Bức tranh bất động sản màu xám ở phía Tây Hà Nội
Đại lộ Thăng Long những ngày cuối năm, một bên giới nhà giàu nô nức đón giáng sinh và năm mới, còn bên kia, các dự án vẫn im lìm. Một bức tranh ảm đạm xám xịt về những biệt thự tiền tỷ hoang lạnh, những dự án um tùm cỏ mà các ông chủ ra sức giải cứu nhưng bất thành.
Cùng với sự xuống dốc của thị trường BĐS, các dự án đô thị phía Tây Hà Nội một thời từng là niềm mơ ước của các “đại gia” địa ốc nay trở thành dự án “chết”, cùng với đó là hàng chục nghìn tỉ của nhà đầu tư đang bị “chôn” vào đất mà không biết bao giờ lấy lại được.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai khoảng 370 dự án khu đô thị, phần lớn tập trung ở các vùng ven đô phía Tây như: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ... Nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.
Khảo sát cho thấy, hàng loạt biệt thự đã được xây với số tiền cả bạc tỉ tại các khu đô thị mới như Geleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco,... Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Biệt thự bỏ hoang giờ trở thành nơi tá túc cho người lao động nghèo. Họ tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu.
Đi vào khu vực nội đô, bức tranh xám của thị trường lộ rõ qua các tòa nhà chung cư cao tầng dừng thi công, hoen rỉ, chưa biết ngày hoàn thiện. Điều dễ nhận thấy ở các dự án này là sự tham vọng quá lớn của các chủ đầu tư khi vẽ ra những dự án lung linh trên giấy, thu hút người mua nhà và sau đó không đủ năng lực để thực hiện.
Đơn cử như dự án Usilk City sau nhiều năm triển khai, hiện mới có một vài tòa của dự án này đang hoàn thiện, còn lại đều bỏ hoang hay siêu dự án Habico Tower (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi đình đám một thời vì mức giá khủng từ 75-100 triệu đồng/m2 được chào bán năm 2008, đã ngừng thi công tại sàn tầng 9 và đến nay chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
Một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường là các dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm liền quây tôn, cho thuê làm sân bóng, đỗ xe nhưng khó có thể thu hồi được. Nhiều dự án khác có vị trí “đắc địa” cũng có tên trong danh sách bị thu hồi vì chậm triển khai như: Dự án Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân, trên khu đất rộng 1.370 m2, tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông);...
Giải cứu
Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án BĐS bỏ hoang tuy nhiên cho tới nay con số thực hiện được vẫn chưa đáng kể. Qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
Nhìn vào diện tích "đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn. Một trong những động thái mới nhất của Hà Nội là kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Nhằm tạo lối thoát cho nhiều dự án, Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Thống kê trong hai năm 2013 và 2014 cho thấy, các giao dịch tăng trưởng liên tục, trong đó tiêu biểu là sức “nóng” của thị trường nhà ở xã hội và nhà ở thương mại được chuyển đổi.
Khó thu hồi đất vàng.
Hiện cả nước đã có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn ban đầu là 33.867 căn xin điều chỉnh thành 44.881 căn (tăng 11.014 căn). Trong đó, có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 38.897 căn hộ.
Theo đại diện một số đơn vị phân phối, việc tiếp tục cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại căn hộ tại dự án nhà thương mại, nguồn cung căn hộ diện tích nhỏ trong tương lai sẽ tiếp tục được bổ sung. Đây chính là cơ sở để thị trường căn hộ tiếp tục duy trì mức thanh khoản cao, thúc đẩy sự hồi phục nhanh hơn của phân khúc này.
Nhận định về thị trường, ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký VNREA, dự báo, về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015, mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy thị trường đã có cải thiện về thanh khoản, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn.
-------------------------
Nga bị hạ tín nhiệm xuống gần mức 'rác'
Fitch vừa hạ tín nhiệm của Nga xuống mức thấp nhất của bậc đầu tư, do giá dầu lao dốc và xung đột Ukraine khiến nước này lâm vào khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất 17 năm.
