Giúp người thân ra nước ngoài làm việc, Thiệt mất tiền lo chi phí nhưng bị bắt và lĩnh án oan 6 năm tù. Nhiều lần muốn tự tử, nhưng chị lại thôi vì nghĩ đến cha mẹ già và các con.
Suốt tuần qua, Nguyễn Kim Thiệt ((29 tuổi, ngụ huyện U Minh, Cà Mau) được chị ruột chở đến các cơ quan chức năng làm thủ tục "hòa nhập cộng đồng" sau hơn 710 ngày bị tạm giam.
Khi hay tin con gái được tự do, ông Hai Quang (cha Thiệt, 67 tuổi) ôm cháu ngoại khóc. Những ngày chị bị giam giữ, lần nào được vào trại thăm con, người cha thương binh này cũng động viên Thiệt cố gắng vượt qua tủi nhục, không được làm chuyện dại dột để chờ ngày được minh oan.
Thiếu phụ trắc trở đường tình duyên
Lớn lên trên vùng đất chua phèn của rừng U Minh Hạ, gia đình Thiệt gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhà nghèo, các con của ông Hai Quang nghỉ học sớm để lao động, phụ giúp gia đình.
Năm 17 tuổi, Thiệt mang thai con gái đầu lòng với người chồng quê thị trấn U Minh. Chưa đến ngày sinh, vợ chồng trẻ bất hòa rồi chia tay. Sau đó, Thiệt quen thanh niên lớn hơn mình 3 tuổi và anh này chấp nhận cưới thai phụ, đưa vợ về quê ở ấp 8, xã Khánh Hòa (U Minh, Cà Mau) sinh sống.
Kim Thiệt về trại tạm giam sau phiên tòa phúc thẩm nửa năm trước. Ảnh: Việt Tường.
Gạt bỏ lời xì xầm không hay của hàng xóm, vợ chồng Thiệt chăm chỉ cải tạo đất nuôi tôm, trồng lúa. Chị sau đó sinh thêm 2 con (một trai, một gái).
Cứ tưởng các con chung của hai người là sợi dây gắn kết tình cảm dâu dài giữa Thiệt với người chồng sau, nhưng hạnh phúc bắt đầu đổ vỡ từ những lần cãi nhau, do nuôi tôm thất bại. Vợ chồng này vướng nợ nần, phải cầm cố đất cho láng giềng. Lúc này, các con đang tuổi ăn học được cho là gánh nặng đối với vợ chồng nghèo.
Sau nhiều lần hai người không biết nhường nhịn nhau, Thiệt ly thân chồng, đưa 2 con gái về sống với cha mẹ ruột vào năm 2010. Hơn nửa năm sau, Thiệt xuất cảnh sang Malaysia, làm công cho nhà hàng do một người tên Tát quản lý.
Lúc đầu, Thiệt chỉ quét dọn, rửa chén, bát với lương khoảng 5 triệu đồng. Vài tháng sau, chị học và nói được tiếng Malaysia, giao tiếp tốt với khách, nên được Tát nâng lương lên gấp 3 lần.
Làm việc lương cao, Thiệt có tiền gửi về Việt Nam giúp cha mẹ nuôi các con. Chị cũng chuyển 60 triệu đồng cho chồng đang ly thân, để anh này chuộc lại đất. Lần thứ 3 về thăm cha mẹ vào tháng 2/2013, Thiệt được chị của chồng gợi ý xin việc tại Malaysia cho con gái, vì bà này thấy em dâu phụ giúp nhà hàng được nhiều tiền.
"Bán người" nhưng lỗ 400.000 đồng
Cùng nhờ Thiệt tìm việc tại Malaysia, còn có hai cô gái gần nhà ông Hai Quang. Trong đó, hai người không có tiền đi làm giấy tờ, được Thiệt hỗ trợ 1 triệu đồng. Thiệt cũng mượn của chị ruột 700.000 đồng, đưa cho cháu chồng và đứa cháu gần nhà, làm lộ phí đi TP HCM trước ngày lên máy bay.
