“Con gái tôi trốn được về bản thì dân làng nói ra nói vào. Nó khóc vì ở đây mọi người không coi nó là người, họ chê bai và dè bỉu, họ xa lánh và kỳ thị một đứa con gái bị bán sang bên kia biên giới. Về với tôi chẳng được bao lâu, thấy nhục nhã, xấu hổ, không sống được với miệng lưỡi thế gian, nó lại bỏ tôi vượt biên sang bên kia biên giới”, bà vừa kể vừa khóc, tiếng nấc nghẹn đầy đau đớn.
Bữa cơm nghèo khổ của mấy bà cháu.
Gánh nặng cuộc đời
Sinh con ra không mong được đền đáp, phụng dưỡng, người mẹ già bất hạnh chỉ muốn gia đình nhỏ bé của mình được đoàn tụ, quây quần bên con bên cháu, nhưng đó có lẽ mãi chỉ là một ước mơ xa xỉ. Đau đớn, vật vã, hụt hẫng, thất thần vì cô con gái và 3 cô con dâu bị bắt bán sang bên kia biên giới, nhưng bà Hạng Thị Say (62 tuổi, trú tại bản Suối Thầu, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vẫn phải gắng gượng lao động để nuôi một đàn cháu ngây dại. Nhìn khuôn mặt hồn nhiên, vô tư của các em, không ai nghĩ rằng mẹ chúng đã mất tích. Các em còn quá nhỏ để biết được một sự thật phũ phàng rằng, mẹ của chúng đã bị bán sang Trung Quốc.
Thời gian đầu, khi con gái mất tích, bà Say quay cuồng với công việc chăn dê, nuôi gà. Khi những đứa con dâu mất tích, bà lại khốn khổ hơn trong việc chạy vạy tìm lại con dâu, cũng chính là tìm lại vợ cho con trai mình, tìm lại mẹ cho những đứa cháu còn nhỏ dại. Ba anh con trai giờ mới ngoài hai mươi, các anh còn quá trẻ để chịu đựng mất mát. Thế là, người thì bỏ đi làm thuê bốc vác trên núi Fansipang, mỗi đợt đi vài tuần mới về, người ở nhà lao động. Ai cũng trở nên lầm lũi, ít nói.
Lúc những đứa con gái, con dâu mất tích, các cháu của bà Say có đứa còn ẵm ngửa, có đứa mới chập chững biết đi. Những bữa ăn chỉ có cơm trắng trộn ngô với bát rau xào, nhưng với bà, đó đã là một bữa ăn quá tươm tất so với những ngày mưa gió, chỉ có cháo hoa pha loãng ăn với muối trắng hay những ngày chẳng có gì bỏ bụng.
Năm tháng trôi qua, bọn trẻ lớn lên trong vòng tay của bà Say, được bà cho ăn, cho đi học và làm quen với việc không có mẹ. Đã từ rất lâu rồi, những đứa trẻ này không còn được gọi mẹ. Chúng gọi người phụ nữ này là bà nhưng bà của chúng lại đang ngày ngày thực hiện thiên chức của một người mẹ.
Bà tâm sự: “Tôi sống tất cả vì các cháu, thương chúng lắm vì chẳng có bố, có mẹ ở bên. Giờ đây, chúng chỉ biết trông vào tôi, vì vậy dù có ốm đau, tôi vẫn phải đi làm kiếm cho các cháu cái ăn qua ngày, không thì chúng chết đói mất…”.
Chị Mảy Pham – Hội trưởng Hội phụ nữ xã Tả Phìn - trao đổi với phóng viên.
Chẳng dám mơ ngày gia đình đoàn tụ
Chăm những đứa cháu nhỏ mà lòng bà nặng trĩu bởi ẩn sâu trong tâm thức, bà vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ về các con của mình. Cứ thế ngày này sang tháng khác, đứa con gái của bà vẫn không trở về. Năm này qua năm khác, những hàng lệ nóng lăn dài trên gò má bà vẫn chưa bao giờ ngừng rơi. Mỗi khi một đứa con mất tích bà lại đi phóng ảnh rồi mang về nhà, treo lên tường như để thấy các con vẫn hiện hữu.
