Để có nguồn hàng, Hà móc nối với những “đầu nậu” chuyên cung cấp “hàng”, sau đó thiết lập đường dây phân phối ma túy tổng hợp đến các nhà hàng, quán bar...
Xóa sổ đường dây sản xuất thuốc tây giả quy mô lớn
- Cập nhật : 11/08/2017
(Tin phap luat)
Một đường dây chuyên sản xuất thuốc tây giả quy mô lớn đã bị các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46) Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá.
Theo đó, 5 bị can: Mai Công Phu (64 tuổi), Mai Thanh Hoàng (40 tuổi), Khưu Tuấn Cường (48 tuổi), Trần Quang Sơn (31 tuổi) và Trần Quang Bình (27 tuổi), cùng bị đề nghị xử lý theo pháp luật về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Đây là đường dây sản xuất tân dược giả được thực hiện với thủ đoạn rất tinh vi, mạng lưới tiêu thụ phủ rộng tại nhiều tỉnh thành và cầm đầu, điều hành đường dây này là một "trùm" khét tiếng ở TP Hồ Chí Minh...
Chân dung "trùm" hàng giả và những "mắt xích"
Cầm đầu đường dây sản xuất thuốc tây giả do Mai Công Phu và trợ thủ đắc lực chính là Mai Thanh Hoàng (con ruột Phu). Trước khi lập đường dây sản xuất tân dược giả, Mai Công Phu đã có hơn 10 năm kinh nghiệm buôn bán thuốc tây tại tỉnh Đồng Tháp và tại Trung tâm Dược phẩm quận 10, TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình buôn bán, Phu để ý thấy khách khi mua hàng gần như không phân biệt được thuốc tây giả và thuốc tây thật. Chính vì vậy, Phu nung nấu ý định làm giàu bằng cách sản xuất thuốc giả để bán ra thị trường.
Khoảng đầu những năm 2000, Phu mở xưởng sản xuất, nhưng bị Công an quận 11, TPHồ Chí Minh bắt và khởi tố về hành vi sản xuất tân dược giả, sau đó bị tòa án tuyên phạt 11 năm tù. Ra tù, vẫn "ngựa quen đường cũ", Phu cùng con trai Mai Thanh Hoàng tiếp tục tổ chức sản xuất thuốc giả với nhiều người thân trong gia đình tham gia. Tuy nhiên, hoạt động chưa được bao lâu, tháng 9-2009, Phòng PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá đường dây này.
Tháng 3-2010, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Phu mức án 5 năm 6 tháng tù, tuyên phạt 5 bị cáo khác gồm em trai, con gái, con rể... của Phu tổng cộng 16 năm tù. Riêng Hoàng bỏ trốn nên bị cơ quan Công an ra lệnh truy nã. Năm 2012, Hoàng bị bắt giữ theo lệnh truy nã và bị tòa án xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Sau khi mãn hạn tù, tháng 3-2016 Phu lại tiếp tục cầm đầu, tổ chức đường dây sản xuất thuốc giả với thủ đoạn tinh vi hơn. Phu đã thận trọng hơn trong việc tìm kiếm đối tượng có thể cùng hợp tác làm ăn và Khưu Tuấn Cường được Phu "chấm", do đã từng có "tay nghề" sản xuất tân dược giả.
Khi nghe Phu "tuyển" vào vị trí sản xuất, với giá 500 đồng/vỉ thuốc giả thành phẩm nên Cường đồng ý ngay. Đến khoảng tháng 8-2016, thấy Trần Quang Sơn vừa đi cải tạo về (Sơn bị Công an quận 5 bắt về tội trộm cắp tài sản, TAND TP Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm tù), thất nghiệp. Cường giới thiệu Sơn với ông "trùm" và được nhận vào khâu sản xuất thuốc giả cùng với Cường.
Riêng Trần Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH in ấn số 7 (xã Phú Lâm A, phường 12, quận 6), được người quen giới thiệu, Bình đến gặp Phu ở khu vực chợ thuốc quận 10.
