“Chủ tọa cho là có tội mà hai thẩm phán cánh gà bảo vệ bị cáo vô tội là quá bản lĩnh. Phải khen thưởng hai thẩm phán này”;“Đề nghị báo chí lên tiếng yêu cầu bồi thường oan sai ngay cho anh Điền. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các ông, bà gây nên oan sai này!”… là những bình luận của bạn đọc sau khi báo PL&XH đăng bài “Chuyện khó tin từ vụ án bị cáo hai lần được tuyên vô tội”.
Tòa sơ thẩm phải bồi thường
Khá đông bạn đọc đã phản hồi về bài viết, chia sẻ với niềm vui được tuyên không phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy với anh Vũ Phan Điền (SN 1986, trú tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Đồng thời, nhiều bạn đọc cũng lên tiếng, cho rằng không chỉ xem xét trách nhiệm của tòa cấp sơ thẩm, mà còn phải “xem lại cả điều tra, kiểm sát” và cả trách nhiệm của người “tố giác tội phạm” trong vụ án này.
Quan điểm của những bạn đọc nêu trên là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Theo qui định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trong trường hợp này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ là Tòa án thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vì đã kết án oan cho anh Vũ Phan Điền. Các bình luận cho rằng cần xem xét trách nhiệm của người gửi tin báo tố giác cũng là hợp lý. Bởi, theo mô tả tại kết luận điều tra và cáo trạng của các cơ quan tố tụng TX Tam Điệp thì sáng ngày 6-11-2012, từ tin báo của quần chúng nhân dân về “một đối tượng đi xe máy BKS 35H7 – 1632 hướng TX Tam Điệp nghi vấn có tàng trữ chất ma túy”, CQĐT TX Tam mới tiến hành tạm dừng và kiểm tra hành chính đối với chủ phương tiện là anh Vũ Phan Điền tại khu vực đường Núi Vàng, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp. Đây cũng là hành vi “khởi nguồn” của vụ án oan sai kéo dài hơn 2 năm trời.
Cả ba phiên sơ thẩm (lần đầu ngày 7-3-2013), TAND TX Tam Điệp đều kết án Vũ Phan Điền phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, trong đó hai lần tuyên phạt 33 tháng tù giam, lần thứ ba phạt 24 tháng tù giam. Còn Tòa án tỉnh Ninh Bình, ngay khi xét xử phúc thẩm lần đầu tiên đã phát hiện ra sự bất bình thường trong vụ án này, tuyên hủy án sơ thẩm để tiến hành tố tụng lại từ đầu và hai lần xử phúc thẩm sau này, dù có kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng vẫn tuyên bị cáo vô tội.
LS Nguyễn Hồng Bách: Tôi đang xúc tiến các thủ tục cần thiết giúp thân chủ đòi bồi thường. Ảnh: P. Thảo
Những sai sót...
Trong phiên tòa phúc thẩm lần đầu, TAND tỉnh Ninh Bình đã nêu ra những vấn đề sai phạm về tố tụng và bất cập trong các tình tiết được CQĐT, VKS và Tòa sơ thẩm dùng để kết tội bị cáo. Tuy nhiên, nhưng sai sót này qua hai lần tố tụng nữa vẫn không được khắc phục và anh Điền vẫn bị buộc tội, bỏ qua hàng loạt tình tiết mâu thuẫn và sai sót về tố tụng.
Điều 12 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân sai phạm, mức độ lỗi của người vi phạm…
Bào chữa cho anh Điền, LS Nguyễn Hồng Bách, Cty luật Bross và cộng sự cho rằng, có hai tình huống xảy ra trong thu thập, đánh giá chứng cứ của vụ án này dẫn đến làm oan. Đó là cán bộ biết sai những vẫn làm và thứ hai là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ có vấn đề nên dẫn đến sai lầm trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Cả hai tình huống này đều dẫn tới oan sai cho người vô tội và những người này đều bị xem xét trách nhiệm, tùy theo mức độ lỗi, nhưng theo LS Bách, nếu vì năng lực yếu kém mà gây oan sai thì không phải do lỗi cố ý và trách nhiệm cũng “nhẹ” hơn.
Anh Điền đã được tuyên vô tội, các vi phạm, sai sót đã được khẳng định bằng bản án có hiệu lực pháp luật, nên các cơ quan chức năng cũng cần phải điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. LS Bách cũng đồng tình với quan điểm cần phải xem xét trách nhiệm của người tố giác tội phạm sai và xem xét cả trách nhiệm hình sự của người làm chứng vì họ đã gian dối, khai không đúng sự thật để “góp phần” làm oan người vô tội.
Vì sao việc bồi thường oan sai chậm?
Theo qui định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, anh Điền sẽ được bồi thường các khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; do tổn thất về tinh thần (được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam); được trả lại các tài sản bị thu giữ, tạm giữ; được khôi phục danh dự (xin lỗi, cải chính công khai) theo quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 50 và Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đồng thời cơ quan nơi anh Điền làm việc cũng phải xem xét các vấn đề về việc làm và quyền lợi của người lao động và cấp ủy Đảng nơi anh Điền đang sinh hoạt sẽ xem xét để khôi phục lại sinh hoạt Đảng cho anh Điền.
LS Nguyễn Hồng Bách cũng cho biết, ông và gia đình anh Điền đang xúc tiến các thủ tục, chuẩn bị giấy tờ, chứng cứ để đòi bồi thường thiệt hại do bị oan. Năm ngoái, sau khi được tuyên vô tội lần thứ nhất, trong khi anh Điền đang làm thủ tục đòi bồi thường thì TAND TC đã kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Ninh Bình và anh Điền bị bắt giam trở lại với tổng cộng gần 24 tháng tạm giam mà tính ra nếu có tội thì anh Điền cũng chỉ còn 14 ngày nữa là chấp hành xong hình phạt. Theo qui định, để được bồi thường, anh Điền phải gửi đơn và tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình đến TAND TX Tam Điệp, nơi đã tuyên bản án kết tội oan.
Trong phiên họp về giám sát tình hình oan sai trong tố tụng hình sự mới đây của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã thẳng thắn cho rằng: “Bồi thường thiệt hại oan sai vô cùng chậm trễ, kéo dài hàng năm, có vụ nhiều năm vẫn chưa xong. Phải chăng mô hình thể chế bồi thường hiện nay có vấn đề vì giao cho chính các cơ quan oan sai đi bồi thường”? Ông Quyền cho rằng “đã đến lúc phải thay đổi thể chế, giao cho một cơ quan khách quan, ví dụ như Bộ Tư pháp thay mặt Nhà nước bồi thường, còn việc xin lỗi thì vẫn do cơ quan làm sai tiến hành”. Còn Bộ Tài chính thì cho rằng việc bồi thường oan sai bị chậm trễ có nguyên nhân không nhỏ từ qui định giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan bồi thường cho người bị oan và qui định buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường.
Bồi thường Nhà nước là thể hiện sự xin lỗi và cầu thị của cơ quan Nhà nước khi gây oan sai cho người dân. Chính vì vậy, TAND TX Tam Điệp cần nhanh chóng xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
“1. Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
a) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;
b) Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
c) Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;
d) Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
(Trích Điều 32, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
Theo: Phương Thảo - PLXH