Họ là cha, là vợ, là con của người đang đứng trên vành móng ngựa kia. Có những lúc ánh mắt tủi nhục không dám ngước lên bởi người đứng trên đó đang phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của pháp luật.
Bị cáo Ngô Thanh Ly được trò chuyện với con gái khi HĐXX vào nghị án.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán trái phép 31 bánh heroin diễn ra tại TAND tỉnh Nghệ An vào dịp sát Tết. 6 bị cáo đứng trên móng ngựa, phía dưới là gia đình, vợ con của họ.
Thỉnh thoảng, cụ Hoàng Văn N. phải trông hộ mấy đứa cháu cho cô con dâu vào phòng xét xử. Hoàng Văn Tiến (SN 1979, trú tại xã Thanh Long, Thanh Chương) – con trai của cụ bị đại diện Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị hình phạt tù chung thân cho hành vi tham gia vận chuyển trái phép 21 bánh heroin.
“Bà nhà tôi mất hơn chục năm nay rồi. Vợ chồng thằng Tiến ở với tôi. Hai vợ chồng, 3 đứa con, lít nhít trứng gà trứng vịt như nhau cả. Thằng Tiến không có việc làm, nhà lại được vài sào ruộng, đủ ăn là may. Tôi có lương hưu nên hỗ trợ chúng nó được chút ít. Tôi không nghĩ thằng Tiến lại dính vào cái thứ chết người này”. Cụ thở dài.
75 tuổi đời, có lẽ chưa bao giờ cụ thấy đau như thế này khi 3 đứa cháu cứ bíu lấy chân đòi vào gặp bố Tiến. “Từ hồi thằng Tiến bị bắt, vợ hắn cũng vất vả hơn trước. Đứa lớn học lớp 5, con bé thứ 2 mới 7 tuổi, thằng út 3 tuổi. Nếu thằng Tiến mà bị tù chung thân không biết chúng nó có được học hành tử tế không. Thân tôi thì già rồi, sống được mấy hơi nữa mà lo cho các cháu”. Ông ngước nhìn lên vành móng ngựa, nơi đứa con trai của mình đang đứng cúi gằm mặt xuống nền nhà để chờ đợi sự phán quyết của pháp luật.
Vợ chết khi Dương mới bị bắt, các con ly tán mỗi đứa một nơi còn Hoàng Văn Dương phải đi hết quãng đời còn lại bằng bản án chung thân.
Hội đồng xét xử vào nghị án. Ngô Thanh Ly (SN 1972, trú tại Tp Vinh) bị đề nghị mức án tử hình. Vợ và con gái Ly gục xuống ghế khóc nức nở. Ông Ngô Minh K. – bố của Ly rời ghế của mình đến đứng vỗ vai động viên con dâu.
Năm nay ông K. cũng ngót 80 tuổi. Một tay vỗ nhẹ lên vai con dâu, một tay ông phải tỳ vào ghế, gồng mình để nỗi đau trong ông không vỡ òa ra. Ông kiệm lời, chỉ lặng im động viên con dâu, cháu nội theo cách của mình. Ly hai lần dính dáng đến pháp luật nhưng một lần bị án treo, một án đánh bạc 6 tháng tù chưa kịp thi hành.
Cứ tưởng sau 2 lần đó, Ly sẽ biết tu tỉnh để làm ăn nhưng rồi cái tin Ly bị bắt vì dính líu đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, ông linh cảm thấy đường về của con trai dường như đã khép lại. “Tử hình! Liệu người ta có cho nó con đường sống không cháu?”, ông hỏi tôi. Rồi cũng chẳng đợi tôi trả lời, ông bước ra khỏi phòng xử án. Có lẽ, ông không muốn con dâu và cháu nội thấy phút giây yếu lòng của người cha khi đón nhận bàn án tử hình của đứa con trai mình?
Trong khi các bị cáo khác đến có người nhà đến tham dự phiên tòa thì Hoàng Trọng Dương (SN 1971, trú tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) chỉ có vài người họ hàng đến. Khoảng cách họ hàng có lẽ cũng chẳng đủ gần để những người anh em ngồi gần khu vực dành cho bị cáo trò chuyện với Dương đôi lời.
Tiếng là dân nông thôn nhưng Dương thoát ly nông nghiệp và kiếm sống bằng nghề sửa chữa, rửa xe. Vợ Dương làm hợp đồng cho bưu điện của xã, cả nhà tá túc tại nơi làm việc của vợ. “Vợ Dương đau ốm luôn. Từ suy thận rồi bị tai biến phải nằm một chỗ. Cứ vài chục ngày lại đi Hà Nội một lần, mỗi lần cũng tốn kém vài triệu. Thằng Dương cũng không đến nỗi đâu nhưng tiền thuốc thang cho vợ tốn kém quá, không xoay xở được nên khi người ta lôi kéo thì sa ngã”, người họ hàng cho biết.
Thân nhân của các bị cáo cố gắng đến gần con em mình hơn một chút trước khi chiếc xe chở phạm nhân về trại giam.
Khi Dương bị bắt thì bệnh tình của vợ cũng trở nặng hơn. Không tiền bạc, không thuốc thang, không được chạy chữa, chị đành thôi thóp trong căn nhà không phải là của mình với 3 đứa con nhỏ. Dương bị bắt được hơn 1 tháng thì vợ cũng qua đời. “Đứa lớn mới hơn 10 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi được các cô, các chú nhận nuôi. Mẹ chết, cha đi tù, 3 chị em li tán mỗi người một ngả”, người họ hàng chép miệng thở dài.
Ngồi trên hàng ghế dành cho bị cáo chờ đợi sự phán quyết của pháp luật, Dương dáo dác nhìn xuống cuối phòng xét xử mong gặp khuôn mặt thân quen của các con. Nhưng các con của Dương giờ đã theo chú, theo cô vào miền Nam sinh sống. Dẫu sao máu mủ ruột rà, Dương cũng bớt đi nỗi lo cho các con.
Không được sống bên cạnh mẹ cha nhưng có lẽ các chú, các cô cũng sẽ lo cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn, điều mà Dương bây giờ không thể lo cho núm ruột của mình. Vợ chết, Dương cũng không thể về thắp nén hương tạ tội với vong linh người phụ nữ ốm yếu bị nỗi đau quật ngã và ra đi trong tủi nhục.
Tòa tuyên án, Ly lĩnh án tử hình, Dương và Tiến dành nốt phần đời còn lại trong trại giam. Các bị cáo được dẫn ra xe về trại. Ông K. bước theo, cố dặn với con điều gì đó rồi quay lại tìm luật sư nhờ tư vấn cách viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho con. Còn ông N. tay ngồi yên như tượng, trên tay ông là đứa bé con Tiến đã ngủ thiếp đi tự lúc nào. Có lẽ ông đang nghĩ về những ngày tháng sắp tới, về số phận của những đứa cháu tội nghiệp khi bố chúng ở trong trại giam cho đến hết đời.
Theo: Hoàng Lam - Dân trí