Tin kinh tế chiều 10-01-2015: USD lên "vùn vụt": Chớ để trở tay không kịp - Giá dầu dưới 50USD/thùng sẽ thay đổi nền kinh tế Việt Nam ra sao?

  • Cập nhật : 10/01/2015
 USD lên "vùn vụt": Chớ để trở tay không kịp
Việc USD tăng giá nên cân nhắc khả năng USD chảy ngược từ Việt Nam ra ngoài ra sao và ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam. 
 
Từ tháng 6/2014 đến nay có hai hiện tượng kinh tế diễn biến khá bất thường, đó là việc sụt giảm mạnh giá dầu và sự tăng giá chóng mặt của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
 
Chỉ trong vòng nửa năm, đồng USD đã tăng giá khoảng 20% so với đồng Yên Nhật và Đô-la Australia, 15% so với đồng Euro và 12% so với đồng Bảng Anh, chưa kể việc đồng Rúp bị mất giá tới 50%. Trong khi chưa hết bàng hoàng về sự tụt giảm giá dầu, nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách bắt đầu ngơ ngác nhìn nhau không biết chuyện gì đang xảy ra với đồng USD và xử lý ra sao.
 
Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới gắn kết chặt chẽ với nhau, việc đồng USD lên giá “vùn vụt” đang trở thành câu chuyện kinh tế, tài chính toàn cầu cần được bàn kỹ và có cách ứng phó kịp thời trước khi trở nên quá muộn. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á 1997-98 bắt nguồn từ việc phá giá đồng Baht và các tác động lan tỏa của nó khiến nhiều nước phải trả giá vì trở tay không kịp đến nay vẫn là bài học nhãn tiền.
 
Vì sao USD tăng nhanh
 
Trong lĩnh vực tài chính, chỉ số DXY so sánh giá trị của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế gồm Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô-la Canada, France Thụy sĩ và Krone Thụy Điển được coi là “chuẩn mực” để xác định giá trị của đồng tiền này.
 
Trong vòng 1 năm qua, chỉ số của đồng USD trong rổ tiền tệ này tăng từ 79 lên 92 điểm, và có khả năng vượt 115 điểm của năm 2002, tức giá trị USD tăng tiếp khoảng 25%. Một số nguyên nhân chính đưa đến sự tăng giá của đồng USD trong thời gian qua gồm:
 
Thứ nhất, đó là sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Mỹ trong năm 2014. Sau giai đoạn phục hồi ì ạch sau khủng hoảng 2008-2009, năm 2014 kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cả năm là 3,3%, vượt xa mức dự báo trước đó là 2,2%. Riêng Quý III/2014, tăng trưởng GDP đạt 5% - mức cao nhất trong một quý trong 11 năm qua. Sự phục hồi của kình tế Mỹ trái với bức tranh khá ảm đạm của các trung tâm kinh tế khác trong năm qua, như các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,8%, Nhật Bản là 0,5%, Nga là 0,6%. Trung Quốc tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao là 7,4%, nhưng đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 và không đạt so với kế hoạch đặt ra là 7,5%.
 
Thứ hai, quyết định của Mỹ chấm dứt Gói nới lỏng định lượng (QE) vào ngày 29/10/2014, mà thực chất là gói kích cầu khổng lồ trị giá 3,7 ngàn tỷ USD mà Mỹ bơm ra suốt 6 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng 2008-2009 nhằm đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi viễn cảnh khủng hoảng 1929-1933.
 
Động thái này cùng với khả năng Cục dự trữ liên bang FED sẽ nâng lãi suất từ mức cận 0 hiện nay do tăng trưởng kinh tế Mỹ cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp dưới 6% sẽ có tác dụng thu USD trở lại và khiến đồng bạc xanh trở nên “khan hiếm” và “có giá” hơn so với các đồng tiền khác.
 
Bên cạnh đó, cả Ngân hàng trung ương Nhật BOJ lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đều đánh tín hiệu về khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp và bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói kích cầu để giúp Nhật và EU tránh rơi vào suy thoái. Điều này càng làm cho Euro và đồng Yên thêm mất giá so với đồng USD.
 
