Không chỉ yếu về công nghệ bảo quản mà cách tiếp thị, bán hàng của nông sản Việt Nam ở nước ngoài quá kém khiến giá trị giảm sút, khách hàng quay lưng.
Các doanh nghiệp (DN) Việt kiều ở nhiều nước đã chỉ ra những mặt hạn chế của nông sản xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường nước ngoài qua Diễn đàn kết nối DN Việt kiều và DN trong nước do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 9/2 tại TP.HCM.
Một quả xoài giá 30 USD
Đó là giá bán tại siêu thị ở Canada, song đáng tiếc phần lớn là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi đó tìm không ra xoài Việt Nam mà mua. Bà Đinh Kim Nguyệt, chủ một DN Việt kiều ở Canada, kể.
Bà Nguyệt bộc bạch: “Việt Nam xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới nhưng bà con Việt kiều hay người tiêu dùng nước ngoài toàn ăn gạo Thái Lan. Một ký rau thơm như húng quế có giá tới 10 USD, một quả xoài cát 30 USD hay một nải chuối sứ giá tới 40 USD. Trong khi các loại rau quả này ở Việt Nam xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều, đúng là tiếc. Nếu bán được giá cao như vậy nông dân nước ta đã khác. Lý do không phải vì nông sản Việt Nam khó xuất sang được mà do chính DN nước ta không biết cách bán hàng, tiếp thị”.
Bán đổ đống không bao bì, nhãn mác!
Dẫn chứng về điều này, bà Nguyệt nói đến cách bán thanh long tại Canada rất dở. DN dường như đã quen kiểu bán hàng như ở Việt Nam. Trong siêu thị hay chợ đều bán theo kiểu đổ đống. Ở Canada, họ cũng bán kiểu đổ đống không bao bì, nhãn mác, không áp phích, poster giới thiệu đây là trái cây gì, nhập ở đâu, chất lượng ra sao. Người tiêu dùng nước ngoài họ không thích mua hàng kiểu vậy, họ muốn biết thông tin, muốn hàng được chăm chút, bảo quản có bao bì, thương hiệu.Vì vậy thanh long Việt đổ đống được một thời gian bị xấu mã, hư hỏng giá có rẻ cũng không ai thèm mua. Chính vì vậy trái cây Việt nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường bởi hàng Thái Lan.
Bà Vũ Thị Mai Liên, DN Việt kiều ở Liên bang Nga, cho biết đúng là trái cây Việt Nam tốt, rẻ, ngon nhưng lại cạnh tranh không nổi với trái cây các nước khác ở khâu bảo quản. Trái thanh long, nhãn, vải, xoài… được thị trường Nga rất chuộng. Tuy nhiên, như trái thanh long loại 1, giá xuất khẩu là 1 USD/kg nếu xuất bằng đường biển thì cước phí thấp, vận chuyển được nhiều nhưng lại mất quá nhiều thời gian. Để vận chuyển sang được Nga bằng đường biển thì mất hai tháng, sang đến nơi thanh long chắc chỉ bán được thời gian ngắn là hư hỏng nhanh. Nếu vận chuyển bằng hàng không thì giá cước lên tới 6 USD/kg, như vậy không thể cạnh tranh nổi.
Thói quen, tư duy về trồng trọt cũng làm giảm tính cạnh tranh của DN Việt Nam. Chị Kim Hoa nhiều năm kinh doanh ở Israel cho hay: “Tôi về nước thấy người nông dân ở tỉnh Hưng Yên chỉ trồng bưởi Diễn cung ứng cho dịp tết, trong khi có thể nghiên cứu trồng quanh năm để xuất khẩu. Năng suất chỉ khoảng 40-50 trái/cây là quá thấp. Tôi có trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp Israel, họ có thể giúp một cây bưởi Diễn ra 100-150 trái”.
Xuất thô, bảo mãi mà không quản!
Thừa nhận những hạn chế của nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng xuất khẩu nông sản những năm qua tăng về lượng, kim ngạch nhưng lại thiếu chất. Con cá chỉ lọc phi lê bán đông lạnh; gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu… đều xuất khẩu thô, nói là chế biến nhưng độ phức tạp sản phẩm không có nên giá bán, sự cạnh tranh không cao.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ đang có những chương trình quảng bá hình ảnh của một số mặt hàng nông nghiệp Việt Nam như thủy sản, trái cây… tại một số thị trường để giúp người tiêu dùng nước ngoài hiểu rõ về cách thức nuôi trồng đảm bảo các tiêu chuẩn thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang hợp tác chuyển giao công nghệ bảo quản nông sản từ Nhật. Họ đang có những công nghệ đông lạnh tế bào có thể bảo quản rau quả vài năm, khi rã đông vẫn tươi nguyên, giữ được giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, cái khó là giá công nghệ rất đắt. Đồng thời, thông qua các DN Việt kiều, DN trong nước có thể tiếp cận thị trường tốt hơn không mất thời gian kiểm chứng độ tin cậy.
