Nhìn tổng thể đề án tái cơ cấu ngành công thương vừa được phê duyệt, có thể thấy tất cả các lĩnh vực thuộc ngành này quản lý đã hoàn thiện. Tuy nhiên, đi sâu từng ngành, những lỗ hổng chiến lược trong tái cơ cấu cũng bộc lộ.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam vẫn “hụt” về tiếp cận công nghệ cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chuyên gia cho rằng, chúng ta đang thua ngay từ việc tái cơ cấu “tư duy”. Việc nói nhiều hơn làm cũng khiến quá trình tái cơ cấu “dẫm chân tại chỗ”.
Mối liên hệ các ngành rời rạc
Trong đề án, Bộ Công Thương khẳng định sẽ hướng tới xây dựng cơ cấu hợp lý trong thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung. Cùng đó, nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gắn với cơ cấu ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, dù đã “điểm” toàn bộ các nội dung nhưng bức tranh tái cơ cấu các ngành thuộc lĩnh vực công thương dường như rất sơ sài, không đưa ra được biện pháp cụ thể để thay đổi hoạt động của doanh nghiệp. Như ngành công nghiệp nặng, đề án nêu chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ở các ngành cơ khí, luyện kim, hóa chất, cao su; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cơ khí trọng điểm.
Ngành hóa chất được tái cơ cấu trong vài dòng ngắn: Phát triển sản xuất dựa trên việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên, tích cực tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới để phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển dịch cơ cấu, nhằm gia tăng giá trị của ngành. Các ngành điện tử, công nghệ thông tin, khai thác khoáng sản, da giày, dệt may, bia rượu - nước giải khát… cũng được yêu cầu tái cơ cấu tương tự. Một số ngành cụ thể như thép, thuốc lá, công nghiệp nhẹ, năng lượng… cũng có một số chỉ đạo chung chung trong việc tái cơ cấu. Thậm chí, ngành điện được yêu cầu tái cơ cấu (bên cạnh một số yêu cầu cụ thể khác) theo hướng: Kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Ngành thép được yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn quặng sắt, xây dựng hệ thống phân phối thép phù hợp với mô hình xã hội hóa lưu thông…
Về việc tái cơ cấu ngành năng lượng, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, điểm bất cập trong quy hoạch ngành năng lượng hiện nay là không có kịch bản chung toàn ngành. Như với lĩnh vực năng lượng, việc tái cơ cấu ngành điện, ngành than, ngành dầu khí hầu như không thấy sự liên kết với nhau. Mỗi ngành xây dựng đề án tái cơ cấu riêng của mình, sau đó trình lên Bộ Công Thương phê duyệt.
Lép vế từ tư duy
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tái cơ cấu là vấn đề trọng đại với đất nước cũng như với từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi thứ đang diễn ra rất khác trong thực tế. Theo đó, phải nhìn ra bên ngoài xem môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đang phải đối mặt những vấn đề gì. Như vậy, khi mở cửa tham gia các hiệp định, doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ sự bất lợi về sức cạnh tranh. Nhìn sơ qua cũng thấy doanh nghiệp bị yếu thế rất nhiều khi phải trả lãi suất trên 10-13%/năm, trong khi nếu vay vốn nước ngoài chỉ phải trả lãi suất 1-2%/năm.
“Chúng ta nói rất nhiều đến tái cơ cấu và những bất cập của nó. Quan trọng là thuốc gì để chữa. Khen thì cũng phải khen cho đúng, chê cũng phải thỏa đáng, nhưng phải đưa ra liều thuốc chữa”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước
Theo ông Thành, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, năm 2014, khối doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ chiếm 32%, còn lại 68% xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong số 32% kim ngạch hàng xuất khẩu có một tỷ lệ lớn được sản xuất từ hàng tạm nhập tái xuất. Điều này cho thấy sự lép vế rõ rệt của khối doanh nghiệp trong nước. Nếu không xây dựng được chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường, doanh nghiệp sẽ không thoát được phương cách kinh doanh hiện nay.
“Vấn đề trong tái cơ cấu hiện nay là chúng ta không có chính sách tổng thể cho chính việc tái cơ cấu. Hàng của Việt Nam chủ yếu có chất lượng trung bình, không có hàm lượng giá trị gia tăng trong chính sản phẩm nông sản, lúa gạo xuất khẩu. Cùng đó, việc tổ chức hệ thống phân phối trong nước cũng không thấy được đề cập thì sao cạnh tranh nổi”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp Việt có sẵn sàng tiếp cận các công nghệ cao được chuyển giao, có nhân lực đủ năng lực để tiếp cận các công nghệ này hay không. Các công nghệ cao này đòi hỏi sự đầu tư từ phía tiếp nhận. “Với trình độ sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, như đứa trẻ học lớp 3, lớp 4, làm sao tiếp thu được công nghệ của một sinh viên, đại học. Vấn đề là quản lý công nghệ đó thế nào. Cơ quan quản lý phải nhìn vào bản đồ công nghệ của Việt Nam hiện nay. Nếu chỉ đơn thuần mời doanh nghiệp đăng ký tiếp nhận công nghệ cao trong khi không có sức thì làm sao quản lý, tạo được nội lực cho mình được”, ông Thành phân tích.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, phê phán nền kinh tế kiểu “tổng cầu yếu, nợ xấu như cục máu đông….” thì dễ; vấn đề là phải đưa ra giải pháp cho việc tái cơ cấu. Theo ông Phước, “tại các hội thảo vừa rồi, chúng ta chỉ dừng ở chém gió vô thưởng vô phạt về việc thực hiện tái cơ cấu. Thậm chí, có thể dùng từ vỡ trận về ngôn ngữ. Nói chủ yếu cho người nghe sướng tai là chính”.