Thứ ba, triển vọng kinh tế trong năm 2015 với các trung tâm kinh tế lớn cũng không khác mấy so với năm 2014.
 
Theo đó, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình khoảng 3,5%, còn Nhật và EU khoảng 0,9% trong khi kinh tế TQ tăng trưởng chậm lai, còn Nga bước vào giai đoạn suy trầm.
 
Nắm bắt xu hướng này, hiện một số nước đã chuyển trạng thái tích trữ của mình sang đồng USD và bán dự trữ bằng các đồng tiền khác. Tuy đây mới chỉ là xu hướng ngắn hạn, nhưng nó cũng góp phần làm cho USD thêm khan hiếm và đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao.  
 
USD tăng giá và các tác động
 
Việc Mỹ chấm dứt Gói nới lỏng định lượng đồng nghĩa với việc kỷ nguyên đồng USD rẻ đã đi đến hồi kết.
 
Giá trị đồng USD đã đảo chiều và các động lực thúc đẩy đà tăng giá của đồng USD trong cả ngắn hạn lẫn trung hạn vẫn rất lớn. Về ngắn hạn, đó là: (i) kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong khi các nền kinh tế khác còn trì trệ; (ii) nhu cầu tiêu thụ dầu lửa và các loại hàng hóa cơ bản khác đang giảm mạnh do kinh tế thế giới tăng trưởng thấp; (iii) tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới (tình hình kinh tế và nội trị Nga, quan hệ giữa Nga với phương Tây, các bất ổn tại khu vực Trung Đông và xung đột ở U-crai-na…); (iv) khan hiếm đồng đô la do khả năng FED tăng lãi suất cơ bản và các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền từ các thị trường mới nổi đầy rủi ro sang nơi trú ẩn an toàn hơn là Mỹ.
 
Về trung và dài hạn, hiện vẫn chưa rõ xu hướng tăng giá USD sẽ kết thúc khi nào nhưng tờ Spiegel của Đức đã đưa ra dự báo khả năng 1 Euro đổi tương đương với 1 USD vào năm 2017, tức Eurro sẽ mất giá thêm khoảng 20% trong vòng 2 năm nữa.
 
Như vậy, Đức và một số nền kinh tế lớn đã chuẩn bị cho phương án chỉ số đồng USD ở mức 115. Tuy nhiên, nếu tương quan triển vọng các nền kinh tế lớn không thay đối, khả năng USD tăng lên và “trụ lại” ở mức đỉnh 130 như thời kỳ đầu năm 1985 khi Mỹ thực thi chính sách Reaganomics là không loại trừ.
 
Do USD là đồng tiền chủ chốt, hiện chiếm khoảng  66% tổng dự trữ ngoại tệ và 85% khối lượng trao đổi thương mại trên thế giới, nên sự lên giá mau chóng của đồng USD đang tác động mạnh đến thị trường tài chính, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng do mức độ phụ thuộc vào đồng USD của từng quốc gia, cũng như của từng lĩnh vực, ngành hàng ở mỗi nước khác nhau, nên các tác động cũng khác nhau. Sơ bộ có thể thấy như sau:
 
Với Mỹ: USD lên giá mạnh là một thực tế khách quan, ngoài dự tính. Điều này khác với thời kỳ USD lên giá có chủ đích đầu những năm 1980, khi Tổng thống Reagan thi hành chính sach kinh tế bảo thủ gọi là Reganomics khi Mỹ chủ trương nâng lãi suất cao, với mức cực đỉnh là 20%, để thu hút dòng tiền từ bên ngoài nhằm “làm mới” lại nước Mỹ.
 
Năm 2015, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 18.000 điểm hiện nay lên khoảng 15%, tức 20,500 điểm trong năm 2015.
 
Việc USD một lần nữa “chảy” về nước Mỹ sẽ giúp người Mỹ có thêm tiền để chi tiêu; doanh nghiệp Mỹ có thêm tiền để chi mạnh tay cho nghiên cứu, đối mới công nghệ và mở rộng sản xuất; còn chính quyền tăng thêm nguồn thu từ thuế.
 