Tín nhiệm của Nga bị hạ một bậc xuống BBB-, đồng hạng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, với triển vọng tiêu cực. Lần cuối Fitch hạ xếp hạng Nga là năm 2009.
"Triển vọng kinh tế Nga đã suy giảm đáng kể từ giữa năm 2014, sau đợt lao dốc của giá dầu và đồng rouble, cộng với việc nâng lãi suất quá mạnh", Fitch cho biết.
Nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới đang trên bờ vực suy thoái, sau khi giá dầu giảm tới hơn 50% từ tháng 6/2014 và Mỹ cùng các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga do khủng hoảng Ukraine.
Các biện pháp này đã khóa chặt kênh vay vốn quốc tế của Nga, khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo đồng rouble, cổ phiếu và trái phiếu Nga. Trước Fitch, Standard & Poor’s hồi tháng 4 cũng đã hạ tín nhiệm của Nga xuống BBB-.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ, giới chức Nga đã thực hiện hàng loạt biện pháp khẩn cấp như tăng lãi suất mạnh nhất 17 năm, lên kế hoạch bơm 1.000 tỷ rouble cho các ngân hàng và buộc các hãng xuất khẩu đổi doanh thu ngoại tệ ra rouble.
"Quyết định này cho thấy Nga đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn với giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt. Chính sách thiếu chắc chắn và khủng hoảng sâu đang ăn mòn lẫn nhau. Rất khó để Nga thoát khỏi tình trạng bị xuống mức 'rác'", Nicholas Spiro - Giám đốc điều hành Sovereign Strategy nhận xét trên Bloomberg.
Tuy nhiên, theo ông Vladas Zaborovskis tại Quỹ đầu tư Trái phiếu Đông Âu, "hạ một bậc sẽ không ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường vốn đã coi Nga không hấp dẫn để đầu tư".
Tháng trước, S&P đã cảnh báo khả năng Nga mất xếp hạng đầu tư lần đầu tiên trong một thập kỷ là 50%. Hãng cho biết sẽ quyết định việc này vào giữa tháng 1. "Điều người ta quan tâm bây giờ là khi nào Nga sẽ bị hạ xuống mức rác. Tôi cho rằng S&P sẽ thực hiện việc này trong vòng 3 tháng tới", Win Thin - Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman & Co cho biết.
-------------------------
Quỹ đầu tư bị 'quét sạch' lợi nhuận
Các quỹ đầu tư đang đau đầu vì tiền bạc làm ra trong năm qua gần như bị “quét sạch” vào cuối năm theo đà xuống của chứng khoán, giá dầu và áp lực của chính sách mới liên quan đến cho vay chứng khoán.
“Công sức lao động một năm của nhiều quỹ đã bay mất vài chục phần trăm chỉ trong 2 tháng cuối năm, có quỹ gần như mất sạch”, phó chủ tịch một quỹ đầu tư nước ngoài nói, và cho biết quỹ của ông cũng chung số phận. Từ đầu năm đến cuối tháng 10, nhiều quỹ đã vui mừng khi tài sản tăng mạnh. Ít ai ngờ chỉ trong một thời gian ngắn trước khi "khóa sổ" năm 2014, phần lớn số lợi nhuận này đã “bốc hơi”.
Tiền “bốc hơi” theo giá dầu
Theo báo cáo của LCF Rothschild, tính đến ngày 16.12.2014, giá trị tài sản ròng tại thời điểm báo cáo các quỹ hoạt động trên thị trường VN đã giảm mạnh. Cụ thể, so với cuối tháng 9, Fullerton Vietnam giảm 50%, chỉ còn 10,3% so với mức gần 21%; JP Morgan Opportunities Fund còn 10% so với gần 20%; Market Vector Vietnam mất tới 2/3, chỉ còn 5,6% so với 19%; PXP còn 8,7% so với 19,5%, Vietnam Growth Fund cũng chỉ còn 7,6% so với mức gần 19%; VOF chỉ còn 8,1% so với mức 13,5%...
Các quỹ trong nước cùng chung "số phận" với VF1 cũng mất nhiều, tài sản tăng chỉ 8% so với mốc gần 21%; F4 còn 6,3% so với mốc 24% của cuối tháng 9.
