Tương truyền, đôi trẻ vì bị gia đình cấm cản chuyện tình cảm, đã cùng nhau quyên sinh để được mãi mãi bên nhau. Trước khi chết, cô gái còn mang trong mình “giọt máu” của chàng trai. Cảm phục tình yêu son sắt của đôi trẻ, người dân địa phương đã lập một ngôi mộ đôi, đặt "gia đình" họ cạnh nhau.
Chuyện tình buồn
“Mộ đôi" nằm lưng chừng một quả đồi nhỏ, xung quanh dưới chân đồi là những nương sắn ngút ngàn được bà con vỡ đất hoang hóa trồng trọt. "Mộ đôi" thuộc địa giới hành chính của ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Kể về chứng tích "mộ đôi", chúng tôi được bà Chơn Thành, 70 tuổi, người dân địa phương chia sẻ, "mộ đôi" được xây vào khoảng những năm 1970. Khi đó, vùng đất An Thạnh vẫn còn hoang vu, heo hút, ít người sinh sống, qua lại nơi đây. Người làng đã đặt đôi trai gái xấu số trên đồi này, bênh cạnh con suối Le uốn lượn.
Cùng với thời gian và sức lao động của con người, vùng hoang hóa xưa kia đang dần được cải tạo. Con suối Le năm nào cũng bị vùi lấp để lấy đất trồng trọt. Thế nhưng, ngôi "mộ đôi" vẫn nằm đó, dù có sự thay đổi của vạn vật xung quanh. Khác chăng là việc, nếu ngày trước người ta phải băng rừng mới vào được ngôi "mộ đôi" thì bây giờ con đường dẫn lên đó được bê tông hóa, dễ đi lại hơn rất nhiều.
Bà Chơn Thành nói, năm ấy, dân cư còn thưa thớt, cả làng mới chỉ có 5 -7 nóc nhà tranh xập xệ. Bà con sống quây quần bên nhau bằng việc săn bắn, trồng trọt. Giữa năm 1976, người làng thấy xuất hiện đôi tình nhân trẻ người Sài Gòn, khăn gói thất thểu đi về hướng suối Le. Hai người họ tuổi chỉ vừa mười tám đôi mươi, rất đẹp đôi. Ban đầu, cặp tình nhân xin ở nhờ nhà một người dân. Sau đó, họ kể rằng, mình là vợ chồng mới cưới muốn tìm vùng đất mới lập nghiệp. Chàng trai và cô gái ngỏ ý nhờ bà con hỗ trợ cất cho họ một căn chòi tranh tạm bợ làm chỗ che nắng mưa. Ổn định chỗ ở mới tính chuyện làm ăn để chăm lo cuộc sống mới.
Thế rồi đôi vợ chồng trẻ được người làng giúp sức, họ hì hục đốn cây trong rừng, dựng căn nhà tranh, vách đất. Sự giúp đỡ vô tư, tình cảm của những người dân trong làng khiến đôi trẻ nhanh chóng hòa đồng với mọi người xung quanh. Thế nhưng, một điều lạ là ngoài việc họ là vợ chồng mới cưới, từ Sài Gòn lên, thì họ rất ít khi nói chuyện, chia sẻ về người thân, gia đình, cũng như không có người thân nào đến tìm họ cả.
Cuộc sống mới có nhiều khó khăn với đôi vợ chồng trẻ, thiếu thốn đủ thứ từ cái ăn, cái mặc, hay những vật dụng thiết yếu nhưng họ vẫn thương yêu nhau hết mực. Hàng ngày, chàng trai theo trai làng đi rẫy, cô gái cũng chăm chỉ làm lụng công việc lặt vặt với các chị em ở nhà. Họ sống quây quần, tình cảm với người dân trong làng như một đại gia đình ấm cúng.
Bà Chơn Thành mường tượng lại: Hôm đó trời mưa nặng hạt, vì nhà của đôi vợ chồng trẻ ở phía bìa rừng nên càng như biệt lập với những ngôi nhà khác trong làng. Đang chăn bò, những đứa trẻ gần đó, tìm đến ngôi nhà vợ chồng trẻ để trú mưa. Nhưng ngôi nhà nhỏ đóng kín cửa, im lìm. Gọi mãi không thấy ai trả lời, chúng bảo nhau nhìn qua khe cửa nhỏ thì kinh hãi khi phát hiện đôi vợ chồng đang trong tư thế treo cổ giữa nhà.
Sự ra đi đột ngột của đôi vợ chồng trẻ nhanh chóng được báo cho người lớn trong làng. Sau các nghi thức cúng tế, đôi tình nhân được quấn chiếu chung, chôn chung cùng một mộ ngay phía sau nhà trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra dẫn đến cái chết của hai người, nhưng cảm mến đôi trẻ, người làng từ đó thay nhau hương khói cúng viếng họ. Cũng từ đó "mộ đôi" chiếm một phần trang trọng trong đời sống tâm linh người dân An Ngái tới nay.
