“Chỉ tính riêng 10 gốc đào cổ thụ nở bung hoa thì vụ này đã thất thu ít nhất khoảng 50 triệu đồng, đó là còn chưa kể gần 600 gốc đào tơ trị giá hàng trăm triệu đồng cũng đang đâm nụ, chuẩn bị nở hoa”, một người trồng đào ngậm ngùi cho biết.
Mặc dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những “vựa đào” tại TP Bắc Giang đã nở hoa rực rỡ. Người trồng đào đứng ngồi không yên lo mất Tết.
Những ngày này, người dân tại các xã Dĩnh Trì, Dĩnh Kế của TP Bắc Giang đều đổ ra vườn đào, không phải để chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch mà để… “phá” vườn đào, trồng lại cho vụ Tết năm sau. Theo những người dân, đó là công việc thường diễn ra vào sau Tết, nhưng năm nay do hoa đào nở sớm nên bất đắc dĩ họ phải phá đi, chấp nhận “trắng tay”.
Chưa đến Tết Nguyên đán nhưng hầu hết các vườn đào đã nở bung.
Chị Nguyễn Thị Phương, người dân thôn Núm, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang cho biết: "Trông vườn đào hàng trăm gốc thi nhau nở rộ mà tôi thấy xót xa vô cùng. Công chăm sóc cả năm trời nay coi như trắng tay hoàn toàn. Người nông dân chúng tôi làm ăn đều phụ thuộc tất cả vào thời tiết, nếu thời tiết không ủng hộ thì chúng tôi phải chấp nhận rủi ro rất lớn".
Theo chị Phương, gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán mà khách đến mua đào chủ yếu chọn những cây đào mới bắt đầu kết nụ, chứ không ai chọn mua những cây hoa đã tàn, cả vườn đào nở rộ như vậy chẳng biết sẽ tính sao.
“Dù có bán rẻ cũng chẳng ai mua, chỉ còn cách chặt bỏ hoặc bứt hết lá, chờ năm sau trồng tiếp. Nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống gia đình trong dịp tết đều trông chờ vào vụ đào này cả.”
Để có được một gốc đào phục vụ Tết, người trồng phải mất công chăm sóc ít nhất 3 năm. Còn đối với những gốc đào đẹp hơn thì cần thời gian lâu hơn nữa. Ngay khi Tết vừa qua đi, người dân đã phải bắt tay vào việc trồng và chăm sóc cây. Đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì tuốt lá và tăng cường chăm bón, chọn thời cơ để thúc hoặc hãm cho đào nở hoa.
Đào nở sớm khiến người dân đối mặt với nỗi lo thất thu.
Anh Vũ Mạnh Hải, người trồng đào tại xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang cho biết: "Gia đình tôi có 600 gốc đào cổ thụ lẫn đào tơ, nếu thuận lợi thì sẽ thu khoảng 200 triệu đồng. Nhưng tính đến thời điểm này đã có 10 gốc đào cổ thụ nở bung hoa. Mười gốc đào này bằng ba ruộng đào tơ của gia đình, chắc chắn vụ này ít nhất thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục gốc đào tơ đang đâm nụ, cứ thời tiết này thì vài ngày nữa chắc sẽ bung hoa hết".
Theo anh Hải thì năm nay người trồng đào miền Bắc thiệt hại lớn, có nhiều gia đình đầu tư vào một ruộng đào, đến khi hoa đồng loạt nở rộ thì dở khóc dở cười khi “được ăn cả, ngã về không”.
Nhiều vườn đào đã bị người dân bứt hoa, chặt bỏ cành.
Theo quan sát của PV Dân trí, đã có rất nhiều vườn đào chỉ còn trơ lại gốc, lá và hoa đều bị bứt xuống, rụng đỏ cả vườn. Thậm chí những cây đào cổ thụ đang nở hoa cũng bị người dân chặt bỏ đi không thương tiếc. Theo người dân địa phương, một khi đã nở hoa, cành đào có giá hàng chục triệu đồng cũng gần như không còn giá trị, bởi sẽ không ai mua đào đang tàn về chơi tết. Nên chỉ còn cách chặt bỏ, bứt hoa để sang năm trồng và bán tiếp.
