Mặc dù đã ly hôn nửa năm nhưng trong lòng Lê Văn Dương luôn chất chứa ấm ức, ghen tuông với vợ cũ. Nghe phong thanh vợ cũ có bạn trai và chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, anh ta từ Hải Dương lên Hà Nội rình rập, mua axít, rắp tâm hủy hoại dung nhan người vợ cũ…
Câu chuyện lớn đằng sau các chuyên án
- Cập nhật : 08/11/2014
"Trung bình một năm PC45 Công an tỉnh Tây Ninh đánh chừng 6 án mua bán phụ nữ. Vui vì các chuyên án thành công cũng có, nhưng nói thực với anh, chúng tôi không phải là gỗ đá, chứng kiến các vụ việc liên tục xảy ra, anh em luôn day dứt làm sao vấn đề phải được giải quyết dứt điểm từ tận gốc". Tâm sự thực lòng của những điều tra viên kỳ cựu khiến PV Chuyên đề ANTG phải tiếp tục kéo dài loạt bài này, để trả lời cho câu hỏi, tại sao những đường dây mua bán phụ nữ trái phép vẫn vươn vòi bạch tuộc vào 9.023 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn Tây Ninh…
1. Thành phố Tây Ninh. Tại một quán cà phê nằm ngay trung tâm, câu chuyện rôm rả không cần hạ giọng của những người phụ nữ vang lên sau lưng khiến khách không thể không để ý. Giọng một người phụ nữ đã cứng tuổi liên tục phân tích điều hơn - thiệt giữa những… ông chồng là người Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Hai cô gái trẻ cũng liên tục đưa ra những câu hỏi, mà chủ yếu là xoay quanh kinh nghiệm làm sao để không… bị lừa. Những người bán vé số đông đảo đặc trưng của Tây Ninh, chừng như đã quen thuộc, thi thoảng đi qua còn góp thêm dăm ba câu chuyện cho rôm rả.
Đem câu chuyện này kể với Thượng tá Nguyễn Hồng Sang, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTHX Công an tỉnh Tây Ninh, ông cười buồn: "Đấy, anh tính, với đội ngũ "tuyên truyền viên" đông đảo như vậy, làm sao những đường dây mua bán phụ nữ trái phép không dễ dàng hoành hành cho được".
Qua công tác trinh sát nắm tình hình của PC45, những yếu tố cơ bản sau đã khiến các nạn nhân rơi vào bàn tay của các đường dây buôn người: khó khăn về kinh tế và hạn chế về nhận thức, trong đó khó khăn về kinh tế luôn là yếu tố căn bản.
Nhìn vào hiện trạng các con số thống kê hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ của Tây Ninh so với mặt bằng cả nước không phải là cao. Thu nhập đầu người của năm 2013 đạt con số 2.147 USD, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những đầu tàu kinh tế gắn liền với cây cao su và dịch vụ gắn liền với các danh thắng du lịch của tỉnh không thể kéo theo nhiều hộ dân với thu nhập chỉ vẻn vẹn vài chục ngàn mỗi ngày. Những câu chuyện hài hước nhưng buồn về số lượng đông đảo người dân tham gia vào "ngành kinh tế bán vé số" ở Tây Ninh không phải là điều không đáng gây suy nghĩ.
Trong khi đó, những đường dây tội phạm chuyên nghiệp luôn hứa sẵn sàng bỏ ra số tiền từ 100-200 triệu cho gia đình các cô gái chấp nhận ra nước ngoài "lấy chồng" và "làm việc có thu nhập cao", thực chất là đem bán. "Nói gì thì nói, việc chúng sẵn sàng đưa ngay cho nạn nhân 20-30 triệu sau khi được người xem mặt ưng thuận, khiến không ít nạn nhân nghèo xiêu lòng", Đại úy Nguyễn Hồng Mông, Đội trưởng Đội 3, PC45 Tây Ninh cho biết.
Bên cạnh đó, việc một số đối tượng đã ra nước ngoài lấy chồng hoặc làm nghề nhạy cảm, nhưng khi trở về đã "diễn" với bà con lối xóm một cuộc sống khấm khá, thành đạt. Điều này tác động không nhỏ tới nhận thức của nhiều cô gái nghèo, thậm chí tới cha mẹ họ. Thượng tá Sang cho biết, anh em trinh sát từng báo cáo rằng có nhiều trường hợp chính cha mẹ các nạn nhân đã quyết định cho con đi lấy chồng ngoại quốc để "cứu kinh tế gia đình", chứ không phải từ chính cô gái kia.
