Theo dự báo của Hiệp hội thương mại điện tử, giao dịch TMĐT tại VN có thể chạm mốc 4 tỷ USD ngay trong năm nay. Nhưng con số đó vẫn còn là nhỏ nhoi so với một thị trường 90 triệu dân và có tốc độ bùng nổ internet mạnh mẽ nhất thế giới.
Muốn hiểu sức mạnh khủng khiếp của thương mại điện tử (TMĐT), chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, nơi ông chủ Alibaba Jack Ma đang trở thành tỷ phú giàu nhất nước này, và Alibaba đang đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Alibaba đã tạo ra 14 triệu việc làm kể tử ngày thành lập, ngược lại cũng góp phần khiến hàng triệu người mất việc vì đẩy các kênh bán lẻ truyền thống vào con đường phá sản. "Khi lĩnh vực bán lẻ còn kém phát triển và rải rác, người tiêu dùng tìm đến TMĐT ngày một nhiều để tìm thứ họ muốn. Việc này đã kích thích tiêu dùng tại Trung Quốc", Alibaba lý giải cho sự phát triển của mình.
Thống kê của eMarketer cũng cho thấy, châu Á là nơi có những người mua sắm trực tuyến “máu lửa” nhất thế giới. Riêng trong năm 2014, doanh số TMĐT toàn châu Á đã đạt cột mốc kỷ lục 1.470 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2013. Giới quan sát cho rằng, TMĐT sẽ sớm làm thay đổi cơ bản bức tranh mua sắm của châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Thực tế, mặc dù quy mô hiện tại chưa lớn, nhưng Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ cho TMĐT, với 35 triệu người dùng internet thường xuyên, hàng trăm triệu chiếc thẻ ngân hàng đã được phát hành. Doanh số 4 tỷ USD được dự báo cho năm 2015 được coi là minh chứng cho điều đó.
Hiện, ngoài các công ty trong nước như Sendo, Tiki, Vatgia, 5giay... nhảy vào lĩnh vực này, những “ông lớn” nước ngoài như Alibaba, Amazon cũng đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua các đại lý tại VN. Công ty mua sắm trực tuyến quyền lực của Đông Nam Á - Lazada cũng đã rót nhiều triệu đô la vào Việt Nam, với hai website bán hàng được quảng cáo rầm rộ là Lazada và Lamido.
Mới đây, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã nhận định, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường TMĐT lớn ở châu Á với lượng người tiêu dùng trẻ đông đảo.
“Nhưng thị trường TMĐT Việt Nam hiện vẫn đang “say ngủ” bởi sự thiếu niềm tin vào việc mua bán qua mạng và thanh toán trực tuyến. Đó là thách thức khiến TMĐT Việt Nam chưa thực sự cất cánh lên được”, vẫn là nhận định của Bangkok Post sau lời khẳng định về tiềm năng TMĐT Việt Nam.
Hiện nay, gần như chưa có lời giải cho bài toán niềm tin của người mua hàng, và đa phần chỉ lựa chọn mua qua mạng với hình thức giao hàng – nhận tiền mặt và chỉ mua một số mặt hàng không thực sự có giá trị hay thiết yếu.
Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở người tiêu dùng, khi tình trạng lừa đảo bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên mạng. Thậm chí, đã có trường hợp khách hàng đặt tiền mua iPhone nhưng lại nhận được... cục gạch. Tồi tệ hơn, không ít trường hợp sau khi khách hàng chuyển tiền đã đóng cửa website và... bùng.
Những nguyên nhân phổ biến khác tác động mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng là người bán chuyển hàng không đúng như mô tả. Sự sai khác có thể là về chất lượng, thông số kỹ thuật, màu sắc, kiểu dáng... dẫn đến những “biến thể” không mong đợi của TMĐT là khách hàng xem hàng qua mạng, nhưng đến trực tiếp của hàng để mua.
Một cản trở khác, cũng xuất phát từ những lo ngại của người tiêu dùng, như trường hợp mà trong một hội thảo mới đây đại diện Big C thừa nhận là phần đông người mua hàng không sẵn sàng cung cấp số thẻ tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ.
Thực tế, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn lạc hậu khá nhiều so với nhịp độ phát triển và những thách thức quản lý mà TMĐT đặt ra. Ngoài ra, phương tiện thanh toán, vận chuyển, giao hàng, chi phí… của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất yếu.
