Tàu ngầm Hải Phòng đang về nước, tàu ngầm Đà Nẵng đang chạy thử, còn tàu ngầm Khánh Hoà vừa hạ thuỷ, ngoài ra 2 tàu ngầm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang trực chiến ở Cam Ranh. Những tàu ngầm điện - diesel hiện đại lớp Kilo này của Việt Nam đang khiến Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phải dè chừng.
Tàu ngầm HQ-185 Đà Nẵng đang chạy thử nghiệm trên biển tại St.Petersburg, Nga tháng 12.2014 - Ảnh: diễn đàn VK.com (Nga)
Tàu ngầm Hải Phòng đang về nước, tàu ngầm Đà Nẵng đang chạy thử, còn tàu ngầm Khánh Hoà vừa hạ thuỷ, ngoài ra 2 tàu ngầm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang trực chiến ở Cam Ranh. Những tàu ngầm điện - diesel hiện đại lớp Kilo này của Việt Nam đang khiến Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phải dè chừng.
Theo tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada) xuất bản bằng tiếng Hoa tại Hồng Kông, với tầm bắn tối đa 280 km, các tên lửa Klub-S (3M-14E) của các tàu ngầm Kilo 636.1 của Hải quân Việt Nam có thể khống chế Quảng Đông lẫn đảo Hải Nam, theo bài viết của nhà phân tích Andrei Chang (còn gọi là Pinkov).
Pinkov viết rằng việc trang bị tên lửa 3M-14E của Nga khiến đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam có sức mạnh hơn hẳn các tàu ngầm Kilo của Trung Quốc. Loại tên lửa này chỉ được Nga bán cho Việt Nam, Ấn Độ, Algeria. Tàu ngầm Kilo của Trung Quốc không được trang bị loại tên lửa này của Nga.
Ngoài ra, tàu ngầm Kilo của Việt Nam thuộc thế hệ mới, nên hoạt động êm hơn thế hệ Kilo của Trung Quốc. Nếu có xung đột, các tên lửa Klub-S của tàu ngầm Việt Nam với tầm bắn 280 km, dẫn đường bằng vệ tinh có thể bắn tới bản doanh của Hạm đội Nam Hải tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Còn tên lửa trên tàu ngầm Kilo của Trung Quốc là loại 3M-54E có tầm bắn chỉ 220 km. Như vậy tên lửa từ tàu ngầm Việt Nam đủ sức tấn công các mục tiêu hải quân ở Quảng Đông và Hải Nam, theo Kanwa.
Nga đã chuyển giao hầu hết kỹ thuật cần thiết để Việt Nam tự điều hành hoạt động của tàu ngầm. Khác với Trung Quốc, Việt Nam không có sao chép công nghệ phần cứng của Nga. Hơn nữa, Việt Nam còn có sự hỗ trợ của Ấn Độ khi giúp Việt Nam đào tạo thuỷ thủ tàu ngầm cũng như hoạt động của tàu ngầm vì cùng ở trong vùng nước tương tự.
Để hỗ trợ cho các tàu ngầm Kilo, Việt Nam còn có máy bay Su-30MK2 tại Cam Ranh. Dự kiến đến năm 2015 Việt Nam sẽ có tổng cộng 32 chiếc Su-30MK2 có khả năng tác chiến trên biển.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.Hồ Chí Minh tại Cam Ranh - Ảnh: Duy Khánh
Trang tin Duowei (Trung Quốc) ngày 24.12.2014 cũng có bài viết lo ngại tàu ngầm Việt Nam có thể chặn đứng việc tiếp tế hậu cần của quân đội Trung Quốc tại các đảo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Báo Hoàn Cầu cũng nói rằng Việt Nam đã có 3 tàu ngầm, trang bị tên lửa 3M-14E Klub-S có thể bắn tới Quảng Đông, Hải Nam và có thể tấn công các tàu tiếp tế của Hải quân Trung Quốc bằng ngư lôi GE2-01 hướng dẫn bằng radar.
Tuy nhiên báo Hoàn Cầu cũng tự tin nói hải quân Trung Quốc đã có sẵn biện pháp đối phó tàu ngầm Việt Nam. Đó là việc triển khai 3 tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) mang tên lửa đạn đạo bố trí ở đảo Hải Nam, và thậm chí có thể điều động tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Thương (Type 093) khi cần thiết.
Báo Hoàn Cầu còn dẫn nguồn từ tạp chí Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương (Đài Loan) cho rằng tàu ngầm Việt Nam không được thiết kế để chiến đấu chống tàu ngầm đối phương (?). Hoàn Cầu thời báo còn tự tin cho hay Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm Kilo của Nga một thời gian và có nhiều kinh nghiệm về những nhược điểm của loại tàu ngầm này, nên sẽ có lợi thế hơn so với Việt Nam.
Nói gì đi nữa, thì lợi thế về tác chiến bằng tàu ngầm trên Biển Đông nay không còn của một mình Trung Quốc.
Theo Thanh Niên