Tiếp thị "bầy đàn" chẳng tới đâu
Ông Ngô Chi Phượng, DN Việt kiều ở Thụy Điển, cho biết dù có tốn nhưng Việt Nam cũng buộc phải đầu tư về lâu dài, nếu không người nông dân mãi nghèo, DN cũng không khá được vì lợi nhuận quá thấp. Hãy học những công nghệ bảo quản của người Nhật, chỉ với túi nylon nano, với ít hơi nước, trái cây có thể tươi như mới cả tháng mà rất an toàn cho người sử dụng.
Đại diện Hiệp hội DN Việt Nam tại Pháp cho biết sắp tới sẽ thay đổi cách xúc tiến thương mại của DN Việt Nam. Trước đây, Việt Nam mỗi lần sang Pháp đều kéo nguyên đoàn 30-40 DN, đông vậy không thể kết nối, truyền tải cách thức tiếp cận thị trường. Tới đây, mỗi đoàn chỉ dưới 10 DN thì mới có cơ hội để DN tiếp cận và khai thác thị trường hiệu quả hơn.
-----------------------
Dân công sở liều vay tiền tỷ buôn đồ Tết
Tết này, chị Thanh Loan - nhân viên một công ty trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chấp nhận vay lãi cả tỷ đồng để “ôm” mấy vườn cam Cao Phong về bán.
Sau một mùa bán cam Cao Phong (Hòa Bình) qua facebook, thấy nhu cầu của thị trường khá cao và kiếm được hơn chục triệu, chị Loan quyết định làm một "mẻ" lớn. Tuy nhiên, thấy chị bàn bạc sẽ "ôm" mấy vườn cam với số vốn hàng tỷ đồng, chồng và bố mẹ chồng chị phản đối kịch liệt. Song, sau một ngày ngồi tính toán, trình bày kế hoạch, chị cũng được gia đình đồng ý.
Theo chị Loan, Cao Phong là loại cam đặc sản, ăn ngọt, có tính mát, thơm lại sạch. Tết đến, mọi người ăn nhiều món rán, chiên xào rất nhiều dầu mỡ nên nhu cầu mua về ăn, làm quà biếu rất nhiều. Để có đủ 1 tỷ đồng vốn ban đầu, chị phải đi vay lãi tới hơn 700 triệu.
Bao nhiêu vốn liếng bỏ hết vào đây nên chị phải lên kế hoạch kinh doanh cụ thể và chi tiết. Chị lặn lội lên Cao Phong, chọn những vườn cam chất lượng, đặt cọc, nhờ chủ vườn thuê người hái và chuyển về Hà Nội.
Tuy nhiên, chị Loan cho hay, năm nay do buôn nhiều, số vốn bỏ ra cũng không ít nên ngoài việc bán online, chị còn thuê người ngồi đóng gói thành những giỏ cam (mỗi giỏ 5kg cam) trực tiếp đến chào hàng ở các công ty hay để phục vụ những người có nhu cầu mua làm quà biếu, giá 50.000 đồng/kg.
"Hiện mỗi ngày mình bán được khoảng trên dưới 3 tạ, cao điểm cả tấn cam và cứ đà này thì chỉ 27-28 Tết là hết hàng", chị khoe.
Song, chị Loan cũng thừa nhận, buôn nhỏ lẻ thì dễ chứ buôn bán lớn thì rất vất vả, ngày nào chị cũng bận rộn từ sớm tới khuya. Ngoài 8 giờ hành chính làm ở công ty, thời gian nghỉ trưa, tối, chị đều phải tận dụng để đi chào hàng, giục nhà vườn thuê người hái, chuyển về Hà Nội, rồi thuê người đi giao hàng...
"Hy vọng đến khi bán hết số cam, trừ chi phí mình cũng đút túi được mấy chục triệu", chị Loan nói.
Dân công sở liều vay tiền tỷ buôn đồ Tết
Tương tự, chị Hoàng Minh Hà - kế toán một công ty ở Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội), dịp này cũng bỏ ra gần nửa tỷ đồng để buôn đặc sản thịt nai khô Campuchia và thịt bò khô Lào cùng mấy loại đặc sản khác về bán Tết.
