợi nhuận có thể cải thiện nếu giá bất động sản hồi phục hoặc lĩnh vực bán lẻ tạo ra nhu cầu vay vốn lớn hơn.
Trong báo cáo này, Moody’s đã đánh giá 9 ngân hàng Việt Nam, trong đó có BIDV, Sacombank, SHB, Vietinbank, VIB, VPBank; Techcombank. Tính đến ngày 30/6/2014, các nhà băng này đóng góp 40% tổng tài sản toàn hệ thống. Điểm tín dụng trung bình là caa1. Đánh giá sức mạnh tài chính độc lập là E.
-------------------------