Hơn 20 năm, anh Lá cầm đơn đi khiếu nại khắp nơi những chưa một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc bỏ quên hồ sơ vụ án oan của anh. Giờ đây, khi đã trở về với cuộc sống bình thường cùng vợ con nhưng người ngoài nhìn anh như tội phạm vừa thi hành án trở về…
Theo sự chỉ dẫn của những người dân địa phương, men theo con đường đầy bùn lầy, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Lá, SN 1976, trú tại ấp 8, xã Vĩnh Canh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mang. Nhìn ngôi nhà “then chốt cửa ngoài”, hỏi những người làm đồng gần đó về chủ nhân của ngôi nhà trên, một người bảo: “Hai vợ chồng chú Lá đi làm đồng lúc mặt trời chưa mọc, đến tận chiều tối mới về, mấy chú tìm chú Lá cũng hơi khó đấy. Hai vợ chồng chú ấy giờ chỉ biết cắm đầu vào việc để quên đi tất cả, nếu các chú có việc gấp thì chạy sang đồng bên mới gặp”.
Nghe nói có người lạ tìm, anh Lá vội bỏ dở mảnh ruộng, đôi chân vẫn bê bết những vết bùn chạy về: “Mấy chú ơi, có cách nào có thể giải oan cho thân nhà nông như tôi được không, tôi mang nhục đã mấy chục năm nay rồi. Tôi làm nông từ nhỏ, cực khổ cũng quen, hơn 20 năm đi làm canh thủy lợi chẳng cực nhọc gì nhưng nỗi hàm oan thì không thể nào chịu được”. Rồi người đàn ông này mở đầu câu chuyện.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Lá. Ảnh: T.Trình
Theo lời anh Lá, sự việc xảy ra vào 22g ngày 21-7-1991. Tối hôm đó, hai anh em ruột anh Lá là Phan Văn Tân, 15 tuổi và Phan Văn Châu, 13 tuổi, đang đi đánh cá ở ngoài ruộng thuộc ấp 1, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành thì nghe tiếng người dân la ó là mất điện. Nghi có kẻ gian cắt trộm dây điện, người dân đi tuần tra thì phát hiện có người đang cuốn dây điện vừa cắt xong và bỏ chạy. Lúc đó, hai anh em Tân và Châu đang soi cá gần đó, nghe xôn xao tiếng: “Điện …điện…điện” họ không hiểu chuyện gì sợ bị thu bình điện chích cá bỏ chạy. Nhìn thấy hai anh em Tân và Châu tháo chạy, người dân truy bắt và đưa về đồn CA. Cũng theo anh Lá, anh em Tân và Châu bị ép cung nên phải khai anh trai là Phan Văn Lá chủ mưu trong vụ việc ăn cắp dây điện của ấp 1 tối hôm đó.
“Khi đó, 2 em tôi còn nhỏ, sợ bị đánh nên khai ra tôi để được cho về. Vài hôm sau, CS xuống nhà còng tay tôi bắt về đồn, sau đó cả 3 anh em tôi bị CA huyện Châu Thành khởi tố về tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 138 BLHS 1985. Do chưa đủ tuổi thành niên nên 2 em tôi được thả, trao trả về cho gia đình giáo dục, còn tôi bị tạm giam 2 tháng để phục vụ quá trình điều tra. Tháng 12-1991, TAND huyện Châu Thành tuyên phạt tôi 4 năm tù về tội trên, cho rằng tôi là người chủ mưu, trong việc thực hiện trộm cắp dây điện của đêm hôm đó của ấp 1”, anh Lá Nghẹn ngào.
Sau đó, anh Lá kháng cáo, cho rằng mình bị oan sai. Tháng 9-1992, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xử phúc thẩm và đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại. Sau hai lần đưa vụ án ra xét xử nhưng không có chứng cứ, ngày 14-10-1992 VKSND huyện Châu Thành hủy bỏ việc tạm giam, trả tự do cho anh Lá (tính đến thời điểm này, anh Lá đã bị giam 15 tháng). Anh Lá than thở, lúc về, tôi vác đơn đi kêu oan khắp nơi nhưng chẳng nơi nào chịu nhận, có nơi nhận thì không trả lời, còn lúc lên TAND huyện thì người ta nói không còn lưu giữ hồ sơ. Nhưng tất cả hồ sơ tôi đều còn mà chưa có quan chức năng nào vào cuộc, tự dưng bắt tôi vô cớ đem đi bỏ tù là điều phí lý và không thể chấp nhận được.
Tính tới thời điểm này, đã gần 25 năm trôi qua, nhưng anh Lá vẫn chưa được đền bù. Mãi cho tới tháng 9-2013, nhờ tư vấn luật sư, anh Lá nộp đơn khởi kiện TAND huyện Châu Thành, tỉnh Long An, yêu cầu bồi thường gần 500 triệu đồng bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần và công khai xin lỗi. Năm nay, anh Lá đã 47 tuổi, cuộc sống khó khăn, gia đình cả 4 miệng ăn đều trông cậy vào hai canh đất thuê lại của người khác để trồng dưa, cà, bí, ngô… bán sống qua ngày. Giờ nhìn nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn ông, ai cũng nghĩ anh Lá đã ngoài 60.
Mấy năm trước, do bất cẩn trong công việc, cây nhọn đã hủy hoại đi một mắt khiến anh mù vĩnh viễn. “Lúc bị bắt, con gái đầu lòng của tôi chưa được 1 tuổi, ở trong trại giam mà tôi cứ nghĩ về hai mẹ con ở nhà. Vợ tôi chỉ biết ngồi ôm con nhỏ, không thể làm gì được. Tôi là người lao động chính trong gia đình mà giờ vào đây thì không biết ai lo cho hai mẹ con. Lúc ấy, cái khổ không sao tả hết, hiện giờ nhiều lúc bế tắc, vợ chồng tôi không biết làm sao, nhưng tôi không nản, tôi sẽ đi tìm công lý tới cùng”.
Tới giờ phút này, gần 25 năm trôi qua, nhưng nhiều người trong ấp vẫn không hề hay biết anh Lá bị oan sai, họ luôn nghĩ, anh đã thụ án xong và trở về với gia đình. Anh Phan Văn Ba, 20 tuổi, con trai út anh Lá tâm sự: “Từ lúc tôi chưa lọt lòng chào đời, bố tôi đã bị tù oan, tới giờ tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng mà tội danh của bố tôi vẫn chưa được rửa. Mỗi lần đi ra đường là mỗi lần buồn, ai cũng cho tôi là con của mỗi kẻ tù tội, con của một lão ăn cắp, trộm. Nghe mà nhói lòng, nếu sự việc này không được giải quyết thỏa đáng, không lẽ suốt đời bố tôi phải mang danh một tên tội phạm hay sao?” .
“Ở xứ nghèo, người dân không có điều kiện để mua báo hay ít biết đến vụ việc. Nhiều người không biết, tôi cũng đành mang tiếng tù tội vì cái tội mang nhục là đi ăn “cắp, trộm”. Ra tù, tôi trở thành kẻ thất nghiệp, trở về đi xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận, vì cho tôi là người xấu, kẻ gian. Đất ruộng, vườn thì không có, tôi vay mượn anh em trong gia đình thuê lại 2 canh ruộng của người ta để trồng rau mưu sinh. Hoàn cảnh gia đình bắt đầu lâm vào cảnh túng quẫn.
Giờ đây, anh Lá được tự do nhưng mất tất cả, danh dự không còn, sự nghiệp tiêu tan, vợ con bị người ngoài chê bai, nhòm ngó. Cuộc sống của anh chỉ còn hai bàn tay trắng, suốt ngày hai vợ chồng cùng đứa con trai út chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để quên dần đi những ngày tháng oan sai của mình, chừng ấy năm chịu đựng là chừng ấy năm trên thân hình anh Lá vẫn còn in hằn một dấu vết của một tên tội phạm. Cuộc sống hiện tại của gia đình anh Lá rất khó khăn, nhưng còn sống ngày nào anh Lá vẫn không nản chí, quyết sẽ đi tìm lại canh lý, danh dự cho bản thân và gia đình để rửa sạch tội danh vì thời gian mang hình hài một tên tội phạm đã mấy chục năm qua.
Trách nhiệm bồi thường của tòa
Theo luật sư Trần Canh Lý (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: Trong trường hợp này, hồ sơ đang nằm ở CQĐT CA huyện Châu Thành, tỉnh Long An, trong giai đoạn điều tra lại, giả sử cơ quan này cứ tiến hành điều tra lại bình thường rồi thấy không đủ căn cứ buộc tội thì ra quyết định đình chỉ điều tra vì anh Lá không thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thuộc về TAND huyện Châu Thành (Cơ quan kết án anh Lá 4 năm tù) là quá rõ.
Theo: Trần Trình - PLXH