Tin kinh tế trưa 12-01-2015: Việt Nam cần một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn - Thuốc thú y ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt

  • Cập nhật : 12/01/2015
 Việt Nam cần một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho rằng đây là thời điểm thích hợp để VN thực hiện các đột phá hơn nữa nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ về mong muốn thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN của đại sứ Hoa Kỳ, ông Thắng cho biết: Theo số liệu công bố chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2014, FDI của Hoa Kỳ đứng thứ bảy trên 101 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại VN với 717 dự án, vốn đăng ký trên 10,9 tỉ USD.
 
Tuy nhiên, con số này còn thấp hơn so với thực tế, do một số công ty của Hoa Kỳ đầu tư vào VN thông qua chi nhánh đặt tại nước hoặc vùng lãnh thổ thứ ba như Singapore, Hong Kong...
 
* Mỹ có những tập đoàn hàng đầu thế giới, nếu thu hút được, VN sẽ định hướng được dòng vốn đầu tư từ nhiều nước khác?
 
- Là quốc gia đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ thừa khả năng thực hiện mục tiêu trở thành nhà đầu tư FDI số 1 tại VN. Và nếu có nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn của Mỹ xuất hiện tại VN, nó có thể làm thay đổi thực trạng đầu tư, tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư vào VN, thúc đẩy xuất khẩu..., đồng thời giúp đào tạo nguồn lao động trẻ tài năng của VN.
 
Sự xuất hiện của Tập đoàn Intel và những tác động tích cực của nó đối với hoạt động thu hút đầu tư FDI tại VN là một ví dụ. Hơn một thập kỷ qua, từ dự án 1 tỉ USD của Intel, VN đã liên tiếp thu hút được rất nhiều dự án của những tập đoàn lớn như Nokia, Samsung, LG...
 
Mới đây nhất, Tập đoàn Hanesbrands (Hoa Kỳ) đã khánh thành nhà máy thứ ba tại VN. Theo kế hoạch, khi nhà máy này đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động, bên cạnh 8.000 lao động hiện có, chiếm hơn 20% tổng lao động của tập đoàn trên toàn cầu.
 
Một lần nữa có thể khẳng định đầu tư của các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ có tác động nhất định đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp khác.
 
* VN cần làm gì để biến mục tiêu mà Hoa Kỳ khẳng định trở thành hiện thực, thưa ông?
 
- Trước hết, đây là một cơ hội tốt cho VN, vì trong thu hút FDI thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư vẫn đang còn loay hoay với định hướng “Đối tác chiến lược - tập đoàn chiến lược” và còn rất khó khăn để tiếp cận được với các tập đoàn chiến lược.
 
Khi đại sứ Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn như vậy, việc các tập đoàn chiến lược như Exxon Mobil đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư dự án 20 tỉ USD tại VN... chắc sẽ sớm thực hiện được.
 
Cũng cần khẳng định rằng vai trò của các tập đoàn chiến lược trong thu hút đầu tư FDI là rất lớn, mà Tập đoàn Intel là một ví dụ. Sự xuất hiện của tập đoàn này tại VN thời gian qua không những góp phần giúp VN dần trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, với sự tham gia của Samsung, Nokia..., mà còn tác động tích cực đến kế hoạch đầu tư của nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.
 
Trong năm 2014, Intel đã công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại VN và trong thời gian tới 80% bộ vi xử lý Intel Haswell mới nhất - thế hệ thứ tư dành cho desktop tiêu thụ trên toàn cầu - sẽ được sản xuất tại VN.
 
Điều này chắc chắn có tác động không nhỏ đến hình ảnh của VN như một điểm đến đầu tư. Và nếu nhân lên được những trường hợp như Intel, với các ngành nghề không chỉ là điện tử, vi mạch, thì vị thế của VN sẽ rất khác.
 
Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn của Mỹ, VN cần phải có một môi trường đầu tư hấp dẫn, nắm được chiến lược đầu tư của các tập đoàn lớn này trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ, tạo điều kiện cần và đủ cho họ đầu tư tại VN.
 
