Do nhập nhèm giữa thực phẩm và thuốc, người dùng dễ bị tiền mất, tật mang khi quá tin vào thực phẩm chức năng
Sau khi thực phẩm chức năng (TPCN) An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) nhập khẩu từ Triều Tiên bị phát hiện có hàm lượng kim loại độc cao hơn nhiều lần mức cho phép, dư luận lại không khỏi hoang mang về chất lượng của nhiều loại TPCN được bán với giá “ngất ngưởng”.
Rất nguy hiểm nếu nhầm lẫn
Mới đây, trong văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (ATTP) về việc xử lý ACNHH có hàm lượng kim loại độc quá cao, Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho rằng việc sử dụng sản phẩm này dưới dạng TPCN là nguy hiểm. Bởi lẽ, không chỉ hàm lượng kim loại độc quá cao, sản phẩm này còn chứa những dược liệu có độc tính được sử dụng làm thuốc như hùng hoàng, thần sa, chu sa và dạ hương…
Sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn bị thu hồi và tiêu hủy do có hàm lượng kim loại nặng cao
Sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn bị thu hồi và tiêu hủy do có hàm lượng kim loại nặng cao
Ngoài ACNHH vừa bị tiêu hủy, hiện còn 3 sản phẩm TPCN cùng tên đã được công bố chất lượng tại Cục ATTP. Trong khi đó, tại Cục Quản lý dược cũng có đến 4 sản phẩm ACNHH đã được cấp số đăng ký lưu hành là thuốc. Theo quy định, nếu là thuốc thì phải chịu sự quản lý về chất lượng, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; còn với TPCN, người tiêu dùng có thể sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vì vậy, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn trong nhóm sản phẩm cùng tên này.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, việc cấp đăng ký sản phẩm dựa vào quốc gia sản xuất. “Ở Hàn Quốc, Triều Tiên, ACNHH bán dưới tên gọi là TPCN thì khi vào nước ta cũng phải coi đó là TPCN. Tới đây, Cục ATTP sẽ có kế hoạch rà soát về chất lượng, tiêu chuẩn… toàn bộ TPCN cùng tên với sản phẩm này, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia về việc có tiếp tục cho lưu hành sản phẩm này dưới dạng TPCN hay không” - ông Trung cho biết.
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 - cho biết ACNHH là bài thuốc quý trong đông y, có từ hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, nếu coi sản phẩm này là TPCN thì rất nguy hiểm vì trong thành phần có chứa một số kim loại nặng. Vì vậy, việc sử dụng phải tuân thủ ý kiến của bác sĩ, không được dùng tùy tiện.
Từng chứng kiến nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não dùng ACNHH như “bùa hộ mệnh” nhưng sau đó bị biến chứng, thậm chí tử vong, PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhấn mạnh không được tùy tiện dùng ACNHH vì có dược chất chống đông. “Đang bị xuất huyết máu não, cần cầm máu, bệnh nhân lại uống ACNHH khiến máu chảy nhiều hơn dẫn đến nguy hại” - PGS Nguyễn Gia Bình dẫn chứng.
Quảng cáo như thần dược
Không chỉ sản phẩm ACNHH bị “tố” vì sự nhập nhèm giữa thuốc và TPCN, thời gian qua, hàng chục loại TPCN đã bị cơ quan quản lý “sờ gáy”, thậm chí đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy vì quảng cáo thổi phồng công dụng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Hầu hết những TPCN này đều được “đẩy” thành “thần dược” như nhanh chóng lấy lại vóc dáng, nhan sắc, chống ung thư, chữa bệnh “khó nói”, thậm chí chữa bách bệnh. Thế nhưng, theo kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN được công bố mới đây, có đến gần 2.000/4.500 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Trong 97 sản phẩm TPCN được kiểm nghiệm chất lượng, có 17 mẫu không đạt. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là hàm lượng một số vitamin, khoáng chất hoặc axít amin… trái ngược với quảng cáo.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP, thừa nhận dù cục đã rất quyết liệt thanh tra, kiểm tra và xử lý trong lĩnh vực này song những vụ vi phạm được phát hiện chỉ là phần nhỏ so với thực tế. Trong quảng cáo TPCN, những vi phạm thường gặp là không xin phép, chưa được cấp phép hoặc thổi phồng công dụng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm như thuốc.
Trước thực trạng này, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nhận định thị trường TPCN đang bị thả nổi, chưa chặt chẽ trong hậu kiểm chất lượng. Trong khi thuốc có những yêu cầu nghiêm ngặt về người bán, quy trình cấp phép, thử nghiệm lâm sàng, bác sĩ kê đơn... thì với TPCN, ai bán, ai sản xuất cũng được.
Theo ông Đáng, cả nước hiện có khoảng 6.800 mặt hàng TPCN. Trong khi số lượng mặt hàng tăng rất nhanh nhưng luật pháp lại chưa có quy định chặt chẽ về quản lý trong sản xuất, kinh doanh và công bố chất lượng của TPCN dù sản phẩm này liên quan đến sức khỏe.
“Ở nước ngoài, muốn sản xuất TPCN phải bảo đảm 3 tiêu chí: vùng nguyên liệu an toàn, nhà máy sản xuất phải có quy trình công nghệ đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt và sản phẩm phải được đánh giá, thử nghiệm trên lâm sàng. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm TPCN của Việt Nam chỉ dựa vào dân gian và kinh nghiệm. Chính vì điều kiện để TPCN được lưu hành ở Việt Nam quá dễ, việc sản xuất sản phẩm này mới tràn lan, thiếu kiểm soát và ảnh hưởng đến chất lượng” - ông Đáng nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng và xử phạt nặng đối với sản phẩm TPCN vi phạm. Ba tháng qua, hơn 10 sản phẩm TPCN đã bị rút giấy công bố chất lượng, đình chỉ lưu hành và thu hồi tiêu hủy. Theo ông Phong, để lập lại trật tự thị trường TPCN, trước tiên cần siết chặt hoạt động quảng cáo.
Mỗi năm có cả ngàn hồ sơ quảng cáo
Mỗi năm, Cục ATTP tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng tới 90% hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung cho đúng với tác dụng của sản phẩm.
Quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh là không chính xác vì TPCN không phải thuốc. Theo quy định của Bộ Y tế, trong bao bì TPCN phải ghi “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Bài và ảnh: Ngọc Dung - Theo Người Lao Động