Từ 25-8-2014, điều tra viên phải thực hiện nghiêm các quy định tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, cấm bức cung, nhục hình, không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập...
Sài Gòn: Những cảnh ngang nhiên tiêm chích ma túy giữa trung tâm thành phố
- Cập nhật : 28/07/2014
Nhiều con nghiện ngang nhiên chích ma túy giữa chốn đông người; trong công viên, trước cổng bệnh viện, trên cầu bộ hành... thậm chí dải phân cách của một con đường lớn cũng trở thành “tụ điểm” để các con nghiện thỏa cơn ghiền. Thực trạng này gây bất an, lo lắng cho cộng đồng.
Chích hút tràn lan
"Ở đây tụi nó chích cả ngày lẫn đêm; ban đêm thì đông lắm. Có một số đứa đang đi trên đường bất ngờ lên cơn nên dừng lại lên đó chích rồi xuống chạy xe bạt mạng thấy ớn lắm"
Bà H., người bán quán gần đường Võ Văn Kiệt
Chiều 17.7, khu vực trước Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) người qua đường dễ dàng thấy nhiều con nghiện đang vật vã tựa vào tường rào bệnh viện như đang “hấp hối”. Bất chấp có đông người qua lại, con nghiện vẫn vô tư chích hút như chốn không người. Tại cầu bộ hành (trước cổng bệnh viện), PV bắt gặp 2 con nghiện đội mũ lưỡi trai, xăm trổ đầy người ngồi chích ma túy công khai. Hiện trường mà 2 con nghiện này để lại rất nhiều thứ: chai lọ, ống tiêm, lưỡi lam...
Dạo quanh một vòng ở khu vực này, PV còn phát hiện nhiều kim tiêm được các con nghiện vứt bừa bãi khắp nơi sau khi sử dụng: phía sau trạm xe buýt, trên tường rào bệnh viện, sau trạm biến áp... Đặc biệt, trên mái tôn của bệnh viện này hiện diện hàng trăm kim tiêm đã qua sử dụng nằm lăn lóc trông rất kinh hãi. Băng rôn tuyên truyền về phòng chống ma túy án ngữ ngay trên cầu bộ hành như để làm cảnh.
Trong quá trình ghi nhận, PV chứng kiến một phụ nữ vừa bước lên cầu bộ hành thì đã hốt hoảng quay đầu bỏ chạy vì thấy kim tiêm còn dính máu nằm la liệt. “Ngày nào tụi nó chẳng tụ tập ở đây chích ma túy nên nhiều người không dám đi cầu bộ hành. Nhiều lúc kẹt xe sợ băng qua đường nguy hiểm nhưng tui cũng đành đi đại, vì lên cầu bộ hành lỡ đạp phải kim tiêm của tụi nó...” - một người nhà bệnh nhân nói.
Không chỉ ở khu vực trước Bệnh viện Ung bướu, các con nghiện còn nhởn nhơ, công khai chích ma túy ở nhiều nơi khác trên địa bàn TP.
Trưa 19.7, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cầu bộ hành số 9 trên đường Võ Văn Kiệt, chai lọ, kim tiêm còn dính máu của con nghiện cũng vứt đầy dưới gốc các cây bông giấy. Cùng ngày, trên cầu bộ hành số 7 (đoạn nằm giữa P.1, Q.6 và P.13, Q.8), PV bắt gặp một phụ nữ ốm yếu đang vô tư ngồi chích ma túy. Dù đông người qua lại nhưng con nghiện này vẫn thản nhiên ngồi pha chế và chích liền 2 mũi vào cánh tay, phê thuốc ngồi đờ đẫn chừng 10 phút rồi bỏ đi. “Ở đây tụi nó chích cả ngày lẫn đêm; ban đêm thì đông lắm. Thường thì bên Q.8 qua chích, có một số đứa đang đi trên đường bất ngờ lên cơn nên dừng lại lên đó chích rồi xuống chạy xe bạt mạng thấy ớn lắm” - bà H., người bán quán gần đó, bức xúc nói.
Ngoài ra, khu vực dưới chân cầu Sài Gòn, cầu Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kim tiêm cũng xếp lớp từ bên ngoài cho đến dưới gầm cầu. Đây là khu vực rất kín đáo nên trở thành địa điểm “lý tưởng” cho con nghiện thỏa cơn nghiện.
Ngay cả khu vực trung tâm TP con nghiện cũng không e dè. Ngày 24.7, tại công viên 23.9 (Q.1) có nhiều con nghiện nằm vật vờ trên ghế đá. Dù ở đây có rất đông lực lượng bảo vệ dùng xe gắn máy rà soát, kiểm tra nhưng các con nghiện vẫn cứ ngang nhiên chích ma túy. Nhiều con nghiện sau khi chích thì đi rửa kim tiêm rồi cất giấu trên các cây hoa giấy để lần sau sử dụng tiếp.
Hết lớp này đến lớp khác
Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng con nghiện chích ma túy trước khu vực cổng Bệnh viện Ung bướu, ông Nguyễn Văn Bá, Phó công an P.7 (Q.Bình Thạnh), cho rằng: “Từ đầu năm 2014 đến nay, phường đã phát hiện và xử lý 9 trường hợp tiêm chích ma túy ở khu vực bệnh viện này, bao gồm cả cầu bộ hành. Một số đối tượng có hộ khẩu ở TP thì bàn giao lại cho địa phương xử lý, còn những trường hợp lang thang thì đưa lên các trạm trung chuyển. Tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý triệt để vì xử lý hết lớp này thì lớp khác đến...".
Hơn nửa năm đã trôi qua, các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và trung tâm cai nghiện bắt buộc do TAND ra quyết định vẫn “án binh bất động” trong khi đó con nghiện tung hoành ngang dọc, vô tư chích hút công khai. Đây là thực trạng đáng báo động về tình hình an ninh trật tự.
Từ đầu năm đến nay, số con nghiện gây án (trộm cắp, cướp giật...) đang có chiều hướng gia tăng; trong đó có nhiều vụ thủ phạm tỏ ra manh động, táo tợn gây bức xúc dư luận. Một trưởng công an phường ở Q.Gò Vấp than phiền: “Nhiều tháng nay, công an phường bắt giữ con nghiện về đều xử phạt hành chính, đồng thời vận động họ đến trung tâm y tế dự phòng của địa phương uống thuốc methadone (chất điều trị nghiện)... Nếu công an phường phát hiện bị xử lý hành chính lần đầu thì cho về nhưng tái phạm lần 2 thì bàn giao họ về địa phương quản lý giáo dục”. Song chính vị này cũng băn khoăn về hiệu quả của cách xử lý này.
Một số cán bộ theo dõi lĩnh vực ma túy của quận, huyện ở TP.HCM đều lo lắng về mối nguy hại từ “cái chết trắng” này. Tuy nhiên, số con nghiện này không thể đưa đi cai nghiện tập trung bắt buộc được bởi theo quy định mới phải có quyết định của TAND, trong khi phía TAND thì còn chờ phải có hướng dẫn của TAND tối cao mới tiến hành. Hầu hết kinh tế gia đình con nghiện đều khó khăn nên việc đưa con nghiện đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện tư nhân là không khả thi. Thêm vào đó, cho dù gia đình con nghiện có đủ điều kiện kinh tế đưa con nghiện vào trung tâm cai nghiện tư nhân nhưng con nghiện không chịu ký vào thủ tục thì trung tâm cai nghiện tư nhân cũng không dám nhận. Thực tế, ít có con nghiện nào đi cai nghiện tự nguyện.
Tạm giữ người nghiện trong lúc chờ đưa đi cai nghiện
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, nhìn nhận tình trạng nghiện ngập, sử dụng ma túy công khai nơi công cộng là vấn đề rất đáng lo ngại. Theo ông Danh, từ khi có quy định mới về xử lý người nghiện (trước đây thẩm quyền quyết định áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục thuộc về UBND các cấp, nhưng từ khi luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì đã chuyển quyền sang TAND các cấp - PV), từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP chưa có trường hợp nào được đưa vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Số người tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng rất ít (chưa tới 10 người). Chính quyền xã, phường, trị trấn có trách nhiệm quản lý giáo dục người nghiện nhưng trên thực tế là “không đủ lực”. Nhiều đại biểu HĐND TP cũng rất lo lắng về thực trạng này, vì thực tế cho thấy nạn cướp giật, trộm cắp... phần lớn đều có liên quan đến người nghiện. UBND TP đã giao Sở LĐ-TB-XH nghiên cứu, đề xuất T.Ư cho TP thực hiện những biện pháp giải quyết người nghiện phù hợp với điều kiện đặc thù của TP, theo hướng người nghiện khi bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị tạm giữ trong lúc chờ đưa đi cai nghiện nhằm ngăn ngừa những hệ lụy làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. “Trước mắt, tòa án và các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhanh, đồng bộ về mặt hoàn tất thủ tục pháp lý để việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc kịp thời hơn, không còn để kéo dài, chậm trễ như hiện nay. Riêng các địa phương cần chủ động theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người nghiện, có chính sách hỗ trợ hiệu quả người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng”, ông Danh nói.
Đình Phú - báo Tuổi Trẻ