Ngày 21.11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Một trong số những biệt thự lớn của nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền.
Theo đó, ông Trần Văn Truyền trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu đã vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất, cụ thể:
Tháng 12.1992, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương (thị xã Bến Tre) do đơn vị quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210m2 (diện tích trên thực tế là 351m2). Ông Trần Văn Truyền không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận.
Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, ông Truyền đã không trả lại, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng. Việc làm trên của ông Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt. Tiếp đến năm 2002, UBND tỉnh Bến Tre đồng ý cho gia đình ông Trần Văn Truyền, được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, thành phố Bến Tre. Trước khi ông Truyền nhận nhà, Công ty xây dựng và phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí 413,385 triệu đồng.
Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Trần Văn Truyền có đơn xin mua căn nhà số 06 Lê Quý Đôn theo NĐ 61/CP và đề nghị được miễn tiền sử dụng đất và đã được UBND tỉnh Bến Tre đồng ý. Như vậy, thời điểm mua căn nhà trên, ông Trần Văn Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002. Bản thân ông Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ.
Sau khi chuyển ra Hà Nội công tác năm 2003, ông Trần Văn Truyền có đơn gửi UBND TPHCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TPHCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất, để xin thuê nhà tại TP và đã được UBND TP cho thuê rồi bán căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, ông Truyền không sử dụng mà cho người khác thuê.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TPHCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước. Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng.
Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị T.Ư hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu (quận Đống Đa, Hà Nội) với diện tích 95m2... Tháng 10.2011, ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu nhưng gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Như vậy, là chưa gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
Đối với căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre. Mặc dù việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền nhưng với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Từ những kết luận trên, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã yêu cầu UBND TPHCM, UBND tỉnh Bến Tre thu hồi lại những căn nhà, đất đã cấp, bán sai quy định của Nhà nước cho ông Trần Văn Truyền, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm điểm trách nhiệm cán bộ đã để xảy ra sai sót khi thực hiện cấp, bán nhà sai quy định cho ông Truyền.
* ĐB Nguyễn Sĩ Cương - Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH: Kết quả đáp ứng được mong đợi của cử tri
Đây là việc làm minh chứng rõ ràng nhất trong quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước rằng không có vùng cấm nào cho bất cứ ai. Kết quả xử lý của UB Kiểm tra Trung ương mới là thông báo bước đầu, việc xem xét xử lý cụ thể sẽ được tiếp tục tiến hành. Kết quả này thể hiện sự trách nhiệm và đáp ứng được sự mong đợi của Đảng và Nhà nước và cả của cử tri. Qua vụ việc này, các cơ quan quản lý cán bộ phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa trong suốt quá trình khi các cán bộ còn đương chức để có thể kịp thời phát hiện, xử lý.
* ĐB Lê Như Tiến: “Nếu cứ nể nang, pháp luật có được thực thi?”
Nếu như những cán bộ có thẩm quyền, có trách nhiệm ở TPHCM và Bến Tre liên quan đến việc cấp đất, bán nhà cho ông Truyền do “nể nang” thì ta thấy rằng nếu ở tỉnh nào, cơ quan nào cũng “nể nang” như vậy thì có còn pháp luật được thực thi hay không? Và như vậy thì xã hội sẽ rối loạn, bởi ai cũng “nể nang” thì không ai thực hiện theo quy định của pháp luật. Ông Truyền từng là Tổng Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm tham mưu phòng chống tham nhũng thì việc làm như vậy không thể chấp nhận được. Chắc chắn cơ quan chức năng chống tham nhũng phải vào cuộc chứ không chỉ dừng lại ở kết luận đó.
* ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): “Hoan nghênh tinh thần của cơ quan có trách nhiệm!”
Tôi đánh giá cao kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Có thể nói đây là một bản thông báo rất nghiêm túc. Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về kết quả thực hiện chất vấn, nhiều đại biểu QH yêu cầu làm rõ việc này. Như vậy thông báo đã đưa ra rất nhanh, tôn trọng ý kiến cử tri, thể hiện tinh thần nghiêm túc trước đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần trách nhiệm đáng hoan nghênh của cơ quan có trách nhiệm. Kết quả bước đầu cho thấy cử tri rất tin tưởng ở chỉ đạo quyết liệt của Trung ương.D.H (ghi)
* Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4:
“Ông Truyền là lãnh đạo đứng đầu ngành Thanh tra Chính phủ mà còn vi phạm là điều không chấp nhận được. Đảng và Nhà nước phải xử lý nghiêm, nếu cần thì phải đưa ra pháp luật để làm gương. Việc thu hồi nhà, đất là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc ông Truyền vi phạm vào thời điểm đang đương chức thì theo tôi việc xử lý không chỉ thu hồi đất, nhà vi phạm, mà còn phải có hình thức xử lý về mặt Đảng, thậm chí xử lý trước pháp luật nếu “ăn cắp” quá nhiều của Nhà nước”.
* Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
“Kết quả xử lý như vậy đã thể hiện sự nghiêm minh của Đảng đối với cán bộ. Tôi rất đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Trần Văn Truyền, điều này khẳng định sự nghiêm minh của tổ chức đối với cán bộ cao cấp, bất luận anh đang đương chức hay đã về hưu, khi có những sai sót, sai lầm thì phải làm đến cùng”.