Trong lúc truy đuổi hai nhóm thanh niên đang dùng súng truy sát nhau tại khu vực ngã ba Tiền Trung, phường Ái Quốc (TP Hải Dương), Thượng úy Triệu Quang Khởi, Phó trưởng CA phường đã bị một thành niên rút súng bắn.
Mổ xẻ vụ giàn khoan Hải Dương-981 phát hiện mỏ khí lớn trên Biển Đông
- Cập nhật : 18/09/2014
Giới phân tích cho rằng thông tin giàn khoan nước sâu Hải Dương-981phát hiện được một mỏ khí lớn trên Biển Đông là minh chứng nữa cho tham vọng khoan nước sâu của Trung Quốc và nó cũng phục vụ 2 lợi ích chiến lược của Bắc Kinh: độc chiếm Biển Đông và thỏa mãn cơn khát năng lượng.
“Mở cánh cửa ra toàn bộ Biển Đông”
Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 15/9 đã thông báo giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này Hải Dương-981, đã phát hiện được một mỏ khí lớn được đặt tên là Lingshui 17-2 ở Biển Đông.
Theo CNOOC, mỏ khí này nằm cách nam đảo Hải Nam 150km. Và giàn khoan phát hiện mỏ khí mới này chính là giàn khoan đã gây ra cuộc khủng hoảng từ tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua khi được Trung Quốc cho triển khai vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa xã, cho hay mỏ khí nằm ở độ sâu trung bình 1.500m và được xếp vào loại “mỏ khí siêu nước sâu”.
Việc khai thác thành công mỏ khí này sẽ là minh chứng lớn trước những ai còn “nghi ngờ về khả năng tìm khí đốt tự nhiên ở những vùng nước sâu của CNOOC”, Tân Hoa xã cho hay.
Đại diện của CNOOC cho biết trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV rằng Trung Quốc “về mặt công nghệ giờ đây có khả năng khoan ở bất kỳ đâu trong Biển Đông”.
Ngoài ra, CNOOC cũng đặc biệt hài lòng với trữ lượng khí ước tính của mỏ Lingshui 17-2. Giám đốc Xieo Yuhong của CNOOC đã được Tân Hoa xã dẫn lời cho biết “mỏ khí sẽ sản xuất 1,6 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 9.400 thùng dầu lỏng mỗi ngày”.
Ông Xie còn cho biết thêm mỏ khí “có thể rất lớn” mà Tân Hoa xã cho rằng “ít nhất là 30 tỷ m3” khí đốt. Tuy nhiên cần phải đợi kiểm tra thêm để khẳng định ước tính.
Ông Xie cũng nhấn mạnh mỏ khí có dòng khí cao nhất trong tất cả các mỏ khí CNOOC đã từng thử nghiệm.
Tuy nhiên, chủ tịch CNOOC Wang Yilin cũng nói rõ rằng việc khai thác Lingshui 17-2 mới chỉ bắt đầu. Ông hi vọng phát hiện mỏ khí mới này sẽ mở ra cánh cửa khai thác trên toàn bộ Biển Đông. Vì vậy giới phân tích cho rằng, trong tương lai, căng thẳng ngoại giao mùa hè như mùa hè năm nay có lẽ sẽ trở thành “cơm bữa”.
2 lợi ích chiến lược
Trong một dấu hiệu khác cho thấy CNOOC muốn tăng cường mở rộng khai thác trên Biển Đông, tờ Wall Street Journal tuần trước lưu ý, CNOOC đang mời các công ty nước ngoài “đấu thầu một số lượng lô dầu khí lớn chưa từng có tiền lệ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc”.
CNOOC đã công bố mời thầu 33 lô dầu khí ngoài khơi, tăng từ con số 25 so với năm ngoái. Tuy nhiên, cho tới nay, các cơ quan nước ngoài có vẻ ít hứng thú tham gia đấu thầu những lô này, do chi phí phát triển và khai thác lớn.
Giới phân tích cho rằng việc tăng số lượng lô dầu khí mời thầu có thể là nhằm phản ứng với thông tin Việt Nam-Ấn Độ nhất trí mở rộng hợp tác dầu khí trên Biển Đông. Trung Quốc đã từng cảnh báo công ty Ấn Độ, ONGC Videsh Ltd., rằng hoạt động như vậy là “vi phạm chủ quyền Trung Quốc”.
Giới phân tích cũng nhận định tất cả các dấu hiệu đều dẫn đến thực tế là tham vọng khoan nước sâu ngày một lớn của Trung Quốc. Ngoài Hải Dương-981, giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc, CNOOC còn có 3 giàn khoan cùng cỡ nữa đang được triển khai. Theo tờ Wall Street Journal, giàn khoan tiếp theo Hải Dương-982 dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2016.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc đang đẩy nhanh tham vọng khoan nước sâu bởi điều này còn phục vụ cho 2 lợi kích chiến lược lớn của Trung Quốc. Thứ nhất là khẳng định cho tuyên bố chủ quyền phi lý rộng khắp của nước này ở Biển Đông. Thứ hai là giảm sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Khai thác dầu khí nước sâu giúp Trung Quốc vừa chứng tỏ nước này kiểm soát được các vùng nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong khi cho phép phát hiện những nguồn năng lượng mà Trung Quốc đang rất khát.
Trung Quốc là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu khí nhập khẩu, với 58% dầu và 31,6% khí đốt được nhập khẩu vào năm 2013.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa mỏ khí mới được phát hiện mới có thể đóng góp cho sản lượng của CNOOC.
“Mặc dù mỏ khí được tìm thấy, nhưng có thể phải mất ít nhất 4 đến 5 năm mới có thể đóng góp cho sản lượng khí đốt nội địa của Trung Quốc, do nước này thiếu hạ tầng cần thiết”, Gordon Kwan, người đứng đầu nghiên cứu năng lượng khu vực tại Viện nghiên cứu Nomura, Nhật, cho hay.
Vũ Quý - Theo: Dân trí