“Việc sửa đổi tội hối lộ trong bộ luật Hình sự tới đây sẽ điều chỉnh mở rộng theo hướng của hối lộ không chỉ lợi ích vật chất là tiền, tài sản mà con bao gồm cả những giá trị phi vật chất như tình dục, danh hiệu thi đua, quyền chức, chỗ học cho con ở trường tốt...”.
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương - Ảnh: Thái Sơn
Thông tin trên được ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong bộ luật Hình sự năm 1999” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN tổ chức ngày 29.10.
BLHS hiện hành chỉ quy định của hối lộ là vật chất nhưng trên thực tế có nhiều lợi ích khác không thua kém, là lợi ích phi vật chất như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu..., thậm chí cả vấn đề nhạy cảm như hối lộ tình dục. Mở rộng phạm vi này để toàn diện, phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng chống tội phạm tham nhũng hiện nay
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương
Theo ông Khánh, trong đường lối sửa đổi bộ luật Hình sự (BLHS) tới đây đã và đang tính toán đưa vào nhiều quy định được coi là bước đột phá. Trong đó, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như chuẩn mực quốc tế, BLHS sửa đổi sẽ mở rộng đối tượng đưa nhận hối lộ, gồm cả công chức nước ngoài. Trên thực tế, tại VN vừa qua đã xảy ra vụ hối lộ ở ngành đường sắt, đối tượng đưa hối lộ ở nước ngoài nhưng đối tượng nhận hối lộ ở trong nước.
Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư. “Hiện nay, loại hình hợp tác công tư đang rất lớn, thậm chí xuyên quốc gia, nên tác động của chủ thể tư nhân, kinh tế tư nhân với các chủ thể kinh tế nhà nước vẫn liên kết chặt chẽ, nếu không chống tham nhũng ở lĩnh vực tư sẽ tạo ra khoảng trống vi phạm pháp luật, từ lĩnh vực tư này sẽ tác động đến lĩnh vực công”, ông Khánh nói.
Đáng chú ý, ông Khánh cho biết cơ quan soạn thảo BLHS đang tính toán mở rộng khái niệm “của hối lộ”. “BLHS hiện hành chỉ quy định của hối lộ là vật chất nhưng trên thực tế có nhiều lợi ích khác không thua kém, là lợi ích phi vật chất như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu..., thậm chí cả vấn đề nhạy cảm như hối lộ tình dục. Mở rộng phạm vi này để toàn diện, phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng chống tội phạm tham nhũng hiện nay”, ông Khánh nói.
Nhận 1 đồng hối lộ cũng xử lý
Tại hội thảo, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng thì không nên truy cứu trách nhiệm hình sự người đưa hối lộ mà chỉ xử lý người nhận hối lộ. “Tôi nghĩ là chúng ta nên mạnh dạn bỏ đi. Nếu người đưa và nhận hối lộ đã đi đêm với nhau rồi mà bây giờ chúng ta đi tìm để truy tố truy cứu trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích chống tham nhũng. Tất nhiên nếu bỏ sẽ có chuyện lợi dụng này kia để bôi nhọ cán bộ thì chúng ta nên tính toán thêm cho phù hợp”, ông Khiển nói và đề xuất bỏ cả định lượng tiền truy cứu tội hối lộ (2 triệu đồng) để phù hợp với thực tế.
“Chúng ta sửa đổi bộ luật này với mục đích lập lại trật tự kỷ cương quản lý của nhà nước nhưng một khi còn để tội hối lộ như thế này thì còn làm méo mó, lệch lạc hết chủ trương chính sách đúng đắn của nhà nước, tha hóa cán bộ”. Nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng không cần thiết lượng hóa, mà cứ liên quan đến lợi ích, nhận 1 đồng hối lộ là xử lý, bởi việc xử lý tội nhận hối lộ không chỉ mỗi hình phạt tù mà còn các hình phạt khác như cảnh cáo...
Đề cập đến trách nhiệm pháp nhân đối với tội hối lộ, TS Vũ Đức Khiển và GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh tế Asian, cho biết trước đây khi tham gia Ban Soạn thảo BLHS và sửa đổi đã có nhiều ý kiến đề nghị đưa vào nhưng “cuối cùng bị bật ra. “Lý do là vì chúng ta có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp của tổ chức Đảng nên khi bắt nhận trách nhiệm thì nhiều người không đồng ý. Đã đến lúc vì sự nghiệp phát triển của đất nước đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn thay đổi”, ông Hạnh nói.
Đồng tình vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Khánh cho biết ban soạn thảo đã tính toán phương án không chỉ xử lý người trực tiếp đưa hối lộ mà xử lý cả những người hậu thuẫn, kể cả đối với quyết định tập thể, pháp nhân.
Trao đổi với các chuyên gia, ông Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp, cơ quan được giao chấp bút sửa đổi BLHS, cho biết về khung hình phạt không thể bỏ tù được pháp nhân mà chỉ áp dụng phạt tiền hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, trước mắt chỉ giới hạn áp dụng đối với pháp nhân kinh tế.
Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng
Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, ý kiến nhiều đại biểu bức xúc đối với việc thu hồi đạt quá thấp, chưa đầy 1/3 so với thực tế. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra trong giai đoạn từ tháng 10.2010 đến 4.2013 khoảng 17.000 tỉ đồng nhưng số tiền thu hồi được chỉ gần 5.000 tỉ đồng.
Theo ông Trần Văn Dũng, ban soạn thảo đã tính 2 phương án. Thứ nhất là thực hiện thu hồi tài sản theo bản án hình sự. Thứ hai là theo cơ chế dân sự, nếu công chức không chứng minh được tài sản xuất phát từ nguồn gốc bất hợp pháp thì cho phép Viện KSND đại diện lợi ích xã hội khởi kiện dân sự ra tòa. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết hiện có khá nhiều ý kiến băn khoăn vì có thể rất nhiều người không thể chứng minh được nguồn gốc tài sản, nên trước mắt chỉ áp dụng ở diện hẹp, tức là khởi kiện đối với những người bị kết án hoặc tình nghi phạm tội về tham nhũng, buôn lậu hoặc các trường hợp làm giàu bất chính hoặc cả đối với người thân của các đối tượng này.