Trong khi phiên xử phúc thẩm vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức đang bị hoãn thì chị "Nguyệt Hoài Đức" và các đồng nghiệp khác thường xuyên bị nhắn tin đe dọa.
Người tâm thần: “Mồi ngon” cho yêu râu xanh
- Cập nhật : 01/08/2014
Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nhiều người tâm thần đang sống trong cộng đồng phải đối mặt với nhiều mối nguy như bị tai nạn, lợi dụng, xâm hại...
Đã thành thông lệ, sáng sớm hằng ngày tại khu chợ tự phát trên đường Y Nuê, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, xuất hiện nhiều người tâm thần ra kiếm thức ăn. Chị Amì H’Dương Buôn Krông, chủ của hàng tạp hóa, cho biết: Hiện nay, tại chợ Y Nuê có 8 người tâm thần thường xuyên lui tới. Trong đó, 6 người có gia đình, anh em sống gần đây. Suốt ngày, họ lang thang dọc trục đường Y Nuê, vào các hàng quán kiếm ăn, ai cho gì ăn nấy.
Không ở trại, hậu quả khó lường
Không chỉ phải suốt ngày lang thang ngoài đường, ăn uống không bảo đảm, nhiều người bị tâm thần sống trong cộng đồng đang đối mặt với nhiều mối nguy như bị đánh đập, tai nạn giao thông. Anh Lê Văn Trung Hiếu (31 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) bị tâm thần, khi đang lang thang ở Bình Dương thì bị xe tông chấn thương sọ não.
Bà Lê Thị Vẻ (71 tuổi, mẹ anh Hiếu) cho biết trước đây sợ anh Hiếu bỏ nhà đi lang thang, bà phải cột chân con vào cột nhà. Nhưng cột lâu quá thì thấy tội, tháo dây ra, anh lại đi lang thang ra đường, gặp xe là chạy theo chửi nên bị đánh hoài.
Bà Vẻ phải đi theo canh chừng mấy chục cây số để cầu xin người đi đường đừng đánh. Đến khi tuổi già sức yếu, bà Vẻ xích Hiếu lại luôn. Một nhóm tình nguyện viên phát hiện vụ việc đưa Hiếu vào một trung tâm dành cho người lang thang ở Đồng Nai. Do trung tâm này quản lý người không chặt nên Hiếu lọt ra ngoài, lang thang và bị tai nạn.
Trong thế giới người điên, hình ảnh em T.K (10 tuổi, ngụ xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) làm chúng tôi ám ảnh hơn cả. Cha T.K là tài xế xe tải. Bệnh điên của T.K phát nặng sau khi cha mẹ ly dị, em ở với mẹ trong một căn nhà gần Quốc lộ 13.
Khi phát bệnh, T.K hay đòi cha và cứ thấy ai lái xe trên đường thì cho rằng đó là cha mình. Em liên tục ra đường lớn, chặn xe tải rồi leo lên cabin, chui vào lòng tài xế. Mẹ của T.K đau đớn đưa con vào trung tâm bảo trợ xã hội thì cha của T.K phản đối rồi gây áp lực buộc trung tâm phải trả T.K. Tuy nhiên, cha T.K vẫn giao nhiệm vụ nuôi dưỡng em cho mẹ.
Kịch bản lặp lại, T.K lại lao ra đường chặn xe tải và nhiều lần suýt mất mạng. Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã cương quyết đưa T.K tái nhập trại sau khi T.K đột nhập một cơ quan công quyền la hét. “Tôi rất thương con, muốn ở bên con nhưng nếu không đưa cháu vào trại thì trước sau gì nó cũng mất mạng!” - mẹ T.K giãi bày.
Tan nát những “đóa hoa điên”
“Đàn ông bị bệnh tâm thần khổ một thì đàn bà khổ mười. Do suốt ngày đi lại trên đường để quan sát tội phạm nên tôi từng gặp không ít đối tượng giở trò dụ dỗ những cô gái tâm thần để quan hệ” - “hiệp sĩ đường phố” của tỉnh Bình Dương Trần Hoàng Anh nói.
Hoàng Anh cho biết anh từng chứng kiến một cô gái bị tâm thần nhẹ nhưng khá đẹp thường lang thang ở khu vực phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Anh kể: “Năm này sang năm khác, tôi cứ thấy cô ấy mang bầu. Không biết đẻ con rồi để ở đâu. Gần đây, cô ấy bỗng dưng biến mất. Không biết sống chết thế nào”.
Bà Nguyễn Thị Đẹp, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội cơ sở 3 thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, nói: “Không hiểu vì sao nhiều cô gái bị bệnh tâm thần rất có hứng thú ái ân. Ngồi cùng nhau là các cô ấy cứ nói về đàn ông. Nhiều cô không chịu mặc quần áo, thấy đàn ông là làm thân. Khi tiếp nhận, chăm sóc những cô gái tâm thần, chúng tôi luôn phải cảnh giác. Nếu lơ là là họ quan hệ ngay với bệnh nhân nam, dễ dính bầu”.
p>Dẫn lời bà Đẹp để thấy rằng nếu những “đóa hoa điên” không được vào trung tâm mà cứ trôi dạt trên dòng đời thì rất dễ bị “ong bướm” lợi dụng. Cô gái da trắng, khuôn mặt dễ thương nhưng ngờ nghệch tên Hương, ngoài 20 tuổi, quê Thanh Hóa là một trường hợp điển hình.
Lực lượng chức năng phát hiện cô lang thang trên phố nên đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Khi kiểm tra sức khỏe, mới biết Hương có thai hơn 9 tuần tuổi và không hề biết ai là tác giả của bào thai. Hương ngây ngô nói rằng mình đã “ngủ” với rất nhiều người và “vẫn thèm”.
Cô gái Nguyễn Thị Tiến, tên thường gọi là Kin (28 tuổi, ở thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cũng là một nạn nhân tương tự. Từ năm 2010, Kin bị ông Đặng Nguyên (56 tuổi, ngụ cùng thôn) dụ dỗ cho kẹo, tiền để quan hệ.
“Nhiều lần vợ chồng tôi tìm đến nhà ổng xin tha cho Kin nhưng ổng cứ chối và còn mắng. Không biết làm sao tôi phải đành xích con lại. Vậy mà mỗi lần mở ra cho nó thong thả thì lại bị ổng dụ” - bà Nguyễn Thị Chỉnh, mẹ Kin, tâm sự.
Sáng 11-1-2011, ông Nguyên tìm đến nhà dụ dỗ Kin giao cấu thì bị cha Kin bắt quả tang. Qua điều tra, ông Nguyên khai nhận trong năm 2010 đã 5 lần quan hệ với Kin. TAND huyện Tuy An đã tuyên phạt ông Nguyên 5 năm tù về tội “Hiếp dâm”.
Cán bộ y tế chủ quan
Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận hiện nay người bị bệnh tâm thần chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ chính những người làm trong ngành y tế.
Ông Long kể: “Cách đây không lâu, tôi nhận được tin nhắn của người dân báo một người bệnh tâm thần tên H’bu Ađrông ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột bị gia đình xích nhốt nhiều năm. Tôi đã chỉ đạo ngành y tế cử cán bộ tới đưa chị H’bu Ađrông về Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra sức khỏe.
Ông Long nhận định việc một người bệnh tâm thần bị gia đình xích nhốt trong nhiều năm nhưng cán bộ y tế của phường không có biện pháp gì là không thể chấp nhận được.
“Trong lần giao ban tới, tôi sẽ đề nghị cán bộ y tế phường báo cáo vụ việc và truy trách nhiệm tới cùng; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc người tâm thần trong toàn ngành” - ông Long khẳng định.
NHƯ PHÚ - CAO NGUYÊN - HỒNG ÁNH // Theo Người Lao Động