Sáng 20.6, dự án Luật công chứng đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành 90,16%. Luật mới sẽ có hiệu lực từ 1.1.2015, theo đó quy trách nhiệm về nội dung dịch thuật cho công chứng viên.
Theo Luật công chứng mới sửa đổi, lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người phiên dịch, có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý, quy định như vậy đồng nghĩa với việc công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thành của bản dịch so với văn bản gốc. Yêu cầu này cũng buộc công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch.
Ủy ban Thường vụ QH cũng cho rằng, do công chứng là công việc pháp luật có tính chuyên sâu cao, nên có bằng cử nhân luật là tiêu chuẩn tối thiểu cần phải có để trở thành công chứng viên. Ngoài ra, tiêu chuẩn công chứng viên còn gồm: Có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng... Ủy ban thường vụ QH đề nghị chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên, tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo luật đã được bỏ nội dung “không vì mục đích lợi nhuận” trong các nguyên tắc hành nghề công chứng, vì không khả thi, không khuyến khích được việc xã hội hóa hoạt động công chứng. Dự thảo luật vừa được thông qua cũng không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.
Cùng ngày, QH đã thảo luận 2 dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).