Lý giải hiện tượng đào Tết bất ngờ nở rộ, chị Nguyễn Thị Hoài, người dân trồng đào ở xã Dĩnh Trì cho biết, do năm nay là năm nhuận có tới hai tháng 9 nên việc chăm sóc và chọn thời điểm đào nở hoa cực kỳ khó. Hơn nữa thời gian gần đây thời tiết ấm lên cũng khiến cho hoa đào nở rộ bất thường.
Do đào đã nở hết nên chỉ còn bứt lá để chờ vụ sau trồng lại.
“Nếu như thời tiết lạnh quá, dù có thúc ép thì đào cũng không thể nở, ngược lại nếu thời tiết ấm lên mà hãm lại thì đào vẫn sẽ nở sớm. Để ngăn không cho đào nở, chúng tôi đã huy động cả nhà ra đồng cuốc cho đứt rễ, thậm chí đánh bật cả gốc lên nhưng vẫn không hãm đào nở được”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho biết: Năm nay, do hiện tượng đào nở trước tết nên cũng gây ảnh hưởng, thiệt hại một phần tới đời sống của bà con trong vùng. Hiện nay, do chưa tới thời điểm bán và tiêu thụ đào (khoảng 25 tết), nên chưa thể xác định được bà con có “mất mùa” đào hay không. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại do đào nở hoa sớm nhưng địa phương vẫn đang phối hợp với bà còn tìm phương án khắc phục, giúp đỡ bà con.
Những gốc đào cổ thụ trị giá hàng chục triệu đồng của người nông dân bị đánh gốc, chặt cành.
Theo ông Xuân, người nông dân nói chung và người trồng đào nói riêng đều phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Nếu như thời tiết thuận lợi, đào nở đúng mùa thì bà con sẽ có thu, còn nở sớm hoặc muộn thì thường bà con sẽ không bán hoặc để sang năm. Nghề trồng đào phục vụ dịp tết Nguyên đán cổ truyền cũng là một nguồn thu của người dân trong vùng nhưng đây không phải là nguồn thu chính của bà con.
Cùng chung nỗi niềm với những người trồng đào ở Bắc Giang, người trồng đào ở Nghệ An cũng đang "méo mặt" vì đào nở rộ. Các chủ vườn đào lo lắng vì không có cách nào hãm cây đào khoe sắc.
Cả năm trông vào dịp Tết nhưng người dân Tết này, các vườn đào Nghệ An cầm chắc không có khách. Cả năm trời bỏ của bỏ công, giờ lại đối diện nguy cơ lỗ lớn.
Một vườn đào ở xã Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An) nở rộ.
"Vào dịp này năm ngoái thì đào còn búp chứ năm nay thì đào đã rụng gần hết hoa" - chủ vườn đào ở Quỳ Hợp chia sẻ.
Một gốc đào đẹp ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp nở bung.
Vườn đào của anh Phan Bá Trung ở Yên Thành. Theo anh Phan Bá Trung, “năm nay đào nở sớm nên việc bán đào gặp rất khó khăn nên giá rẻ lắm. So với năm ngoái thì đào năm nay giá chỉ bằng một nửa. Trung bình đẹp 100.000 - 150.000 đồng/cành, xấu thì chỉ từ 50-70 ngàn đồng/cành. Tính số tiền thu được còn không đủ tiền công, tiền phân”.
Vườn đào nhà chị Trịnh Thị Lan nở sớm quá, không có người đặt hàng: "Chỉ mong từ giờ đến tết có thể bòn gắng để kiếm tiền vốn, chứ thế này thì lỗ nặng quá! Mất Tết rồi!".