* Sắp tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nó trong thu hút đầu tư FDI?
 
- Tuy TPP không kết thúc được đàm phán trong năm 2014, nhưng đã được các bên cùng bày tỏ quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2015. Khi VN tham gia TPP, cũng như các đối tác thành viên khác, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức 0% và các doanh nghiệp đầu tư tại VN, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này.
 
Vì vậy, TPP sẽ thúc đẩy các dòng đầu tư giữa các nước thành viên và cả từ các nước không phải thành viên TPP vào VN để có được xuất xứ VN. Đầu tư của Trung Quốc những năm gần đây tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất tại VN, đặc biệt ngành dệt may... là một ví dụ.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Thuốc thú y ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt
Nhiều lĩnh vực phục vụ cho ngành chăn nuôi đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, trong đó có lĩnh vực thuốc thú y, vắc xin trị giá hàng ngàn tỉ đồng.
 
Theo Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, ước tính, tổng giá trị thị trường thuốc thú y VN (bao gồm thuốc, vắc xin, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong chăn nuôi) hiện nay vào khoảng 3.280 tỉ đồng. Trong đó, thuốc thú y cho gia cầm khoảng 920 tỉ đồng, cho heo (lợn) khoảng 2.140 tỉ đồng, cho bò khoảng 220 tỉ đồng.
 
Miếng ngon nhường người
Thị trường vắc xin cho chăn nuôi tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt sau dịch cúm gia cầm năm 2003 - 2004. Sau năm 2004, giá trị lượng vắc xin nhập khẩu cả nước từ dưới 100 tấn/năm lên hơn 300 tấn/năm. Vào những năm sau đó, khi nhiều loại bệnh khác trên vật nuôi xuất hiện như bệnh lở mồm long móng trên gia súc (bùng phát năm 2005), bệnh heo tai xanh bùng phát năm 2010..., thị trường này càng tăng trưởng và từ đó đến nay gần như chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
 
Theo thống kê của Trung tâm chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), hiện tại VN có khoảng 530 loại vắc xin sử dụng trong chăn nuôi với khoảng 51 đơn vị sản xuất và nhập khẩu. Có đến 80% loại vắc xin được cấp phép lưu hành tại VN có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia. Đứng đầu là Hà Lan với hơn 80 loại vắc xin, tiếp theo là Mỹ và Pháp.
 
Ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc SCAP, Trưởng nhóm nghiên cứu chăn nuôi - nhận xét: “DN trong nước hiện nay sản xuất vắc xin đáng kể nhất là Xí nghiệp thuốc thú y trung ương (VAVETCO) tại Hà Nội và Công ty TNHH MTV thuốc thú y trung ương (NAVETCO) tại TP.HCM với lần lượt số vắc xin sản xuất là 38 và 23 loại. Đây cũng là hai công ty chủ lực của Bộ NN-PTNT trong việc sản xuất và cung cấp các loại vắc xin phòng bệnh, dược phẩm và các chế phẩm sinh học cho gia súc - gia cầm - thủy sản. Tuy nhiên, doanh thu từ việc sản xuất vắc xin trong nước hiện nay chỉ chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu vắc xin trên thị trường, 95% còn lại với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng đã rơi vào tay nước ngoài”.
Theo ông Giáp, trong khi hệ thống thú y công không phát huy được hiệu quả, các công ty cung cấp thuốc thú y (đa số của nước ngoài) lại rất năng động trong việc tổ chức các cuộc hội thảo tập huấn kỹ thuật, cách phòng trị bệnh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho người chăn nuôi. Điều đó lý giải vì sao thuốc ngoại tràn ngập thị trường. Ông Lê Minh Khánh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, bộc bạch: “Với hoạt động quảng bá, tiếp thị tốt, thuốc ngoại nhập hiện nay đã quen thuộc với người chăn nuôi. Cứ ra tiệm thuốc là họ hỏi mua thuốc ngoại, chê thuốc nội. Đứng ở cương vị quản lý chúng tôi thật sự không thể can thiệp được gì”.
 