Ngay với một ông lớn ngoại quốc vừa đầu tư vào thị trường, vẫn còn tình trạng bán hàng kém chất lượng, như trường hợp nhiều người tiêu dùng phản ánh là mua một viên pin sạc dự phòng ghi dung lượng 12.000 mA, nhưng thực tế chưa xạc đầy một chiếc smartphone đã... hết pin. Hoặc không ít trường hợp, dù giao dịch với các website có đăng ký với Bộ Công thương, khách hàng cũng không hề nhận được hóa đơn, bảo hành hay bất kỳ chứng từ nào thể hiện giao dịch mua bán hay quyền lợi hậu mãi.
Ông Nguyễn Nam Vinh - Chủ nhiệm Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - Văn phòng phía nam thừa nhận, hiện nay tình trạng người tiêu dùng mua hàng qua mạng bị lừa đảo nổi lên rất nhiều và đa dạng, nhưng khó xử lý vì nhiều website bán hàng online không có trụ sở, nên các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không có cách nào vào cuộc xử lý được.
Niềm tin chính là mấu chốt quan trọng số 1 trong TMĐT, bởi khác với kênh bán lẻ truyền thống, khách hàng và người bán không nhìn thấy nhau, người mua cũng không thể tận tay “sờ, nắn, vuốt ve” sản phẩm. Khi sự quản lý vẫn còn lỏng lẻo, sự rắc rối trong thanh toán, chuyển hàng và sự chụp giật vẫn còn cửa sống trong TMĐT Việt Nam thì sẽ rất khó để người mua thoải mái nhập số thẻ, mã số bí mật mình vào ô thanh toán trên website và bấm nút.
Cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Mỹ đang diễn ra rất quyết liệt. Do vậy, liệu thế giới có chứng kiến một lần nữa sự chuyển giao quyền lực định giá dầu mỏ hay không? Quyền lực định giá dầu mỏ trong thời gian tới sẽ trong tay ai?
Trong lịch sử giá dầu mỏ trên thế giới, quyền lực định giá dầu đã trải qua các giai đoạn. Thứ nhất, trước năm 1930 là giai đoạn thị trường tự do. Thứ hai, giai đoạn từ 1930 đến 1972 do Mỹ quyết định thông qua tổ chức có tên gọi Texas Railroad Commission (TRC). Thứ ba, giai đoạn từ 1973 đến nay do Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định. Vấn đề là từ giữa năm 2014 đến nay, giá dầu giảm mạnh ngoài ý muốn của OPEC và trên thực tế OPEC không kiểm soát được.
Chắc chắn rằng, giá dầu mỏ thế giới liên quan tới nhiều yếu tố địa chính trị, chủ quan và khách quan nên khó có thể bao quát toàn diện mọi khía cạnh một cách đầy đủ, dưới đây là một số thông tin và phân tích có cơ sở thực tế.
Dầu mỏ trên thế giới đã được khai thác từ rất lâu và ban đầu chủ yếu khai thác và tiêu thụ ở nước Mỹ. Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ IX đến giữa thế kỷ XX, trên thế giới sản lượng dầu mỏ chủ yếu do 7 công ty nắm giữ. 7 công ty này (còn gọi là “Seven Sisters”) là Ango-Petroleum Oil Company (bây giờ là BP), Gulf Oil, Standard Oil of California (SoCal), Texasco (bây giờ là Chevron), Royal Dutch Shell, Standard Oil of New Jersey (Esso) và Standard Oil of New York (Socony).
Trước năm 1960, Seven Sisters kiểm soát tới 85% trữ lượng dầu mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, quyền lực định giá dầu mỏ từ 1931 đến năm 1972 lại do TRC quyết định. TRC được thành lập năm 1891 tại Texas, Mỹ ban đầu không liên quan nhiều đến dầu mỏ. Năm 1931 do có sự bùng nổ về sản lượng khai thác dầu mỏ ở miền Đông Texas làm cho giá dầu giảm xuống còn 25 cent/thùng nên Thống đốc Bang Texas khi đó đã quyết định trao cho TRC quyền điều phối sản lượng khai thác cho các công ty dầu để ổn định giá dầu mỏ.
Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, quyền lực định giá dầu mỏ của TRC bị giảm sút mạnh do sự xuất hiện của OPEC và sự phát triển của các công ty dầu khí quốc gia. OPEC được thành lập năm 1960, ban đầu có 5 thành viên sáng lập là Iran, Iraq, Kuwait, Arập Xêút và Venezuela. Trong những phiên họp đầu tiên, OPEC đã phân công 2 thành viên chuyên nghiên cứu phương pháp kiểm soát giá dầu của TRC bằng việc điều tiết sản lượng khai thác. Vào cuối năm 1971, có thêm 6 thành viên tham gia OPEC gồm Qatar, Indonesia, Libya, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Algeria và Nigeria.
Sau hơn một thập niên từ khi thành lập, OPEC đã từng bước khẳng định vị thế của mình về quyền lực trong định giá dầu mỏ trên thế giới. Qua tổng hợp và phân tích giá dầu giai đoạn trước năm 1970, OPEC đã nhận ra rằng nhu cầu về dầu mỏ tăng nhưng giá dầu mỏ lại giảm tới 30%. Vào tháng 3/1971, lần đầu tiên TRC cho phép khai thác 100% công suất các mỏ dầu, nghĩa là TRC không còn nắm giữ được con bài sản lượng để điều tiết giá dầu được nữa trong khi OPEC lại đang lớn mạnh không ngừng.
Năm 1971, công suất khai thác dầu mỏ ở Mỹ đã đạt mức cực đại vì thế Mỹ đã mất công cụ để định giá trần dầu mỏ. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực kiểm soát giá dầu đã được chuyển từ Mỹ sang OPEC. Năm 1973, để phản đối Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Ixraen, OPEC đã áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ làm cho giá dầu mỏ thế giới tăng gần 4 lần so với trước đó (hình 1). Từ đó cho đến thời gian gần đây, OPEC ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Cũng giống như các mặt hàng thông thường khác, giá dầu mỏ bị chi phối bởi quy luật cung cầu với chu kỳ có thể kéo dài tới vài năm. Trong phần lớn thời gian của thế kỷ XX, giá dầu mỏ tại thị trường Mỹ bị chi phối nặng nề từ việc kiểm soát sản lượng hoặc kiểm soát giá. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giá dầu đầu giếng tại Mỹ trung bình 28,52 USD/thùng (tính theo USD năm 2010) trong khi giá trung bình thế giới gần 30,54 USD/thùng. Lịch sử cho thấy những đợt giá dầu tăng cao đều gắn liền với sự bất ổn ở Trung Đông; chính sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất khẩu dầu của Mỹ đã kìm hãm việc thăm dò, khai thác dầu trong nước làm cho Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu Trung Đông và Venezuela; đồng thời OPEC đã sử dụng quota sản lượng dầu một cách hữu hiệu để định giá dầu mỏ thế giới.
Hiện tại, giá dầu mỏ giảm rất nhanh từ trên 100USD/thùng còn dưới 50USD/thùng và mấy ngày qua, có “nhúc nhích” lên 52-53USD/thùng. Đánh giá chung cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng tới việc giảm giá dầu mỏ thế giới là:
Sản lượng dầu khai thác ở Hoa Kỳ bùng nổ mạnh mẽ
Trong những năm gần đây, các công ty dầu ở Mỹ đã thành công trong việc khai thác dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến làm cho sản lượng khai thác dầu mỏ ở Mỹ tăng mạnh mẽ (hình 2). Thực tế, Mỹ đang chuyển đổi từ một quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thành quốc gia hàng đầu về khai thác dầu mỏ. Sản lượng dầu mỏ tại Mỹ tăng rất nhanh tập trung từ 7 khu vực là: Bakken Region, Eagle Ford Region, Haynesville Region, Marcellus Region, Niobrara Region, Permian Region, và Utica Region. Tính từ 2007 đến 2014, sản lượng dầu mỏ từ 7 khu vực này tăng khoảng 4 triệu thùng/ngày. Mỹ đang thách thức các nhà khổng lồ là Arập Xêút và Nga về sản lượng dầu mỏ. Kết quả này là nhờ Mỹ đã thành công trong công nghệ khoan khai thác dầu khí từ đá phiến.
Tính từ năm 2005, ngoài OPEC thì khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Nga là có khả năng tăng nguồn cung về dầu mỏ. Hiện tại, quá nửa các thành viên OPEC sản lượng đang giảm. Trong 10 năm vừa qua, đã có thêm nhiên liệu sinh học nhưng rất hạn chế vì vấn đề an ninh lương thực.