Dãy số để dân lô đề cầu "thần tài”. Ảnh: H.Hùng
Mộ "thần tài"?
Hiện nay, ngôi "mộ đôi" đã được người thân của chàng trai xây dựng lại khang trang hơn. Nơi đây cũng thường xuyên có một phụ nữ địa phương ngày nào cũng làm công quả ra dọn dẹp, nhổ cỏ xung quanh. Người phụ nữ này theo lời đồn là được "mộ đôi" phù hộ cho làm ăn may mắn nên đến đây trả nghĩa. Từ lúc có người thân lên xây và hương khói cho ngôi mộ, danh tính của đôi vợ chồng cũng được xác định, cô gái tên Trương Ngọc Nga, chàng trai là Nguyễn Trường Xuân. Chàng trai qua đời khi vừa 20 tuổi, còn cô gái lớn hơn chồng 1 tuổi. Cả hai đều là người Sài Gòn.
Sự linh thiêng của ngôi "mộ đôi" được nhiều người truyền tai nhau. Bắt đầu từ việc người nhà đôi vợ chồng kể ,chính cô gái đã về báo mộng việc mình đã chết, chỉ rõ địa điểm để gia đình xuống thăm nom. Hay chuyện: “Cách đây mấy năm có người đàn ông đi làm ngang qua đây. Sẵn tiện có tờ vé số trong người, ông dâng lên trên ngôi mộ cầu được trúng vé số. Ai ngờ lời cầu đó đã giúp ông trúng số độc đắc. Cũng từ đó người ta nườm nượp kéo về đây cầu xin tài lộc", một người dân địa phương cho biết.
Dãy số để dân lô đề cầu "thần tài”. Ảnh: H.Hùng
Có mặt ở "mộ đôi", chúng tôi chứng kiến, bên cạnh ngôi mộ là bàn "cầu cơ" của dân xin số còn nằm la liệt. Thậm chí người ta con vẽ hẳn những "bàn cơ" lên thành mộ. Theo người dân nơi đây, cứ khoảng 12g trưa, dân chơi lô đề tập trung về đây rất đông. Họ nhang khói rồi soạn bàn cầu cơ ra khấn vái rầm rì. Chẳng biết có ai trúng số chưa, nhưng lời đồn về việc ngôi mộ phù hộ, trở thành mộ "thần tài" được phát tán và lan truyền. Theo tìm hiểu, con đường bê tông khang trang dẫn lên "mộ đôi" được 2 nữ "đại gia" địa phương bỏ tiền làm từ thiện. Kể từ ngày có con đường, người lên "mộ đôi" cầu tài lộc kéo đến càng đông.
“Ngày nào cũng có hàng chục người đến xin số. Nhất là vào các ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng. Thời gian xin “đỏ đen” thường vào sáng sớm, 12g trưa hoặc buổi đêm là linh thiêng nhất. Tôi có nghe nói có nhiều người nhờ cầu ở đây trúng số đề, trúng xổ số nhưng không biết cụ thể là ai. Cầu được thì họ sùng bái, cầu trật thì họ phá phách, đập phá hết bình hoa, bình hương ở ngôi mộ. Ngoài ra, đây là điểm tụ tập của phường ăn chơi, họ đến cầu số và tổ chức ăn nhậu ngay bên ngôi mộ rồi xả rác ngay tại trận. Nhiều người cầu không được may mắn, họ đem trứng đến đập vương vãi khắp ngôi mộ”, người phụ nữ nhận việc trông coi ở "mộ đôi" bức xúc cho biết.
Quan sát xung quanh ngôi mộ có rất nhiều vỏ trứng gà. Được biết, lễ lộc đến xin "thần tài” rất đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị hương, ít tiền âm phủ và một quả trứng gà. Sau khi thắp hương, khấn lộc “cầu xin anh chị phù hộ cho con được đánh trúng lô, trúng đề”. Bên trái ngôi mộ được dân mê số má vạch sẵn dãy số từ 0 đến 9. Cầm quả trứng gà quỳ xuống dãy số, lăn một lượt nếu quả trứng dừng ở số nào tức số đó mang lại lộc. Trên ngôi mộ có một lỗ thông hơi cũng là nơi họ vứt trứng vào trong. Việc người người lũ lượt kéo về "mộ đôi" cầu cơ, xin số, khiến tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên phức tạp.
Trao đổi với chúng tôi về nạn cầu cơ xin số ở "mộ đôi", công an viên xã An Ngãi cho biết: "Việc “cầu cơ, xin số” ở các miếu, mộ là khó tránh khỏi, ở "mộ đôi" trước dây do địa hình hiểm trở, hoang vu nên nhiều trường hợp lợi dụng để tụ tập hoạt động mê tín dị đoan. Bây giờ khu vực mộ đôi thông thoáng hơn nên tình hình đã được chúng tôi kiểm soát”.
Theo: Huy Hùng - PLXH