Mặc dù đã có chồng và hai con, sống trong cảnh giàu sang, nữ GĐ Nguyễn Thị Xuân Nhàn không dừng ở đó mà tự gây sóng gió cho chính cuộc đời mình. Nhàn đã thực hiện những thủ đoạn tinh vi:“Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, để rồi phải lĩnh án tù chung thân khi tuổi đời còn quá trẻ...
Bị bắt và chờ nhận hình phạt của pháp luật, Nguyễn Thị Xuân Nhàn, SN 1979, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phát hiện trong mình mang một mầm sống. Đấu tranh tư tưởng và rồi Nhàn đã quyết định sinh con trong bao khó nhọc khi đang đối mặt với mức án cao của pháp luật. Thế nhưng, tất cả những nhọc nhằn, khắc nghiệt ấy đều do tay cô chuốc lấy...
Phù phép từ những quyển sổ đỏ giả
Theo điều tra, năm 2005, Nguyễn Thị Xuân Nhàn mua một căn nhà diện tích 34m2 tại ngõ 312 Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của chị Nguyễn Thị Phương Liên. Ngày 14-8-2008, Nhàn đến UBND quận Hoàn Kiếm đăng ký bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AB777577 mang tên Nguyễn Thị Xuân Nhàn và chồng là Đỗ Quyết Thắng. Do có nhu cầu kinh doanh nên Nguyễn Thị Xuân Nhàn thành lập Cty TNHH DV&TM Kim Tín Phát do Nhàn làm GĐ. Trụ sở Cty được đặt tại 17A Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là dịch vụ ăn uống và nhà hàng.
Ngày 22-10-2010, vợ chồng Nhàn đã ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàn Kiếm để vay 2 tỷ đồng và dùng tài sản đảm bảo là nhà tại ngõ 312 Bạch Đằng thế chấp GCNQSDĐ số AB777577 mang tên vợ chồng Nhàn, thời hạn vay 6 tháng. Ngày 25-4-2011, Nhàn đã giải chấp số tiền 2 tỷ với Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàn Kiếm. Đến ngày 30-5-2011, Nhàn tiếp tục dùng GCNQSDĐ số AB777577 để thế chấp vay Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàn Kiếm số tiền 3,5 tỷ đồng.
Trong năm 2008, với mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tiền, Nhàn đã thuê làm giả 3 GCNQSDĐ trong đó có 2 GCNQSDĐ số: AH793734 và AH791739 cùng cấp ngày 27-12-2007 đứng tên vợ chồng Nhàn tại địa chỉ ngõ 312 Bạch Đằng, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong đó, có 1 GCNQSDĐ số AH793736 cấp ngày 6-5-2008 đứng tên vợ chồng Nhàn chủ sử dụng đất tại thôn Chí Thủy, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có diện tích 1.546m2. Khi đã có GCNQSDĐ giả, Nhàn dùng để thế chấp vay tiền của các cá nhân dưới hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các Văn phòng công chứng.
Cụ thể, ngày 13-11-2010, tại Văn phòng công chứng Hà Nội, Nhàn dùng GCNQSDĐ giả số AH793734 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp ngày 27-12-2007 để ký hợp đồng chuyền nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Nguyễn Đức Nhã, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội với giá 2 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng tại Văn phòng công chứng, Nhàn đã xuất trình hợp đồng ủy quyền của chồng là Đỗ Quyết Thắng ủy quyền cho Nhàn toàn quyền định đoạt tài sản được công chứng ngày 13-1-2009 tại Văn phòng công chứng Hà Nội. Ngày 7-1-2011, Nhàn viết giấy bàn giao nhà cho ông Nhã. Ngày 28-3-2011, Nhàn và ông Nhã đã ký văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng ngày 13-11-2010 sau đó Nhàn ký luôn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà Nguyễn Công Thúy Lan (vợ ông Nguyễn Đức Nhã) tại Văn phòng công chứng Hà Nội. Trong hợp đồng, chuyển nhượng với giá 2 tỷ đồng, nhưng thực tế bà Lan đã trả cho Nhàn 3,7 tỷ đồng, Nhàn viết giấy biên nhận.
Ngày 22-6-2011, bà Lan đến UBND quận Hoàn Kiếm để làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ thì mới biết GCNQSDĐ Nhàn đưa cho bị làm giả.
Với thủ đoạn tương tự, ngày 9-6-2011, tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm, Nhàn đã dùng GCNQSDĐ giả số: AH793736 ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho anh Lưu Hồng Sơn, trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội với giá 7 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng, Nhàn xuất trình hợp đồng ủy quyền của chồng là Đỗ Quyết Thắng được công chứng tại Văn phòng công chứng Nguyễn Tú ngày 5- 8-2010. Sau khi ký hợp đồng, Nhàn đã viết giấy nhận tiền 7 tỷ đồng, viết biên bản bàn giao toàn bộ thửa đất theo hợp đồng chuyển nhượng và viết một hợp đồng thuê nhà với nội dung Nhàn thuê lại thửa đất đã bán cho anh Sơn trong thời hạn 3 tháng. Cuối năm 2011, do không có nhu cầu sử dụng, anh Sơn muốn bán lại thửa đất đã mua của Nhàn thì phát hiện GCNQSDĐ Nhàn đưa cho anh là giả.