Chị Hà cho biết, năm ngoái đi công tác bên đó, chị ôm 20 kg về bán Tết mà trong 3 ngày đã hết veo, khách hỏi mua thêm cũng chịu vì không kịp chuyển từ Campuchia về. Rút kinh nghiệm, năm nay chị mạnh tay nhập gần hai tạ thịt nai khô, thịt bò khô Lào. Cộng với mấy loại đặc sản vùng cao Việt Nam mà đã ngốn hết gần nửa tỷ đồng". Chị đã phải vay mượn khắp anh em, họ hàng, thậm chí vay trả lãi cao hơn cả ngân hàng để gom đủ tiền.
Theo lời chị Hà, Tết nhất trăm món cần tiêu đến tiền như mua quà biếu sếp, biếu ông bà nội ngoại, sắm sửa đồ đạc gia đình... trong khi lương thưởng có hạn. Nhiều chị em văn phòng dịp này bỏ vốn kinh doanh mong kiếm thêm đôi đồng. Chị Hà cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
"Ở công ty mình, nhiều người buôn bán đồ Tết lắm. Có chị bán miến, măng, nấm hương của Cao Bằng, chị khác lại bán bưởi... cứ quê có đặc sản gì họ bán cái đó. Thế thôi mà người nào cũng kiếm được khoản kha khá để tiêu Tết", chị Hà chia sẻ.
------------------------
Trung Quốc chỉ thích đầu tư ở các nước giàu
Trung Quốc đã đầu tư hơn 317 tỷ USD vào 10 nước lớn và giàu có trên thế giới. Trong khi đó, giá trị hợp đồng xây dựng mà Trung Quốc ký kết với các nước đang phát triển lại khiêm tốn hơn nhiều – trong đó Việt Nam thu hút được 17,3 tỷ USD.
Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) vừa công bố nghiên cứu về Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cho thấy, cơ quan theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc (CGIT) đã đưa ra số liệu gần 560 tỷ USD của Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài trong 10 năm qua (số liệu Bộ Thương mại là hơn 581 tỷ USD).
Trong giai đoạn 5 năm đầu, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tăng khá nhanh từ 10,1 tỷ năm 2005 lên 66,5 tỷ vào năm 2010. Giai đoạn 2011-2014 tăng chậm hơn từ 73,5 tỷ USD đến 84,4 tỷ USD.
Điều đáng chú ý là các nước lớn và giàu có lại là những nước tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc nhiều nhất. 10 nước dẫn đầu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc với hơn 317 tỷ USD, chiếm tới gần 57%. Ba nước đầu tiên là Mỹ, Úc và Canada với lượng vốn tiếp nhận tương ứng là 78 tỷ USD; 62,9 tỷ USD và 41,1 tỷ USD, riêng Mỹ giữ kỷ lục năm thứ 3 dẫn đầu. Indonesia là nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào Top 10 nêu trên với 14,1 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc.
Trong khi đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lớn và nước giàu có thì lĩnh vực hợp đồng xây dựng phân tán hơn với tổng giá trị là 432,5 tỷ USD. Giá trị các hợp đồng xây dựng với Trung Quốc của Top 10 nước có hợp đồng với Trung Quốc là hơn 170 tỷ USD trong 10 năm qua, con số này thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư của Top 10 nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp.
Nigieria là nước đứng đầu với giá trị các hợp đồng 21,3 tỷ USD, tiếp theo đó là Arap Saudi, Venezuela và Pakitstan lần lượt là 18,5 tỷ USD; 18,1 tỷ USD và 18 tỷ USD. Đông Nam Á có Việt Nam, Indonesia và Malaysia có mặt trong Top 10 nước này, trong đó Việt Nam đứng đầu trong 3 nước với 17,3 tỷ USD và đứng thứ 6 trong Top 10 nước có hợp đồng xây dựng với Trung Quốc.
Theo lĩnh vực hoạt động, năng lượng và điện năng là ngành có giá trị lớn nhất về cả đầu tư trực tiếp với 247,6 tỷ USD và hợp đồng xây dựng với 202,6 tỷ USD.
Lĩnh vực kim khí đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp với 113,4 tỷ USD nhưng lại đứng thứ 4 về hợp đồng xây dựng với 16,7 tỷ USD. Đáng chú ý là lĩnh vực giao thông chỉ đứng thứ 6 về đầu tư với 28,3 tỷ USD, nhưng lại đứng thứ 2 về hợp đồng xây dựng với 125 tỷ USD. Cả hai lĩnh vực hóa chất và du lịch đều ở mức từ 4,5 đến 7 tỷ USD cho cả đầu tư trực tiếp và hợp đồng xây dựng.
