Phiên xử sơ thẩm vụ án bốn bị cáo nguyên là công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) đánh chết nghi can mới đây, TAND TP Hà Nội mới đây đặt ra vấn đề pháp lý khá thú vị.
Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khắc phục những vi phạm trong quá trình điều tra. Các bị cáo bị truy tố về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (có khung hình phạt 12-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình) nhưng khi ra tòa, các bị cáo đều khẳng định không hề có một luật sư nào bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự từ giai đoạn điều tra. Theo hội đồng xét xử, các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt trên, bắt buộc trong quá trình điều tra, lấy lời khai phải có sự tham gia của luật sư nên đã trả hồ sơ.
Vấn đề đặt ra trong vụ án này là cơ quan điều tra không chỉ định luật sư cho các bị cáo ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can có vi phạm tố tụng hay không? Cách khắc phục thế nào?...
Theo thông tin trên báo chí, ngày 31-8-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bốn công an xã Kim Nỗ về tội cố ý gây thương tích. Sau đó VKSND huyện Đông Anh chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội điều tra theo thẩm quyền. Sau khi xem xét, ngày 27-3-2013, Công an TP Hà Nội quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án từ cố ý gây thương tích sang tội giết người.
Kết thúc điều tra, Công an TP Hà Nội đã đề nghị VKS truy tố bốn bị can tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 7-15 năm. Đến đây, vụ án không có gút mắc gì nếu như VKSND TP Hà Nội không thay đổi khung hình phạt từ khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự lên khoản 1 (có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, với khung hình phạt này, bắt buộc phải có luật sư cho các bị cáo từ giai đoạn điều tra.
Như vậy, trong vụ án này Công an huyện Đông Anh và Công an TP Hà Nội không vi phạm tố tụng vì hai cơ quan này không khởi tố các bị can ở khung hình phạt mà VKSND TP Hà Nội truy tố. Bởi nhận thức về pháp luật là một quá trình, việc Công an huyện Đông Anh cho rằng các bị can chỉ phạm tội cố ý gây thương tích, còn Công an TP Hà Nội cho rằng các bị can phạm tội giết người nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 chứ không phải khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự thì không bắt buộc phải có luật sư! Có thể nhận thức của Công an huyện Đông Anh và Công an TP Hà Nội sai nhưng là sai về đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội chứ không phải vi phạm tố tụng. Nếu ngay từ đầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự mà không có luật sư cho các bị can mới bị coi là vi phạm tố tụng.
Còn VKSND TP Hà Nội truy tố bốn bị can theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự cũng là do nhận thức và đó là quyền của VKS. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền thì đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ. VKSND TP Hà Nội quyết định truy tố các bị cáo theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự thì đồng thời phải khắc phục những khiếm khuyết của cơ quan điều tra bằng cách trả hồ sơ vụ án cho Công an TP Hà Nội thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Và tất nhiên, công an phải chỉ định luật sư cho các bị cáo theo quy định chứ không phải đợi đến khi mở phiên xử, tòa phải trả hồ sơ.
Mở một phiên xử không chỉ mất thời gian, công sức, tiền của nhưng phải hoãn, trả hồ sơ vì những vi phạm có thể thấy trước, khắc phục được cũng là sự lãng phí. Quan trọng hơn việc này cũng góp phần gây mất lòng tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
ĐINH VĂN QUẾ