Tuy nhiên, do giá dầu thấp, năm 2015 nhiều công ty thăm dò khai thác dầu khí Mỹ sẽ phải cắt giảm trên 30% chi phí. Vì vậy chắc chắn sẽ tác động mạnh tới nguồn cung trong thời gian tới theo hướng giảm. Qua tính toán cho thấy sản lượng khai thác sẽ tăng chậm hơn so với những năm vừa qua.
OPEC và Nga không giảm sản lượng
OPEC cung cấp khoảng 40% lượng dầu mỏ trên thế gới, trong đó Arập Xêút chiếm gần 1/3 nên có ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu mỏ thế giới. Chủ trương hiện nay của Arập Xêút là không chấp nhận mất thị trường, tạm thời chấp nhận giá dầu thấp để các nhà sản xuất dầu có chi phí cao phải đóng cửa và giá dầu sẽ tăng trở lại. Trong khi đó một số thành viên khác của OPEC lại muốn cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu. Tại kỳ họp vào tháng 11/2014, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác và các động thái gần đây cho thấy Arập Xêút sẵn sàng để cho các thành viên khác của OPEC khổ sở vì giá dầu thấp cho tới kỳ họp tới vào tháng 6/2015.
Đồng thời, Nga là nước có sản lượng khai thác lớn nhất cũng cương quyết duy trì khả năng khai thác tối đa của mình nên không có cửa cho việc giảm nguồn cung. Đa số các phân tích cho rằng Arập Xêút đang chịu đựng để ép cắt giảm sản lượng từ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ nơi có giá thành tương đối cao. Một số khác thì tin là Arập Xêút đang thỏa thuận ngầm với Mỹ để phá vỡ nền kinh tế của Nga, Iran và Venezuela. Nhìn tổng thể, nếu như giá dầu mỏ thấp và kéo dài thì nó sẽ làm cho tất cả các vấn đề nói trên trở thành hiện thực, kể cả Arập Xêút cũng không thể cân đối được ngân sách khi giá dầu cần cho họ là trên 90 USD/thùng.
Cầu ở châu Á, châu Âu đã giảm
Trong khi nguồn cung tăng nhanh thì cầu từ các nước đang phát triển sử dụng nhiều năng lượng như Trung Quốc (thứ hai thế giới), Ấn Độ (thứ tư thế giới) lại giảm. Khủng hoảng toàn cầu đã làm nhu cầu về dầu mỏ ở châu Á giảm mạnh hơn tính toán, trong khi phần lớn chính phủ các nước ở châu Á lại cắt giảm trợ giá xăng dầu. Tại châu Âu, nhu cầu xăng dầu cũng giảm. Thống kê cho thấy, nửa đầu của mỗi năm cầu luôn giảm và tăng vào thời gian còn lại nhưng tổng thể cầu năm sau cao hơn năm trước. Do vậy, mất cân đối cung cầu vẫn tiếp tục cho tới khi OPEC họp định kỳ vào tháng 6 năm 2015.
Đồng đôla Mỹ tăng mạnh
Dầu mỏ được định giá và giao dịch bằng tiền đôla Mỹ trên toàn cầu. Hiện tại đôla Mỹ đang rất mạnh so với các đồng tiền khác nên giá dầu ở ngoài nước Mỹ cho thấy đắt hơn và dẫn tới nhu cầu dầu giảm theo. Cùng với nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ tăng lên, lực cầu yếu ớt ở khu vực Á - Âu, đồng USD mạnh đang đẩy dầu mỏ giảm giá sâu hơn nữa.
Libya và Iraq đang tăng sản lượng khai thác dầu
Hiện tại, Libya, Iraq, Nam Sudan và Nigeria đang trở lại ổn định sản lượng khai thác dầu ở mức tăng dần. Các nước này đang rất cần tiền để khôi phục nền kinh tế nên họ sẽ cố gắng duy trì mức khai thác cao nhất có thể làm cho tổng nguồn cung tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại các quốc gia này vẫn là vấn đề đáng quan ngại có thể ảnh hưởng tới việc giảm đột ngột sản lượng khai thác do xung đột chính trị.
