Bên cạnh những thông tin có ích, có rất nhiều những thông tin bạo lực, kích dục, lừa đảo, tuyên truyền lối sống đồi trụy… trên Internet.
Ngày 29-12-2014, Chính phủ đã họp hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015. Trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, vấn đề thông tin, cung cấp thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập.
35% tri thức mới có từ nguồn Internet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015”.
Tại hội nghị, bộ trưởng Bộ Công an và bộ trưởng Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đấu tranh kiên quyết với thông tin xấu, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.
Ý kiến của hai bộ trưởng là một thực tế bức xúc đang đặt ra, cần được xử lý đồng bộ trong thời gian trước mắt cũng như về lâu dài.
Hơn 15 năm trước, Internet đã tìm đường vào Việt Nam. Không ngoảnh lưng trước thực tế, coi đây là một thành tựu của chung nhân loại, một phương tiện rất quan trọng của quá trình hội nhập, Nhà nước ta đã rộng cửa cho Internet phát triển, thậm chí từ chủ trương “quản lý được đến đâu mở cửa đến đấy” đến “phát triển đến đâu quản lý đến đấy” đầy cởi mở.
Nhờ hàng loạt chủ trương, chính sách đi tắt đón đầu, nhanh chóng vươn lên tầm hiện đại như vậy, từ chỗ là một nước có trình độ thông tin thấp kém trong khu vực, chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, không chỉ trong khu vực mà với cả châu Á và thế giới.
Hiện nay có 50% dân số cả nước biết về tin học, 35% dân số đã dùng công nghệ thông tin hiện đại trong đời sống, trong đó 20% dân số đã dùng Internet để đọc báo, trao đổi thông tin.
Tuy chưa có cuộc thăm dò riêng nhưng giới chuyên gia nêu một con số: 35% tri thức mới thu được trong lớp trẻ hiện nay là từ nguồn Internet.
Rõ ràng chủ trương đó rất đúng vì Internet rất có lợi, cái lợi đó ai cũng thấy. Giờ đây, không chỉ cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp mà đến ngay từng người dân đều không thể thiếu Internet trong đời sống của mình.
Trên máy tính văn phòng, máy tính bảng, điện thoại di động… từ mua bán, giải trí đến xem gì ở đâu, rồi du lịch, thời tiết, thời trang, thậm chí cả việc cất giữ tiền bạc… người ta đều cần đến sự giúp đỡ của Internet.
Với những người lao động trí óc, Internet cũng… đảo lộn không ít công việc và thói quen của họ.
Nhờ có Internet, người ta không cần lưu giữ báo chí, tài liệu, không cần đi nhiều nếu không có điều kiện, thậm chí nhiều khi không cần thuộc lòng một bài thơ, không cần có cuốn sách trong tay mà vẫn làm việc được về cuốn sách hay bài thơ đó.
Với các doanh nghiệp, một hệ máy tính và những kiến thức tin học có thể rút bớt được hàng chục đến hàng trăm lao động kế toán, tài vụ, thông tin thị trường…
Với lớp trẻ, ngay cả yêu đương cũng… biến đổi vì Internet. Bộ GD&ĐT đã đưa chương trình tin học vào các trường phổ thông.
Nhưng bên cạnh mặt tích cực, Internet cũng có vô số mặt tiêu cực khi người sử dụng mang ý đồ xấu.
Khoét sâu vào những yếu kém
Bên cạnh những thông tin có ích là rất nhiều thông tin bạo lực, kích dục, lừa đảo, tuyên truyền lối sống đồi trụy…
Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ của nó là những thông tin độc hại, xuyên tạc, hạ thấp uy tín cá nhân, lung lạc nhân tâm, gây nghi ngờ mất đoàn kết nội bộ, khoét sâu vào những yếu kém, làm suy giảm niềm tin với Đảng và Nhà nước, chống phá chế độ… của những đối tượng bất mãn, thù địch.
Những đối tượng này triệt để lợi dụng các tiện ích của công nghệ thông tin hiện đại như rẻ tiền, gọn nhẹ, có thể nặc danh, tán phát thông tin nhanh và dễ dàng cùng một lúc có đông công chúng… để tác động vào người đọc, nhất là giới trẻ.
Trước đây khi chưa có Internet, việc tuyên truyền chống phá khó khăn hơn nhiều vì muốn đưa vào trong nước một tài liệu xấu từ nước ngoài phải in băng hoặc in ra giấy gửi giấu giếm qua những chuyến máy bay nhưng bị hải quan phát hiện, thế là hết!