Trong ngắn hạn, Mỹ có thể chấp nhận “thiệt thòi” do xuất khẩu khó khăn vì giá hàng hóa xuất từ Mỹ tính theo USD trở nên đắt đỏ; kinh tế tăng trưởng tốt và việc thu hẹp thâm hụt ngân sách có thể giúp “bù” thâm hụt thương mại. Song về trung và dài hạn, thâm hụt thương mại lớn và kéo dài lại đe dọa đến công ăn việc làm của người Mỹ và tương lai tăng trưởng của nước Mỹ. Đây sẽ là nguyên nhân chính “kéo” đồng USD không ở mức quá cao.
 
Đối với các nền kinh tế khác thì hệ quả sẽ là: Thứ nhất, việc đồng nội tệ của họ mất giá so với USD sẽ giúp việc xuất khẩu sang Mỹ có nhiều lợi thế do giá cả rẻ và có tính cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa chắc việc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ sẽ có thuận lợi tương tự do đồng nội tệ của các nước khác cũng mất giá  so với đồng USD gần như tương đương với sự mất giá đồng nội tệ của họ. Điều này có thể dẫn đến cuộc “chiến tranh” hạ giá tiền tệ giữa các nước nhằm giành lợi thế tương đối.
 
Thứ hai, thị trường các nước mới nổi sẽ trở nên chao đảo do làn sóng rút USD chạy về Mỹ và việc này có thể cản trở đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của họ.
 
Thứ ba, các nước bị thiệt hại nhất là những nước thi hành chính sách tỷ giá cứng nhắc, gắn chặt đồng nội tệ của mình với đồng USD. Việc này sẽ làm cho hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ, mất sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước, mà cả trên phạm vi quốc tế.
 
Thứ tư, gánh nặng trả nợ bằng đồng USD đắt đỏ hơn từ các đồng USD rẻ trước đây sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách và kìm hãm triển vọng tăng trưởng tại nhiều nước.
 
Đối với Việt Nam, ngày 6/1/2015 Ngân hàng nhà nước VN đã tiến hành điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, theo đó đồng USD tăng giá 1% so với VND. Khác với các lần điều chỉnh trước, lần điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt: Năm 2014, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,9%, cao hơn năm 2013 là 5,42% và dự kiến trong năm 2015 là 6,2%. Do đó, việc điều chỉnh này cần được xem là nhằm giảm bớt các bất lợi từ việc USD tăng giá quá nhanh.
 
Do đặc điểm của nước ta là đồng VND gắn khá chặt với đồng USD và độ mở của nền kinh tế khá lớn so với nhiều nước khác với tỷ lệ tổng thương mại/GDP là 164%, nên bất kỳ thay đổi nào trong giá trị của đồng USD đều tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, nền kinh tế của chúng ta cũng có đặc điểm khác là đồng VND không phải là đồng tiền chuyển đổi tự do với tỷ giá thả nổi như các đồng tiền khác nên các tác động chưa trực tiếp và tức thì như các nền kinh tế khác.
 
Vào lúc này chúng ta cần theo dõi kỹ, đánh giá các tác động tiêu cực cũng như tích cực của việc USD lên giá và có sự điều chỉnh chính sách tỷ giá kịp thời, hợp lý.
 
Những vấn đề cần xem xét, đánh giá lúc này: Một là, việc VND “neo” theo đồng USD vô hình trung làm cho VND lên giá mạnh so với hàng loạt đồng tiền chủ chốt khác. Nên cân nhắc xem việc này tác động ra sao đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, có làm cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn không?
 
Hai là, chi phí đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có trở nên đắt đỏ hơn các nước xung quanh không, tác động ra sao đến môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư nước ngoài?
 