Như trên chúng ta thấy, trong 5 yếu tố tác động làm cho giá dầu mỏ giảm nhanh thì có 3 yếu tố tác động tới nguồn cung và 2 yếu tố tác động tới cầu. Trong 3 yếu tố tác động vào cung thì yếu tố thứ nhất sẽ được Chính phủ Mỹ khuyến khích tăng tối đa sản lượng dầu khai thác. Tuy nhiên, yếu tố nguồn cung từ OPEC sẽ xảy ra theo hướng ngược lại, OPEC sẽ phải cắt giảm để nâng giá dầu mỏ.
Hiện tại, cung đang vượt cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày và độ lệch này có thể được cân bằng từ ba yếu tố. Một là cầu chắc chắn sẽ tăng trở lại từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Hai là cung sẽ giảm do một số công ty dầu không chịu được giá dầu thấp. Ba là OPEC sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong phiên họp tới (thực tế tháng 1-2009, OPEC đã cắt 4,2 triệu thùng/ngày). Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tranh thủ giá dầu thấp để tích trữ trong kho dự trữ của mình nên kể cả khi cung cầu ở mức cân bằng thì giá dầu cũng sẽ chưa tăng ngay mà có độ trễ nhất định. Dù sao nhìn tổng thể thì chu kỳ giảm giá dầu lần này xét từ các yếu tố tác động vào cung và cầu đều không thể kéo dài. Nhìn lại chu kỳ giá dầu thấp vào năm 1985 và năm 2008 thì lần giảm giá dầu này có nhiều nét tương đồng với hai lần trước.
Mỹ đang bằng mọi cách để tối đa sản lượng dầu khai thác trong nước nhằm tự cân đối nhu cầu dầu mỏ của Hoa Kỳ, giảm sự phụ thuộc vào dầu Trung Đông, Venezuela. Nhìn tổng thể, nỗ lực của Mỹ trong những năm vừa qua trong việc giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đã đạt được những kết quả nhất định. Trong cuộc chiến này, Mỹ đã đạt được cả hai mục tiêu khi giá dầu thấp là kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, đồng thời kìm hãm sự phát triển của một số quốc gia thù địch có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ điển hình là Nga, Venezuela và Iran. Trái lại, cần phải thấy rằng giá dầu thấp cũng đã phần nào tác động tiêu cực tới Mỹ trong việc phát triển sản lượng khai thác dầu khí từ đá phiến; tác động tiêu cực tới OPEC vì hầu hết nền kinh tế của 12 quốc gia thành viên OPEC đều phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ, nên chắc chắn rằng, trong kỳ họp sắp tới của OPEC vào tháng 6/2015, tổ chức này sẽ phải đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu mỏ lên mức hợp lý.
Đánh giá chung, các công ty dầu khí của Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm giá thành khai thác dầu đá phiến; quyền lực định giá dầu mỏ thế giới chưa thể dịch chuyển trong thời gian tới, nhưng vai trò của OPEC sẽ bị giảm, vai trò của Mỹ sẽ tăng; giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại vào nửa sau năm 2015, có thể lên tới mức 80USD vào cuối năm 2015. Về dài hạn, việc giá dầu mỏ trên 100USD là khó xảy ra trừ phi có chiến tranh hoặc can thiệp chính trị. Mỹ sẽ dùng dầu mỏ làm con bài quan trọng để hỗ trợ duy trì vị trí siêu cường trên thế giới.
-------------------------
Tính minh bạch và tính hai mặt của chuyện nông dân đổ sữa
Nguồn gốc sâu xa của chuyện nông dân đổ sữa là tính hai mặt của một vấn đề: sự hấp dẫn của lợi nhuận và sự thiếu minh bạch của thị trường.
Tưởng như nguyên nhân trực tiếp là mất cân đối cung - cầu, Việt Nam dư cung sữa nguyên liệu Tuy nhiên, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk lại không cho là như vậy.
Lợi nhuận là ưu tiên
Tính chung hai năm qua, giá sữa bột nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm trên dưới 50%, nhưng theo nhìn nhận của chính người trong cuộc - bà Thái Hương, thì người tiêu dùng hoàn toàn khôngđược hưởng lợi từ việc giảm giá đó.