Giải thích về nguyên nhân của tình trạng này, vị phó chủ tịch trên cho rằng, có 2 lý do chính là tác động của việc giá dầu thế giới lao dốc và Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến VN-Index từ mức cao nhất giữa tháng 9 là 600 điểm chỉ còn 545 vào cuối năm. Mức giảm chung đã mạnh nhưng nhiều cổ phiếu lại có mức điều chỉnh lớn hơn. Chẳng hạn, “dòng họ” các cổ phiếu dầu khí vốn chiếm tỷ trọng lớn và là những mã dẫn dắt thị trường đã sụt giảm mạnh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, từ đầu tháng 10 đến ngày 30.12 cổ phiếu PVB giảm hơn 30% giá trị, PVS mất 36%, GAS mất 35%, PVD giảm hơn 37%. Nhiều cổ phiếu trở lại mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây kéo theo lợi nhuận của các quỹ, các nhà đầu tư "ôm" các chứng khoán này cũng bị bốc hơi theo.
Áp lực tâm lý
Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước là tác động từ Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng được NHNN ban hành từ tháng 11.2014 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2015. Theo đó, quy định tỷ lệ cho vay chứng khoán giảm từ 20% vốn điều lệ ngân hàng xuống còn 5% và các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được cho vay cũng như kinh doanh cổ phiếu. Với quy định này, các nhà đầu tư lo ngại dòng tiền chảy vào chứng khoán từ hệ thống ngân hàng bị "bóp" lại nên thực hiện rút tiền về hoặc lui về thế thủ để phòng ngừa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhiều tổ chức, về bản chất Thông tư 36 không đáng ngại đến vậy. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) nhận định, đến thời điểm hiện tại thì lượng tiền margin (mua ký quỹ chứng khoán) đã giảm đi nhiều nên Thông tư 36 chỉ có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vay của một số công ty chứng khoán nhỏ chứ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nếu có ảnh hưởng, chỉ là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.
Cụ thể hơn, TS Lê Đạt Chí phân tích, với tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng hiện khoảng 435.000 tỉ đồng, với tỷ lệ 20% trước đây, cho vay chứng khoán vào khoảng 87.000 tỉ đồng. Theo Thông tư 36, tỷ lệ này sẽ giảm còn 5%, tương đương khoảng 21.750 tỉ đồng. Số tiền hạ xuống nhưng thực tế theo số liệu tổng hợp các công ty chứng khoán báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết tháng 10.2014, lượng margin chỉ trên 17.000 tỉ đồng, thấp hơn con số được phép vay như tính toán trên. Như vậy, thực chất Thông tư 36 không ảnh hưởng gì đến lượng tiền từ hệ thống tín dụng đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng, các nhà đầu tư đã “thủ” nhiều hơn bởi họ lo ngại không biết lượng tiền rút khỏi thị trường là bao nhiêu khi chưa có số liệu chính thức, đầy đủ về mức độ cho vay margin.
Theo TS Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chưa thể đưa ra con số chính xác vì số liệu còn phụ thuộc đa nguồn. Nguồn tiền chính các công ty chứng khoán, cho vay margin từ tiền của ngân hàng (công ty chứng khoán đi vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu) và phòng đầu tư của các ngân hàng cũng tự đầu tư cổ phiếu. “Chúng tôi đang thu thập số liệu. Vì chưa có con số cuối cùng, chúng tôi chưa thể có đánh giá ảnh hưởng của Thông tư 36 lên thị trường chứng khoán”, ông nói. Vì số liệu chưa rõ, chưa đo lường được mức độ rút vốn trên thị trường nên nhiều người đi vào "thế thủ”, dẫn đến thanh khoản cầm chừng khi nhiều phiên khối lượng giao dịch trên HOSE xoay quanh mức 100 triệu cổ phiếu/ngày, giảm khoảng 20 - 30% so với 3 tháng trước đó.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, có nơi đang kiến nghị giãn thời hạn áp dụng, nhưng trước mắt các ngân hàng thương mại phải chấp hành Thông tư 36.
(Thanh Niên)
-------------------------