Trong khi đó, để đối chọi với một hệ thống hùng hậu các "tuyên truyền viên" và các "cò người" kiên nhẫn tỏa xuống từng xóm làng nghèo, tỉ tê dụ dỗ, chúng ta chưa có một hệ thống tuyên truyền thực sự hiệu quả. Những buổi họp dân cư ở đôi nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự và thực tế để khiến bà con tâm phục khẩu phục.
Nguyễn Thị Kim Mến, một nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc lấy chồng, đã quay trở về Việt Nam, tham gia đường dây mua bán 45 phụ nữ sang Trung Quốc.
Một mô hình tuyên truyền và hỗ trợ phụ nữ đem lại hy vọng lớn là Dự án "Nhóm tự lực" (tên gọi tắt của Dự án Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực) do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thực hiện từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2013. Tiếc rằng, Dự án này hiện đã bị tạm ngừng.
Thượng tá Sang cho biết, mô hình các nhóm tự lực này rất đi vào lòng người, bởi thành viên nhóm hầu hết là những chị em đã từng bị bán ra nước ngoài hành nghề mại dâm, hoặc lấy chồng nước ngoài. Không chỉ thực hiện công tác tuyên truyền thuần túy, Dự án còn hỗ trợ kinh tế để các thành viên bước đầu ổn định cuộc sống (những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn để sản xuất, không phải hoàn trả; những người khác được vay vốn với lãi suất thấp để tự tạo thu nhập thông qua hướng dẫn và tập huấn theo mô hình).
"Cá nhân tôi cho rằng đây là những mô hình hiệu quả sẽ giải quyết tận gốc nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ nghèo trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán phụ nữ. Tôi thắc thỏm hy vọng, trong năm 2014 này, mô hình Nhóm tự lực sẽ quay lại với phụ nữ nghèo tỉnh Tây Ninh. Phải có những mô hình hiệu quả và nhân văn như thế này, chúng tôi mới có cơ hội "thất nghiệp" được", ông cười.
2. Hiếm có ai ngờ, khó khăn về kinh tế không chỉ là nguyên nhân khiến những phụ nữ nghèo rơi vào tay của các đường dây buôn bán phụ nữ, mà nó còn ảnh hưởng cả đến hoạt động giải cứu họ. Những cán bộ chiến sĩ của PC45 Tây Ninh là những người cảm nhận rõ nhất điều này.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sang nhớ lại, trong một chuyên án phá đường dây mua bán phụ nữ trái phép sang Trung Quốc do Nguyễn Thị Thu Xí cầm đầu hồi năm 2010, ông đã phải vất vả chạy đôn chạy đáo đến nhường nào. Thậm chí có những lúc, nếu không có sự đồng cảm và hỗ trợ kịp thời từ phía Cục C45, chuyên án có nguy cơ bị "vỡ".
Các cô gái Tây Ninh được giải cứu khỏi ổ mại dâm trong một chuyên án với sự phối hợp giữa C45, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan và Liên minh chống buôn người.
Thượng tá Sang nhớ lại, khi đó, nghe tin tức con mình khổ sở thân tàn ma dại, thân nhân của những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc kéo lên trụ sở PC45 cầu cứu. Những người cha, người mẹ, thậm chí người chồng tuyệt vọng khóc lóc trình báo, mong Cơ quan điều tra (CQĐT) giải cứu con mình.
Một mặt, các điều tra viên động viên thân nhân bình tĩnh phối hợp với CQĐT; mặt khác, phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để giữ bí mật cho chuyên án: 5 phụ nữ đã được giải cứu, đang được đưa từ Móng Cái về Hà Nội.
Bài toán nan giải ở đây là chỉ cần một thông tin về các nạn nhân đã được giải cứu lọt ra ngoài, gia đình nạn nhân khi biết được sẽ đến nhà các đối tượng trong đường dây mua bán phụ nữ đối chất. Nếu bị động, chúng sẽ ngừng hoạt động, và chuyên án có nguy cơ bị "vỡ".
PC45 Tây Ninh lúc đó phải căng cả hai đầu: vừa tiếp tục đảm bảo các đối tượng trong đường dây vẫn hoạt động bình thường và nằm trong tầm ngắm; vừa phải ra Móng Cái đón những nạn nhân được giải cứu, đưa họ đến một nơi trú ẩn an toàn, đồng thời thuyết phục họ không nên liên lạc với gia đình trong thời điểm này.