Thị trường sữa Việt Nam khởi phát và đã định vị bằng sữa được pha lại (và thường gọi là sữa hoàn nguyên) từsữa bột nguyên liệu nhập khẩu. Tại thời điểm năm 2008, tỷ lệ sản phẩm sữa được sản xuất, pha lại (hoàn nguyên) từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu là 92% và chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%, một phần từ sự tự chủ động nguồn sữa tươi sạch đầu vào của doanh nghiệp tiên phong đặt nền móng cho ngành sữa tươi sạchlà TH True Milk và một số đơn vị khác đã nhìn nhận ra vấn đề “không có con đường nào khác để tồn tại, phát triển, để được người tiêu dùng chấp nhận là phải tạo ra nguồn sữa tươi nguyên liệu bằng cách tự chủ nuôi bò”.
70% là một tỷ lệ rất cao và đó là một thực tế hết sức nghịch lý của thị trường sữa Việt Nam khi so sánh với các thị trường sữa tại các nước tiên tiến trên thế giới đang tiêu dùng chỉ khoảng 3% sữa bột công thức và tới 97% sữa tươi, sản phẩm sữa được sản xuất từ sữa tươi. Đáng lưu tâm hơn làViệt Nam hiện phải chi trả hàng tỷ USD mỗi năm để nhập sữa nguyên liệu này.
Lẽ thường, mục tiêu của các nhà kinh doanh là lợi nhuận, tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, và do đó giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu giảm sâu trong thời gian qua chính là nguồn gốc sâu xa của chuyện nông dân đổ sữatại nhiều nơi trên cả nước.
Thiếu minh bạch
“Bản chất hoạt động của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Trong vấn đề này thì các cơ quan chức năng không thể can thiệp hay xử lý họ vì lựa chọn nguyên liệu đầu vào chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng các cơ quan chức năng có thể buộc họ phải tuân thủ việc công bố chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào rõ ràng để người tiêu dùng biết được chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm sữa khi lựa chọn và quyết định mua hàng, và các hộ chăn nuôi bò sữa được cảnh báo sớm và có khả năng tiên lượng về kế hoạch sản xuất của mình. Cần phải có các chính sách và lộ trình cụ thể đối với người nông dân để họ không bị tổn thương và lâm vào tình cảnh như hiện nay”, bà Thái Hương nói.
Như vậy, tính minh bạch là nền tảngcốt lõi cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi, bảo vệcơ sở sản xuất chân chính và bảo vệ nền kinh tế và lợi ích chung toàn xã hội. Sự nhập nhèm là nguồn gốc sâu xa của các vấn đề đang xảy ra hiện nay. Điều này TH true MILK, ngay khi mới gia nhập thị trường, đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành các quy định yêu cầu nhà sản xuất ghi thông tin về xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm vì nguyên liệu đầu vào là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm sữa. Đối với trẻ em, sữamẹ là nguồn dinh dưỡng kỳ diệu nhất, sữa tươi sạch là loại sữa tốt nhất. Hiện nay, tại các nước tiên tiến trên thế giới, sữa bột công thức sản xuất trực tiếp từ sữa tươi đang dần thay thế sản phẩm được sản xuất từ sữa bột nguyên liệu.
“Cô bò” gắn chíp
Trở lại với chuyện nông dân đổ sữa, bà chủ TH true Milk xem đây là bài học cay đắng. Kinh nghiệm với các hộ dân là phải nắm chắc hợp đồng, rõ ràng các cam kết. Cùng đó là trách nhiệm về định hướng của nhà thu mua.
Dù vậy, bà Thái Hương cảnh báo về một xu hướng, mà nếu người nông dân không thay đổi nhãn quan và cách làm thì trong tương lai khó tránh chuyện bị bỏ rơi giữa đường. Đó là yêu cầu đối với chất lượng sữa nguyên liệu đầu vào ngày càng khắt khe.
Chất lượng sản phẩm sữa phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguyên liệu đầu vào, phương pháp và thiết bị chế biến chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đại đa số các doanh nghiệp sản xuất sữa tại các nước trên thế giới và cả ở Việt Nam đều sử dụng các biện pháp, thiết bị chế biến hiện đại, chuẩn quốc tế (ngoại trừ một số rất ít doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đang sử dụng các thiết bị nguồn gốc Trung Quốc).
