Chiều 17/11, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các ĐBQH. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục, vẫn chung chung thậm chí có tính chất ngụy biện.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
“Với tư cách là tư lệnh của một ngành ông phải đưa ra các giải pháp, chính sách rất cụ thể để giải quyết các vấn đề nóng mà đại biểu, cử tri quan tâm. Ngay cả việc thực hiện lời hứa cũng phải nêu ra cụ thể đã thực hiện hay chưa? Chứ trả lời những điều mà người ta đều biết nên bị chất vấn nhiều là vậy”, ông Long nói.
Các đại biểu nêu ý kiến nhiều về việc Bộ Công Thương cần tăng cường các giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ là đúng bởi hiện có rất nhiều hạn chế, bất cập và hầu như các chính lược đều không thành công. “Ngay cả số liệu cũng chưa chuẩn, nói ngành xe máy nội địa hóa đến 90% hoàn toàn không đúng vì thực chất 90% này là của doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam chứ không phải của doanh nghiệp trong nước. Trong khi các giải pháp vẫn đổ lỗi cho yếu tố khách quan, cái cần là ông phải đưa ra được các giải pháp cụ thể, hành động cụ thể. Tóm lại việc trả lời vẫn chung chung, chưa thuyết phục”, ông Long nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN Vũ Vinh Phú:
Sao không nói việc làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, có nhiều vấn đề “nóng” lâu nay mà ngành công thương vẫn chưa giải quyết được như vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. “Hiện hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm về vệ sinh ATTP đang là vấn nạn, với trách nhiệm quản lý thị trường nội địa của mình nhưng Bộ trưởng vẫn chỉ nói đến những khó khăn khách quan như việc thiếu phương tiện nên lực lượng quản lý thị trường phải dùng miệng thử phân bón giả. Tôi cho rằng, cái quan trọng phải trong sạch nội bộ chống buôn lậu thì không nói”, ông Phú lưu ý.
Theo ông Phú vấn nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và người tiêu dùng nên Bộ trưởng cần đưa ra được các giải pháp mạnh, đặc biệt tính trách nhiệm của lực lượng thi hành công vụ. “Tôi thấy chỉ đạo công tác chống buôn lậu còn chung chung, hiện chưa ai bị cách chức. Bộ đã kiến nghị xử lý bao nhiêu trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra buôn lậu hay chỉ nói trách nhiệm chính của chính quyền địa phương”, ông Phú nói. Tú Anh
Cử tri Phạm Hồng Kỳ (phường Phước Bình - quận 9 - TPHCM):
Giải pháp tiêu thụ nông sản chưa rõ ràng
Với những vấn đề còn vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay tôi cảm thấy Bộ trưởng chưa đưa ra giải pháp rõ ràng. Cụ thể, người nông dân vẫn còn bị nhiều thiệt thòi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mất mùa giá cao nhưng được mùa thì giá thấp, người nông dân vẫn loay hoay chưa có lối ra cho sản phẩm của mình, vẫn bị động hoàn toàn. Như chúng tôi là người tiêu thụ sản phẩm cho nông dân bị động trong tiêu thụ, khi trúng mùa người nông dân bán cho chúng tôi với giá thấp nhưng khi mất mùa có thương lái nước ngoài tham gia tiêu thụ thì chúng tôi lại hoàn toàn không mua được với giá hợp lý. Vì đâu mà Nhà nước lại cho phép thương lái nước ngoài tham gia tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tiếp với người nông dân? Họ mua chỉ theo thời vụ và gây biến động thị trường. Khi họ ngưng mua thì người nông dân lại bị rơi vào tình trạng ế ẩm, hàng bán không được và thậm chí phải đổ bỏ?
Cử tri Trần Quốc Toàn (phường Tân Quy -quận Tân Phú- TPHCM):
Nên dẹp chiến lược phát triển ô tô cá nhân
Theo ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì chính sách về công nghiệp hỗ trợ hiện đã có nhưng do cấp độ pháp lý còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Đây là một thực tế vì công nghiệp hỗ trợ chưa tạo thuận lợi cho nhiều ngành phát triển. Như với công nghiệp hỗ trợ dành cho ô tô chẳng hạn. Bộ trưởng nói nội địa hóa được với một số loại xe như xe chở khách, xe tải nhưng đây chỉ là những loại xe chiếm tỷ trọng không cao và không dành cho số đông. Còn với xe cá nhân thì tỷ lệ nội địa hóa quá thấp, dẫn đến tình trạng giá xe cao ngất ngưởng. Năm 2018 đã tới rất gần rồi nên theo tôi nên dẹp chiến lược phát triển ôtô cá nhân đi là hợp lý hơn.
Theo: TP