Một mình Thượng tá Nguyễn Hồng Sang bay ra Hà Nội để đảm bảo bí mật. Một nhiệm vụ lớn hơn của ông là "cầu cứu" C45 hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho 5 nạn nhân, vừa an toàn bí mật, vừa "miễn phí" vì ngân sách của Công an Tây Ninh không thể cáng đáng nổi vụ việc phát sinh này.
Nhanh nhất có thể, C45 đã liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ nhờ hỗ trợ. Những căn phòng đủ tiện nghi trong nhà Bình Yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Hà Nội đã được dành riêng cho những cô gái bất hạnh.
Khi đưa các cô gái từ Móng Cái về nhà Bình Yên, Thượng tá Sang vét sạch túi được cả thảy 600 ngàn. Ông chia cho mỗi cô 100 ngàn, gọi là cho các cháu tiền ăn chè trong những ngày chờ đợi chuyên án cất lưới. Ông động viên các cô gái, hãy giúp CQĐT tóm gọn những kẻ đã bán họ sang Trung Quốc, chỉ bằng việc hãy kìm nén, đừng gọi điện thoại về cho người thân lúc này.
Chỉ vài ngày sau, PC45 Tây Ninh phối hợp với C45 Bộ Công an đã tiến hành bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Thu Xí ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất khi Xí đang tổ chức đưa 3 phụ nữ ra Hà Nội để sang Trung Quốc. Ngay khi đối tượng Xí bị bắt, các cô gái đã được thông báo để liên hệ với người thân. Phương tiện vận chuyển miễn phí để họ về quê đoàn tụ cùng gia đình cũng đã được C45 liên hệ nhờ hỗ trợ.
3. Trung bình mỗi năm, PC45 Công an tỉnh Tây Ninh điều tra và khám phá lớn nhỏ chừng 6 vụ mua bán phụ nữ trái phép. Thực tế phát sinh từ các chuyên án cho thấy, một khoản kinh phí có sẵn sẽ giúp cho công tác giải cứu những nạn nhân của đường dây buôn người nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều.
Nguồn kinh phí này không chỉ đơn thuần xuất phát từ ngân sách nhà nước, mà có thể xã hội hóa bằng cách huy động sự hỗ trợ của các ngành đoàn thể, từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nước ngoài.
Đặc thù của tội phạm buôn bán phụ nữ trong thời gian qua là chủ yếu liên quan đến yếu tố nước ngoài, bao gồm tội phạm nước ngoài, địa bàn nước ngoài. Khó khăn của CQĐT Việt Nam là ngoài việc chính thức yêu cầu sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát sở tại, cộng thêm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, không còn một kênh "kinh tài" nào hữu hiệu để nhanh chóng giải cứu các nạn nhân.
Trong khi đó, chỉ cần một thông tin bị lọt ra ngoài, các nạn nhân sẽ bị bán ngay sang các địa phương khác. Không những thế, việc chủ động và nhanh chóng đưa các nạn nhân về quê hương cũng phụ thuộc khá nhiều vào nước sở tại, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.
Thực tế từ Chuyên án triệt phá đường dây tổ chức đưa 16 phụ nữ Việt Nam sang Thái Lan để bán vào tụ điểm mại dâm đã chứng minh điều đó. Trong chuyên án này, ngoài việc hỗ trợ của Cục Điều tra đặc biệt (DSI) Cảnh sát Thái Lan, vai trò của một tổ chức phi chính phủ là Liên minh Chống buôn người (AAT) đã nổi lên rất rõ ràng.
Từ thông tin của PC45 Tây Ninh báo cáo cho C45, C45 đã thông tin cho AAT Văn phòng Việt Nam, đồng thời gửi cho AAT Việt Nam 6 bức ảnh nhờ tìm kiếm những phụ nữ bị lừa bán sang Thái Lan. Qua quá trình tìm kiếm, AAT Thái Lan đã phát hiện ra 7 phụ nữ bị lừa bán vào các động mại dâm.
Tổ chức này cũng đã đóng vai trò quan trọng, phối hợp cùng Cục Điều tra đặc biệt (DSI) giải cứu 8 cô gái Việt Nam tại huyện Betong, tỉnh Yala, miền Nam Thái Lan, nơi liên tục xảy ra các vụ nổ súng và đánh bom.
AAT Thái Lan đã làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin, xác định rõ địa điểm các cô gái Việt Nam bị bóc lột trong các ổ mại dâm để DSI giải cứu thành công. AAT cũng hỗ trợ đặt vé máy bay để đưa các cô gái về thủ đô Bangkok, bàn giao cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam an toàn.
(Theo Việt Đông // CAND)