“Với tôi, rừng và đập nước này là máu thịt, là thành quả của những ngày gian khó vươn lên. Rừng giúp tôi trả được món nợ với cuộc đời, với người thân và quan trọng nhất là thực hiện được ước mơ phủ xanh vùng đất mà hơn 40 năm trước bố tôi đã dốc toàn bộ sức lực, mồ hôi vào. Giờ đây, tôi chỉ muốn nói với người cha quá cố một điều: Bố ơi! Con trai của bố đã làm được điều mà bố hằng mong muốn”. Đó là những tâm sự của Phan Trọng Lương, người từng có quá khứ đen tối nhưng đã đứng lên làm lại cuộc đời, trở thành vua rừng có tiếng ở xứ Nghệ.
Tỷ phú trồng rừng ở vùng đất lúa
Về xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhắc đến tên Phan Trọng Lương (SN 1975) người dân không ai là không biết. Bởi, Lương từng có một thời khét tiếng khắp giới giang hồ, còn hiện nay đã trở thành ông chủ cánh rừng dẻ và đập Vệ Vừng rộng lớn. Sự thay đổi của anh khiến chính những người thân trong gia đình bất ngờ. “Khi quyết định lấy anh ấy, tôi chưa bao giờ dám nghĩ anh sẽ từ bỏ bài bạc, giang hồ để làm người lương thiện cả. Thế nhưng, tôi đã sai. Anh đã đứng lên làm lại cuộc đời từ chính nơi đã sa ngã”, người vợ Đặng Thị Thu không ngần ngại nói về chồng của mình.
Động lực để anh thay đổi con người, làm lại cuộc đời chính là những lời di huấn trước lúc quy tiên của bố. Điều khiến ông Phan Trọng Thọ lo lắng nhất là đứa con út trái tính, trái nết, thích đập phá và ham mê cờ bạc. Sau khi ông mất đi, người thân dần nhận thấy những thay đổi rõ rệt từ Lương.
Anh Lương chia sẻ, với lời hứa sẽ quyết tâm đổi đời, tiếp tục giấc mơ trồng rừng còn dang dở của bố, anh từ bỏ cuộc sống giang hồ để làm lại cuộc đời. Anh dựng lều trên rừng, phát quang từng vạt đồi trọc, mua giống cây về ươm trồng. Anh làm việc không ngưng nghỉ như để quên đi quá khứ và làm yên lòng người thân. Không chỉ trồng rừng, Lương còn nhận thầu bảo vệ toàn bộ vùng đập Vệ Vừng nơi có con dốc Hủng Trăn đã gắn liền với gia đình anh từ thời lên đây khai hoang.
Đập Vệ Vừng rộng hàng trăm ha, chứa gần 20 triệu khối nước, có nhiệm vụ điều hòa không khí và cung cấp nước cho 5 xã rộng lớn ở vùng đất lúa Yên Thành. Khi thấy đập không người quản lý, luôn bị xâm phạm, các đảo trọc lốc, Lương đã mạnh dạn lên UBND huyện nhận thầu bảo vệ, trồng rừng và thả cá để giữ đập nước. “Lúc tôi mới lên xin chính quyền nhận thầu, nhiều cán bộ huyện biết quá khứ của tôi nên tỏ vẻ ngại ngần, tôi buồn lắm. Nhưng cũng chính sự khắt khe đó càng khiến động lực làm lại cuộc đời trong tôi thêm mạnh mẽ. Phải mất thời gian thuyết phục tôi mới được nhận thầu. Đó là ngày tôi hạnh phúc nhất vì ý định của mình bắt đầu được thực hiện”, Phan Trọng Lương tâm sự.
Nhờ sự chăm chỉ, những quả đồi nhanh chóng được phủ xanh bằng các loại cây như keo, bạch đàn, dẻ, gió trầm. Sau thời gian dài đổ tiền bạc, mồ hôi, tâm huyết, hiện nay, Lương có 100 ha rừng dẻ thu hoạch hạt mỗi vụ 50-60 triệu đồng, hàng chục con bò nuôi thả trên rừng, nuôi cá dưới đập mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng, chưa tính đến hàng chục ha rừng gió trầm, rừng nguyên liệu. “Nhiều người nhẩm tính tài sản vợ chồng tôi nếu bán đi cũng có mấy chục tỷ đồng nhưng đó là tiền ở trên rừng, dưới nước và là mồ hôi, nước mắt của cả gia đình trong mấy chục năm liền. Cái đó chắc không đo được bằng tiền”, anh Lương nói. Không những làm giàu cho bản thân, vợ chồng anh còn tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. 40 tuổi, nhưng uy tín cũng như tiếng tăm của anh Lương được nhiều người nể phục.
Đập nước hoang vu trước kia giờ đã trở thành cơ ngơi bạc tỷ của anh Phan Trọng Lương. Ảnh: K.Long
“Gác kiếm giang hồ” nhờ lời di huấn của bố
Được biết, gia đình anh Lương quê gốc ở huyện Hưng Nguyên, di cư lên vùng đất Yên Thành lập nghiệp nên thuở ban đầu gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, cụ cố Thọ luôn cố gắng chăm chỉ làm việc để nuôi nấng đàn con nhỏ. Thời đó, khi mới chỉ là cậu bé 12 tuổi, Phan Trọng Lương đã biết cầm rựa theo cha đi trồng rừng. Tuy nhiên, vì không phải người bản xứ nên gia đình ông bị người dân bản địa miệt thị. Cũng bởi lẽ đó, tính cách Lương trở nên ngông cuồng, chơi cùng đám bạn xấu rồi vướng vào vòng lao lý.
Lần đầu tiên, Lương bị xử phạt 6 tháng tù giam với tội danh cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng khi đánh một thanh niên ở xã bên. Hết thời gian cải tạo, Lương trở về quê nhà nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Anh nhanh chóng gia nhập vào đám anh chị quê lúa, trở thành cái tên có tiếng trong vùng. Và rồi, thêm một lần nữa Lương phải trả giá cho thói ngông nghênh, thích hành xử bằng tay chân của mình với mức án 9 tháng tù.
Trước khi trở thành ông chủ, Phan Trọng Lương là một giang hồ khét tiếng.
Thứ cám dỗ nhất đối với Lương là “con ma” cờ bạc. Ngay cả khi đã lập gia đình, rồi làm bố, trách nhiệm làm chồng, làm cha vẫn không khiến Lương từ bỏ được những trận đánh bạc thâu đêm suốt sáng. Bao tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi để trả nợ cho Lương. Nhớ lại một trong những lần đó, chị Thu nói: “Giáp Tết năm 1995, anh về nhà thông báo với tôi một câu ngắn gọn: Thua bài rồi, bán dê trả nợ cho tôi. Dù rất tức giận, nhưng tôi không muốn chửi bới một từ nào, vì tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng, chán nản. Lần đó, tôi đã phải bán đàn dê trưởng thành để đền cho người ta”. Những tưởng, sự hy sinh của vợ con, mẹ già sẽ khiến Lương thay đổi, nhưng không, anh ta vẫn chứng nào tật nấy. Phan Trọng Lương tiếp tục vào tù lần thứ 3 với tội danh đánh bạc, mức án 12 tháng tù giam. Ấy là chưa kể đến 5, 6 lần sau đó nữa Lương bị CA địa phương bắt về tội đánh bạc nhưng được gia đình bảo lãnh cho về.
Nhiều lần chứng kiến cảnh Lương vào tù, ra tội, chẳng ai nghĩ, Lương sẽ thay đổi được chính mình. Ấy thế mà, sự ra đi của ông cố Thọ đã đánh thức phần lương thiện còn sót lại trong gã giang hồ này. Sau khi bố từ giã cuộc đời, những ký ức về người cha đáng kính ùa về như thức tỉnh con người Lương. Đó là những lần ông vào tiếp tế, thăm nuôi Lương trong trại giam. Những lần Lương bị bắt về tội đánh bạc, chính ông lọ mọ đạp xe bảo lãnh cho con về. Rồi lần Lương được ra tù sau thời gian bóc lịch dài nhất, ông đã đến tận nơi đón con về. Không một lời mắng nhiếc, đánh đập, thay vào đó ông đã mổ lợn ăn mừng ngày trở về của đứa con hư hỏng. Anh vẫn còn nhớ như in câu nói của bố lúc đó: “Cha tin rằng, từ nay con sẽ thay đổi, làm lại cuộc đời”. Bao năm trôi qua, nhưng những lời trăng trối của bố vẫn in sâu vào tâm trí Lương.
Sự ra đi của cha thực sự là một cú sốc lớn trong cuộc đời của Phan Trọng Lương. Nỗi đau đớn, mất mát và hụt hẫng quá lớn đủ để đánh thức phần thiện trong con người anh. Sau ngày cha mất, việc đầu tiên của Lương là cùng vợ con bắt tay vào quản lý, bảo vệ rừng dẻ. Điều thứ hai Phan Trọng Lương làm là quyết tâm từ giã “con ma” cờ bạc. Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho hay, Phan Trọng Lương là người có ý chí, đã đứng dậy làm lại cuộc đời sau thời gian vấp ngã. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho anh phát triển kinh tế, cũng là bảo vệ rừng cây, hồ nước rộng lớn của huyện Yên Thành.
Sau thời gian dài phấn đấu, con người một thời lầm lỗi đó giờ đã trở thành ông chủ rừng có tiếng ở đất Yên Thành. Với suy nghĩ của nhiều người, khối tài sản khổng lồ ấy sẽ giúp anh làm giàu, nhưng với riêng anh, chỉ muốn khẳng định với mọi người rằng, mình đã thay đổi.
Theo: Kim Long - PLXH