Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra báo cáo “Đánh giá kinh tế vĩ mô, thực thi Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014, dự báo triển vọng năm 2015 và một số đề xuất kiến nghị”.
Bản báo cáo ghi nhận 10 điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2014 và dự báo triển vọng năm tới dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học và nghiêm túc có giá trị cho hoạch định chính sách kinh tế năm 2015.
Sản xuất công nghiệp năm 2014 đã khởi sắc
Bức tranh kinh tế với 10 điểm sáng
Theo Trung tâm nghiên cứu của BIDV, năm 2014, cùng với đà khởi sắc của kinh tế thế giới, với việc triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo điều hành đúng hướng, kịp thời, trong đó xuyên suốt là Nghị quyết 01 của Chính phủ, Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, hoàn thành cơ bản các mục tiêu KT-XH tổng quát của Quốc hội và Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam năm 2014 đã đạt được 10 điểm sáng nhưng vẫn đối mặt với 3 thách thức.
10 điểm sáng có thể kể đến là:
1- Kinh tế thế giới năm 2014 đã khẳng định xu hướng phục hồi nhưng với tốc độ rất chậm và có tác động đáng kể đến kinh tế nước ta. Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý sau tăng hơn quý trước. GDP năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi;
2- Năm 2014 là năm có mức lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 ước giảm 0,24% so với tháng trước khi giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
3- Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp. Xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với 2013 và đạt ~103% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cao gần gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2014 ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013.
4- FDI, kiều hối tăng vượt kế hoạch, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng vốn FDI ổn định. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 ước đạt 5 tỷ USD.
5- Thị trường tiền tệ ổn định, tăng trưởng tín dụng khả quan. Thị trường tiền tệ ghi nhận 1 năm hoạt động ổn định: Năm 2014, NHNN đã luôn bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết, nhờ đó thị trường tiền tệ được vận hành ổn định, thông suốt, thanh khoản thị trường dồi dào với xu hướng lãi suất giảm dần theo thời gian. Mặt bằng lãi suất thấp đã góp phần giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng khó khăn nhưng đạt mục tiêu với cơ cấu phù hợp với định hướng: Tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 gặp nhiều khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều yếu tố như mức cầu tín dụng thấp, tình trạng nợ xấu, chất lượng khách hàng và thị trường BĐS suy giảm.
6- Thị trường ngoại hối ổn định trong tầm kiểm soát. Tính đến cuối tháng 12/2014, NHNN mới thực hiện điều chỉnh nâng tỷ giá 1% từ mức 21.036 lên 21.246 VND/USD vào ngày 18/6/2014 để hỗ trợ xuất khẩu.
7- Thị trường vốn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2014 trải qua nhiều biến động, thậm chí có một số thời điểm hoảng loạn như hồi đầu tháng 5 do “sự kiện biển Đông”. Nhưng nhìn chung, TTCK đã có 1 năm khởi sắc, chỉ số VN-Index vượt đỉnh 5 năm vào thời điểm cuối tháng 8/2014. Đến ngày 26/12/2014, chỉ số VN-Index tăng 5,7%, HNX Index tăng 19,6% so với cuối 2013; lượng vốn huy động qua TTCK khoảng 240.000 tỷ đồng.
8- Thị trường bất động sản tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 77.811 tỷ đồng, giảm 50.737 tỷ đồng (tương đương giảm 39,47%) so với quý I/2013 và giảm 16.647 tỷ đồng (giảm 17,62%) so với cuối 2013.
9- Khu vực doanh nghiệp tiếp tục sàng lọc theo hướng tích cực, từng bước vượt qua khó khăn của giai đoạn trước.Cả nước năm 2014 có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
10- Công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm tiếp tục đạt được các kết quả tích cực hơn so với năm 2013. Đời sống dân cư cả nước năm nay nhìn chung ổn định, tình hình thiếu đói trong nông dân giảm đáng kể so với năm 2013.
Nghị quyết 01/NQ-CP và những kết quả đạt được
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 9 nội dung chính bao quát toàn bộ các lĩnh vực kinh tế xã hội...
Nghị quyết 01 đã góp phần tạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Sau khi ban hành Nghị quyết 01, trong năm 2014, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ nỗ lực thúc đẩy triển khai. Trong đó có tái cơ cấu các TCTD theo tinh thần của Đề án 254/QĐ-TTg đã được triển khai toàn diện trên tất cả các mặt tài chính, hoạt động, quản trị, sở hữu.
Tái cơ cấu đầu tư công bước đầu đã loại bỏ được các dự án kém hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 01 là: Kết quả tái cơ cấu đầu tư công còn khiêm tốn. Trong năm 2014, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng hiện tượng nhiều dự án phát sinh tăng vốn, tiến độ và chất lượng không đáp ứng được yêu cầu đề ra, nợ đọng XDCB...vẫn còn phổ biến; Tái cơ cấu DNNN còn chậm so với mục tiêu đề ra. Tính đến 25/12, cả nước mới sắp xếp được 167/479 doanh nghiệp. Tái cơ cấu các TCTD chưa xử lý triệt được vấn đề nợ xấu và sở hữu chéo.
