Ngày người chồng tự tử vì không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống gia đình cũng là ngày bà Linh ngã vào mối tình oan trái với một chàng thanh niên đáng tuổi làm con. Khi bị dư luận lên án, bà Linh giải thoát cho mình bằng cách giới thiệu nhân tình cho chính cô con gái của mình rồi đi xin bùa ngải về yểm. Nào ngờ...
Cái chết bất thường của bà chủ vựa gạo
Là người đầu tiên phát hiện ra sự việc, anh Văn Thanh Phú, 39 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long không thể quên được câu chuyện mình chứng kiến.
Theo anh Phú, do làm nghề đánh bắt cá nên sáng nào anh cũng dậy sớm cất lưới. Cũng như mọi ngày, khoảng 4g sáng hôm đó, anh Phú dậy cất lưới thì phát hiện có thứ gì đó nổi lập lờ dưới mặt nước, mắc vào chiếc vó khiến nó trở nên nặng trịch, anh không thể cất lên được. “Do trời chưa sáng hẳn nên tôi cũng không nhìn ra là cái gì mắc vào lưới nên vội vào nhà lấy đèn pin ra kiểm tra. Nào ngờ khi kéo lên, tôi hoảng hồn nhận ra vật vướng vào vó của mình là một thi thể phụ nữ”. Anh Phú quăng luôn cả đèn pin lẫn chiếc vó chạy thẳng vào nhà kể hết mọi sự tình cho vợ. Để chắc chắn những gì anh Phú nhìn thấy là thật, hai vợ chồng anh Phú lấy hết can đảm, một lần nữa quay trở lại bờ sông xác minh.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng xã Phú Thịnh đã tiến hành xử lý vụ việc. Khi thi thể được vớt vào bờ, cơ quan chức năng phát hiện trên người nạn nhân có nhiều vết thương. Cho rằng, cái chết của người phụ nữ này có nhiều uẩn khúc nên đã thông báo cho CA huyện Tam Bình thụ lý giải quyết. Kết quả giám định tử thi cho thấy, nạn nhân tử vong do đa chấn thương, ngạt nước. Điều đó cho thấy đây là một vụ án mạng chứ không phải nạn nhân tự tử.
Chỉ vài giờ sau, danh tính của nạn nhân được xác định là bà Trần Thị Linh, SN 1968, trú tại ấp Phước Yên B, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chiều tối ngày 5-2-2007, thi thể của bà Linh đã được bàn giao cho người thân đưa về nhà làm lễ an táng.
Ông Cao Xuân Trung – CA viên xã Phú Quới, là một trong bốn người trực tiếp tham gia vào lễ nhập quan của nạn nhân Trần Thị Linh nhớ lại: “Cái chết bất ngờ của bà Linh đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm người dân trong vùng. Lúc đó, mọi người cứ nghĩ rằng bà Linh tự tử hoặc là do tai nạn chứ không ai nghĩ rằng người phụ nữ này bị sát hại. Kể cả những người thân trong gia đình cũng không ai biết được những nghi vấn của CA xung quanh cái chết của bà Linh”.
Từ những thông tin thu thập được, cộng với biểu hiện lạ thường của Mai Ngọc Thuận, con rể bà Linh trong đám tang của nạn nhân, cơ quan chức năng đã tập trung hướng điều tra, xác định Thuận là nghi can chính trong vụ việc. Đám tang của bà Linh vừa xong thì cũng là lúc Thuận bị triệu tập lên trụ sở để điều tra. Tại đây, Thuận với tâm lý bình thản thừa nhận mối quan hệ như vợ chồng đã từng có với bà Linh. Nhưng trước những chứng cứ cho rằng cái chết của bà Linh có liên quan tới Thuận thì đối tượng này vẫn bình tĩnh phân trần, cho rằng nạn nhân qua đời là do tai nạn. Trước những lời chối cãi của Thuận, cơ quan CSĐT đã phải dùng biện pháp nghiệp vụ tâm lý để lật mặt kẻ ác. Cuối cùng, Thuận đã phải cúi đầu nhận tội, chính mình gây ra cái chết của bà Linh.
Anh Lư Đức Huân chia sẻ về cuộc sống gia đình sau khi bà Linh qua đời.
Bộ mặt thật của gã con rể
Qua tìm hiểu, bà Linh lấy ông Lư Tấn Khoa, sinh được hai người con (một trai, một gái). Để có tiền sinh hoạt, vợ chồng bà Linh mở cửa hàng buôn bán gạo và chăn nuôi heo. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng của bà Linh có nhiều mâu thuẫn không thể giải tỏa. Năm 2003, ông Khoa tự mình tìm đến cái chết để giải thoát cuộc sống bất hòa. Từ đó, mình bà Linh tiếp tục công việc mà hai vợ chồng đang làm.
