Rất nhiều giải pháp chống bức cung, nhục hình đã được đưa ra tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 11-9. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là giải pháp nào có thể thực hiện được ngay trước mắt và có hiệu quả.
Ông Trần Vi Hải (Viện trưởng VKSND quận 11, TP.HCM) và TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) đề xuất xử lý mạnh người đứng đầu (thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT), trưởng công an cấp xã) và kiểm sát viên (KSV) giám sát điều tra nếu để xảy ra bức cung, nhục hình.
Phải giám sát, nhắc nhở cấp dưới
Ông Hải phân tích: Trách nhiệm của thủ trưởng CQĐT thì đã rõ, vấn đề là phải xử lý nghiêm. Mặt khác, thực tế bức cung, nhục hình không chỉ xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam mà còn xảy ra nhiều ở trụ sở cơ quan công an cấp xã. Vì thế, người đứng đầu các cơ quan này (dù không phải là CQĐT) cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. Cạnh đó, đối với công tác kiểm sát điều tra, nếu KSV có trách nhiệm bám sát, không lơ là thì bức cung, nhục hình cũng sẽ được hạn chế.
“Cách tốt nhất là quy trách nhiệm cho người đứng đầu CQĐT để họ buộc phải thực hiện chức năng giám sát, nhắc nhở thuộc cấp. Thực tế qua các vụ dùng nhục hình được xét xử gần đây, chúng ta phát hiện ra có sự thiếu trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, bỏ mặc, dung túng của những người đứng đầu CQĐT. Khi xảy ra hậu quả thì lãnh đạo lại né trách nhiệm” - TS Hưng nói.
Phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn trả lời thẩm vấn trong phiên phúc thẩm vụ năm công an đánh chết người ở Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Siết trách nhiệm nơi giam giữ
Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho rằng phải siết chặt trách nhiệm của cán bộ nhà tạm giữ, trại tạm giam vì hiện nay cán bộ nhà tạm giữ, trại tạm giam và cán bộ điều tra là “hai trong một”, hầu như không có sự kiểm soát lẫn nhau. Do đó phải tạo cơ chế kiểm soát mang tính độc lập, có trách nhiệm.
Theo luật sư Vinh, nhà tạm giữ, trại tạm giam phải chịu trách nhiệm quản lý về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trước khi trích xuất cho điều tra viên hỏi cung và sau khi nhận lại bị can, bị cáo, giám thị phải có trách nhiệm kiểm tra, hỏi han tình hình sức khỏe của họ. Thậm chí phải liên thông bằng cách lắp đặt camera ghi hình, ghi âm để giám thị cùng lúc có thể theo dõi nhiều phòng hỏi cung khác nhau. Nếu thấy có vấn đề thì giám thị phải có quyền lập biên bản, yêu cầu tạm dừng việc hỏi cung và báo cáo người có trách nhiệm xử lý.
Luật sư phải được tham gia từ đầu
TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề xuất bỏ quy định người bào chữa phải có giấy chứng nhận bào chữa tại Điều 56 BLTTHS hiện hành.
Theo hai ông, muốn bảo đảm quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can thì phải bỏ giấy chứng nhận bào chữa. Bởi thực tế luật sư đang bị làm khó đủ đường trong thủ tục cấp giấy vì CQĐT không muốn luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra.
Khi rào cản đã được loại bỏ, luật sư phải được tham gia ngay khi có đề nghị của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc gia đình họ. Lúc đó, luật sư chỉ cần đăng ký với CQĐT. “Có kênh giám sát của luật sư đối với điều tra viên ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ hạn chế bức cung, nhục hình” - TS Tuấn nhận xét.
THANH TÙNG - ĐỨC MINH - Theo PLO
VKSND Tối cao kiến nghị:
- Sửa đổi toàn diện BLTTHS. Quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, trong đó có “người chứng kiến”.
- Quy định rộng rãi hơn cho người có quyền thu thập chứng cứ.
- Ghi hình, ghi âm việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung người bị tạm giam. Nếu bị cáo khai bị bức cung, dùng nhục hình thì tòa có thể yêu cầu CQĐT cung cấp tài liệu để xác minh.
- Bảo đảm hơn nữa quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam.
- Nâng cao vai trò của luật sư trong việc thu thập chứng cứ.
- Tạo cơ chế kiểm soát mang tính độc lập, chặt chẽ giữa ban giám thị, cán bộ trại tạm giam với các điều tra viên.
…
Bộ Công an kiến nghị:
- Tăng cường, phát huy cơ chế giám sát của VKS đối với hoạt động điều tra.
- Xây dựng cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa, luật sư tham gia ngay từ đầu.
- Phân định rõ trách nhiệm giữa điều tra viên, CQĐT với quản giáo, trại tạm giam, tạm giữ trong việc người bị giam, giữ bị dùng nhục hình.
- Lắp đặt camera và ghi âm tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam.
…
TAND Tối cao kiến nghị:
- Bỏ quy định giấy chứng nhận bào chữa vì nặng thủ tục hành chính, luật sư chỉ cần đăng ký với CQĐT khi bị can đồng ý.
- Cho tòa được kiểm soát quá trình bắt tạm giam, tạm giữ, điều tra, truy tố để khi bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình tại tòa, thẩm phán có cơ sở để kết luận có hoặc không.
- Tăng cường vai trò của VKS từ giai đoạn khởi tố điều tra, hỏi cung.
…
Bản cung phải có chữ ký của luật sư
Chỉ khi có mặt luật sư thì tình trạng đánh đập, ép uổng nghi can mới không xảy ra. Do đó, chỉ cần sửa một quy định trong BLTTHS là sẽ có hiệu quả ngay. Cụ thể là luật nên quy định: “Biên bản hỏi cung của CQĐT chỉ có giá trị là chứng cứ khi có sự hiện diện và chữ ký của luật sư”. Đây có thể coi là tổng hợp của nhiều biện pháp đã được đề ra. Khi luật bắt buộc điều tra viên phải tuân thủ quy định này thì tự nhiên họ sẽ thay đổi nhận thức, phải chấp nhận sự có mặt của luật sư. Khi ấy nếu muốn kết thúc nhanh quá trình điều tra, CQĐT phải chủ động liên hệ với luật sư.
Đây là một biện pháp hoàn toàn khả thi, mang tính thiết thực và dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, nó cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp là nâng cao tính tranh tụng. Về mặt thực tế, số lượng luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong cả nước hiện tăng lên từng ngày vì tất cả tỉnh, thành đều có đoàn luật sư và các trung tâm trợ giúp pháp lý nên có thể đáp ứng được nhu cầu điều tra.
TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Giám đốc Học viện Tư pháp