Báo cáo cũng chỉ ra những trở ngại đối với đầu tư trực tiếp cũng như thực hiện các hợp đồng xây dựng ở nước ngoài là do tranh chấp pháp lý ở nước sở tại (Châu Phi) và những trừng phạt quốc tế chống Iran hay nội chiến ở Lybi. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ở trong nước cũng đã tác động đến đầu tư ngành năng lượng ở nước ngoài.
-----------------------
Doanh nghiệp Việt mang 19,78 tỷ USD “đi đánh xứ người”
Trong năm 2014, mặc dù kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) của các doanh nghiệp Việt vẫn đạt trên 1,786 tỷ USD. Năm 2015 có khoảng 150 dự án với tổng vốn đăng ký 1,5-2 tỷ USD.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho hay, tính lũy kế đến 31/12/2014 đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam đạt 14,85 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn cho 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD.
Như vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) đã đạt 19,78 tỷ USD. Riêng trong năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song tình hình đầu tư ra nước ngoài vẫn đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, trong năm vừa rồi, Bộ KHĐT đã tiếp nhận 153 hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp mới và đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,047 tỷ USD, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt trên 1,786 tỷ USD trong 2014.
Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia với 23 dự án (chiếm 21% tổng số dự án), Myanmar với 16 dự án (14,7%); Lào với 13 dự án (12%); Hoa Kỳ với 12 dự án (11%) và Singapore với 9 dự án (8,2%).
Về quy mô vốn đầu tư cấp mới, lớn nhất là Tanzania (chỉ có 1 dự án chiếm 34% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam); thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,1% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ); thứ ba là Burundi (chỉ có 2 dự án chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam). Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư tập trung và lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông-lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%).
Có 7 dự án lớn trên 50 triệu USD là Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania (355,2 triệu USD) và dự án đầu tư mạng viễn thông tại Burundi của Viettel (170 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP An Đông Mia (80,4 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng – Kratie (63,8 triệu USD) và Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên – Kampongthom (61,98 triệu USD). Đáng chú ý là Dự án thăm dò, khai thác dầu khí Lô PM304 tại Malaysia điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài thêm 465,32 triệu USD.
Bảy dự án trên đã có số vốn đăng ký 1,261 tỷ USD (trong tổng vốn đăng ký 1,786 tỷ USD), chiếm 70,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam.
Có thể thấy các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực viễn thông, nông - lâm nghiệp tập trung tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc Châu Âu, Châu phi, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt, đã có xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng.
2 tỷ USD tiếp tục "chảy" ra nước ngoài trong năm 2015
Về tình hình thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, trong năm 2014, theo báo cáo chưa đầy đủ, ước vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Theo số liệu thống kê hiện có, vốn thực hiện lũy kế đến năm 2014 đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm trên 30,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực dầu khí có số vốn thực hiện lớn nhất đạt khoảng 2,9 tỷ USD; lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên 660 triệu USD; lĩnh vực thủy điện đạt khoảng trên 500 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông đạt 450,6 triệu USD; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt trên 230 triệu USD…
Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài). Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản, Viettel… một phần vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua háng hóa, dịch vụ của Việt Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án.
Như vậy, đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014 vẫn duy trì tỷ lệ vốn đăng ký ổn định, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án tăng 10% tuy nhiên tổng vốn đăng ký giảm 10% do các dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, tập trung về thương mại, dịch vụ. Số lượng dự án tập trung nhiều tại Campuchia và Myanmar. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, trồng cây công nghiệp, phù hợp định hướng của Chính phủ về khuyến khích và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Các dự án còn lại phân bổ đa dạng tại nhiều quốc gia, khu vực như các nước ASEAN, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Úc, Châu Phi; đồng thời tập trung chủ yếu vào kinh doanh thương mại và dịch vụ trên cơ sở các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các dự án trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải, bất động sản, sản xuất chế biến... Điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, đồng thời cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, bên cạnh dòng vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài (FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kim Đan, chuyển phát Tín Thành...).
Trên cơ sở số liệu vốn đăng ký các năm qua và số lượng hồ sơ đang tiếp nhận và xử lý năm 2014, dự kiến số dự án cấp mới trong năm 2015 khoảng 150 dự án với tổng vốn đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh) khoảng 1,5-2 tỷ USD. Trong khi đó, vốn thực hiện năm 2015 đạt khoảng 1-1,2 tỷ USD.
--------------------------