Hầm thủy điện không có cửa thông gió, gia cố bê-tông không liên tục lại để lao động nữ hợp đồng thời vụ, chưa có bảo hiểm vào bên trong làm việc.
Sáng 20-12, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm hiện trường để tìm nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Công an cũng đã thu thập tài liệu từ ông Phạm Đình Hiểu, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Xây dựng Sông Đà 505.
Kiểm tra bằng... mắt thường
Theo ông Hiểu, đường hầm này do Công ty Vinavico thi công trước đó rất lâu. Công ty CP Sông Đà 505 chỉ bắt đầu thi công công trình từ đầu năm nay nhưng chủ yếu làm các hạng mục nhà máy, đường ống áp lực, kênh dẫn nước; riêng đường hầm mới thi công hơn 1 tháng. Sáng 16-12, nhóm công nhân vào trong hầm dọn dẹp, láng xi-măng dưới đường hầm để chuẩn bị đổ bê-tông kết cấu thì bị sập. Ông Hiểu cho rằng trước khi làm đã vào kiểm tra bằng mắt thường nhưng không thấy có vấn đề gì cả nên yên tâm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về phương pháp thi công, ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty CP Sông Đà 505, thừa nhận: “Nếu là một đơn vị thi công đào hầm rồi gia cố bê-tông cố định sẽ tốt nhưng đây lại là một đơn vị trước đào và gia cố tạm bê-tông rồi sau đó lại một đơn vị gia cố cố định thì tính liên tục của việc thi công không được thống nhất. Tôi thì chỉ mới nhận việc đổ bê-tông cố định vỏ hầm thôi”.
Có nhiều dấu hiệu không bảo đảm an toàn lao động ở công trường thi công thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo Ảnh: KỲ NAM
Đặt vấn đề về thi công hầm thủy điện nhưng không có cửa thông gió để cung cấp dưỡng khí cho công nhân cũng như thoát hiểm khi xảy ra sự cố, ông Đạt chống chế rằng đã có đường ống bơm khí. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thời gian lắp đặt đường ống này thì ông Đạt thừa nhận nó chỉ mới được lắp sau khi xảy ra sự cố nhằm cung cấp ôxy cho những người mắc kẹt bên trong.
Trong số 12 nạn nhân có chị Đặng Thị Hồng Ngọc là nữ lại chỉ mới hợp đồng thời vụ, chưa có bảo hiểm nhưng vẫn được đưa vào bên trong hầm thủy điện để làm việc. Về vấn đề này, ông Đạt cho rằng vì nghĩ hầm ngắn và không nguy hiểm. “Chứ nguy hiểm thì đưa anh em vào làm gì. Ngọc vào để phục vụ ăn ca, nước nôi thôi” - ông Đạt phân bua.
Trong khi đó, theo đại tá Đặng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Cứu hộ Cứu nạn Cảnh sát PCCC TPHCM, mặc dù đường hầm đã đào từ lâu, nhiều vị trí không được chống đỡ bằng sắt thép nhưng khi thi công lại không có biện pháp gì để bảo đảm an toàn. “Làm như vậy là cực kỳ nguy hiểm, không nghĩ đến an toàn cho người lao động” - ông Dũng nhận xét.
Sẽ kiểm tra các công trình tương tự
Đề cập đến trách nhiệm để xảy ra sập hầm, ông Huỳnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng với công trình thủy điện thì ngành công thương chỉ quản lý về mặt nhà nước. “Trách nhiệm của chúng tôi chỉ tính toán lượng nước như thế có đủ áp lực để chạy máy phát điện hay không, lưu lượng nước về hồ có bảo đảm công suất phát điện không... Còn biện pháp thi công, thiết kế có đúng hay không là của ngành xây dựng” - ông Hải nói.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng vấn đề an toàn lao động là phải xem xét kỹ. “Sẽ có đánh giá nguyên nhân và chất lượng của công trình. Xem tổng thể từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ địa chất đến đơn vị thi công, biện pháp thi công, kể cả thi công đào hầm và thi công vỏ hầm” - ông Hùng khẳng định.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lưu ý các cơ quan chức năng xem chị Ngọc vào công trình để làm gì, có phải làm những công việc nặng nhọc nguy hiểm hay vào chỉ hỗ trợ hậu cần và từ đó xem xét trách nhiệm đơn vị thi công. “Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đặc biệt là an toàn lao động đối với những công trình rủi ro rất cao như thế này” - bà Mai đề nghị.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, sau khi các cơ quan chức năng có báo cáo về kết quả khám nghiệm hiện trường, tỉnh này sẽ đưa ra hướng xử lý. “Trên cơ sở đó sẽ kiểm tra, giám sát lại các công trình có liên quan hoặc tương tự” - ông Việt nói thêm.