Tại đây, Phu nói rõ sẽ đặt Bình in nhiều loại bao bì tân dược các loại để Phu sản xuất tân dược giả. Mặc dù lo bị cơ quan chức năng phát hiện, nhưng Bình vẫn đánh liều nhận lời và mức giá Bình đưa ra cao hơn so với in ấn thông thường vì tính rủi ro cao. Phu đưa cho Bình mẫu bao bì các loại thuốc giả để Bình làm file in trên máy tính. Mẫu nào Phu duyệt thì Bình mang ra khu vực chợ thuốc sỉ trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, để đặt một đối tượng tên Bảo (không rõ lai lịch) để làm bản kẽm in ấn.
Mặc dù có công ty, nhưng Bình lại mang bản kẽm và giấy đến xưởng in của một doanh nghiệp khác ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú để nhờ gia công. Sau 2 lần in ấn nhưng chỉ thỏa thuận miệng, không ký hợp đồng, nên doanh nghiệp này từ chối nhận đơn đặt hàng của Bình...
Từ tháng 3 đến tháng 6-2016, Bình sản xuất theo đơn đặt hàng của Phu số lượng: 5.000 vỏ hộp hiệu Fugacar (giá 800 đồng/vỏ); 1.000 vỏ hộp hiệu Laroscorbine (1.500 đồng/vỏ hộp), Neo-Codion, Neo-Tergynan, Alpha Choay, mỗi hiệu đặt 1.000 vỏ hộp (giá 1.000 đồng/vỏ), tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hiệu Neo-Tergynan (500 tờ), Alpha Choay (500 tờ)...
Sau khi đã tìm đủ nhân lực để sản xuất và tìm được nơi tin cậy để in ấn bao bì thuốc giả. Mai Công Phu tiếp tục trang bị máy móc bằng cách ra chợ Kim Biên mua vật liệu, thiết bị, sau đó lắp ráp thành máy ép vỉ, máy cắt vỉ. Thủ đoạn sản xuất thuốc giả của Phu là sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất, sau đó sẽ "lên đời" thành thuốc ngoại rồi đưa ra thị trường bán giá cao.
Với bề dày kinh nghiệm, Phu chủ động chia nhỏ các công đoạn sản xuất (bóc thuốc, in ấn vỉ thuốc, dập ép thuốc thành phẩm, tập kết hàng…) tại nhiều địa điểm khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Phu giao cho Khưu Tuấn Cường 2 máy cắt vỉ, 1 máy ép vỉ, 1 bàn cắt để sản xuất tại địa chỉ nhà không số, đường Rạch Cát Bến Lức, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Giao cho Mai Thanh Hoàng 1 máy ép, 1 máy cắt vỉ để sản xuất tại ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Riêng khâu nguyên liệu thì đích thân cha con Phu trực tiếp đến chợ sỉ thuốc tây ở quận 10 chọn mua gồm các hiệu: Pharmaton, Diantavit, Alpha, VitaminC đều do Việt Nam sản xuất. Sau khi mang thuốc về xưởng, Hoàng bóc tách vỉ, lấy viên thuốc rời giao cho Khưu Tuấn Cường và Trần Quang Sơn để sản xuất thuốc giả. Số tân dược giả sau khi "lên đời" thành thuốc tân dược ngoại nhập, Phu sẽ trực tiếp mang đi tiêu thụ.
Về thị trường tiêu thụ thuốc giả, Phu có một mạng lưới các "đầu nậu" như: Đối tượng tên Thành (ở An Giang), tên Khiết (ở Cao Lãnh, Đồng Tháp), tên Tâm (ở Tiền Giang), tên Thư (ở Bến Tre)... Các đối tượng này sẽ gọi điện cho Phu để đặt hàng. Sau khi sản xuất thuốc giả theo đơn đặt hàng xong, Phu gọi điện thoại báo để các đối tượng này chuyển tiền, nhận hàng đều được gửi qua chành xe. Việc mua bán không có giấy tờ, sổ sách ghi chép để theo dõi.
Phu không đi trực tiếp đi giao hàng mà thuê xe ôm (50.000 đồng/chuyến) chở hàng ra chành. Ma mãnh hơn, để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài các thị trường trên, Phu còn "tập kết" thuốc giả xuống Long An với ý đồ "đánh tiếng" cho bọn "đầu nậu" - chuyên tiêu thụ tân dược xách tay ở TP Hồ Chí Minh tưởng rằng hàng ngoại nhập lậu từ Campuchia về, để đổ xô mua hàng.