Còn Mai Ngọc Thuận thì hành nghề xe ôm nên thường xuyên được bà Linh thuê chở đi mua bán gạo và lấy tiền gạo. Do biết Thuận đã học trung cấp Thú y nên bà Linh thường thuê anh tới chăm sóc đàn heo. Giữa Thuận và gia đình bà Linh càng thân thiết hơn. Chẳng ngờ chỉ một thời gian sau đó, bà Linh đã phải lòng Thuận. Để rồi, Thuận quan hệ với bà Linh như vợ chồng trong suốt một thời gian dài. Bị dư luận lên án, bản thân bà Linh cũng cảm thấy hành động của mình là sai trái khi đi tới đâu cũng nhận được ánh mắt soi mói của mọi người. Để giải quyết câu chuyện và cũng để hợp thức hóa mối quan hệ với Thuận, bà Linh đã làm mối Thuận cho con gái mình.
Ngôi nhà của bà Linh, nơi Thuận chạy về giấu vàng sau khi gây án vào năm 2007.
Biết chuyện này, gia đình Thuận kịch liệt phản đối cho rằng giữa hai bên còn là bà con họ hàng, nhưng được sự trợ giúp đắc lực từ bà Linh nên cuối cùng, đám cưới của Thuận và Tình được tổ chức vào năm 2006 mà không có đăng ký kết hôn. Sau thời gian chung sống, giữa Thuận và Tình xảy ra mâu thuẫn. Ngày 16-1-2007, Thuận và Tình viết đơn thuận tình ly hôn mỗi người giữ một bản.
Khi hôn nhân của con gái có nguy cơ tan vỡ, bà Linh ra sức khuyên nhủ cả hai vợ chồng Thuận nhưng đều không có kết quả. Bất lực trước thái độ cương quyết của Tình, bà Linh đành tìm đến tâm linh với hy vọng cứu cánh cuối cùng để giữ bằng được chàng rể quý. Bà Linh hẹn Thuận vào ngày 4-2-2007 cùng mình sang xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình để đi xem bói, mục đích hàn gắn hạnh phúc cho vợ chồng Thuận. Đến ngày hẹn, bà Linh đi cùng Thuận rồi mất tích không thấy về. Đến sáng ngày 5-2-2007 thì phát hiện thi thể bà Linh dưới sông với nhiều vết thương lạ trên người.
Theo lời khai của Thuận, chiều tối ngày 4-2-2007, đối tượng này đến đón bà Linh đi xem bói như đã hẹn. Nhưng do đi muộn nên không gặp được thầy bói nên Thuận điều khiển xe mô tô chở bà Linh về nhà.
Trên đường, bà Linh cằn nhằn với Thuận cho rằng: “Thuận đến trễ nên không xem bói, xin bùa được”. Lúc này, Thuận nảy sinh ý định giết bà Linh để chiếm đoạt số tài sản mà bà Linh mang trên người. Không những thế, Thuận còn nghĩ rằng, khi bà Linh chết thì Tình sẽ quay lại sống chung với mình vì không còn nơi nương tựa. Chính động lực này khiến hắn ra tay sát hại mẹ vợ.
Hiện tại, Mai Ngọc Thuận đang ngồi trong trại giam với mức án chung thân dành cho tội ác mình gây ra. Người đau khổ nhất sau cái chết của bà Linh chính là chị Lư Ngọc Tình khi những người liên quan trong vụ án một bên là mẹ, một bên là chồng. Sau cái chết của mẹ, chồng thì đi tù, mình chị Tình ở lại đối diện với dư luận của người dân trong vùng.
Trải qua 8 năm, nỗi đau mất mẹ cũng dần lùi vào quá khứ. Chị Tình tìm cách thoát khỏi những mặc cảm bằng cách xin làm công nhân trên TP Vĩnh Long. Tại đây, chị đã gặp người đàn ông khiến mình lay động. Tình yêu, lòng cảm thông của anh khiến chị Tình quên đi quá khứ đau buồn. Đền đáp lại tấm chân tình đó, chị Tình đồng ý để anh trở thành “một nửa” của cuộc đời mình. “Còn nỗi đau, hãy để lại cho quá khứ”, chị Tình chia sẻ.
Trong ngôi nhà của bà Linh ở ấp Phước Yên B, giờ đây chỉ còn một mình người con trai Lư Đức Huân, SN 1991 sinh sống. Anh Huân tâm sự: “Chuyện của gia đình mình từng một thời là đề tài bàn tán của những người dân nơi đây. Họ không thôi chê trách mẹ tôi giống như một người gây ra mầm mống của tội ác khi trao tình cảm cho người đáng tuổi con mình. Nhưng trong mắt chị em tôi, mẹ vẫn là người thương chúng tôi nhất, bà sẵn sàng làm tất cả vì hạnh phúc cho các con”.
Theo: Châu Anh - PLXH