Đây là câu hỏi được các đại biểu đặt ra khi tranh luận về việc tăng hay không mức phạt với người vi phạm giao thông, phạt tiền hay tịch thu xe… tại phiên họp sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2015 của UB An toàn giao thông quốc gia chiều 31/3.
Cuộc họp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì tại trụ sở Chính phủ.
Đề nghị kiểm điểm 5 tỉnh tăng hơn 50% số người chết
Tình hình tai nạn, theo báo cáo mới nhất của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tính từ 16/12/2014 đến 15/3/2015, toàn quốc xảy ra hơn 5.800 vụ tai nạn, làm chết 2.300 người, làm bị thương gần 5.500 người. So với cùng kỳ 2014 đã giảm được 731 vụ (tương đương 11,11%), 82 người chết (bằng 3,38%), 974 người bị thương (tương đương 15,07%).
Tai nạn đường bộ vẫn nổi lên với 2.600 vụ, làm chết 2.300 người, bị thương 1.600 người. Ngoài ra còn gần 3.200 vụ va chạm làm bị thương nhẹ 3.800 người. Trong 3 tháng đầu năm cũng xảy ra 43 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 38 người, bị thương 11 người, tăng 2 vụ (tương đương 4,88%), số người chết giữ ở mức tương đương so với 2014.
Đánh giá chung tình hình, Bộ trưởng Thăng cho biết, có 36 tỉnh thành giảm số người chết vì tai nạn, trong đó 12 địa phương giảm trên 20% số người chết. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai có mức giảm tới hơn 50%. Bộ trưởng GTVT đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia biểu dương, khen thưởng địa phương này.
Ngược lại, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn tăng, trong đó có 16 tỉnh để tỷ lệ tai nạn tăng hơn 10%. Bộ trưởng Thăng điểm tên 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang và đề nghị có biện pháp phê bình, kiểm điểm các địa phương này.
Dù đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông quý I có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ và số người bị thương tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ 2014 nhưng Bộ trưởng Thăng cũng chỉ rõ, số người chết chỉ giảm được 3,8% (82 người), tai nạn đường thuỷ tăng cao với số người chết tăng tới 53%. Đặc biệt, trong tháng 3 năm nay, tình hình tai nạn diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn giảm nhẹ, số người bị thương tăng 5 người nhưng số người chết thì tăng đột biến (169 người, tương đương 27,8%).
Những hành vi vi phạm trực tiếp dẫn đến tai nạn phổ biến là do đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tốc độ; phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe máy; địa bàn xảy ra tai nạn chủ yếu là trên đường ngoài đô thị; thời gian xảy ra tai nạn là ban đêm và buổi chiều (12-18 giờ)…
Nguyên nhân tai nạn tăng đột biến một lần nữa được nhấn mạnh vào việc mức độ dùng rượu, bia tăng cao trong dịp nghỉ Tết và các ngày lễ trong tháng Giêng dẫn đến tỷ lệ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong trạng thái vi phạm quy định về nồng độ cồn rất cao. Dù vậy, đề cập những nhiệm vụ, giải pháp cho quý II, Bộ trưởng GTVT không nhắc tới đề xuất tịch thu phương tiện với lái xe nặng hơi men.
Người đứng đầu ngành giao thông lưu ý việc khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe, xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan, người thực thi công vụ; công bố doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm trên các phương tiện truyền thông, cung cấp dữ liệu, thông tin cho lực lượng CSGT xử lý ngay các xe vi phạm quy định về tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Hiện trường một vụ tai nạn vừa xảy ra tại Hà Nội làm 5 người chết.
3 tháng xử phạt 1 triệu lái xe – vẫn chưa đủ mạnh!
Góp ý về biện pháp tăng mức xử phạt người vi phạm, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc gia tăng tai nạn không phải do chủ trương chính sách vì quy định pháp luật hiện rất đầy đủ, việc tuyên truyền cũng mạnh nhưng lái xe vẫn vi phạm, trong đó có cả biểu hiện chống người thi hành công vụ. Ông Hà dẫn chứng, chưa bao giờ CSGT xử phạt nhiều như vừa qua khi chỉ 3 tháng đầu năm đã có hơn 1 triệu trường hợp vi phạm bị xử lý, số tiền phạt đã tới hơn 4 tỷ đồng.
“Vấn đề không phải là mức phạt, hình phạt nặng hay nhẹ mà theo kinh nghiệm của các nước thì với diễn biến như vừa qua, cần siết lại hoạt động lãnh đạo, quản lý từ đầu. Các tỉnh uỷ cần siết lại công tác lãnh đạo, xem xét trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tai nạn, đưa chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông lên thành một tiêu chí đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội hàng năm” – ông Hà góp ý.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “lắc đầu”: “Phạt như vậy vẫn chưa đủ mạnh”.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải cũng đặt vấn đề, đã có nhiều quy định, văn bản pháp luật nhưng số tai nạn vẫn cao, giữa thời bình, không tiếng súng đạn mà số người chết đến “rùng mình”. Nguyên nhân, theo ông Thanh là việc quản lý lái xe quá lỏng lẻo từ công tác đào tạo đến khi hành nghề, các đơn vị, HTX kinh doanh vận tải buông lỏng, phó mặc lái xe.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lật lại: “Chứ không phải các doanh nghiệp khai thác cạn kiệt lái xe, bắt lái xe chạy ròng rã, mệt mỏi, buồn ngủ dẫn đến tai nạn?”.
Không đáp lại câu hỏi, ông Thanh chuyển sang nhận xét, việc xử phạt chưa nghiêm minh nên người điều khiển phương tiện vẫn coi thường. Ví dụ, lái xe của một doanh nghiệp gây tai nạn mà không bị buộc trách nhiệm thực sự khiến cho các đồng nghiệp, tài xế khác trong doanh nghiệp và ở doanh nghiệp khác không… ngán sợ.
Nói về chủ trương xử lý quyết liệt vấn nạn lái xe sử dụng rượu bia với đề xuất tịch thu phương tiện đang gây tranh luận vừa qua, ông Thanh gợi ý, nên chăng tìm hình thức phạt phù hợp hơn.
“Thực ra, cá nhân mỗi người sẽ sợ nhất việc bị giam giữ, bị quản chế, buộc lao động công ích 5-10 ngày hơn là bị phạt 5 triệu, 10 triệu đồng… Nên “đánh” vào đó như một biện pháp đột phá” – ông Thanh lập luận, vấn đề là tìm được giải pháp nào cho hiệu quả, còn chủ trương đưa ra có vướng thông tư này, nghị định kia thì cũng có thể chỉnh sửa quy định cho hợp thực tế.
Theo: P.Thảo - Dân trí