Xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày, trong làm ăn kinh tế, thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đối tượng chủ mưu không chỉ là các đấng nam nhi mà còn có những người phụ nữ vốn được coi là phái yếu; người có trình độ học vấn và sự hiểu biết nhất định trong xã hội. Từ “dằn mặt” đã dẫn đến những vụ trọng án đau lòng.
Bài 1: Chơi dao có ngày đứt tay!
Tìm hiểu các vụ giải quyết mâu thuẫn theo kiểu xã hội đen, sử dụng côn đồ gây án xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các vụ án đều có một điểm chung: Khi thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn, người thuê chỉ muốn “dằn mặt” đối phương… Thế nhưng “chơi dao có ngày đứt tay”, hầu hết đối tượng được thuê đều ra tay quá nặng, gây ra cái chết thảm thương cho nạn nhân. Vậy là “ném chuột vỡ bình” nhiều đối tượng chủ mưu lại vướng vào vòng lao lý. Trong trại tạm giam những ngày này, họ tiếc nuối khôn nguôi.
Khi thuê nhóm đối tượng gồm Nguyễn Anh Tú (29 tuổi), Nguyễn Thị Mai (23 tuổi, bạn gái Tú), kẻ chủ mưu Dương Thị Lan (52 tuổi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chẳng ngờ lại xảy ra hậu quả đau lòng như vậy!
Chồng tử vong, bản thân bà lại vướng vòng lao lý, một mái ấm gia đình bỗng tan đàn xẻ ghé. Bà Lan và ông Dương Văn Lường (43 tuổi, trú xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) đã đi trọn với nhau gần nửa cuộc đời… Không ít thì nhiều, bà cũng hiểu tính cách của ông. Dù có “trăm tay ngàn mắt” bà cũng chẳng thể quản lý nổi nếu chồng bà có tính trăng hoa. Trong khi bà cũng là người hiểu biết và hiện đang giữ một trọng trách nhất định trong ủy ban nhân dân xã. Về mặt nhận thức xã hội và pháp luật, bà thừa hiểu hành vi đó là vi phạm pháp luật…
Khi ký bản hợp đồng trị giá 25 triệu đồng với các đối tượng côn đồ, bà Lan chỉ muốn theo dõi và “cảnh cáo” ông Lường, muốn dằn mặt người chồng có thói trăng hoa. Bà yêu cầu các đối tượng “ra tay” vào thời điểm bà không có mặt ở nhà, nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm, mục đích chỉ để thỏa mãn cơn ghen. Bà Lan không ngờ rằng những kẻ được thuê đều tham tiền. Vì thế, thay bởi theo dõi, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Anh Tú lại câu kết với các đối tượng khác, dàn dựng màn kịch để đưa ông Lường vào bẫy. Đối tượng Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Thị Thu Thùy (22 tuổi), cùng trú ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cùng một số đối tượng khác đã nhắn tin, sau đó à ơi ông Lường.
Lê Thị Hồng Nguyên tại cơ quan điều tra.
Ngày 21/6, Mai nhắn tin thông báo với ông Lường đang ở nhà nghỉ và đã thuê phòng, hẹn ông Lường đến để gặp gỡ nói chuyện. Sau đó, các đối tượng nhờ Nguyễn Thị Thu Thùy đóng giả là cô gái ở Tuyên Quang, vào nhà nghỉ chờ ông Lường. Cùng lúc, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Hải cũng thuê phòng tại đây. Không chút nghi ngờ, ông Lường đến điểm hẹn và trong khi đang ngồi nói chuyện với Thùy, bất ngờ bị Dương, Hải ập vào tấn công. Ông Lường cố vùng vẫy bỏ chạy nhưng bị hai đối tượng đánh, đạp ngã đập đầu xuống nền nhà. Và rồi với bản chất côn đồ, các đối tượng đã gây ra cái chết thảm thương cho nạn nhân Lường tại nhà nghỉ…
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc giải quyết mâu thuẫn theo kiểu xã hội đen thường để lại những hậu quả đau lòng mà chính người thuê cũng không lường trước được. Các đối tượng được thuê đều là những kẻ có tiền án, tiền sự từng nhiều lần vào tù, ra tội rất manh động… Khi thực hiện hành vi phạm tội, chúng chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất mà không lo tới hậu quả.
Vụ em dâu thuê côn đồ giết anh chồng với giá 8 triệu đồng, xảy ra tại Bắc Giang vào tháng 2-2015, là một ví dụ. Cay cú vì người anh chồng không cho đứng tên trong sổ đỏ cùng chồng, Nguyễn Thị Lan thuê người “dằn mặt” anh chồng và cũng khiến người này tử vong…
Liên quan đến vụ án trên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bị can, làm rõ các đối tượng gây án gồm Dương Văn Tiệp (24 tuổi) và Triệu Văn Quân (25 tuổi, đều trú ở xã Minh Tiến, Hữu Lũng, Lạng Sơn) về tội giết người. Hai đối tượng đã bị bắt giữ gồm Nguyễn Thị Lan và Vi Thị Hiền (46 tuổi, cùng trú ở xã Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn). Lan góp gạo thổi cơm chung với anh Hoàng Văn Đức, 50 tuổi (là em trai của nạn nhân), khoảng 6 năm trước.
Hằng ngày, Lan và anh Đức kiếm sống bằng việc buôn bán vàng mã tại một ngôi đền. Mâu thuẫn nảy sinh, khi anh Đức chuẩn bị làm sổ đỏ cho mảnh đất mà Lan và Đức đang sinh sống. Do những mâu thuẫn trong quá trình sinh sống, anh Phúc (anh trai chồng Lan) không muốn cho Lan đứng tên trên mảnh đất trên. Còn Lan cũng có những lý lẽ riêng của mình, mảnh đất trên là của bố mẹ anh Đức để lại song Lan cũng có công đóng góp, dựng nhà để ở… Bởi thế, Lan càng cay cú khi biết anh Phúc muốn con trai riêng của anh Đức đứng tên mảnh đất trên.
Với sự giúp sức của Vi Thị Hiền, các đối tượng nhờ cháu của Hiền là Dương Văn Tiệp đánh anh Phúc để cảnh cáo, dằn mặt với giá là 8 triệu đồng… Và Lan đã ứng cho Hiền 5 triệu đồng. Lan chẳng ngờ sự việc lại xảy ra cơ sự như vậy. Tiệp và Quân thuê xe của anh Phúc, sau đó “điều” nạn nhân ra chỗ vắng, ra tay sát hại rồi bỏ trốn. Sau vụ án mạng, Nguyễn Thị Lan còn dùng một số điện thoại lạ nhắn tin cho anh Hoàng Văn Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng là người nhà anh Phúc với mục đích đánh lạc hướng cơ quan điều tra và đổ tội cho chị Lành…
Trong Trại tạm giam - Công an tỉnh Phú Thọ những ngày này, Lê Thị Hồng Nguyên (40 tuổi, trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cùng em trai đang sống trong tâm trạng day dứt khôn nguôi. “Cũng bởi sai lầm của tôi mà con gái lớn phải từ bỏ ước mơ được trở thành một chiến sỹ Công an…”. Nguyên ngậm ngùi nói với chúng tôi, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Phú Thọ.
Trong căn buồng giam chật chội, Nguyên quay cuồng với những ký ức, Nguyên nhớ cô con gái đang là học sinh cấp 3 của một trường chuyên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; nhớ đến cậu con trai lớp 8 giờ côi cút không cha, không mẹ. Rồi Nguyên nhớ lại những ngày đứng trên bục giảng; nhớ đến đám học trò… Nguyên mong muốn được trở lại những ngày xưa. Nguyên quen Hoàng Thị Hà (39 tuổi, ở tổ 46, phố Quang Trung, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ), khi cả hai cùng làm việc tại một trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Ba (Phú Thọ).
Khoảng năm 2012, Hà đặt vấn đề vay của Nguyên 6 triệu đồng, nói rằng cần tiền để chạy công chức. Phần vì ham lãi suất, phần vì nể mối quan hệ đồng nghiệp, Nguyên đã đồng ý cho Hà vay tiền. Theo lời khai của Nguyên thì khi vay tiền, Hà hứa hẹn trong vòng mười ngày sẽ trả lại Nguyên đầy đủ nhưng sau đó thì khất lần không trả.
Không dừng lại ở đó, Hà còn có những lời nói thách thức, đe dọa. Chính điều đó khiến Nguyên không kiềm chế được. Và khi em trai một đối tượng từng có tiền án, tiền sự trở về, Nguyên quyết định dùng nhóm côn đồ đòi tiền. Trong vụ việc này, nạn nhân Hà may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần với nhiều vết đạn trên thân thể…
Còn không ít trường hợp, các đối tượng côn đồ tống tiền lại người đã thuê chúng. Điều này cũng không có gì lạ, bởi lẽ bản chất của tội phạm là làm bất cứ việc gì miễn có được lợi ích vật chất. Khi người thuê côn đồ thực hiện những việc làm trái pháp luật thì chính những kẻ côn đồ đó cũng đã nắm được điểm yếu, “gót chân A-sin” của họ. Vì vậy, chúng cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền khi có điều kiện. Đã có không ít vụ việc xảy ra người đi thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn vừa là thủ phạm nhưng đồng thời cũng là nạn nhân.
Theo: Xuân Mai - CAND