Ba là, việc đồng USD tăng giá ảnh hưởng ra sao đến khả năng và việc thực thi các nghĩa vụ trả nợ của chúng ta. Bốn là, khả năng USD chảy ngược từ Việt Nam ra ngoài ra sao và khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi suất liên ngân hàng đối với tiền gửi ngoại tệ tác động ra sao đối với lãi suất gửi và cho vay bằng VND, và từ đó  ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.
------------------------------

 Dầu dưới 50 USD: Gói kích thích kinh tế 3 tỷ USD

Giá dầu thô đã sụt giảm dưới 48 USD/thùng. Cơ quan quản lý Việt Nam sẽ phải đắn đo việc giảm sản lượng, tăng thuế, cân đối thu chi... nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hãy ưu tiên cơ hội này cho người dân và doanh nghiệp. 
 
Giảm giá đầu vào tới 65.000 tỷ đồng
 
Phiên giao dịch đêm 7/1 tại New York, Mỹ đã tiếp tục nhấn chìm giá dầu thô xuống một đáy mới. Dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2015 giờ chỉ còn 47,93 USD/thùng. Dầu Brent ở Anh cũng chỉ giao dịch ở mức giá 49,92 USD/thùng. Đây là mức giá của thời kỳ khủng hoảng dầu lửa năm 2008.
 
Nhu cầu giảm cộng với tuyên bố của các nước dầu mỏ, không cắt giảm nguồn cung thì nhiều chuyên gia kinh tế của Mỹ cũng tin rằng, dầu thô sẽ còn xuống mốc 40 USD/thùng. Đặc biệt, giới phân tích không loại từ khả năng sẽ có mức giá 30 USD/thùng, tương tự như mức giá đầu năm 2009. Dầu có thể mất giá tới 70% so với giữa năm 2014.
 
Rõ ràng, với các nước xuất khẩu dầu mỏ có giá thành cao sẽ gặp khó, bởi sụt giá kỷ lục như trên là nguy cơ của phá sản, vỡ nợ. Với các nước nhập khẩu, đó là lộc trời cho. Nhưng ở Việt Nam, vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thì lại có một bức tranh riêng đa dạng hơn.
 
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ với báo chí cho hay: Nếu giá dầu thô giảm 40%, chúng ta sẽ giảm giá đầu vào khoảng 3-3,2 tỷ USD, tương đương khoảng 60-65.000 tỷ đồng. Nền kinh tế có nhiều khả năng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 6,2%. Đây chính là nền tảng để tăng thu ngân sách vững chắc.
 
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, ước tính, năm 2014, các mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của nền kinh tế, tương đương 8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Vì thế, khi mặt hàng này giảm tới 30% chỉ trong nửa cuối năm đã làm giảm đáng kể chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
 
Ông Ngoạn cho hay, Uỷ ban đã tính toán giá thành sản xuất công nghiệp năm 2015 sẽ giảm 3% nếu như giá dầu thô giảm 33%. Đây là mức giảm rất tốt.
 
Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, hãy cứ tính bài toàn tiết kiệm được của người dân đi xe máy, ô tô là thấy được lợi ích thế nào từ giá dầu giảm. Kể từ mức giá đỉnh cao 25.640 đồng/lít, hiện giá một lít xăng đã giảm tới 8.100 đồng.
 
Hiện cả nước đang lưu hành 35 triệu chiếc xe máy. Với mức tiêu hao trung bình khoảng 2 lít xăng cho 100 km thì tổng mức tiết kiệm cho người tiêu dùng xe máy ở Việt Nam là 567 tỷ đồng cho quãng đường 100km.
 
Cùng đó, với 1,5 triệu ô tô đang lưu thông và mức tiêu hao trung bình tạm tính 10 lít xăng cho 100km thì mức tiết kiệm đã là 121,5 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, với doanh nghiệp sản xuất thì mức tiết kiệm có thể còn nhiều hơn. Khi đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
 
"Xét tổng thể, giá dầu thô giảm là thuận lợi cho cải cách kinh tế của Việt Nam. Chi phí tiết kiệm nhiên liệu là rất đáng kể. Điều này sẽ giúp cải thiện các chi tiêu khác cho người nghèo, còn người giàu sẽ có thêm tiền để tăng đầu tư, gia tăng lợi nhuận", TS Thiên bày tỏ.
 