Các đại lý cũng phải đạt chuẩn
Theo nghiên cứu của Tổ chức Liên minh nông nghiệp VN, một vấn đề khác của thị trường thuốc thú y là trong khi các DN sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP thì các đại lý bán thuốc lại không đạt tiêu chuẩn này. Thuốc được sản xuất ra từ các nhà máy thì rất tốt nhưng điều kiện bảo quản tại các đại lý bán lẻ không tốt, nên thuốc không còn đạt chuẩn GMP nữa. Do vậy, để quản lý chất lượng thuốc thú y tốt hơn thì không chỉ nhà sản xuất - phân phối mà cả hệ thống phân phối cũng phải có các điều kiện quy định tối thiểu để đảm bảo chất lượng thuốc được bảo quản tốt giữ đúng chất lượng trước khi sử dụng.
Doanh nghiệp nội yếu thế
 
Năm 2011, Bộ NN-PTNT áp dụng quy định mới: DN sản xuất thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) sẽ bị đóng cửa và rút giấy phép. Từ đó đến nay số lượng DN giảm từ 150 xuống khoảng 50 do không thể đáp ứng các tiêu chuẩn GMP.
 
Trả lời Thanh Niên, bà Lâm Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM thuốc thú y - thủy sản Mebipha, chia sẻ: “Trong lĩnh vực thú y thì DN nội khó khăn đủ đường. Để đạt chuẩn GMP WHO, đa số các DN phải tự bỏ vốn đầu tư, mỗi nhà máy đạt chuẩn phải bỏ từ 50 - 100 tỉ đồng, khấu hao trong thời gian 15 năm. Trong đó, đa số DN trong nước phải đi vay. Vốn ít, DN phải co kéo để đầu tư, do đó không có tiền để làm tiếp thị, xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, sản phẩm của DN nước ngoài lợi thế hơn rất nhiều, họ chỉ làm thương mại nên sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để quảng bá sản phẩm, cộng thêm tâm lý chuộng hàng ngoại của người chăn nuôi nên đã tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng nhập khẩu”.
 
Về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất vắc xin của VN, ông Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Hanvet, cho biết: “Sản xuất vắc xin không phải là chuyện đơn giản. Thế giới hiện nay cũng chỉ có mấy hãng lừng danh, với năng lực tài chính hàng tỉ USD mới sản xuất được. Ngay như Trung Quốc, chỉ có một số trung tâm nghiên cứu lớn mới làm được vắc xin. Ở VN, đến nay có khoảng 4 đơn vị sản xuất được vắc xin. Nhưng nếu gom tất cả doanh thu từ việc sản xuất vắc xin của cả 4 đơn vị này cũng chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần vắc xin trên thị trường, còn lại 95% thị phần thuộc về nhà nhập khẩu”. Điều đó cho thấy VN đang phụ thuộc vào vắc xin nước ngoài rất lớn và rất tốn ngoại tệ để nhập khẩu mặt hàng này. Với trình độ hiện nay, theo ông Vũ, VN chỉ có thể sản xuất được các loại vắc xin vô hoạt (vắc xin chết) và có thể thay thế được hàng nhập khẩu. Đối với vắc xin nhược độc (vắc xin sống) thì “chắc còn lâu” VN mới có thể sản xuất được.
 
Thua thiệt về vốn tài chính và cả trình độ nghiên cứu, DN nội còn bị thiệt thòi do các chính sách quản lý không rõ ràng. Ông Huỳnh Công Tuấn, Tổng giám đốc Mebipha, kiến nghị: “Mặc dù có sản phẩm tốt, chất lượng có thể ngang bằng với hàng ngoại nhập nhưng so với DN nước ngoài, DN ngành thú y trong nước chịu thiệt rất nhiều. Nhà nước bắt buộc DN ngành thuốc phải theo chuẩn GMP WHO để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, dược thú y cũng theo tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, vẫn còn có những công ty không có chuẩn GMP WHO vẫn hoạt động, cạnh tranh không lành mạnh. Những hành vi gian dối này không được xử lý triệt để, gây khó khăn cho quá trình kinh doanh của những DN làm ăn chân chính”.
-------------------------

