Dự báo xấu nhất đến năm 2050, VN sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu đàn ông nếu không ngăn chặn được mức gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chênh lệch bé trai/bé gái liên tục tăng trong các năm qua - Ảnh: Thanh Tùng
Nhà giàu, học vấn cao “khát” con trai
Tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nới rộng như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy nhiều nam giới sẽ lâm vào cảnh phạm pháp, cô đơn, trầm cảm, còn phụ nữ sẽ chịu nguy cơ bị cưỡng bức, buôn bán. Ngoài ra, cũng cần xét đến nguy cơ thừa nam cũng là yếu tố gia tăng xu hướng đồng tính nam
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế
“Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) bình thường là 104 - 106/100 nhưng năm 2013, tỷ số này lên đến 113,8 bé trai/100 bé gái; 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục nhích hơn 114 bé trai/100 bé gái”. Thông tin trên được ông Phạm Năng An, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cho biết tại buổi họp báo về chiến dịch truyền thông giảm mất cân bằng giới tính khi sinh do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức ngày 23.9 tại Hà Nội.
Theo số liệu công bố tại cuộc họp, tỷ số giới tính cao nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng với 115,4/100; tiếp đến là trung du và miền núi phía bắc (108,4) và duyên hải miền Trung (109,8). Tỷ số này thấp nhất ở vùng Tây nguyên 105,6 (tương đương với mức bình thường). Còn tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long là 110 - 110,1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc lựa chọn sinh con trai phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý, nó là vấn đề xã hội chứ không chỉ phụ thuộc điều kiện kinh tế. Ông Tiến dẫn chứng: Tại TP.HCM, các điều kiện về y tế cho lựa chọn giới tính khi sinh, chẩn đoán sớm giới tính khi sinh cũng như điều kiện kinh tế đều cho phép. Thậm chí nhiều kỹ thuật ứng dụng tại TP.HCM thực hiện trước Hà Nội nhưng tại TP này và các tỉnh lân cận, mức chênh lệch bé trai/bé gái thấp hơn hẳn so với vùng đồng bằng sông Hồng. “Thậm chí, phụ nữ ở vùng này còn có xu hướng lười sinh, với số con trung bình/phụ nữ tuổi sinh đẻ tại TP.HCM, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ thấp hơn so với mức trung bình cả nước với 1,3 - 1,6 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ”, ông Tiến cho biết.
Ngoài TQ, nhiều nước châu Á cũng bị mất cân bằng giới tính khi sinh. Điển hình là Ấn Độ với tỷ lệ 112 nam/100 nữ. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là gánh nặng của hồi môn của những gia đình có con gái lấy chồng. Gia đình càng “cao quý” thì của hồi môn cho con gái càng phải lớn để chứng tỏ được “đẳng cấp”. Ngoài châu Á, nhiều nước Đông Âu và Đông Nam Âu cũng bị mất cân bằng giới tính (từ 110 - 117 nam/100 nữ) do quan điểm trọng nam khinh nữ, như Azerbaijan, Armenia, Albania, Georgia. Ngay cả các nước Tây và Nam Âu như Anh và Ý cũng ghi nhận sự mất cân bằng nam/nữ ở cộng đồng người nhập cư Ấn Độ, TQ...
Lan Chi
Các điều tra vừa qua cũng cho thấy, các cặp vợ chồng có trình độ học vấn càng cao thì tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ ở mức 105,9 (mức bình thường), trong khi ở nhóm phụ nữ làm việc trong khu vực công, số bé trai/bé gái được sinh ra tăng lên đến 112,4/100. Hay ở nhóm phụ nữ có trình độ cao đẳng, tỷ số bé trai/bé gái chênh lệch lên đến 113,9/100. Trong khi đó, ở nhóm các bà mẹ không biết chữ, trình độ tiểu học thì tỷ số chênh lệch bé trai/bé gái thấp hơn hẳn: 107,4/100.