Theo bà Thái Hương - chủ của hãng sữa lớn này, đến nay và về sau, khi mức độ nhận biết của người tiêu dùng ngày càng cao, thì sự sàng lọc, đào thải của thị trường sẽ càng khắc nghiệt, thậm chí hơn cả chuyện đổ sữa. Người tiêu dùng đã hiểu sữa nguyên liệu đầu vào có quy trình chuẩn hóa từ khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, thú y sẽ hoàn toàn khác và có chất lượng vượt trội so với sữa nguyên liệu được sản xuất theo quy trình, phương pháp chăn nuôi, thu gom thủ công, quy mô nhỏ lẻ, vi chất dinh dưỡng trong sữa tươi sạch sẽ bị mất do quá trình gia nhiệt nhiều lần khi sản xuất sữa bột nguyên liệu và hoàn nguyên, hiểu thế nào là nhiễm khuẩn do điều kiện tiểu khí hậu thâm nhập vào quy trình, hay chuyện dòng sữa có phải từ “cô bò” được gắn chíp hay không…
Một số các ví dụ được bà Thái Hương đưa ra: Nuôi bò sữa cần chú ý nhất là bệnh viêm vú. Đàn bò của TH True Milk được gắn chíp cảnh báo được bệnh này trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt sữa đối với “cô bò” đó. Nếu không có hệ thống này thì khả năng nguồn sữa nguyên liệu bị lẫn, nhiễm mủ và máu là đương nhiên.
Hơn thế nữa, hệ thống vắt sữa của TH true MILK còn thiết lập hệ thống các tiêuchuẩn đối với chất lượng sữa từ các “cô bò”, theo đó khi sữa tươi nguyên liệu không đáp ứng các chỉ tiêu đã thiết lập thì hệ thống sẽ cảnh báo và đề nghị điều chỉnh thành phần thức ăn để đảm bảo chất lượng sữa tiêu chuẩn. Thêm vào đó, hệ thống vắt sữa hoàn toàn khép kín, hạ lạnh 2 – 4 độ C có thể hoàn toàn bảo đảm chất lượng sữa khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn vùng tiểu khí hậu khi vắt sữa.
Xu hướng mà bà Thái Hương cảnh báo là chất lượng đầu vào, như ở ví dụ gắn chíp nói trên, sẽ ngày càng chặt chẽ và đặt các hộ dân nuôi bò vào các lựa chọn: một là tiếp tục làm như hiện nay và có thể chuyện đổ sữa lại xảy ra; hai là chỉ tham gia vào chuỗi quy trình ở mắt xích là trồng vùng nguyên liệu nuôi bò; ba là thực sự nhập cuộc, đầu tư chuẩn hóa công nghệ để đảm bảo sự khắt khe chất lượng đầu vào đó.
Từ thực tiễn trên, thị trường sữa Việt Nam phải được chuẩn hóa và điều tiết, không có con đường nào khác ngoài con đường mà TH true MILK đang đi, nghĩa là phải chuẩn hóa ngay từ giống, có phả hệ rõ ràng, đến quy trình chuẩn chăm sóc, thức ăn, chế biến, bảo quản … thì mới có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Hướng tháo gỡ mà bà chủ TH True Milk đưa ra: “Sữa là nguồn dinh dưỡng kỳ diệu cho sức khỏe của trẻ em, người già nói riêng, người tiêu dùng các lứa tuổi nói chung. Để bảo vệ nguồn dinh dưỡng quý giá này, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc đánh giá lại bộ chỉ tiêu, tiêu chuẩn về sữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm sữa theo chuẩn quốc tế, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức về sữa, sản phẩm sữa tới mọingười tiêu dùng, ban hành các quy định yêu cầu nhà sản xuất ghi thông tin về xuất xứ nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng có đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm sữa khi lựa chọn và quyết định mua hàng. Và từ đó, các hộ chăn nuôi bò sữa được cảnh báo sớm và có khả năng tiên lượng, chủ độngđối với kế hoạch sản xuất của mình, tránh tình cảnh bị thiệt hại và tổn thương như hiện nay”.
--------------------------------
Thực phẩm Tết tăng giá từng ngày
Hơn một tuần nữa đến Tết Ất Mùi 2015, các mặt hàng thực phẩm lập mặt bằng giá mới. Đặc biệt, giá gia cầm tăng chóng mặt.
Loạn giá gia cầm
Do nhu cầu về gia cầm tăng đột biến vào những ngày cuối năm khiến giá gia cầm tăng từng ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gà đã tăng 20% - 30% tùy từng loại.
Theo khảo sát của Tiền Phong tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), gà công nghiệp tăng cao nhất từ 65.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; gà mía (gà lông đỏ) từ 90.000 - 95.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; gà ta từ 130.000-140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg.