Sa lưới
Sau quá trình điều tra theo dõi, thu thập chứng cứ để lên kế hoạch phá án, các trinh sát Đội 7 - Phòng PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang Mai Thanh Hoàng khi đang giao một thùng carton chứa tân dược giả cho Khưu Tuấn Cường tại giao lộ đường Võ Văn Kiệt - Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân. Qua kiểm tra, bên trong thùng có nhiều bịch ni-lon chứa thuốc viên con nhộng không ghi nhãn mác. Số thuốc này Hoàng chở từ nhà của chị vợ trên đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Theo khai nhận của Hoàng, đây là thuốc tây hiệu IBUPARAVIC (do Công ty Khacopharma sản xuất), Hoàng mua ở chợ tân dược quận 10 về để bóc nhãn "lên đời" thành thuốc ngoại. Từ đầu mối này, cơ quan Công an tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Cường và các đối tượng trong đường dây sản xuất tân dược giả tại các quận 3, Phú Nhuận, Bình Tân, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã thu giữ nhiều thùng vỏ hộp thuốc làm giả và thuốc giả đã thành phẩm các loại, máy vi tính xách tay cùng đầu máy vi tính dùng để tạo mẫu sản phẩm giả, công cụ và phương tiện sản xuất tân dược giả...
Tại cơ quan điều tra các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, đối tượng cầm đầu Mai Công Phu còn khai nhận, trước khi có ý định làm tân dược giả, Phu hỏi thăm và biết có đối tượng tên Quý (không rõ lai lịch) làm được bao bì giả các loại thuốc ngoại nên đặt hàng số lượng lớn cho Quý in các loại hộp, vỉ nhựa, vỉ nhôm, vỏ hộp bao bì giấy và tem chống giả thuốc Fugacar.
Sau lô hàng này, Phu không liên lạc được với Quý nữa, vì vậy mới tìm "mối" mới là Bình. Còn việc tiêu thụ thuốc giả thì các đầu nậu như: Thành (ở An Giang), Khiết (ở Đồng Tháp), Tâm (ở Tiền Giang), Thư (ở Bến Tre)... thì Phu không quen biết mà họ được khách hàng cũ của Phu giới thiệu. Khi đặt hàng, những người này sử dụng số điện thoại khuyến mãi nên Phu không biết lai lịch của họ. Để bán được nhiều hàng, Phu bỏ mối cho với giá khá thấp, bình quân chỉ lời 1.000 đồng/hộp...
Trong khi đó, Khưu Tuấn Cường cho rằng, Cường chỉ sản xuất cho Phu 2 loại tân dược giả là Pharmaton và Di-Ansel. Mỗi ngày Cường sản xuất khoảng 150 hộp. Mặc dù không sản xuất thường xuyên, chỉ sản xuất theo đợt nhưng mỗi tháng Cường kiếm được từ việc sản xuất thuốc giả 8 triệu đồng.
Mặc dù, đối tượng cầm đầu khai nhận lợi nhuận thuốc giả không đáng là bao, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì với thủ đoạn làm giả này, nếu sản phẩm đưa vào nhà thuốc thì mức chênh lệch sẽ cao hơn gấp 250 lần. Chính vì lợi nhuận khủng như vậy nên các đối tượng sẵn sàng tái phạm để tiếp tục sản xuất thuốc giả.
Nói về hoạt động của đường dây sản xuất thuốc giả, Thượng tá Đinh Văn Toàn, Phó Đội trưởng Đội 9, Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nhóm người này mua thuốc Việt Nam sản xuất giá rẻ, sau đó làm giả thuốc nước ngoài bán với giá cao, thu lợi bất chính. Thuốc giả thường bán giá rẻ, không có hóa đơn chứng từ. Phu tỏ ra tinh vi bán cho đầu nậu (không rõ lai lịch), rồi đầu nậu cung cấp cho trình dược viên đi bán nên đến nay chưa bắt giữ được người tiêu thụ".
Cơ quan điều tra xác định: Các nhãn hiệu tân dược bị đường dây của Phu làm giả gồm: Voltarel, Neo-Codion, Alpha Chymotrypsine, Fugacar, Pharmaton, Laroscorbine, Di-Ansel, Neo-Tergynan, Vastarel...
Thúy Hà