Sang Malaysia, cháu chồng của Thiệt được người quản lý đưa đi mua sắm, rồi gợi ý bán dâm 3 lần. Cô này đồng ý bán dâm, nhưng sau đó không muốn làm nữa, nên 2 ngày sau bỏ trốn, tìm cách trở lại Việt Nam vào ngày 12/3/2013. Về đến nhà, cô gái cho rằng bị Thiệt lừa, vì không được giúp việc tại nhà hàng mà phải bán dâm. Mẹ cô này yêu cầu Thiệt bồi thường tất cả chi phí, khoảng 44 triệu đồng.
"Tôi không đồng ý với số tiền này vì lúc cháu chồng đi làm giấy tờ, rồi lên Sài Gòn gặp người đưa qua Malaysia, đều do tôi hỗ trợ chi phí. Tiền vé máy bay phía Malaysia tạm ứng trước và nhờ uy tín của tôi mà cháu chồng đã mượn tiền chủ nhà hàng bên đó để tiêu xài", Thiệt nói.
Thông tin cháu chồng của Thiệt bán dâm tại Malaysia, được mẹ cô gái báo đến cơ quan điều tra. Sau nhiều lần bị Công an huyện U Minh mời làm việc, Thiệt được cho về, nhưng đến ngày 8/4/2013, chị bị Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam về hành vi Mua bán người.
"Cán bộ huyện nói Thiệt không phạm tội, bị người khác tống tiền, nhưng không hiểu sao công an tỉnh lại bắt. Cha tôi gửi đơn kêu cứu khắp nơi, cho rằng ông ấy từng có công với nước, được tặng nhiều bằng khen, nhưng không cứu được con gái bị hàm oan", Kim Thúy - chị của Thiệt nói.
Tháng 7/2014, TAND tỉnh Cà Mau tuyên Thiệt 6 năm tù, tội Mua bán người. Theo HĐXX, khi đưa 3 cô gái lên TP HCM (trong đó có cháu chồng), Thiệt đã nhận của Tát 400 Ringgit, tương đương 2,5 triệu đồng.
"Thiệt trừ chi phí đi xe, khách sạn, ăn uống 1,2 triệu đồng, thu lợi bất chính 1,3 triệu đồng, buộc bị cáo nộp lại để sung quỹ Nhà nước", HĐXX sơ thẩm nhận xét.
Bản án sơ thẩm này bị Thiệt kháng cáo, kêu oan. Tháng 10/2014, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm. Theo cấp phúc thẩm, án sơ thẩm chưa làm rõ việc mua bán, trao đổi, giá cả, lợi nhuận như thế nào giữa bên bán với bên mua. Số tiền Thiệt thu lợi bất chính cũng cần được làm rõ.
Ngày 19/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Cà Mau có kết luận điều tra lại, xác định tổng số tiền Thiệt chi theo thực tế là 2,9 triệu đồng. Như vậy, trừ 2,5 triệu đồng mà Tát đưa, thiếu phụ lỗ 400.000 đồng. Từ đó, nhà chức trách xác định Thiệt muốn giúp cháu và bạn bè có việc làm, có tiền, cuộc sống ổn định. Thiệt không có hành vi lừa dối, đưa người sang nước ngoài để thu lợi tiền, vật chất bất hợp pháp.
"Bị oan ức nên có lúc tôi định tìm đến cái chết trong trại tạm giam. Lần nào chị với cha đi thăm, cũng động viên tôi đừng làm chuyện dại dột. Nghe lời cha và chị nhưng có lúc tôi nghĩ quẩn, định tự tử để những người gây hàm oan cho tôi phải hối hận. Được các chị trong trại giam động viên, an ủi và nhớ cảnh con thơ, cha mẹ già ở quê nghèo, nên tôi cố gắng sống chờ ngày được giải oan", thiếu phụ chia sẻ.
Theo chị Thúy, sau khi Thiệt được tự do, chị chở em gái đến cơ quan điều tra xin nhận lại giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu và điện thoại di động, nhưng chưa được trả.
Theo: Việt Tường - Zing