Thừa nam cũng là yếu tố gia tăng xu hướng đồng tính nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Dự báo xấu nhất đến năm 2050, VN sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới nếu không ngăn chặn được mức gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo ông Tiến, mức chênh lệch bé trai/bé gái đặc biệt cao tại một số xã thuộc vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ số giới tính khi sinh là 150 bé trai/100 bé gái. “Tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nới rộng như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy nhiều nam giới sẽ lâm vào cảnh phạm pháp, cô đơn, trầm cảm, còn phụ nữ sẽ chịu nguy cơ bị cưỡng bức, buôn bán. Thậm chí còn nguy cơ kết hôn cận huyết thống do nữ thanh niên bị ngăn cản kết hôn với người bên ngoài làng, xã. Ngoài ra, cũng cần xét đến nguy cơ thừa nam cũng là yếu tố gia tăng xu hướng đồng tính nam”, ông Tiến lo ngại.
Ông Tiến cũng cho rằng, tính khả thi của các biện pháp xử phạt đơn vị, cá nhân lựa chọn giới tính khi sinh là rất thấp, chưa hiệu quả bởi vì không bắt được quả tang, họ thực hiện với nhiều hình thức kín đáo.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết thêm trong 3 - 4 năm qua, mới chỉ có 2 - 3 vụ việc siêu âm lựa chọn giới tính khi sinh bị xử phạt. Trong khi thực tế phần lớn các cặp vợ chồng ở TP biết giới tính của con mình trước khi sinh. “Tới đây sẽ có chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng nghèo, sinh con theo đúng chính sách sẽ được hỗ trợ một lần 2 triệu đồng. Nhưng việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nếp nghĩ, thay đổi tâm lý phân biệt con trai - con gái mới là yếu tố quyết định để giảm việc lựa chọn sinh con trai, dẫn đến mất cân bằng giới tính trong tương lai”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Hậu quả khó lường
TS Tine Gammeltoft, tác giả của nhiều báo cáo về mất cân bằng giới tính tại VN, nhận định với Thanh Niên: “Trên thực tế, thậm chí còn có nhiều bằng chứng con gái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ còn tốt hơn cả con trai. Nhưng về mặt định kiến chung, định kiến con trai là trụ cột trong gia đình vẫn chưa thể được thay đổi trong ngày một ngày hai. Do vậy, để thay đổi triệt để quan niệm của xã hội về vấn đề này, tôi cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu chứng minh và hướng sự chú ý công luận vào vai trò của người nữ trong gia đình. Chúng ta cần thêm những bằng chứng cho thấy các gia đình không có con trai, chỉ sống với con gái, thực ra vẫn đang sống rất tốt như thế nào”.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển KT - XH của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Một hệ quả khác của việc mất cân bằng giới là tỷ lệ người đồng tính nam có thể gia tăng và nếu như định kiến xã hội, chính sách pháp luật không điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của cộng đồng này, hậu quả sẽ rất khó lường.
An Điền
Gánh nặng từ chính sách con một ở Trung Quốc
Chính sách con một được áp dụng từ năm 1979 tại Trung Quốc (TQ) đã dẫn đến nhiều vấn đề về xã hội học và nhân khẩu học.
Một trong những hậu quả lớn nhất của chính sách này là mất cân bằng về giới tính khi sinh. Do truyền thống xem trọng việc “nối dõi tông đường”, người TQ vẫn mong muốn có con trai và khi chỉ được sinh 1 con, rất nhiều gia đình đã chọn giải pháp phá thai khi xác định được thai nhi là bé gái. Theo tờ Nhân Dân nhật báo, thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ nam/nữ ở TQ là 117,6/100, thậm chí ở nhiều địa phương còn lên đến 130/100. Trong khi vào năm 1980, tỷ lệ này là 107/100, tức gần sát với “tỷ lệ tự nhiên” (104 - 106/100).
Tính từ khi bắt đầu chính sách con một đến nay, tại nước này, nam giới hiện đông hơn gần 40 triệu người so với nữ giới. Trên thực tế, rất nhiều chuyên gia TQ đã cảnh báo về tình trạng dân số già ở nước này. Cụ thể, một nhà nghiên cứu thuộc ĐH Nhân dân TQ cho biết: “Nếu không gấp rút thay đổi, đến giữa thế kỷ 21, TQ sẽ có dân số già nhất thế giới, với khoảng 100 triệu người trên 80 tuổi”.
Để giảm bớt tình trạng mất cân bằng giới tính, TQ đã thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích các gia đình có con gái: hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, cấp học bổng... Bên cạnh đó, cuối năm 2013, Bắc Kinh cũng chính thức nới lỏng quy định về con một: những cặp vợ chồng mà 1 trong 2 người là con một thì có quyền sinh 2 con.
Lan Chi