Dự báo triển vọng kinh tế năm 2015
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2015 đã được Quốc hội thông qua cụ thể như sau: GDP đạt 6,2%; CPI đạt 5%; tăng trưởng xuất khẩu 5%. Trung tâm nghiên cứu BIDV đưa ra các dự báo:
Về tăng trưởng GDP. Trong năm 2015, triển vọng kinh tế Việt Nam được dự báo: Kinh tế tăng trưởng ổn định; Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng, đẩy mạnh phục vụ thị trường nội địa; Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Tái cơ cấu nền kinh tế có những điểm “chốt” tích cực... Với triển vọng môi trường kinh tế như vậy, Trung tâm nghiên cứu BIDV đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2015 hoàn toàn có thể đạt mức 6,0-6,2%.
Về lạm phát, dự báo mặt bằng giá cả trong nước năm 2015 sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: Sức ép đối với mặt bằng giá cả tiếp tục tăng lên do tăng tổng phương tiện thanh toán và sự cải thiện của tổng cầu; Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng, đẩy mạnh phục vụ thị trường nội địa; Tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng 16-18%, tín dụng tăng 13-15%. Trên cơ sở đó, dự báo lạm phát năm 2015 sẽ dao động ở mức 4-4,5%.
Về xuất nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 dự kiến khoảng 169-172 tỷ USD. Do đó, cán cân thương mại có khả năng thâm hụt khoảng 6-8 tỷ USD.
- Về thu hút FDI, ODA, kiều hối: Năm 2015 nguồn vốn FDI giải ngân sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt mức 13-14 tỷ USD. Nhìn chung năm 2015 vốn ODA sẽ tiếp tục xu hướng giảm, dự kiến ở mức 4-4,5 tỷ USD.
Về dự báo điều hành chính sách tiền tệ năm 2015, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, có phần nới lỏng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Để thực hiện mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo cung tiền ở mức hợp lý.
Theo dự báo của NHNN, năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 13 - 15%. Đây được xem là mức hợp lý phù hợp với dự báo khác liên quan đến chỉ số kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn cần của nền kinh tế.
Đề xuất giải pháp điều hành kinh tế năm 2015
Năm 2015, để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Trung tâm nghiên cứu BIDV đề xuất Chính phủ cần thực hiện quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Một số giải pháp điều hành kinh tế năm 2015 cần tập trung triển khai như sau:
Về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Chính sách tiền tệ cần tiếp tục được nới lỏng cùng với việc giảm hơn nữa lãi suất cho vay phù hợp mức lạm phát thực tế. Bên cạnh đó, NHNN sớm công bố định hướng điều hành chính sách tiền tệ, cùng với các chỉ tiêu cơ bản như tỷ giá, tăng trưởng tín dụng... làm cơ sở cho các đơn vị kinh tế hoạch định cụ thể được kế hoạch kinh doanh trong năm 2015. Đồng thời, tiếp tục rà soát những vướng mắc trong thực tế, đôn đốc các NHTM đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các gói tín dụng: đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư dự án lớn của nền kinh tế, gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản, gói tín dụng cho vay phát triển thủy sản.
- Chính sách tài khóa cần tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế hiện tại đối với các doanh nghiệp, đồng thời triển khai các chương trình khuyến khích dân chúng sử dụng hàng Việt Nam, chính sách kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ chặt chẽ khi mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng từ ngày 1/11/2015.
Về quản lý thu chi ngân sách và nợ công, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, cần điều chỉnh kế hoạch thu chi năm 2015 cũng như kế hoạch trung dài hạn 2015-2020. Để hạn chế tác động giá dầu thế giới đối với thu NSNN năm 2015, Bộ Tài chính nên triển khai nhiệm vụ thu ngân sách đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao, phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp số hụt thu do giá dầu thô sụt giảm.
Tăng cường hiệu quả quản lý nợ công theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công...
Đối với việc tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tái cơ cấu các TCTD, Trung tâm nghiên cứu BIDV đề nghị: Khẩn trương ban hành các Thông tư, quy định hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD theo lộ trình của Quyết định 734 như: Quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Sửa đổi thông tư 04/2010/TT-NHNN, ngày 11/2/2010 theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mua bán, sáp nhập, hợp nhất giữa các NHTM; Tạo hành lang pháp lý cho các Nhà ĐTNN tham gia mua nợ xấu, tham gia mua bán sáp nhập nhằm tăng hiệu quả của quá trình tái cơ cấu. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để hỗ trợ VAMC xử lý nợ...
Ba hạn chế của nền kinh tế
Sức cầu yếu, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính tăng 10,6% thấp hơn so với năm 2013 (12,6%).
Đầu tư và chi tiêu công tăng, gia tăng nợ công. Nợ công của Việt Nam từ mức 50% GDP năm 2011 tăng lên mức 50,8% năm 2012. Xử lý nợ xấu đạt kết quả nhưng còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm. Tính đến ngày 23/12/2014, VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu. Công tác xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn.