Ngày 11/3, UB Thường vụ Quốc hội xem xét đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị dưới cấp tỉnh. Việc lập một huyện mới tại Kon Tum trên khu vực biên giới với Campuchia, việc nâng cấp thị xã Bắc Kạn lên thành phố thu hút nhiều tranh luận...
Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị dưới cấp tỉnh do Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thay mặt Chính phủ trình Thường vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu đề án đề án thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và thành lập mới huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum và nhận được sự tán thành của UB Thường vụ Quốc hội.
Trung tướng Bế Xuân Trường: "Hiện đang tái diễn tình trạng người Tây Nguyên bỏ sang đất Campuchia sinh sống
Tham gia ý kiến thêm, Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam lưu ý về việc lập mới huyện Ia H'Drai trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, đặt trong bối cảnh địa bàn, tình hình thực tế ở Tây Nguyên.
Tướng Trường ủng hộ việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Sa Thầy để thành lập thêm huyện mới Ia H'Drai là hoàn toàn hợp lý, bởi nhìn ở góc độ quốc phòng, an ninh thì huyện Sa Thầy hiện nay quá rộng, cần phải tách ra để đầu tư hạ tầng, xây dựng chính trị mạnh lên. Tuy nhiên, ông Trường khuyến cáo cần dồn lực đầu tư cho khu vực giáp biên này cũng như toàn bộ tuyến biên giới với Campuchia để đẩy bật được đời sống người dân lên mới mong củng cố được thế trận quốc phòng toàn dân tại địa bàn trọng yếu này.
Ông Trường lo lắng vì nhiều năm qua chưa đưa được người dân ra sinh sống ở khu vực giáp biên giới. Các dự án di dân ra biên giới đã được triển khai từ lâu nhưng thực tế hiện nay không còn nổi 10% dân số duy trì ở đó. Vì vậy, tính ra bình quân hiện tại mỗi lính biên phòng phải quản lý hơn 1km biên giới, khó đảm bảo.
“Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực khác của xã hội thì các huyện vùng sâu, vùng xa “muôn thủa” không phát triển được. Nếu chúng ta đầu tư một cách đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo ra sự bứt phá ở Tây Nguyên và các địa phương khác thì bà con dân tộc thiểu số sẽ tin tưởng, đồng lòng đi theo Đảng, nhà nước. Không làm được điều đó, để đời sống đồng bào mãi khó khăn chính là điểm yếu để kẻ thù khai thác, tấn công” – ông Trường nói.
Ông Trường đề xuất nhân rộng mô hình thành công của Binh đoàn 15, đã giữ được 2.000 dân tại một địa bàn trọng yếu trên tuyến biên giới này, đề nghị đưa một đơn vị của Binh đoàn tới huyện mới Ia H'Drai, tiếp tục gây dựng đời sống người dân rồi sau đó phát triển, di dân ra sát biên giới.
Cùng nhận định, Sa Thầy - Ia H'Drai là một vị trí chiến lược tại khu vực Tây Nguyên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh - Trung tướng Nguyễn Kim Khoa chỉ rõ, Sa Thầy chiếm nửa biên giới với Campuchia, nằm trong lõi phát triển của 3 nước (Việt Nam – Lào – Campuchia), vừa có vị trí phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Muốn giữ đoàn kết dân tộc, để đồng bào bảo vệ biên giới, ông Khoa nhấn mạnh, cần phải đảm bảo nhu cầu trước mắt và lâu dài của người dân.
“Do kích động, một số đồng bào đang vượt biên sang Campuchia nên phải đảm bảo quản lý và phát triển kinh tế. Tách huyện sẽ giúp xây dựng được hệ thống chính trị, phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó đảm bảo an ninh quốc phòng ổn định hơn” - Khoa “gật đầu” với đề xuất của Chính phủ.
Tiền đâu đầu tư đưa thị xã Bắc Kạn lên thành phố?
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.
Về đề án thành lập 2 phường thuộc thị xã Bắc Kạn và thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, theo phương án của Chính phủ, hai phường Xuất Hoá, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Xuất Hoá, Huyền Tụng. Phương hướng xây dựng, phát triển 2 phường này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.472,6 tỷ đồng.
Còn thành phố Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 13.688 ha diện tích tự nhiên, 56.818 nhân khẩu và 8 đơn vị hành chính cấp xã (6 phường và 2 xã) của thị xã Bắc Kạn, sau khi thành lập 2 phường nói trên.
Khi đó, thành phố Bắc Kạn có 13.688 ha diện tích tự nhiên, 56.818 nhân khẩu, 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường (Đức Xuân, Phùng Chí Kiên, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Xuất Hoá và Huyền Tụng và 2 xã Dương Quang, Nông Thượng.
Việc phát triển và xây dựng thành phố Bắc Kạn dự kiến có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 2.253,4 tỷ đồng (chiếm 35%).
Thẩm tra đề án này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi, với tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã Bắc Kạn hiện nay khoảng 222 tỷ đồng và chi ngân sách hàng năm khoảng 190 tỷ đồng thì nguồn ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư 2.253,4 tỷ đồng sẽ được bổ sung, cân đối từ nguồn nào?
Chung băn khoăn này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển làm phép tính, nguồn lực thực hiện đề án lên đến 43.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng, với điều kiện hiện tại, không thể một sớm một chiều có thể có ngay được số tiền đó, vậy bao giờ mới đủ để hoàn thiện các tiêu chí đề ra.
Báo cáo bổ sung, với đề án thành lập thành phố Bắc Kạn, Chính phủ trình bày, theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay các dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã Bắc Kạn có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng.
Trong đó vốn ngân sách trung ương và địa phương chiếm 35%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20%, vốn xã hội hóa chiếm 45%. Trong số 6.400 tỷ đồng nêu trên thì vốn cho giai đoạn 2015-2020 là 559 tỷ đồng, tập trung vào các công trình thương mại – dịch vụ, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị,…; số vốn còn lại cho giai đoạn 2020-2030 tập trung xây dựng thành phố Bắc Kạn theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Nguồn vốn đầu tư cho các đề án khác, theo giải trình, cũng đều được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, bên cạnh vốn ngân sách Trung ương còn có vốn đầu tư từ doanh nghiệp, vốn ngân sách địa phương.
Theo: P.Thảo - Dân trí