Không dừng lại ở đó, ngày 17-1-2012, tại Văn phòng công chứng Hồng Hà, Nguyễn Thị Xuân Nhàn đã dùng GCNQSDĐ giả số: AH793739 để ký hợp đồng CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất cho anh Trần Quốc Khánh, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với giá 2,5 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng, Nhàn xuất trình hợp đồng ủy quyền của chồng là Đỗ Quyết Thắng được công chứng tại Văn phòng công chứng Nguyễn Tú ngày 15-10-2010. Sau khi ký hợp đồng, anh Khánh giao cho Nhàn 2,5 tỷ đồng và Nhàn giao GCNQSDĐ đồng thời bàn giao chìa khóa nhà cho anh Khánh. Ngoài ra, Nhàn còn thỏa thuận với anh Khánh sau một thời gian hãy làm thủ tục sang tên vì Nhàn muốn chuộc lại để làm nơi thờ cúng. Tháng 9-2012, anh Khánh đến UBND quận Hoàn Kiếm làm thủ tục sang tên thì được biết GCNQSDĐ Nhàn đưa cho anh là giả.
Quá trình điều tra, CQCA xác định, Nhàn đã lừa đảo nhiều nạn nhân với cùng một thủ đoạn. Ngày 23-8-2012, Nhàn đã bị bắt và sau đó phải đối diện với mức án chung thân về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng, chính trong những chuỗi ngày trả giá ấy, Nhàn đã khiến cả giọt máu của mình chịu cay đắng.
Phạm nhân Nguyễn Thị Xuân Nhàn trong trại giam. Ảnh: N. Vũ
Động lực để người mẹ cải tạo tốt
Ngồi ôm con trong lòng, Nhàn như đứt từng khúc ruột khi nói đến chuyện mang bầu đứa con thứ 3 và phải sinh con trong tù. Theo lời Nhàn, cuộc sống của vợ chồng Nhàn khá đầy đủ về mặt vật chất, hai đứa con khỏe mạnh, ngoan và học giỏi. Cuộc sống của gia đình Nhàn một thời là ước vọng của rất nhiều người. Đã giàu, Nhàn vẫn muốn giàu thêm. Vì thế, để mở rộng kinh doanh, cô đã thành lập Cty và mở nhà hàng chuyên về ẩm thực đắt tiền. Tuy nhiên, Nhàn càng làm càng thua lỗ. Để bù lại những khoản thất thu ấy, Nhàn đã nghĩ ra cách để lừa nhiều nạn nhân vào tròng. Thậm chí, Nhàn đã đoán trước được ngày mà mình bị bắt và khiến đứa con ruột của mình chịu nhiều thiệt thòi.
Ảnh minh họa
“Khi bị bắt và ở nhà tạm giữ được mấy ngày, tôi thấy trong người nôn nao và rồi tôi như vỡ òa trong sung sướng khi phát hiện trong người đang mang một mầm sống. Tôi cứ nghĩ, đứa con ấy sẽ là “bùa hộ mệnh” cho tôi có thể được tại ngoại. Thế nhưng, vì hành vi phạm tội của tôi quá nghiêm trọng, nên điều ấy đã không xảy ra... Khi ở trại tạm giam số 1 Hà Nội tôi đã trở dạ sinh con và được cán bộ nơi đây đưa vào BV ĐK Hà Đông mổ đẻ. Một tuần ở đây, tôi mới thấy thấm thía bởi lòng tham đã khiến bản thân mù quáng, để rồi đẩy chính những người thân yêu của mình chịu nhiều khổ đau...”, phạm nhân Nhàn chia sẻ.
Khi con trai được 15 tháng tuổi cũng là lúc mà Nhàn nhận mức án của pháp luật và phải chuyển về trại cải tạo. Phạm nhân Nguyễn Thị Xuân Nhàn tâm sự: “Thương con vì còn quá nhỏ, muốn bù đắp tình cảm và truyền hơi ấm của người mẹ, vì thế tôi đã quyết định đưa con đi theo. Chính trong những ngày tháng tưởng chừng như cùng cực này, có con bên cạnh và được ôm con vào lòng, tất cả những ưu phiền của cuộc sống lại tan chảy. Chính đứa con vô tội này là động lực để cho tôi phấn đấu, cải tạo và mong được sớm trở về đoàn tụ bên gia đình...”.
Theo: Nguyễn Vũ - PLXH