Vì thế khi đó, để ngăn chặn những tài liệu xấu, chỉ cần có lực lượng kiểm soát ở hai sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài là coi như đủ.
Còn giờ đây, hằng ngày hằng giờ, những tài liệu như thế có thể được tán phát trên mạng. Những trung tâm chiến tranh tâm lý bên ngoài trước kia muốn có một tài liệu từ trong nước phải vô cùng khó và tốn thời gian, nay chỉ cần một cú nháy chuột và vài phút chờ đợi...
Trước đây, cần tụ tập đông người phải rất tốn công thông tin, vận động, giờ cần chỉ một máy tính hoặc máy điện thoại. Có rất nhiều những thí dụ như thế.
Cho nên, những thông tin độc hại này thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân, trên phần phản hồi (comment) các báo điện tử, đôi khi thành từng đợt, thành phong trào kiểu đánh “hội đồng”, “cả vú lấp miệng em”.
Những thông tin độc hại, bịa đặt này thường nặc danh, khó đoán biết là ai, thả sức kích động, chửi bới, nhục mạ kẻ khác, đầy hằn học và vô trách nhiệm.
Chúng ta, nhất là những người quen sử dụng mạng, từng được chứng kiến những thông tin xấu về người nọ, người kia; mối quan hệ giữa họ; thậm chí hoạt động của các cơ quan quyền lực cao nhất được bịa đặt và tung lên Internet.
Sự bịa đặt lố bịch đó rất dễ thấy nhưng vẫn để lại không ít tác động xấu nhờ sự lan truyền, lặp đi lặp lại nhằm lung lạc những người ngây thơ.
Điều này không chỉ có ở Việt Nam mà còn tại mọi nơi trên thế giới, có nơi còn nghiêm trọng hơn khiến vấn đề ngăn chặn các thông tin vu cáo, bịa đặt trở thành nỗi đau đầu chung trên các diễn đàn quốc tế.
Có biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự an ninh
Vấn đề ngăn chăn các thông tin tiêu cực trên internet cũng làm nảy sinh khái niệm chủ quyền thông tin được nhiều quốc gia ủng hộ.
Theo khái niệm này, một nước được quyền có các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự an ninh về thông tin hoặc do thông tin mang lại trước tác động của Internet.
Lúc thường đã vậy, những thời điểm đặc biệt và nhạy cảm như trước các kỳ đại hội, những dịp bầu cử ứng cử, kỷ niệm lớn… những thông tin độc hại này càng nhiều.
Chúng len lỏi vào từng ngõ ngách, tìm đến từng người, kích động những nơi sâu kín trong tư tưởng họ, như một đội quân tư tưởng vô hình nhưng rất đông đảo, thường trực và rất nguy hiểm. Năm 2015 là năm của nhiều ngày kỷ niệm lớn (thành lập Đảng, thành lập nước, ngày giải phóng miền Nam, ngày sinh Bác Hồ) và nhất là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc XII, đây là cơ hội để những phần tử chống đối tung tin, kích động, chống phá ta về mọi mặt, nhất là lĩnh vực dư luận, tư tưởng của các thế lực khác quan điểm, bất mãn, thù địch.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành thông tin - truyền thông, công an, chính quyền, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân để ngăn chặn các thông tin độc hại này không phải là hạn chế tự do báo chí, mà là một việc làm cần thiết để bảo vệ lẽ phải, quyền dân chủ và chủ quyền thông tin của mỗi người.
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, nhiều loại hình mới về thông tin ra đời như các mạng xã hội, blog, các cơ quan lưu trữ và tìm kiếm thông tin và có thể còn có thêm những cách thông tin khác mà hiện nay chúng ta chưa hình dung hết...
Nhưng dù có rất nhiều phương pháp khác nhau, các phương pháp này luôn có hai mặt chung là tích cực và tiêu cực.
Mặt tích cực cần mở đường cho phát triển, ngược lại mặt tiêu cực cần kiên quyết ngăn chặn, không vì bất cứ lý do ngụy biện nào như tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền các thế lực chống đối thường rêu rao mà hữu khuynh, nương nhẹ.
Theo nhà báo Vũ Duy Thông (TBT Báo điện tử Tầm nhìn) - Chinhphu.vn