 “Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh”

“Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh. Ngay cả trong năm 2014, khi có sự việc liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, việc này vẫn không dừng lại hay giảm đi”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
 
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp
 
Theo báo cáo thường niên của doanh nghiệp Việt Nam, thực trạng kinh tế thế giới năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bối cảnh đó đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
 
Trong một phát biểu tại Diễn đàn Nữ doanh nhân Việt Nam ngày 8/1 tại TPHCM, bà Phạm Chi Lan nhận định: “Tôi nghĩ thách thức chính đối với Việt Nam là ở vị thế, sức mạnh và khả năng cạnh tranh. Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của phát triển. Chiến lược 10 năm 2011 - 2020 vẫn nói là đang đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, nằm trong những yếu tố cơ bản mà đến bây giờ đi được nửa chặng đường rồi nhưng chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu”.
 
Xếp hạng năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2015, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 68 trong số 144 quốc gia. Các nhân tố thúc đẩy hiệu suất nền kinh tế, trong đó có độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 99, các nhân tố sáng tạo đứng thứ 98, độ tinh tế trong kinh doanh nằm ở mức quá thấp, đứng thứ 106 trong xếp hạng 144 quốc gia.
 
Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang khó khăn ngay cả khi Chính phủ nói là năm 2014 đánh dấu nền kinh tế bắt đầu khởi sắc, có dấu hiệu phục hồi tuy là chưa vững chắc. Số doanh nghiệp ngưng hoạt động trong năm nay vẫn tiếp tục leo thang với gần 68.000 doanh nghiệp. Đây là con số lớn và rất đáng buồn.
 
Khi Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế thì có thể thấy điều đáng “giật mình” là tình trạng nhập khẩu, nhập siêu ở Việt Nam tăng lên khá mạnh. Hai nhóm hàng nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp mạnh nhất với hàng của doanh nghiệp Việt Nam là hàng nông sản và hàng tiêu dùng. Một số ngành công nghiệp và dịch vụ có thể khó cạnh tranh phát triển được trong bối cảnh hiện nay.
 
“Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh, kể cả năm 2014 có câu chuyện giàn khoan HD 981 thì vẫn không dừng lại hay giảm đi”, bà Lan nhấn mạnh.
 
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn lạc hậu khi mà độ phức tạp về kinh tế của hàng xuất khẩu nước ta khá thấp. Tố chất xuất khẩu của Việt Nam kể cả nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài cơ bản vẫn là những hàng có mức độ phức tạp thấp, hầu hết là hàng gia công.
 
Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để vượt lên
 
“Chúng ta hoàn toàn có năng lực cạnh tranh, có những lợi thế và tiềm năng để vượt lên”, bà Phạm Chi Lan khẳng định.
 
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam còn thấp, khoảng 32%, nhưng nước ta hoàn toàn có cơ hội để đô thị hóa. “Làn sóng đô thị hóa khắp nơi, ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi mà nhiều nước còn có nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, tốc độ đô thị hóa chưa cao thì những năm tới dòng chảy này sẽ cực lớn, tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nước tham gia”, bà Lan phân tích.
 
Nhiều dòng chảy trên toàn cầu đang diễn ra hết sức mãnh liệt, không chỉ là dòng hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn mà còn là dòng thông tin, trí thức và nguồn lực con người. Riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo như cách nói đầy hình ảnh của bà Lan thì giống như một cái thác đang đổ xuống và chúng ta phải cố gắng làm sao để có thị phần được nhiều nhất trong các dòng chảy này.
 
Theo bà Lan, động lực phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay phải là khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải kinh tế nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp có thể đóng góp để Việt Nam tiến tới đạt mức tăng trưởng 9,5% trong khoảng 15 năm nữa. Năm 2035, chúng ta có thể vươn lên được gần sát với ngưỡng giàu có.
 
“Quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đầy những thách thức nhưng nếu nắm bắt được cơ hội thì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua”, bà Lan nói.
------------------------------
 

Tin Phap Luat Tin Phap Luattổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo