Từng là thôn nữ sắc nước hương trời ở miệt cuối đất Cà Mau, lẽ ra cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Nga sẽ mãi hạnh phúc bên cạnh người chồng hiền lành chí thú làm ăn và 2 đứa con ngoan như bao thôn nữ khác, nhưng người đàn bà này không cam phận.
Mượn giang hồ giải quyết mâu thuẫn nợ nần: Chơi dao có ngày đứt tay
- Cập nhật : 10/11/2014
Thuê mướn, sử dụng các đối tượng "đầu gấu, xã hội đen" để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp về tài sản, kinh tế đang là một thực trạng đáng báo động, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự (ANTT) trong thời gian qua. Hành vi mượn tay giang hồ giải quyết mâu thuẫn thay vì pháp luật là nguyên nhân gia tăng các vụ trọng án phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vụ việc thuê sát thủ giết hại một giám đốc doanh nghiệp xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) ngày 5/8 vừa qua là một ví dụ điển hình…
Kinh hoàng những vụ giết người từ mâu thuẫn đòi nợ
Liên quan đến vụ thuê sát thủ giết hại ông Kiều Hồng Thành (53 tuổi), Giám đốc Công ty CP Thương mại xây dựng Hằng Anh vào sáng 5/8 trên đường Phạm Văn Đồng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt thêm 2 người liên quan đến vụ án này. Đó là Nguyễn Quốc Văn (54 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản và Lê Trung Kiên (43 tuổi, trú tại đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Phó trưởng Ban tổ chức Quận ủy Cầu Giấy.
Tài liệu ban đầu của Cơ quan điều tra cho thấy Lê Trung Kiên là người môi giới nhóm sát thủ cho Nguyễn Quốc Văn để giải quyết mâu thuẫn giữa Văn và ông Thành trong vụ đòi nợ trên 2 tỉ đồng. Ngoài tính chất côn đồ, hung hãn của các đối tượng gây án thì vụ án trên còn gây chấn động dư luận xã hội bởi người bị sát hại lại là chủ nợ chứ không phải con nợ như "quy luật" thông thường của các vụ án liên quan đến đòi nợ thuê đã xảy ra.
Theo Thượng tá Lê Tiến Bình, Phó trưởng phòng 9, C45 - Bộ Công an, trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm sử dụng bạo lực và hung khí nguy hiểm tham gia trong các vụ đòi nợ có chiều hướng gia tăng. Tính chất tội phạm cũng manh động hơn, hung hãn, côn đồ và nguy hiểm hơn. Bản chất của tội phạm hình sự là từ ý định gây án đến hành động gây án diễn ra rất nhanh. Trong khi đó, để giải quyết mâu thuẫn đòi nợ, các chủ nợ thường thuê số đối tượng hình sự, tù tha, nghiện ma túy, các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến các hành vi bạo lực như giết người, cố ý gây thương tích… nhằm gây áp lực, uy hiếp con nợ.
Như vụ "giết người" trên đường Phạm Văn Đồng nêu trên, 3 đối tượng "sát thủ" gồm Nguyễn Kim Bình (43 tuổi, trú tại Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Hoàng Anh Tuấn (34 tuổi, trú tại Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Lê Hồng Thuận (trú tại Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều là những kẻ có "số má" về các tội cố ý gây thương tích, cướp và cưỡng đoạt tài sản, đặc biệt Bình và Tuấn còn nghiện ma túy nặng. Điều đáng sợ là chỉ với số tiền được thuê 30 triệu đồng, các đối tượng đã gây án một cách ngang nhiên, công khai ở một nơi đông người qua lại.
Thuê mướn giang hồ, “xã hội đen” trong giải quyết mâu thuẫn đòi nợ dẫn đến những vụ thảm án kinh hoàng không còn là hiện tượng đơn lẻ. Tháng 6/2013, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương cũng đã xét xử băng nhóm xã hội đen do Dương Hoàng Dũng tức Dũng "ben" cầm đầu được thuê số tiền 100 triệu đồng để đòi nợ, đã bắn chết chủ Doanh nghiệp tư nhân sắt thép Lan Thảo (ở phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một).
Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn do chủ Doanh nghiệp Lan Thảo chưa trả số tiền 500 triệu đồng cho Phạm Tuấn Thành (chủ một doanh nghiệp chế biến hạt điều tại huyện Bến Cát) sau khi bỏ kèo vụ mua bán đất. Thành đã thuê Dũng "ben", một trùm “xã hội đen” ở Bình Dương đòi nợ thuê. Chiều 6/5/2011, Dũng cùng 11 đàn em kéo đến bao vây, đập phá Doanh nghiệp Lan Thảo. Quá trình xô xát, Dũng đã rút súng bắn chết chủ doanh nghiệp Lan Thảo ngay tại chỗ.
Mới đây nhất, ngày 5/8 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ 3 đối tượng Đặng Xuân Hồng (35 tuổi, ở thôn Hiền Dương, Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên); Hoàng Minh Long (23 tuổi, trú tại tổ 12, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) và Hoàng Minh Mỹ (29 tuổi) về hành vi đe dọa giết người mà nguyên nhân cũng xuất phát từ mâu thuẫn đòi nợ.
Theo Cơ quan điều tra, khoảng đầu tháng 2/2014, anh Nguyễn Huy Chung (ở phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) có làm ăn chung với Hồng và Mỹ trong khai thác quặng. Hồng, Mỹ góp số tiền 245 triệu đồng để mua máy móc. Sau hơn 1 tháng, thấy việc làm ăn không hiệu quả, Hồng và Mỹ không tiếp tục tham gia nên đòi anh Chung phải trả 245 triệu đồng.
Bị các đối tượng đe dọa nhiều lần, anh Chung thu xếp trả trước được 60 triệu đồng. Với mục đích ép anh Chung phải trả hết số tiền góp vốn, ngày 1/8, các đối tượng đã chế tạo quả nổ có khả năng sát thương cao đặt ở cổng nhà anh Chung. Rất may anh Chung phát hiện sớm, báo Cơ quan Công an đến giúp đỡ "tháo ngòi" quả nổ an toàn.
Thuê mướn giang hồ đòi nợ - con dao hai lưỡi
Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật dạng "tín dụng đen" vẫn diễn ra rất phức tạp. Trên địa bàn cả nước đã xảy ra 3 vụ giết người, 22 vụ cướp tài sản, 75 vụ cưỡng đoạt tài sản, 46 vụ hủy hoại tài sản, 118 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 117 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
So với thời điểm cùng kỳ năm 2013, tình hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã giảm, không xảy ra các vụ vỡ nợ lớn song lại phát sinh những hình thức đòi nợ gây phức tạp đến tình hình ANTT. Hệ quả của "tín dụng đen" vẫn dai dẳng và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Thượng tá Lê Tiến Bình đánh giá.
Theo ông Bình, bên cạnh các tổ chức, cá nhân am hiểu pháp luật, giải quyết đúng đắn các vụ việc liên quan đến nợ nần theo đúng quy định, trình tự pháp luật thì vẫn còn không ít người thay vì gửi đơn tới các cơ quan pháp luật đã thuê những đối tượng có nhân thân xấu đi đòi nợ. Dùng "luật rừng" giải quyết mâu thuẫn nợ nần tiền bạc, tài sản không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng pháp luật mà còn dẫn đến những hệ quả khôn lường, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và một số hành vi khác như bắt giữ người trái pháp luật…
Hiện tượng này không chỉ liên quan đến "tín dụng đen" mà còn liên quan đến thi hành án dân sự trong các vụ việc đòi nợ tiền và tài sản có nhiều bất cập, phát sinh mâu thuẫn giữa chủ nợ và con nợ. Bức xúc này đã nảy sinh các hình thức đòi nợ tự phát, trong đó có hình thức đòi nợ kiểu giang hồ.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo phân tích của Thượng tá Lê Tiến Bình, xuất phát từ nhận thức không đúng, thậm chí lệch lạc, cho rằng nếu trình báo các cơ quan pháp luật thì vụ việc vừa kéo dài, vừa mất thời gian, việc thu hồi tài sản lại khó khăn. Còn giải quyết theo con đường thuê mướn giang hồ đòi nợ sẽ hiệu quả nhanh, tức thì. Do đó, nhiều tổ chức và cá nhân đã chọn giải pháp thuê mướn "đầu gấu" tham gia đòi nợ, mục đích làm cho con nợ khiếp sợ mà phải trả, dù rằng phần trăm phải chi trả cho các đối tượng đòi nợ thuê không phải là nhỏ.
Một ổ nhóm dùng vũ khí nóng đòi nợ thuê bị bắt giữ; Dũng “ben”, trùm giang hồ dùng súng bắn chết con nợ.
Tuy nhiên, việc thuê mướn này sẽ dẫn đến những hậu quả mà người thuê không lường trước được. Nói cách khác, chọn cách giải quyết ân oán, đòi nợ bằng "xã hội đen" giống như con dao hai lưỡi, một kiểu chơi dao dễ dẫn đến đứt tay khi bên được thuê mướn là những kẻ giang hồ với bản chất lưu manh, xảo quyệt, manh động đã vượt khỏi tầm kiểm soát của người sử dụng "dịch vụ".
Bản thân các chủ nợ chính là những người phải chịu nhiều hệ lụy nhất. Họ có thể bị chính các đối tượng lưu manh mà họ thuê uy hiếp khi chúng không đòi được nợ từ con nợ sẽ quay ra ép chủ nợ phải thanh toán theo hợp đồng. Còn nếu trong quá trình đòi nợ, các đối tượng côn đồ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật, người thuê đòi nợ sẽ đóng vai trò chủ mưu, phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của nhóm đòi nợ thuê.
Mới đây nhất, một phụ nữ ở Nha Trang thuê giang hồ đòi nợ món tiền hơn 100 triệu đồng đã lãnh đủ hậu quả, không những không thu hồi được nợ mà còn bị giang hồ mượn cớ dằn mặt, cưỡng đoạt tiền. Chủ nợ trở thành "bị hại" trong vụ việc này là chị Nguyễn Thị H., năm 2012 có cho chị V. vay 110 triệu đồng.
Đầu năm 2014, nhiều lần đòi tiền nhưng chị V. không trả, chị H. đã nghe mách nước tìm gặp Vương Viết Thắng và Trần Phú Hiệp, là tay anh chị ở Nha Trang đòi giùm. Hai tên này đã đến nhà chị V. "đòi máu" khiến chị V. hoảng sợ đưa trước cho chúng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng không đưa về cho chủ nợ mà chia nhau số tiền này, đồng thời thông báo cho chị H. phải chi thêm 15 triệu đồng khi xong việc.
Thấy không ổn, chị H. đề nghị "hủy hợp đồng" nhưng không xong. Sáng 19/2/2014, Thắng gọi điện yêu cầu chị H. đưa nốt 15 triệu đồng và đe dọa sẽ "xử" cả nhà chị H. nếu không đưa tiền. Khi chị H. đến gặp bọn chúng tại một quán cà phê đã bị chúng uy hiếp, đánh đập buộc dẫn đến nhà người quen vay 10 triệu đồng đưa cho chúng.
Chưa bằng lòng, bọn chúng tiếp tục đe dọa buộc chị H. đưa nốt số tiền 5 triệu đồng còn lại. Chị H. buộc phải báo Cơ quan Công an. Đầu tháng 8 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Nha Trang đã xét xử, tuyên phạt Thắng 1 năm 6 tháng tù, Hiệp 8 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", đến hoạt động đòi nợ, tranh chấp tiền bạc, tài sản hiện nay, Thượng tá Lê Tiến Bình cho rằng nếu chính quyền và công an cơ sở chủ động phát hiện, giải quyết sớm sự việc khi mới đang ở giai đoạn sơ khai sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đòi nợ tự phát, thuê mướn giang hồ tham gia đòi nợ. Bởi các vụ việc đòi nợ thường có diễn biến kéo dài, từ đòi nợ nhiều lần không giải quyết được dẫn đến mâu thuẫn, dẫn đến những hành vi khác như xô xát, to tiếng, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà…
Thực tế từ một số vụ việc đã xảy ra cho thấy đã có nhận thức cho rằng việc đòi nợ chỉ là mâu thuẫn dân sự nên đã "làm ngơ", để mặc cho các bên tự giải quyết khiến mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng dẫn đến những hệ lụy khôn lường, hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.
Về phía người đòi nợ, trong trường hợp không thỏa thuận được, chủ nợ có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện con nợ ra tòa theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp nóng vội, sử dụng các biện pháp đòi nợ mang tính rủi ro cao dẫn đến hậu quả khó lường.
Bên cạnh đó, những vụ việc điển hình về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến đòi nợ cần sớm được các cơ quan pháp luật đưa ra xét xử điểm, công khai, trừng trị nghiêm khắc những đối tượng chủ mưu, những băng nhóm đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, sử dụng hung khí nguy hiểm đòi nợ… để có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung trong xã hội.
Cục CSHS cho biết, hiện Bộ Công an, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao đang khẩn trương xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn việc điều tra, truy tố, xét xử hành vi liên quan đến tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Điều 140 Bộ luật Hình sự) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý loại tội phạm này.
Hiện BLHS cũng như các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể tình tiết "gian dối", "bỏ trốn", "mất khả năng thanh toán", "chiếm đoạt tài sản", "có tính chất bóc lột"… nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất được quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ việc.
Từ đó gây bức xúc đối với người tố cáo, dẫn đến việc nhờ vả, thuê mướn đối tượng hình sự chuyên hoạt động đòi nợ thuê can thiệp dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội như bắt giữ người trái pháp luật, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, hủy hoại tài sản… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT ở các địa phương.
Việc ban hành thông tư liên tịch này sẽ góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan pháp luật trong xử lý các hành vi phạm tội, xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai cũng như không để lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm chiếm đoạt tài sản liên quan đến các hình thức vay mượn tiền, tài sản.
(Theo Hương Vũ // CAND)