Chị Hương Nguyệt, tiểu thương ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do giá thịt gà tăng từng ngày nên nhiều khách quen đặt mua từ bây giờ vì sợ không có gà cho Tết Nguyên đán, đặc biệt là gà ta, gà chọi, gà dùng để cúng lễ... “Giá gà càng tăng thì bán càng chậm. Hiện, người dân quay sang mua gà đông lạnh trong siêu thị về ăn thay vì mua gà sống”, chị Nguyệt nói.
Còn tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá gà ta là: 180.000 đồng/kg, vịt 82.000 đồng/kg. Bà Trần Hợp, tiểu thương bán gà cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi phải chạy đôn đáo khắp các vùng quê để đặt gà của bà con nông dân. Mua gà giờ khó lắm. Mua tại chuồng giá cũng bị đội lên. Buôn nhiều nhưng lãi chẳng bao nhiêu”.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), giá bán buôn thịt gà thả vườn chỉ 64.000 đồng/kg; gà công nghiệp 47.000 đồng/kg, vịt 62.000 đồng/kg…
Trước thực tế như trên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan này đang dùng nhiều biện pháp khác nhau để quản lý và tăng nguồn cung cho thị trường, đảm bảo cung ứng đủ gà thịt cho dịp lễ tết năm nay. Về giá thịt, trong đó có thịt gà tăng đột biến, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng đó là điều bình thường, bởi theo thông lệ, vào dịp này của năm, giá thịt gia cầm lại tăng cao, thậm chí còn tăng tiếp đến cận Tết và qua Tết.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, mức giá tăng của thịt gia cầm gần đây chưa thấm vào đâu trong khi giá nhiều sản phẩm, dịch vụ ăn theo chăn nuôi đã đồng loạt tăng từ trước. Mức giá tăng lần này cũng chỉ đủ bằng hoặc lãi chút ít cho người chăn nuôi.
Thịt, giò, đồ khô tăng giá theo ngày
Theo khảo sát của Tiền Phong tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Chợ Hôm, Yên Phụ…, thịt lợn, thịt bò tăng từ 10 - 30% so với tuần trước. Cụ thể, thịt ba chỉ lợn tăng từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; nạc vai, nạc mông tăng từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; xương sườn lợn tăng từ 100.000 đồng lên 115.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Lan (tiểu thương chợ Cầu Giấy) cho biết: “Qua rằm tháng Chạp, giá thịt bắt đầu tăng lên. Từ ngoài 23 Tết, giá có thể tăng hằng ngày, tùy thuộc vào lượng khách mua đông hay ít. Người dân không còn tâm lý tích trữ hàng cho Tết và giá các mặt hàng đều tăng nên lượng mua năm nay giảm nhiều so với năm trước và chỉ tương đương ngày thường”.
Theo chị Lê Thị Hoa (chợ Yên Phụ, Tây Hồ)-người bán giò chả: “Giá giò tăng vì thịt nguyên liệu làm giò tăng lên mỗi ngày. Cận Tết, giá có thể lên đến 160.000 đồng/kg. Khách càng đặt mua giò cho Tết sớm, giá sẽ rẻ hơn, đặt mua muộn do nguyên liệu ngày giáp Tết tăng sẽ phải mua giá cao”.
Nắm bắt tâm lý chuẩn bị trước các mặt hàng khô của người dân, tiểu thương bắt đầu tăng giá mộc nhĩ, nấm hương, măng. Giá măng khô loại 1, tăng từ 275.000 đồng lên 280.000 đồng/kg; mộc nhĩ tăng từ 170.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg; nấm hương từ 400.000 đồng/kg lên 410.000 đồng/kg. Đậu xanh bóc vỏ tăng từ 50.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá là do người tiêu dùng đang có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều người đổ xô đi mua hàng về để dành cho những ngày Tết sắp đến, chính điều này đã khiến cho hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ quá nhanh trong một thời gian ngắn. Từ đó, giá cả các loại sản phẩm dần được đẩy lên theo.
Theo nhiều tiểu thương tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội, giá rau xanh tăng từ 20 – 30% so với tuần trước. Giá rau xanh tăng cao do thời tiết trở lạnh, các loại rau khó phát triển. Ngoài ra, do hết vụ, người dân phá bỏ rau cấy lúa vụ đông xuân 2015.
-----------------------