Mỗi lần một đứa cháu hỏi “mẹ con đâu”, bà chỉ biết ngoảnh mặt đi giấu những giọt nước mắt mà chua xót nói với chúng rằng: “Mẹ của con chết rồi, không về được nữa”. Nỗi lòng người mẹ mất con có lẽ chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Lệ rơi trên mặt có thể dễ dàng lau đi nhưng làm sao có thể xóa đi những vệt nước mắt trong trái tim người mẹ.
Như cỏ xanh ngóng đợi mùa xuân tới, ngày ngày bà chỉ biết ra bậu cửa ngồi, đôi mắt thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định kiếm tìm một điều gì đó. Và rồi những mong mỏi bấy lâu của bà cuối cùng cũng được đền đáp khi Tết 2014, con gái út đã tìm được đường về thăm bà, sau 5 năm biền biệt nơi đất khách. Những tưởng rằng đây sẽ là một kết thúc có hậu cho câu chuyện tìm con dài dằng dặc hơn nửa thập kỷ, ai ngờ mọi chuyện lại chỉ như một cuộc viếng thăm chóng vánh. Ngày đoàn tụ, hai mẹ con ôm nhau khóc ròng vì mấy năm trời xa cách không tin tức. Chỉ đến khi gặp lại con, bà mới biết, con gái bà bị bán sang kia biên giới làm gái mại dâm, sau đó cô được một người đàn ông mua về làm vợ.
“Con gái tôi trốn được về bản thì dân làng nói ra nói vào. Nó khóc vì ở đây mọi người không coi nó là người, họ chê bai và dè bỉu, họ xa lánh và kỳ thị một đứa con gái bị bán sang bên kia biên giới. Nó về với tôi chưa tầy gang thì vì thấy nhục nhã và xấu hổ, thấy không sống được với miệng lưỡi thế gian, nó lại bỏ tôi vượt biên sang bên kia biên giới”, bà vừa kể vừa khóc, tiếng nấc nghẹn đầy đau đớn.
Người mẹ già không đủ sức giữ lại con, không đủ sức chống lại định kiến, không đủ sức bảo vệ con gái trước dư luận, trước ánh mắt dòm ngó của dân làng. Bởi con người ta có thể mạnh mẽ đối diện và vượt qua nghèo khổ, cực nhọc, xấu xí, vất vả, hoàn cảnh, bi kịch nhưng cái làm con người ta gục ngã đôi khi lại là đám đông và thị phi, là một câu nói bâng quơ, là một lời trêu ghẹo, một cái nhìn ác cảm…
Không biết rằng người phụ nữ đã đi qua hơn nửa đời người này còn ở lại nhân thế cùng các cháu bao lâu nữa, nhưng câu nói cuối cùng của bà trong cuộc trò chuyện đầy nước mắt khiến chúng tôi không thể nào quên: “Tôi sẽ tiếp tục tìm các con để chúng được trở về đoàn tụ với gia đình, để các cháu của tôi có mẹ, để các con trai tôi có vợ và để tôi cũng có con. Tôi sẽ tìm cho đến khi nào chân không đi được, mắt không thấy được nữa mới thôi. Cái tôi lo chỉ là mình đã già, không biết sống chết thế nào. Nếu đến lúc đó mà vẫn chưa tìm được con dâu, con gái thì những đứa cháu tội nghiệp của tôi sẽ ra sao…”.
Sinh con ra không mong được đền đáp hay phụng dưỡng, người mẹ già bất hạnh chỉ muốn gia đình nhỏ bé của mình có được ngày đoàn tụ, quây quần bên con bên cháu. Nhưng có lẽ, đó mãi mãi chỉ là một ước mơ quá xa xỉ.
Bà Mảy Pham - Hội trưởng hội phụ nữ xã Tả Phìn - cho biết: “Mỗi năm, có tới hàng trăm người phụ nữ ở đây bị lừa bán sang Trung Quốc. Có người may mắn quay về được thì cũng rất khó sống vì định kiến xã hội. Người ta cho rằng, phụ nữ khi bị bán sang bên kia làm gái rồi là không trong sạch, họ sẽ tự động xa lánh và biệt lập những nạn nhân xấu số ấy. Vì vậy, số phận những người phụ nữ dù có trở về được bản rồi thì vẫn phải đối diện với những lời thị phi, ác cảm”.
Theo: LĐ