Thuận cho cải cách
 
Cuối tháng 12/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hai kịch bản ứng phó với giá dầu thô, trong đó, một kịch bản giữ nguyên sản lượng khai thác dầu và một kịch bản sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở những mỏ có giá thành cao.
 
Tại thời điểm trình kịch bản này, giá dầu thô vẫn còn dao động ở mức 65 USD/thùng. Nhưng con số này giờ đã quá lạc hậu so với đáy mới vừa được thiết lập 47-48 USD/thùng. Đặc biệt, 2 tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi còn tuyên bố sẽ không cắt sản lượng dù cho giá dầu xuống 20 USD/thùng. Ở quốc gia này, chi phí khai thác dầu mỏ chỉ 15 USD/thùng. Nhưng ở Việt Nam, chi phí này là con số 30-70 USD/thùng, thấp hơn một chút so với Mỹ là 60-80 USD/thùng.
 
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã cho biết, nếu dưới 60 USD/thùng, PVN sẽ cắt giảm sản lượng ở 4 mỏ có gía thành cao với trữ lượng khoảng 450.000 tấn. Tuy nhiên, đây không phải là sản lượng lớn. Lợi nhuận, doanh thu của PVN sẽ giảm nhưng ông Sơn cũng cho rằng, dầu giảm nếu chỉ ở mức 60 USD/thùng là tốt cho nền kinh tế.
 
Trong bối cảnh này, đã có nhiều chuyên gia kinh tế trong nước lên tiếng cho rằng, cần tận dụng cơ hội giảm giá sâu như trên để mua dự trữ. Song, việc này không dễ bởi các ông lớn xăng dầu Việt Nam vẫn chưa có đủ kho bể cho việc này.
 
TS Trần Đình Thiên cho biết: "Chúng tôi cũng đã đề xuất Thủ tướng nên ưu tiên tối đa cơ hội giá dầu giảm cho doanh nghiệp. Nếu có đánh thuế thì nên ở mức độ".
 
Ông nhấn mạnh: "Phía Ngân sách phải tính toán lại theo cách khác. Giá dầu giảm gây khó khăn nhưng cũng chính là dịp để Chính phủ xem xét lại việc chi tiêu hiện nay".
 
"Khi doanh nghiệp đã tốt lên, Nhà nước thu được nhiều thuế hơn. Như vậy, giá dầu giảm chỉ có thể gây thiệt hại ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ mang đến cơ hội phục hồi nền kinh tế về lâu dài", TS. Thiên nhấn mạnh.
 
Trên thực tế, kiến nghị không tăng thuế đã được gửi tới Thủ tướng trước Tết Dương lịch, nhưng sau Tết, ngày 7/1, Bộ Tài chính đã tiếp tục tăng thuế xăng dầu trong nước gần mức trần. Với mức 35% cho xăng và 30% cho dầu, mặt bằng thuế hiện chỉ còn cách mức trần 5%.
 
Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 8,6 triệu tấn dầu thô và thu về 6,9 tỷ USD. Vậy giảm giá dầu đến mức nào thì sẽ tốt cho nền kinh tế Việt Nam? Các cơ quan hoạch định chính sách sẽ ứng phó theo kịch bản nào? Trong khi đó, tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế lập luận rằng, giảm giá dầu có thể mang lại một nguồn lực lớn, tương đương như một gói kích thích kinh tế trị giá 1,6 tỷ USD.
---------------------------
 Giá dầu dưới 50USD/thùng sẽ thay đổi nền kinh tế Việt Nam ra sao?
Nỗi lo sợ về việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy vậy nhìn vào những so sánh trong quá khứ, câu trả lời cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là khả quan.
 
Bước vào tuần đầu tiên của năm 2015, thị trường đã đón nhận thông tin giá dầu thế giới xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Tại Nhật ký tư vấn vừa phát hành cho nhà đầu tư, CTCK Rồng Việt (VDSC) đặt vấn đề, liệu điều này sẽ thay đổi kinh tế Việt Nam ra sao?
 
