Với thủ đoạn tinh vi, thu mua mực từ các tỉnh khác, chủ kho hàng đông lạnh thừa nhận mực khô được làm từ bột sắn và cao su để tiêu thụ.
Chiều 22/1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra kho hàng đông lạnh của bà Nguyễn Thị Lệ Nhung (trú P.Phú Hải, TP.Đồng Hới), phát hiện trong kho chứ 340kg mực sấy khô xé rời cùng hơn 18 tấn mực khô nguyên con. Toàn bộ số hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Loại mực này bỏ vào nước thì không tan, kéo dãn được. Bà Nhung khai nhận, số mực khô này được làm từ bột sắn và cao su. Bà Nhung đã thu mua số mực này từ Nghệ An với giá 50 nghìn đồng/kg. Hơn 18 tấn mực khô nguyên con thì được thu mua từ nhiều nơi, đang chờ để tiêu thụ ở Quảng Bình.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản vụ việc, thu giữ số hàng hóa này, chờ làm rõ, xử lý nghiêm.
Mực khô làm bằng sắn và cao su bị thu giữ.
Những năm gần đây, tình trạng mực khô giả bán giá rẻ rộ lên tại nhiều nơi. Tại Hải Phòng từ cuối năm 2010 khiến Chi cục Quản lý thị trường nơi đây phải tiêu hủy hơn một tấn mực khô nhập lậu từ Trung Quốc.
Trước khi tiêu hủy, Chi cục gửi mẫu sản phẩm đi giám định và kết quả cho thấy, đây không phải là mực khô tự nhiên, hàm lượng xenlulo vượt quá chỉ tiêu cho phép. Lô hàng không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng.
Khi đưa đi tiêu hủy, lô mực bị bắt giữ 5 tháng mà không bị mốc, trong khi loại mực khô bình thường chỉ để nửa tháng trong điều kiện tự nhiên là bị mốc.
Trước đó, khi có thông tin tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận có mực khô và mực khô xé sẵn kém chất lượng, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) kiểm tra và nhận định các loại mực này được chế biến từ thịt cá xay, có thể là cá vụn hoặc xenlulo - một nguyên liệu được tổng hợp từ tinh bột hoặc bã nguyên liệu như củ sắn dây, bột sắn.
Cuối tháng 8/2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã giữ lô hàng chưa xác định được chủ sở hữu gồm 30 bao (tương đương 1,5 tấn) mực khô xé sợi. Số hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Sau khi đưa mẫu đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng 1,5 tấn trên đều là mực giả, thành phần không đúng với nguồn gốc tự nhiên của con mực.
Theo Phương Quỳnh (Tổng hợp)
Đất Việt