VDSC cho biết, trong vòng 30 năm qua, giá dầu thế giới có 7 lần giảm mạnh (với mức giảm ít nhất là 35% so với cùng kỳ), trong đó đợt giảm mạnh nhất là vào năm 1986 với mức giảm xấp xỉ 60%. Đối với Việt Nam, diễn biến giá dầu lần này khá tương tự như năm 2008. VDSC đã thực hiện một thống kê về quá khứ để phần nào hình dung xu hướng giảm của giá dầu thay đổi nền kinh tế Việt Nam như thế nào vào giai đoạn đó.
 
Trong đợt giảm của giá dầu vào năm 2008, ngoại trừ hai chỉ tiêu tăng trưởng GDP và sản xuất công nghiệp (đặc biệt là hoạt động khai thác dầu thô) kém khả quan do nền kinh tế thời kỳ này đang trong giai đoạn suy thoái, các chỉ tiêu khác đều ghi nhận mức cải thiện khả quan trong năm 2009.
 
Giá xăng trong nước, được phản ánh trong CPI, trong giai đoạn này cũng có tỷ lệ giảm khá tương quan với giá dầu, tương ứng khoảng 24,14% vào năm 2009. Do đó, lạm phát trong giai đoạn này cũng có mức giảm khá mạnh, tương ứng 6,88% trong năm 2009 (so với mức tăng 22,97% của năm 2008). Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô như thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN), cán cân thương mại và chỉ số nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đều cải thiện tích cực sau thời điểm giá dầu giảm mạnh.
 
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý điểm khác biệt: năm 2009 là năm đầu tiên Chính Phủ bung mạnh “gói kích cầu” khoảng 150.000 tỷ đồng, đi cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Trong khi đó, năm 2015, có chăng là năm lãi suất tiếp tục giảm nhưng dư địa giảm sẽ không quá mạnh như năm trước.
 
Xét về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xu hướng giảm của giá dầu cũng ảnh hưởng nhiều lên giá cổ phiếu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo thống kê, giá dầu giảm hỗ trợ tích cực cho việc cải thiện các chỉ tiêu như tỉ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS), biên lợi nhuận gộp và ròng của VN-Index trong giai đoạn 2008-2010. Theo đó, EPS của VN-Index trong năm 2009 tăng 73,2% so với cùng kỳ. Một điểm sáng khác, trong khi biên lợi nhuận gộp của VN-Index của năm 2009 chỉ đạt 19% so với mức 16,16% của năm 2008 thì biên lợi nhuận ròng của VN-Index tăng mạnh lên mức 11,83% so với mức 6,63% (năm 2008).
 
Trở lại hiện tại, các chỉ báo vĩ mô trong năm 2014 cũng cho cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2015. Trong những tháng cuối năm 2014, lạm phát cả nước một vài tháng cũng ghi nhận mức giảm phát. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong những ngày gần đây cũng dự báo mức CPI thấp trong tháng 01/2015. Những điều này giúp thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng cao, qua đó cũng hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong nước trong năm nay.
 
Xét về khía cạnh từng doanh nghiệp, giá dầu giảm không phải là một điểm sáng cho kết quả kinh doanh (KQKD) của tất cả các doanh nghiệp. Theo VDSC, điều này sẽ được phản ánh rõ nét trong KQKD Quý 4/2014 được công bố sắp tới. Theo đó, bức tranh KQKD sẽ diễn biến khá trái chiều: một mặt kém khả quan đối với KQKD của doanh nghiệp kinh doanh và khai thác dầu khí hoặc hoạt động trong mảng phụ trợ cho hoạt động khai thác; mặt khác sẽ khả quan đối với các doanh nghiệp hưởng lợi từ giá dầu giảm (giảm chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa,…).
 
Theo Goldman Sachs, đợt giảm giá dầu lần này chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố cung của thị trường hơn là liên quan đến suy thoái kinh tế như đã diễn ra trong năm 2008.  Hiện nay, đà giảm của giá dầu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chững lại và theo nhận định của tổ chức này sẽ khó tăng trong ngắn hạn. Nỗi lo sợ về việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy vậy nhìn vào những so sánh trong quá khứ, câu trả lời cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là khả quan - VDSC nhận định.
----------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo